Các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức của sinh viên các trường đại học tư thục tại TP. Hồ Chí Minh

PGS.TS Nguyễn Duy Thục
Trường Đại học Văn Lang
ThS. Nguyễn Phương Quỳnh
Trường Đại học Hoa Sen
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lĩnh vực giáo dục đại học, cơ chế chia sẻ tri thức rất cần được quan tâm, bởi chia sẻ tri thức luôn nâng cao hiệu quả học tập và nghiên cứu của sinh viên. Nghiên cứu đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức của sinh viên qua khảo sát 1.053 sinh viên ở các trường đại học tư thục tại TP. Hồ Chí Minh. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số hàm ý nhằm tăng cường yếu tố chia sẻ tri thức của sinh viên trong các trường đại học.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Tri thức là một trong những động lực quan trọng của quá trình phát triển của một quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Tri thức được coi là tài sản quý giá, là yếu tố sản xuất (vốn con người), cùng với vốn tài chính, đất đai và lao động (Nassuora, 2011). Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4,0, cơ chế chia sẻ tri thức hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các cá nhân, tổ chức và xã hội. Theo đó, các yếu tố tác động đến hành vi chia sẻ tri thức đã trở thành chủ đề được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Bài viết xác định thực nghiệm các nhân tố ảnh hưởng, xây dựng và kiểm định mô hình đánh giá chia sẻ tri thức của sinh viên đại học tư thục tại TP. Hồ Chí Minh. Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất hàm ý cho các trường đại học có các giải pháp thúc đẩy hơn nữa việc chia sẻ tri thức trong sinh viên.

Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

Hooff và Ridder (2004) định nghĩa: chia sẻ tri thức là một quá trình mà các cá nhân trao đổi tri thức tiềm ẩn và tri thức hiện hữu để tạo ra tri thức mới. Theo Hooff và Ridder, cho, tặng tri thức là việc một cá nhân giao tiếp với người khác về vốn trí tuệ của mình, thu nhận tri thức là việc một cá nhân hỏi ý kiến đồng nghiệp để tiếp thu vốn trí tuệ của họ. Liao, To, và Hsu (2013) định nghĩa chia sẻ tri thức như một sự chia sẻ cộng đồng liên quan đến thông tin, ý tưởng, những gợi ý hay những kiến thức chuyên môn của mỗi người. Như vậy, có thể hiểu chia sẻ tri thức là quá trình cho và nhận tri thức, làm cho tri thức có thể được nâng lên và tái sử dụng bởi những người khác.

Nghiên cứu các nhân tố tác động đến hành vi chia sẻ tri thức giữa các sinh viên đại học, Ong và cộng sự(2011) chỉ ra tác động mạnh mẽ của cơ chế khen thưởng đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên đại học tại Malaysia. Zaqout & Abbas (2012) nhấn mạnh vai trò của niềm tin và hệ thống công nghệ thông tin đối với hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên khi nghiên cứu tại trường Đại học Universiti Sains, Malaysia. Al-alawi và cộng sự (2007), chỉ ra ngoài các nhân tố như: phần thưởng, niềm tin, các vấn đề về giao tiếp, cơ cấu tổ chức thì công nghệ thông tin được coi là yếu tố quan trọng để hạ thấp các rào cản đối với việc chia sẻ tri thứccủa sinh viên. Chong và cộng sự (2014) nghiên cứu về chia sẻ tri thức giữa sinh viên đại học tại Malaysia, đưa ra 5 yếu tố tác động tích cực đến chia sẻ tri thức là: hướng ngoại, tận tâm, sự hỗ trợ của giảng viên, mức độ cạnh tranh, công nghệ sẵn có; và 2 yếu tố có tác động tiêu cực là n định cảm xúc và công nghệ hỗ trợ. 

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây có một số nghiên cứu về hành vi chia sẻ tri thức trong các trường đại học. Nguyễn Kế Nghĩa và cộng sự (2021) đã khảo sát 517 sinh viên đại học tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa các yếu tố: niềm tin, năng lực bản thân về kiến thức, hỗ trợ của trường đại học, hỗ trợ của giảng viên, môi trường vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ, sử dụng công cụ công nghệ thông tin – truyền thông với chia sẻ kiến thức của sinh viên. Nghiên cứu của Quan Hán Xương & Trần Trung Kiên(2020) chỉ ra các yếu tố: hạ tầng, công nghệ thông tin, niềm tin vào tri thức bản thân, làm việc nhóm và văn hóa nhà trường tác động mạnh đến hoạt động hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức giữa sinh viên đại học tư thục ở TP. Hồ Chí Minh. Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã khảo sát 1.053 sinh viên bằng câu hỏi để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc chia sẻ tri thức giữa các sinh viên. Từ kết quả nghiên cứu, đưa ra một số hàm ý đối với các trường đại học nhằm tăng cường quá trình chia sẻ tri thức giữa các sinh viên.

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được đề xuất dựa trên cơ sở các nghiên cứu trên. Nhân tố các học phần đào tạo trong nhà trường ngày càng ảnh hưởng nhiều đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên cần đưa thành mục riêng. Hơn nữa, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhân tố này còn chịu hưởng của nhân tố công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh. Vì thế, đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Tính hướng ngoại: tính hướng ngoại của một người được biểu hiện qua những đặc trưng như: chủ động, quyết đoán, năng động, thích mạo hiểm và giao tiếp. Những cá nhân có tính hướng ngoại cao có xu hướng thích giao tiếp, nhiệt tình, tràn đầy năng lượng và sống tích cực. Các nghiên cứu trước đây cho thấy có sự ảnh hưởng tích cực của tính hướng ngoại đến việc chia sẻ tri thức của sinh viên (Chong và cộng sự, 2014). Dựa trên vào các nghiên cứu trước, giả thuyết H1 là có mối quan hệ tích cực giữa tính hướng ngoại và chia sẻ tri thức của sinh viên đại học. 

Tận tâm: theo Barrick & Mount (1991) mô tả những đặc điểm của sự tận tâm của một người là đáng tin cậy, có trách nhiệm, có tổ chức, có mục tiêu, chu đáo và chăm chỉ làm việc. Những người tận tâm thường có tinh thần trách nhiệm cao, họ có định hướng thành tích, có động lực để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, họ được kỳ vọng đạt được thành tích cao trong công việc, tập trung và chủ động trong giải quyết vấn đề. Với những đặc điểm này, người có tính tậm tâm cao được mong đợi sẽ sẵn sàng tham gia chia sẻ tri thức với những người khác. Vì vậy, giả thuyết H2 là có mối quan hệ tích cực giữa tận tâm và chia sẻ tri thức của sinh viên đại học.

Niềm tin: tin tưởng là đặt niềm tin của một người vào người khác trong một mối quan hệ xã hội. Tin tưởng là tiền đề của sự hợp tác, là yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ. Niềm tin được cho là có ảnh hưởng đến việc chia sẻ tri thức của mọi người (Bulan & Sensuse, 2012). Do đó, càng tin tưởng người khác thì càng có nhiều khả năng chia sẻ kiến thức với người khác. Giả thuyết H3 là có mối quan hệ tích cực giữa niềm tin và chia sẻ tri thức của sinh viên đại học.

Phần thưởng: được hiểu là những lợi ích vật chất như tiền thưởng hoặc những thức khác (đây được xem là phần thưởng hiện vật). Còn phần thưởng tinh thần thường là niềm vui, sự hài lòng khi nhận được kiến thức mới, hay là sự công nhận của người khác. Đồng thời, sự kỳ vọng của một cá nhân khi kiến thức mà họ chia sẻ với người khác là hữu ích, điều này cũng khuyến khích sự chia sẻ tri thức (Bock & Kim, 2005). Trong môi trường giáo dục, phần thưởng được xem xét là những phần thưởng tinh thần, khi một cá nhân nhận được những tri thức quý giá từ người khác, hoặc sự công nhận, ghi nhận từ người khác, hoặc sự kỳ vọng kiến thức mà họ chuyển giao cho người khác sẽ hữu ích, thì họ sẵn sàng tham gia chia sẻ tri thức với nhau. Giả thuyết H4 được đưa ra là có mối quan hệ tích cực giữa phần thưởng và chia sẻ tri thức của sinh viên đại học. 

Các học phần đào tạonăng lực bản thân về kiến thức là khả năng áp dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc. Kiến thức có thể giúp thúc đẩy mọi người chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp(Bulan & Sensuse, 2012; Nguyen và cộng sự, 2019). Theo Chen và cộng sự (2007), thái độ tích cực của giảng viên có mối quan hệ tích cực đến chia sẻ tri thức của sinh viên. Trong quá trình học tập các môn học, kiến thức và kỹ năng là nền tảng để sinh viên chia sẻ tri thức. Mặt khác, phương pháp được sử dụng trong đào tạo, môi trường học tập cũng giúp sinh viên tăng cường chia sẻ tri thức (Wangpipatwong, 2009). Theo đó, giả thuyết H5 có mối quan hệ tích cực giữa các học phần đào tạo trong trường đại học và chia sẻ tri thức của sinh viên.

Công nghệ thông tin: nhiều nghiên cứu đều cho rằng việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình tạo mới, tổ chức, lưu trữ, phân phối và chia sẻ tri thức sẽ đảm bảo đạt được các mục tiêu quản lý tri thức. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy có mối quan hệ giữa công nghệ thông tin và chia sẻ tri thức (Wangpipatwong, 2009; Chong và cộng sự, 2014). Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kết hợp các ứng dụng công nghệ mới càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ tri thức. Vì vậy, giả thuyết H6 là có mối quan hệ tích cực giữa công nghệ thông tin và chia sẻ tri thức giữa các sinh viên đại học.

Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin luôn được khai thác để làm tăng hiệu quả trong giáo dục đào tạo,nhất là giáo dục đại học (Chakraborty.D và cộng sự. 2018). Các học phần đào tạo của các trường đại học hiện nay hầu hết đều có những nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Nhờ sử dụng công nghệ thông tin mà hiệu quả học tập các học phần của các sinh viên được tăng lên rõ rệt. Vì thế, chúng tôi đề xuất giả thuyết H7 là có mối quan hệ tích cực giữa công nghệ thông tin và các học phần đào tạo của các sinh viên đại học.

Phương pháp nghiên cứu

Để thu thập dữ liệu nghiên cứu, đã tiến hành khảo sát 1.053 sinh viên đang học tại các trường đại học tư thục tại TP. Hồ Chí Minh. Bảng khảo sát bao gồm hai phần chính. Phần đầu đại diện cho các câu hỏi nhân khẩu học: giới tính, nhóm ngành học, năm học. Phần thứ hai chứa các mục đại diện cho các biến; chia sẻ tri thức (5 biến quan sát);  hướng ngoại (6 biến quan sát); tận tâm (5 biến quan sát); niềm tin (5 biến quan sát); các học phần đào tạo (5 biến quan sát); phần thưởng (3 biến quan sát); công nghệ thông tin (3 biến quan sát). Bảng câu hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức độ từ 1- Rất không đồng ý đến 5- Rất đồng ý.

Nghiên cứu sử dụng phần mềm Smart PLS 3.3 để đánh giá mô hình. Phần phân tích định lượng được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm hai phần. Đầu tiên là kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy của các thang đo trong mô hình đo lường. Phần thứ hai là kiểm tra hệ số đường dẫn của mô hình cấu trúc, đánh giá mô hình cấu trúcvà kiểm tra giả thuyết. 

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả mẫu

Kết quả đánh giá mô hình đo lường.

Việc đánh giá mô hình đo lường nhằm mục đích xác nhận độ tin cậy và hiệu lực của các cấu trúc và kích thước của chúng. Theo Hair và cộng sự (2017), các giá trị hệ số Cronbach’salpha trên 0,60 và tốt hơn là trên 0,70 được coi là phù hợp trong nghiên cứu khám phá và các giá trị từ 0,70 đối với độ tin cậy tổng hợp (CR)được coi là thỏa đáng. Các chỉ số có hệ số tải trên 0,60 được coi là phù hợp. Phương sai trung bình được trích xuất (AVE) cho các cấu trúc lớn hơn 0,5, cho thấy giá trị hội tụ tốt.

Công cụ được đánh giá về tính hợp lệ của cấu trúc và tính nhất quán bên trong. Tính nhất quán bên trong mô tả mức độ chặt chẽ của các biến quan sát trong đo lường cùng một cấu trúc. Sau khi bỏ bớt các biến quan sát không phù hợp: thang đo nhân tố hướng ngoại gồm 3 biến quan sát (Cronbach’salpha- CA = 0,721); thang đo tận tâm gồm 4 biến quan sát (CA = 0,718); niềm tin gồm 3 biến quan sát (CA = 0,728); phần thưởng gồm ba biến quan sát (CA = 0,716); các học phần đào tạo gồm bốn biến quan sát (CA = 0,764); công nghệ thông tin gồm ba biến quan sát (CA = 0,780) và thang đo chia sẻ tri thức gồm bốn biến quan sát (CA = 0,758). Từ kết quả đó thể hiện tính nhất quán bên trong được bảo đảm. Bảng 2 cho thấy hệ số tải, hệ số Cronbach’salpha, độ tin cậy tổng hợp (CR) và phương sai trung bình được trích xuất (AVE).

Phương sai trung bình được trích xuất (AVE) và độ tin cậy tổng hợp (CR) của tất cả các cấu trúc đều cao hơn các giá trị được đề xuất lần lượt là lớn hơn 0,50 và lớn hơn 0,70. Do đó, giá trị hội tụ và độ tin cậy được khẳng định. 

Tương tự, giá trị phân biệt cũng được tính toán ở  bảng 3 theo tiêu chí của Fornell và Larcker (1981).Nếu căn bậc hai AVE của của các biến tiềm ẩn lớn hơn trị tuyệt đối hệ số tương quan của biến đó với các biến khác, thì tính phân biệt thang đo được bảo đảm.

Dữ liệu trên đường chéo (in đậm) là căn bậc hai của AVE, các giá trị khác là tương quan với các cấu trúc khác. Từ bảng 3, các biến công nghệ thông tin; chia sẻ tri thức; hướng ngoại; học phần đào tạo; niềm tin; phần thưởng; tận tâm đều bảo đảm tính phân biệt.

Một tiêu chuẩn đánh giá tính phân biệt khác là chỉ số HTMT, để đánh giá tính phân biệt của các nhân tố(Hair et al., 2019). Từ bảng 4 cho thấy, tất cả các giá trị phân biệt bằng HTMT theo từng cặp thang đo, đều nhỏ hơn 0,90. Nên mô hình đo lường đáp ứng yêu cầu về tính phân biệt.

Với các số liệu được đánh giá ở trên, mô hình đề xuất bảo đảm tất cả các yêu cầu của một mô hình đo lường trong nghiên cứu này. 

Kết quả mô hình ước lượng

Đầu tiên, chúng tôi đánh giá đa cộng tuyến sử dụng hệ số (VIF). Điểm số của các cấu trúc yếu tố dự báo phù hợp với tiêu chí VIF dưới 5 (Hair et al. 2019), có thể được quan sát trong bảng 5. Kết luận mô hình không có đa cộng tuyến.

Nghiên cứu đã kiểm tra quy mô và tầm quan trọng của các hệ số đường dẫn đại diện cho các giả thuyết nghiên cứu. Theo Hair và cộng sự (2019), mức ý nghĩa của các hệ số đường dẫn thu được bằng cách sử dụng quy trình bootstrap (với 1000 mẫu bootstrap).

Kết quả ở bảng 4 cho thấy với mức ý nghĩa 5%, các hệ số hồi quy ước lượng đều dương và Pvalue đều nhỏ hơn 0,05 cho thấy các nhân tố tiềm ẩn đều có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến việc chia sẻ tri thức (Hi, i = 1,2,3,4,5,6). Giả thuyết H7 (β = 0,620) cho thấy, công nghệ thông tin có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến các học phần đào tạo.

Khi xem xét các giá trị của hệ số tác động chuẩn hóa của dữ liệu gốc (Original Sample), tư thục tại TP.Hồ Chí minh được xếp theo thứ tự: công nghệ thông tin (0,243=0,115+0,62*0,207) tác động mạnh nhất, tiếp sau là các học phần đào tạo (0,207); tận tâm (0,180); phần thưởng (0,179); niềm tin (0,110); hướng ngoại(0,095).  

R² đánh giá phần phương sai của các biến nội sinh mà cấu trúc giải thích được. Kết quả thể hiện trong hình 2 các nhân tố ảnh hưởng đã giải thích được 49,8% chia sẻ tri thức của sinh viên.

Một số hàm ý đề xuất

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số hàm ý cho các trường đại học để nâng cao năng lực chia sẻ tri thức của sinh viên.

Một là, phát huy yếu tố công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin được xem là công cụ hữu ích trong việc quản lý dữ liệu, hỗ trợ quá trình tìm kiếm, lưu trữ, là phương tiện hỗ trợ kết nối những cá nhân sở hữu tri thức với nhau. Để phát huy yếu tố công nghệ thông tin, bên cạnh đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để sinh viên nhanh chóng nắm bắt thông tin, xu hướng mới, thì nhà trường nên tổ chức hệ thống thư viện trực tuyến, các diễn đàn, cộng đồng mạng ảo với sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhànghiên cứu, giảng viên. Nhà trường xây dựng được môi trường số trong học tập và sinh hoạt không những làm tăng hiệu quả hoạt động của trường mà còn thúc đẩy sinh viên mạnh dạn chia sẻ và tiếp nhận tri thức mới. 

Hai là, tăng cường chia sẻ tri thức thông qua các học phần đào tạoGiảng viên cùng phương pháp dạy học và cách thức tổ chức hoạt động giảng dạy có tác động đến việc truyền đạt tri thức giữa giảng viên và sinh viên cũng như tác động đến chia sẻ tri thức giữa sinh viên với nhau. Vì vậy, giảng viên khuyến khích và yêu cầu sinh viên tự nguyện chia sẻ tri thức thông qua các hình thức thảo luận, đóng góp ý kiến và chia sẻ quan điểm cá nhân. Các giảng viên nên tăng cường các phương pháp dạy học hiện đại: lớp học đảo ngược, học tập theo vần đề, học tập theo dự án…, đồng thời với sử dụng công nghệ thông tin và phần mềm phù hợp để đạt được hiệu quả cao trong đào tạo. 

Ba là, nâng cao tính tận tâm của sinh viên. Tận tâm là làm việc hết trách nhiệm và hết khả năng của bản thân để đạt được kết quả và dám chịu trách nhiệm cho việc đã làm. Nhà trường cần đánh giá thực lực của sinh viên, nhận biết những ưu điểm và nhược điểm của sinh viên, từ đó, cần tập cho sinh viên thói quen lập kế hoạch, quản lý thời gian, quản lý tiến độ thực hiện kế hoạch và tinh thần làm việc có trách nhiệm nhằm nâng cao tính tận tâm và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa sinh viên với nhau.

Kết luận

Bài viết xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức của sinh viên trong trong các trường đại học tư thục tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đã chứng minh bằng thực nghiệm mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa công nghệ thông tin và các học phần đào tạo. Nghiên cứu cũng khẳng định công nghệ thông tin không những có tác động trực tiếp đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên mà còn ảnh hưởng thông qua các học phần đào tạo tác động đến chia sẻ tri thức của sinh viên. Nghiên cứu này cung cấp thêm một khuôn khổ, thảo luận các vấn đề, xác định ý nghĩa thực tiễn và nhu cầu nghiên cứu cho tương lai liên quan đến chia sẻ tri thức của sinh viên. 

Tài liệu tham khảo:
1. Agyemang, F. G., Dzandu, M. D., & Boateng, H. (2016). Knowledge sharing among teachers: the role of the Big Five Personality traits. VINE Journal of Information and Knowledge Management Systems, 46(1), 64-84. doi:doi:10.1108/VJIKMS-12-2014-0066.
2. Al-Alawi, A. I., Al-Marzooqi, N. Y., & Mohammed, Y.F. (2007). Organizational culture and knowledge sharing: critical success factors. Journal of knowledge management, 11(2), 22-42.
3. Barrick, M. R., & Mount, M. K. (1991). The big five personality dimensions and job performance: a meta’analysis. Personnel psychology, 44 (1), 1-26.
4. Bock, G.-W., Zmud, R. W., Kim, Y.-G., & Lee, J.-N. (2005). Behavioral intention formation in knowledge sharing: Examining the roles of extrinsic motivators, social-psychological forces, and organizational climate. MIS quarterly, 87-111.
5. Bulan, S. J., & Sensuse, D. I. (2012). Knowledge sharing model among academic staffs in universities. Journal of Information Systems, 8(2), 133-139. 
6. Chakraborty, D., Dhara, S. K., & Santra, A. (2018). Effectiveness of ICT in Strengthening the Process of Higher Education System in India.
7. Chen, C. W., Chang, M. L., Tseng, C. P., & Chen, B. C. (2007). Critical human factor evaluation of knowledge sharing intention in taiwanese enterprises. Human Factors and Ergonomics in Manufacturing, 17(5), 435-443.
8. Chong, C. W., Teh, P. L., & Tan, B. C. (2014). Knowledge sharing among Malaysian universities’ students: do personality traits, class room and technological factors matter? Educational Studies, 40(1), 1-25.
9. Fornell, Claes, and David F. Larcker. 1981. Evaluating Structural Equation Models with Unobservable Variables and Measurement Error. Journal of Marketing Research This 18: 39–50. [CrossRef].
10. Hair, Jeffrey Risher, Marko Sarstedt, and Christian M. Ringle. 2019. When to Use and How to Report the Results of PLS-SEM Abstract. European Business Review 31: 2–24. [CrossRef].
11. Hair, Joseph F., Jr., Tomas M. Hult, Christian M. Ringle, and Marko Sarstedt. 2017. A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM). Edited by Sage Publications. Thousand Oaks: Sage.
12. Hooff, B. V. D., & Ridder, J. A. D. (2004). Knowledge sharing in context: The influence of organizational commitment, communication climate and CMC usage on knowledge sharing. Journal of Knowledge Management, 8(6), 117-30.
13. Ke Nghia NGUYEN, Thi Dong DO, (2021). Factors influencing knowledge shering in higher education: An Empirical study of students in VietNam. Journal Of Organizational Behavior Research, Cilt/Vol.: 6, Sayı/Is.: 2, Yıl/Year: 2021, Sayfa/Pages: 134-151. https://doi.org/10.51847/LJZB9XoP0F.
14. Jahani, S., Ramayah, T., & Effendi, A. A. (2011). Is reward system and leadership important in knowledge sharing among academics. American Journal of Economics and Business Administration, 3 (1), 87-94.
15. Liao, C., To, P. -L., & Hsu, F. -C. (2013). Exploring knowledge sharing in virtual communities. Online Information Review, 37(6), 891-909.
16. Moghavvemi, S., Sharabati, M., Paramanathan, T., & Rahin, N. M. (2017). The impact of perceived enjoyment, perceived reciprocal benefits and knowledge power on students’ knowledge sharing through Facebook. International Journal of Management Education, 15(1), 1–12. https://doi.org/10.1016/j.ijme.2016.11.002
17. Nassuora, A. (2011). Knowledge sharing in institutions of higher learning. International Journal of Economics & Management Sciences, 1(1), 29-36.
18. Nguyen, T., Nguyen, K., & Do, T. (2019). Knowledge sharing and innovative work behavior: The case of Vietnam. Uncertain Supply Chain Management7(4), 619-634.
19. Ke Nghia NGUYEN, Thi Dong DO, (2021). Factors influencing knowledge shering in higher education: An Empirical study of students in VietNam. Journal Of Organizational Behavior Research, Cilt / Vol.: 6, Sayı / Is.: 2, Yıl/Year: 2021, Sayfa/Pages: 134-151. https://doi.org/10.51847/LJZB9XoP0F.
20. Ong, H.-B., Yeap, P.-F., Tan, S.-H., & Chong, L.-L. (2011). Factors influencing knowledge sharing among undergraduate students: A Malaysian perspective. Industry and Higher Education, 25(2), 133-140.
21. Rahman, M. S., & Hussain, B. (2014). The impact of trust, motivation and rewards on knowledge sharing attitudes among the secondary and higher secondary level students evidence from Bangladesh. Library Review, 63(8/9), 637-652.
22. Wangpipatwong, S. (2009, November). Factors influencing knowledge sharing among university students. In Proceedings of the 17th International Conference on Computers in Education (pp. 800-807). Hong Kong: Asia-Pacific Society for Computers in Education.
23. Zaqout, F., & Abbas, M. (2012). Towards a model for understanding the influence of the factors that stimulate university students’ engagement and performance in knowledge sharing. Library Review, 61(5), 345-361.
24. Giải pháp thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. https://tapchicongthuong.vn, ngày 11/01/2020.