Một số mô hình chuyển đổi số nông thôn trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

TS. Đỗ Thị Phương Hoa
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn là một xu hướng tất yếu, khách quan trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình làng kỹ thuật số, điển hình là ở Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các mô hình này đã cung cấp những kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số nông thôn ở Việt Nam. Bài viết tập trung giới thiệu một số mô hình chuyển đổi số nông thôn biểu trên thế giới, liên hệ đến quá trình chuyển đổi số nông thôn ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên số với ba trụ cột là: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chuyển đổi số nông thôn là một xu hướng tất yếu, khách quan. Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: (1) phát triển chính quyền số ở nông thôn; (2) phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (3) phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. 

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cuộc sống giữa nông thôn – thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Chuyển đổi số đóng góp vào sự phát triển nông thôn mới bằng cách cung cấp các công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cải thiện quản lý tài nguyên và môi trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn. Xây dựng xã nông thôn mới thông minh và phát triển thương mại điện tử là mục tiêu hướng tới để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng nông thôn.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số nông thôn đã diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, hình thành nên những “ngôi làng thông minh”, “làng kỹ thuật số”. Tiêu biểu là mô hình làng kỹ thuật số ở Đức, mô hình làng kỹ thuật số ở Ấn Độ; mô hình làng mạng thông tin ở Hàn Quốc, mô hình làng Tao bao ở Trung Quốc… Những mô hình này đã mang lại cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý giá cho quá trình chuyển đổi số nông thôn ở nước ta trong giai đoạn mới.

Các mô hình chuyển đổi số nông thôn tiêu biểu trên thế giới

(1) Mô hình làng kỹ thuật số ở Đức.

Dự án “Làng kỹ thuật số” của Đức do Bộ Nội vụ và Thể thao vùng Rhineland-Palatinate (Đức) và Viện Fraunhofer (IESE) khởi xướng vào mùa hè năm 2015, kéo dài đến năm 2019, với kinh phí tính khoảng 4,5 triệu euro1. Mục tiêu chính của dự án bao gồm: một là, khuyến khích sự đổi mới trong hệ sinh thái nông thôn: xây dựng Làng kỹ thuật số nhằm mục đích tăng giá trị cho hệ sinh thái nông thôn bằng các giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số; hai là, xây dựng các giải pháp liên ngành để duy trì và vận hành các giải pháp kỹ thuật số ở khu vực nông thôn, ba là, xây dựng văn hóa hợp tác giữa cư dân – chính quyền địa phương – ngành công nghiệp địa phương; bốn là, xây dựng các giải pháp bền vững; năm là, phát triển các giải pháp kỹ thuật số với chi phí phù hợp; sáu là, phát triển giải pháp số với giá cả hợp lý.

Đi đầu trong chương trình là sự chuyển đổi số của ba cộng đồng: Eisenberg, Gollheim và Beztdorf-Gabhardshain. Dự án Làng kỹ thuật số ở Đức đã sử dụng phương pháp tiếp cận thí điểm, xây dựng kịch bản về sản phẩm và dịch vụ địa phương dựa trên thị trường trực tuyến địa phương (BestellBar), nơi các nhà cung cấp địa phương có thể bán sản phẩm của họ trực tuyến. Các nhà cung cấp tham gia gồm các tiệm bánh địa phương, trang trại hữu cơ, nông dân trồng rau, siêu thị thông thường cũng như các nhà cung cấp phi thực phẩm, chẳng hạn như cửa hàng thể thao, nhà thuốc, hiệu thuốc, tiệm giặt là, cửa hàng sách và thư viện, chỉ kể tên một số. Sau khi đơn hàng được đăng ký, hệ thống sẽ tạo việc giao hàng mà các tình nguyện viên có thể trợ giúp bằng cách sử dụng ứng dụng di động (LieferBar). Ý tưởng là những người đi trên tuyến đường được yêu cầu có thể giao một bưu kiện cho hàng xóm của họ. BestellBar và LieferBar là những ứng dụng đầu tiên được sử dụng vào năm 2016. Để thúc đẩy việc giao hàng tự nguyện, việc tham gia có thể kiếm được cái gọi là DigiTaler (một loại tiền ảo) mà họ có thể chi tiêu cho các phần khác của hệ thống để nhận được lợi ích.

Các dịch vụ được phát triển bao gồm DorfNews, một cổng thông tin địa phương, cho phép các chính quyền thành phố thông báo nhanh chóng cho người dân về các tin tức và sự kiện địa phương. Nó cũng có thể được truy cập bởi các phóng viên, câu lạc bộ và tổ chức địa phương, đồng thời tự động tích hợp các nguồn tin tức hiện có từ web và phương tiện truyền thông xã hội. Ứng dụng DorfFunk đã mở rộng hệ thống tin tức này thành giải pháp “ngôi làng của tôi trong túi”, giúp có thể cung cấp tất cả tin tức cho khu vực ở một nơi. DorfFunk là điểm truy cập chính vào các làng kỹ thuật số, nơi người dùng có thể tìm thấy thông tin về các sự kiện địa phương, tổ chức tập hợp xe, cung cấp dịch vụ của họ cho cộng đồng và hơn thế nữa. Dự án Làng kỹ thuật số không chỉ cách mạng hóa giao tiếp giữa người dân mà còn giữa người dân và chính quyền địa phương.

Tất cả những điều này được thực hiện nhờ một nền tảng thống nhất kết nối các làng và cộng đồng một cách thông minh. Nền tảng kỹ thuật số được nhúng như một phần của Hệ sinh thái Làng kỹ thuật số, hệ sinh thái này rất sôi động, đang phát triển và luôn có thể mở rộng với các dịch vụ mới. Hệ sinh thái Làng kỹ thuật số là một hệ sinh thái độc đáo trong đó các dịch vụ kỹ thuật số được phát triển có sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội trong các phòng thí nghiệm sống ở các vùng nông thôn khác nhau.

Làng kỹ thuật số ở Đức như một dự án tiên phong dẫn đường liên quan đến các dịch vụ kỹ thuật số có tác động xã hội ở khu vực nông thôn. Để thực hiện một dự án liên quan đến số hóa và các dịch vụ kỹ thuật số nói riêng, điều cần thiết là phải xây dựng cơ sở hạ tầng đổi mới. Cần có các nhóm liên ngành, cũng như những người có nền tảng vững chắc về số hóa, cũng như những người có nền tảng kinh tế xã hội và người dân địa phương từ khu vực nông thôn có liên quan. Phát huy tính sáng tạo để đưa ra những ý tưởng hay là điều cần thiết. Để làm được điều này, trước tiên cần phải nghiên cứu các sáng kiến và dự án hiện có để tìm nguồn cảm hứng.

(2) Mô hình Làng kỹ thuật số ở Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều kế hoạch khác nhau nhằm trang bị kiến thức kỹ thuật số cho khu vực nông thôn và tạo cơ sở vững chắc để nông dân Ấn Độ có thể hưởng lợi từ công nghệ số để phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hiệu quả hơn. Chính quyền trung ương và tiểu bang của Ấn Độ đã thiết lập một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cốt lõi cung cấp kết nối internet tốc độ cao cho vùng nông thôn của Ấn Độ nhằm mục tiêu là đưa kiến thức kỹ thuật số đến tận những vùng xa xôi nhất của Ấn Độ. 

Cục Viễn thông (DoT) đã thành lập Bharat Broadband Networks Ltd (BBNL) để triển khai Mạng cáp quang quốc gia (NOFN) tới mỗi địa phương của Ấn Độ, bằng cách này, tất cả các làng ở Ấn Độ đều có thể kết nối internet tốc độ cao. Viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Quốc gia (NIELIT) đã xác định hơn 5000 trung tâm hỗ trợ trên khắp Ấn Độ để đào tạo các khóa học giúp vùng nông thôn Ấn Độ hiểu biết về các hoạt động trực tuyến cơ bản.

Dưới sự hỗ trợ hiệu quả của chương trình Ấn Độ kỹ thuật số, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin (DeitY) đã ra mắt “Mobile seva”, thông qua đó, các cơ quan chỉ cung cấp dịch vụ công cho người dân thông qua điện thoại di động. DeitY đã hợp tác với NSDL Database Management Limited (NDML) để cung cấp PayGov, đây là một nền tảng tập trung để thanh toán tất cả các chi phí dịch vụ công. Nó cung cấp cho người dân các tùy chọn thanh toán khác nhau và mọi người có thể lựa chọn. Bên cạnh đó, để làm cho Ấn Độ ít sử dụng tiền mặt hơn, mọi công dân Ấn Độ phải có tài khoản ngân hàng.

Trong chương trình chuyển đổi số ở Ấn Độ, nội dung quan trọng nhất là xây dựng Làng kỹ thuật số. Theo kế hoạch này, các làng được chọn sẽ chuyển đổi sang Làng kỹ thuật số, ở đó, người dân sẽ được trang bị kiến thức về kỹ thuật số và thực hiện hầu hết các hoạt động của mình thông qua chế độ trực tuyến. Làng Akodara nằm ở quận Sabarkantha của tỉnh Gujarat được gọi là Làng kỹ thuật số vào ngày 02/01/2015. Ngôi làng này được mệnh danh là ngôi làng kỹ thuật số đầu tiên của Ấn Độ và Làng không tiền mặt. Làng Akodara đã được Ngân hàng ICICI thông qua chương trình Làng kỹ thuật số vào năm 2015 cung cấp đào tạo cho dân làng về cách xử lý các hoạt động tài chính qua internet. Phần lớn người dân trong làng đang sử dụng các phương thức thanh toán điện tử hoặc phương thức kỹ thuật số để thanh toán. Phần lớn các khoản thanh toán chỉ được thực hiện qua SMS và các khoản thanh toán được chuyển trực tiếp vào tài khoản của chủ cửa hàng. Người dân ở Akodara đang sử dụng điện thoại di động để thanh toán các giao dịch mua hàng khác nhau của họ. Làng có trang web riêng (http://akodara-digitalvillage.in) và mọi người đang sử dụng trang web này cho nhiều mục đích khác nhau. Ngôi làng này có thiết bị Wi-Fi công cộng và mọi người đang sử dụng Wi-Fi cho các hoạt động trực tuyến khác nhau2.

(3) Mô hình làng mạng thông tin ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới thông qua dự án Làng mạng thông tin (INVIL). Mục tiêu chính của dự án là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa khu vực nông thôn và thành thị; tạo ra doanh thu mới từ các ngành công nghiệp hiện có và xây dựng cộng đồng nông thôn bền vững.

Thông qua việc tăng cường sự sẵn có của các dịch vụ chính phủ điện tử và nâng cao mức sống của người dân bằng cách thúc đẩy thương mại điện tử. Dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy nền kinh tế khu vực thông qua các giao dịch thương mại điện tử, giáo dục và thông tin công cộng. Các làng INVIL ​​thường tạo ra một môi trường sử dụng internet để cung cấp thông tin, đào tạo và hướng dẫn cho cư dân tiếp cận các loại thông tin liên quan chặt chẽ đến cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh doanh, sinh kế của người dân và quan trọng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cộng đồng địa phương và gắn kết họ lại với nhau.

Dự án INVIL ​​là sự hợp tác giữa Bộ Công an và An ninh Hàn Quốc (MOPAS) với các chính quyền địa phương và từng INVIL. MOPAS cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin như kết nối internet tốc độ cao, máy tính,… MOPAS là cơ quan chủ quản thiết lập các kế hoạch, ngân sách, luật pháp và hỗ trợ mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức liên quan và xúc tiến dự án. Chính quyền địa phương thiết lập và quản lý môi trường thông tin ở mỗi làng, phát triển nội dung địa phương và tập trung hỗ trợ hành chính và nội dung thực tế, chẳng hạn như đào tạo máy tính, ứng dụng internet, quản lý địa điểm cho người dân địa phương, đặc biệt là vào mùa đông bằng 7 ngôn ngữ . Mỗi INVIL ​​tổ chức các ủy ban hoạt động, quản lý các trung tâm làng và phát triển các mô hình lợi nhuận bằng cách sử dụng trang web mua sắm INVIL ​​và trải nghiệm của INVIL ​​để người dân địa phương tham gia và đóng góp vào hoạt động bền vững của các làng được nối mạng thông tin.

Các làng thông tin của Hàn Quốc được xây dựng như sau:

– Về hạ tầng thông tin liên lạc: các thôn tham gia INVIL ​​phải ở những địa điểm có thể xây dựng hạ tầng internet tốc độ cao, chi phí thấp;

– Trung tâm INVIL ​​trong làng: trung tâm INVIL ​​trong làng được xây dựng và trang bị các phương tiện phục vụ đào tạo cũng như cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân;

– Xây dựng nội dung thông tin: nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân, INVIL ​​đã tổ chức và phát triển các chương trình giáo dục – đào tạo trực tuyến về ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và vận hành website thương mại điện tử, du lịch sinh thái… (kể cả người khuyết tật, người cao tuổi, lãnh đạo thôn, xã,…).

Đối với người nông dân, dự án INVIL ​​cũng đưa ra những cách thức nâng cao thu nhập của người dân một cách bền vững, cung cấp nền tảng thông tin về cây trồng, giá cả, phương pháp canh tác, điều kiện thời tiết cũng như nền tảng thông tin thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm của nông dân, dịch vụ tư vấn từ xa, thông tin y tế…

Ngoài ra, dự án cũng khuyến khích người dân địa phương đóng góp vào việc quảng bá cộng đồng của họ bằng cách đăng tin tức địa phương trên trang web (new.invil.org) và thành lập các câu lạc bộ (community.invil.org) trên mạng. Bằng cách đó, INVIL ​​đã cho phép người nông dân chủ động tìm ra cách riêng để quản lý làng của họ, phát triển mô hình kinh doanh và tìm kiếm các kế hoạch phát triển bền vững.

Với những kết quả đó, năm 2011, dự án INVIL ​​đã trở thành chương trình chính sách công đầu tiên của Hàn Quốc đoạt giải nhất của Giải thưởng Liên hợp quốc về Dịch vụ công, ở hạng mục “Thúc đẩy sự tham gia vào các dịch vụ công”.

(4) Làng Taobao (Trung Quốc).

Làng Taobao là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ Trung quốc và Tập đoàn Alibaba, là một trong những giải pháp thành công trong việc phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Taobao Village giúp nông dân Trung Quốc cung cấp nông sản trực tiếp người đến người tiêu dùng, không còn bị thương lái ép giá, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, tạo hàng triệu công ăn việc làm; góp phần quan trọng vào chương trình xoá đói giảm nghèo ở nông thôn Trung Quốc.

Số lượng Làng Taobao đã tăng lên 5.425 vào năm 2020, có mặt trên khắp 28 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương. Với khối lượng giao dịch hàng năm của các cửa hàng trực tuyến của làng và thị trấn Taobao vượt quá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, ngày càng có nhiều lao động nhập cư trở về quê hương để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Số lượng cửa hàng trực tuyến đang hoạt động đạt 2,96 triệu, tạo ra hơn 8,28 triệu việc làm3. Làng và thị trấn Taobao đang mở rộng nhanh chóng hơn ở các khu vực kém phát triển ở Trung Quốc. Sự bao phủ rộng rãi của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã tạo ra việc làm mới và cơ hội kinh doanh cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng núi xa xôi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Những kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số nông thôn ở Việt Nam hiện nay

Một là, kinh nghiệm từ mô hình Làng kỹ thuật số ở Đức.

Do điều kiện cơ sở hạ tầng và điều kiện về tự nhiên thiên nhiên của Việt Nam khác Đức rất nhiều. Do đó, quá trình chuyển đổi số nông thôn ở Việt Nam rất khó để áp dụng hoàn toàn mô hình làng kỹ thuật số của Đức. Tuy vậy, nước ta có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ mô hình này: ứng dụng công nghệ – thông tin để xây dựng và vận hành các nền tảng giao dịch trực tuyến, các chợ trực tuyến để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và kinh doanh các sản phẩm của làng một cách rộng rãi và hiệu quả hơn. Phải dựa vào dân, phải tạo được lòng tin của nhân dân và thuyết phục được Nhân dân tham gia thì việc xây dựng làng thông minh sẽ dễ dàng thành công. Dự án thành công là do có được lòng tin của Nhân dân; nhận ra nhu cầu của người dân và thúc đẩy sự tham gia thường trực của người dân vào các chợ trực tuyến địa phương.

Hai là, kinh nghiệm từ mô hình làng kỹ thuật số ở Ấn Độ.

Sự thành công từ quá trình chuyển đổi số nông thôn ở Ấn Độ đã khẳng định vai trò quan trọng của chính phủ Ấn Độ trong việc đầu tư hạ tầng số, đầu tư các chương trình nâng cao tri thức số, tư duy số và kỹ năng số cho người dân sinh sống các ngôi làng kỹ thuật số.

Ba là, kinh nghiệm từ mô hình làng mạng thông tin ở Hàn Quốc đưa lại cho Việt Nam một số bài học kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số nông thôn hiện nay, cụ thể: (1) Cộng đồng làng xã là trung tâm của các dự án phát triển. Sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố then chốt bảo đảm thành công. Đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như chuyển đổi số, đào tạo người dân trở thành công dân số là giải pháp tiên quyết. (2) Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số không phải là dự án đầu tư hạ tầng một lần mà phải duy trì liên tục, bảo đảm dự án phát triển bền vững. Ngay cả các tiêu chí của dự án cũng phải liên tục được rà soát, cập nhật và thiết kế lại để phù hợp với thực tế cuộc sống. (3) Việc chia sẻ thông tin, kiến thức trong thực hiện, không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà ngay trong cộng đồng dân cư cũng phải được chú trọng. (4) Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp cho các bài toán kinh tế – xã hội trước mắt mà còn định hình một cộng đồng, một quốc gia trong tương lai. Do đó, cách tiếp cận cần phải linh hoạt, vừa theo cơ chế thiết kế có hệ thống, vừa có sự phối hợp liên ngành, liên cơ quan, giữa địa phương với trung ương và giữa các địa phương.

Bốn là, kinh nghiệm từ chiến lược thương mại điện tử hóa nông thôn của Trung Quốc. 

Dự án Làng Taobao đã cho thấy vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, (một tập đoàn hàng đầu về thương mại điện tử của Trung Quốc) trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở các vùng nông thôn. Làng Taobao cũng là một điển hình trong phát triển nền kinh tế nền tảng. Việc nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp là một giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện tốt để phát triển làng thông minh. Trong đó, doanh nghiệp số có trách nhiệm cung cấp nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả mạng lưới hậu cần, giao vận tới các doanh nghiệp, thương nhân ở vùng nông thôn, các cấp chính quyền có trách nhiệm cung cấp các nền tảng hạ tầng khác, như đường xá, nguồn nhân lực…

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đóng vai trò rất quan trọng trong hướng dẫn, đào tạo, nâng cao nhận thức, điều tiết và cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Đồng thời, cũng như trong đổi mới – sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ, đối với Làng Taobao, chính quyền có một vai trò như một bà đỡ (hay theo thông lệ quốc tế là: lò ấp – incubator) bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh truyền thống của địa phương và khuyến khích thanh niên, lực lượng lao động được đào tạo quay trở về quê hương lập nghiệp.

Chú thích:
1. Digital Villages Germany. https://ec.europa.eu, truy cập ngày 30/11/2023 
2. Digitalization of Rural India: Digital Village. https://www.journalpressindia.com, 30/5/2020. DOI: 10.17492/vision.v7i1.195413 
3. China Taobao Village Research Report (2020). http://www.aliresearch.com, ngày 08/02/2021.