Mặt trận phá kinh tế địch trong cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1954) – ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực

ThS. Lê Đức Thuận
TS. Hoàng Văn Vân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bùng nổ. Để chống thực dân Pháp trên lĩnh vực kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam có chủ trương phá kinh tế của địch, với mục đích là làm suy giảm nguồn lực kinh tế của đối phương, không cho đối phương thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1946 – 1954, mặt trận phá kinh tế địch đã khiến cho kinh tế thực dân Pháp chịu nhiều tổn thất, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quá trình chỉ đạo phá kinh tế địch đã để lại cho Đảng nhiều bài học kinh nghiệm quý trong sự nghiệp lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Từ khoá: Mặt trận phá kinh tế địch; chống thực dân Pháp; giai đoạn 1946 – 1954; toàn quốc kháng chiến; giá trị; lịch sử.

Ảnh minh họa (tư liệu).
Mặt trận phá kinh tế địch trong giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến (1946 – 1950)

Trong giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến, để phá kinh tế địch, Đảng chủ trương dùng các biện pháp “tẩy chay và quân sự phá hoại”1. Một mặt, Đảng cổ động dân chúng “không nộp thuế cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không mua hàng của Pháp”2, tích cực “chống chính sách ăn cướp của địch… làm vườn không nhà trống”3. Mặt khác, Đảng chủ trương đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, tiến hành đánh phá các cơ sở kinh tế của thực dân Pháp.

Ngay khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, công tác phá hoại đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Tại các hầm mỏ của Pháp ở Bắc Bộ, công nhân các mỏ Mạo Khê, Uông Bí, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bản Thi… đặt mìn đánh sập hầm lò, tháo dỡ máy móc, lấy dụng cụ. Công nhân xe lửa Đông Anh, Gia Lâm, Trường Thi, Yên Bái, Bắc Giang, Huế, Đà Nẵng đánh phá một phần hay toàn bộ các đầu máy và thiết bị xe lửa. Xưởng đúc kẽm ở Quảng Yên, nhà máy rượu ở Nam Định, Hải Dương, nhiều xưởng ở Hải Phòng cũng bị phá hủy. Tính riêng ở Bắc Bộ, “sau 5 ngày đầu kháng chiến, ta đã phá sập phần lớn hầm mỏ và ba phần năm số máy móc, không để rơi vào tay địch”4. Tại các địa phương vùng ven đô thị, hoạt động đánh phá giao thông diễn ra tích cực… Trên các tuyến đường thủy, hàng chục chiếc thuyền lớn chứa đầy tre, gỗ, đá được đánh chìm tạo thành chướng ngại vật để ngăn ca nô, tàu chiến của địch trên sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thày. Tại Nam Bộ, công nhân cao su Nam Bộ mở mặt trận cao su chiến, đánh phá các đồn điền cao su của thực dân Pháp. Thành tích phá hoại đã khiến cho thực dân Pháp chịu khá nhiều tổn thất, năm 1947 thực dân Pháp chỉ còn “sản xuất được 57% cao su, 15% than đá, 50% xi măng”5 so với thời kỳ trước chiến tranh.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc, âm mưu chụp bắt cơ quan đầu não và chủ lực quân kháng chiến song thất bại. Sau thất bại này, từ đầu năm 1948, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược chiến tranh, rút quân về các vùng đồng bằng, đô thị, củng cố các vị trí chiếm đóng, tăng cường càn quét, đầu tư kinh tế, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Trong hoàn cảnh mới khi cuộc chiến tranh chuyển sang nặng dần về kinh tế và chính trị, tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ tư (tháng 5/1948), Đảng xác định tập trung “đánh những nơi trung tâm chính trị và kinh tế”6. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, các đại đội độc lập và các đội vũ trang tuyên truyền được thành lập, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào du kích chiến tranh. Trên mặt trận giao thông chiến, tính đến tháng 10/1948, quân và dân dọc Đường số 5 đã “đánh 109 trận địa lôi trên cả đường sắt và đường nhựa, phá 26 đầu tàu xe lửa”7, bẻ gãy nhiều cuộc tấn công càn quét của địch, biến Đường số 5 – con đường kinh tế, quân sự huyết mạch ở Bắc Bộ trở thành con đường chết đối với thực dân Pháp. Tại Nam Bộ, công tác đánh phá nhằm các tuyến đường giao thông chính như đường cao su, đường gạo, đường nông sản cũng được đẩy mạnh. Ở các đô thị, lực lượng dân quân, du kích đẩy mạnh các hoạt động đánh phá, quấy rối, hướng trọng tâm là các cơ sở kinh tế, dịch vụ của địch. 

Cùng với việc đánh phá các cơ sở sản xuất của địch là mặt trận bao vây kinh tế địch. Mặt trận này có nhiệm vụ là “làm cho kinh tế địch kiệt quệ, việc tiếp tế của địch bị ngừng đứt, hàng hóa của địch phải ứ đọng lại không có nơi tiêu thụ”8. Kể từ đầu năm 1948, khi thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác kinh tế tại các vùng chúng chiếm đóng, mặt trận này đã trở nên rất cấp thiết và được coi là “một nhiệm vụ có tính cách chiến lược”9. Thực hiện bao vây kinh tế địch, ngày 14/4/1948, Chính phủ ban hành Nghị định số 101-BKT/BT quy định những nguyên tắc mậu dịch giữa vùng tự do và các nơi đương bị địch chiếm đóng. Theo Nghị định này, mọi việc buôn bán giữa vùng tự do và các nơi đương bị địch chiếm đóng sẽ bị cấm chỉ, trừ những hàng được Nhà nước quy định. Cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị định số 102-BKT/BT về đặt các Phòng tiếp liệu với nhiệm vụ hướng dẫn thương nhân trong việc buôn bán giữa hai vùng. Để phối hợp các cơ quan trong bao vây kinh tế địch, ngày 12/10/1948, Chủ tịch nước ký ban hành Sắc lệnh 241/SL về việc thành lập Ban bao vây kinh tế địch Trung ương. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, công tác bao vây kinh tế địch đạt nhiều thành tích. Trong năm 1948, sự xuất cảng của Pháp không hơn năm 1947, nền thương mại của Pháp ở Đông Dương vẫn ở trạng thái nhập siêu.

Bước sang năm 1949, cuộc chiến tranh toàn diện với thực dân Pháp càng trở nên quyết liệt. Tại Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 01/1949), Đảng cho rằng cần tiếp tục: “Đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch…Hướng hoạt động chính là những vùng chiến lược và kinh tế quan trọng mà địch đang ra sức củng cố”10. Hội nghị yêu cầu: “bao vây chặt chẽ kinh tế địch và đánh phá kinh tế địch mạnh hơn11.

Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện bao vây kinh tế địch cuối năm 1948 và đầu năm 1949 xảy ra tình trạng có một số việc “ở trên, Bộ Kinh tế không biết tới, ở dưới các ủy ban thiếu sự đi sát, vì tất cả đều tin và ỷ lại vào các ban bao vây kinh tế địch từ Trung ương”12, ngày 18/6/1949, Chủ tịch nước ký ban hành Sắc lệnh số 58/SL về giải tán Ban Bao vây kinh tế địch Trung ương. Nhiệm vụ bao vây kinh tế địch trước đây do Hội đồng Quốc phòng tối cao phụ trách thì nay sẽ giao cho Bộ Kinh tế phụ trách. Các ủy ban bao vây kinh tế địch tại các địa phương sẽ nhận chỉ thị của Bộ, sau đó phân công việc và vạch kế hoạch cho từng ngành chuyên môn ở địa phương thi hành. Từ khi Sắc lệnh số 58/SL được ban hành, hoạt động bao vây kinh tế địch đã diễn ra chặt chẽ, có hiệu quả hơn, sát hợp với tình hình của từng địa phương.

Cùng với hoạt động bao vây kinh tế địch, các hoạt động đánh phá nhằm vào các cơ sở sản xuất, nguồn hậu cần, tài chính của địch cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Tại các Liên Khu, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ. Các làng xã kháng chiến tiếp tục phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Riêng tại Liên khu 3, nếu như năm 1948 mới có 480 làng kháng chiến thì đến cuối năm 1949, “làng kháng chiến kiểu mẫu đã có 620 làng, làng kháng chiến thường có 1.560 làng”13. Từ các làng xã kháng chiến, “nhiều khu du kích và căn cứ du kích hình thành ở Bắc Ninh, Hồng Quảng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An”14 trở thành chỗ dựa cho phong trào du kích chiến tranh tại các địa phương, góp phần quan trọng vào việc phá chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch. Tại Nam Bộ, mặt trận cao su tiếp tục khiến cho gần nửa diện tích cao su trồng tại Nam Bộ không thể khai thác được. Ngoài ra, Nhân dân trong vùng địch tạm chiếm còn tích cực đấu tranh không tiêu tiền địch, không nộp các khoản thuế vô lý khiến cho nguồn thu ngân sách của chính quyền địch thất thoát một khoản khá lớn. Kết quả của các hoạt động đánh phá và bao vây kinh tế địch trong năm 1949 đã khiến cho kế hoạch khai thác của thực dân Pháp thất bại một phần lớn. 

Bước sang năm 1950, để chuẩn bị cho tổng phản công, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 01/1950), Đảng tiếp tục chỉ đạo: “Siết chặt vòng vây kinh tế địch, đánh phá kinh tế địch một cách thường xuyên, nhằm đúng vào những yếu điểm và những nguồn lợi của địch”15. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, công tác đánh phá kinh tế địch tiếp tục được đẩy mạnh. Tại khu mỏ Hòn Gai, năm 1950, “công nhân tìm mọi cách làm gián đoạn việc xuất cảng 700.000 tấn than sang Nhật làm thiệt hại cho chủ mỏ trên 500.000.000 đồng Đông Dương”16. Ở Hà Nội, Hải Phòng du kích phá nhà máy diện, bốt điện, đốt các kho gạo, kho xăng. Ba tháng đầu năm 1950, hàng loạt các chợ trong vùng địch tạm chiếm bị đốt phá…

Mặc dù đạt được những kết quả rất quan trọng, tuy nhiên, trong thực hiện bao vây, đánh phá kinh tế địch cuối năm 1949 và trong năm 1950 ta cũng mắc nhiều khuyết điểm. Đã có những thời điểm ta đánh phá quá tràn lan mà không tính tới đời sống nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. Việc đốt phá các đồn điền lúa, đồn điền muối, đốt phá các chợ tuy có làm cho kinh tế địch thiệt hại nhất định song người chịu nặng nề nhất lại chính là nhân dân vùng địch tạm bị chiếm. Trên phương diện bao vây kinh tế địch, tại nhiều địa phương, do sợ địch lợi dụng nên trong quan hệ trao đổi giữa hai vùng đã hạn chế quá mức những mặt hàng cho bán vào vùng tạm bị chiếm, kể cả những mặt hàng hiện có thừa trong vùng tự do. 

Đánh phá kinh tế địch trong giai đoạn phát triển cao của cuộc kháng chiến (1951 – 1954)

Tháng 02/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Chiêm Hóa –  Tuyên Quang, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có những quyết sách mới liên quan tới mặt trận phá kinh tế địch. Trên cơ sở tổng kết công tác bao vây kinh tế địch, Đảng cho rằng: do hình thái chiến tranh cài răng lược, do chưa có kỹ nghệ nặng, lại chưa sản xuất được nhiều hóa phẩm nên không thể bao vây kinh tế địch triệt để, càng bao vây lại càng bất lợi cho ta. Do đó, “ta cần sửa đổi lại chính sách bao vây kinh tế địch. Cần tùy nơi, tùy lúc mà bao vây cho đúng, cốt sao có lợi cho tác chiến và bảo vệ được nội hóa”17. Về công tác đánh phá, Đảng cho rằng đã đạt nhiều thành tích vẻ vang song cũng phải chấn chỉnh lại, “phải biết phối hợp những sự phá hoại lớn và chớp nhoáng, với những sự phá hoại nhỏ, thường xuyên, âm ỉ; Công việc phá hoại kinh tế địch cần kết hợp với sự bảo đảm công việc kiến thiết kinh tế của ta mai sau”18 

Thực hiện chủ trương mới của Đảng, từ bao vây kinh tế địch ta chuyển sang đấu tranh kinh tế với địch. Ngày 13/8/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 49/SL quy định nguyên tắc các thể lệ và tổ chức việc đấu tranh kinh tế với địch. Theo Sắc lệnh này, việc quản lý mậu dịch, việc đánh thuế các hàng hoá, việc mua bán trao đổi ngoại hối giữa vùng tự do và vùng tạm bị chiếm từ nay về sau sẽ theo nguyên tắc: nội thương được tự do, ngoại thương phải quản lý. Khuyến khích bán hàng ra, hạn chế mua hàng vào. Củng cố giá trị tiền tệ và làm cho tài chính quốc gia được dồi dào. Phương pháp trong đấu tranh kinh tế với địch của ta lúc này đó là tranh thủ xuất thật nhiều nhằm tiêu thụ hàng hóa của địa phương, đẩy mạnh sản xuất cho Nhân dân, tăng thêm thu nhập, giải quyết vấn đề dân sinh đồng thời thông qua xuất mà thu được nhiều tiền Đông Dương để có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa. Nhập khẩu lúc này cũng mở rộng hơn, không chỉ nhập những thứ cần thiết cho Bộ Quốc phòng và Nhà nước mà nhập cả những thứ hàng hóa cần thiết cho nhân dân vùng kháng chiến, xóa bỏ dần sự chênh lệch về mức sống và khắc phục tâm lý thèm khát hàng hóa ở vùng địch.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, hoạt động xuất nhập khẩu sau đó đã đạt được kết quả rất tích cực. Trị giá hàng xuất khẩu của ta tăng lên rất nhanh, “ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ năm 1953 tăng 168% so với năm 1952, 10 tháng đầu năm 1954 tăng 123% so với 10 tháng đầu năm 1953… Ở Liên khu V năm 1953 bằng 162% năm 1952”19. Thông qua xuất khẩu, chúng ta đã trữ được một lượng tiền Đông Dương khá lớn, dùng đó để nhập khẩu và cung ứng nhiều hơn các hàng công nghiệp cho kháng chiến và dân sinh, tiêu biểu như trong hai năm (1953 và 1952) “nhập khẩu vải các loại tăng 116%, dầu hỏa tăng 566%, thuốc tây 41%, thuốc bắc tăng 98%, xe đạp tăng 113%, sợi dệt tăng 28%”20.

Trong đấu tranh kinh tế với địch giai đoạn này, còn có sự tham gia tích cực của mặt trận tiền tệ. Đồng tiền Việt Nam, giấy bạc tài chính đã được ra đời ngay từ đầu năm 1946 theo Sắc lệnh số 18b/SL của Chính phủ ngày 31/01/1946, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu kháng chiến (1946 – 1950), cả về lưu hành và đấu tranh tiền tệ với địch, tiền ta còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu cao của cuộc kháng chiến trong tình hình mới, ngày 06/5/1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 15/SL về thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Ngân hàng có nhiệm vụ phát hành tiền, quản lý tiền tệ để phục vụ sản xuất và đấu tranh tiền tệ với địch. Ngày 12/5/1951, Chủ tịch nước ký ban hành Sắc lệnh số 19/SL cho phép Ngân hàng quốc gia được phát hành một số loại giấy bạc mới. Từ khi Ngân hàng quốc gia ra đời và giấy bạc ngân hàng được phát hành, ta có thêm điều kiện để đấu tranh tiền tệ với địch. Từ năm 1952, Chính phủ quy định một số mặt hàng có giá trị buộc phải kết hối qua đó tăng cường tích lũy tiền Đông Dương. Ngày 10/5/1953, thực dân Pháp tuyên bố phá giá đồng bạc Đông Dương khiến cho thị trường tiền tệ ở vùng tạm bị chiếm trở nên hỗn loạn. Trước tình hình trên, Chính phủ lập tức hạ tỷ giá tiền Đông Dương so với tiền Việt Nam và tạm đình chỉ kết hối. Ngân hàng đổi tiền Đông Dương cho nhà buôn để mua hàng trong vùng bị tạm chiếm. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh tăng cường sử dụng tiền Đông Dương để mua các mặt hàng thiết yếu. Do có sự chuẩn bị trước, nước ta đã tiêu được một lượng khá lớn tiền Đông Dương mất giá để mua những mặt hàng có giá trị cho kháng chiến. Nhân cơ hội tiền Đông Dương bị phá giá, tiền Việt Nam xâm lấn mạnh vào các căn cứ du kích và vùng địch tạm chiếm cho khu vực lưu hành của tiền Đông Dương bị dồn ép lại. Từ đầu năm 1954, tiền Việt Nam “về căn bản đã chiếm lĩnh thị trường trên toàn bộ lãnh thổ đã giải phóng”21

Cùng với hoạt động đấu tranh kinh tế với địch là hoạt động đánh phá các cơ sở kinh tế, sản xuất của địch. Từ sau chiến dịch Biên giới năm 1950, do thế và lực của ta đã phát triển hơn trước nên ngoài các hoạt động đánh phá nhỏ còn cho phép ta mở những chiến dịch lớn để giành giật với địch các mục tiêu kinh tế trọng điểm. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (tháng 9/1951), Đảng chỉ rõ: “Địch quyết biến vùng tạm chiếm và vùng du kích thành cơ sở để chống ta, chúng ta phải biến vùng ấy thành cơ sở mạnh để đánh địch. Giành với địch những vùng nhiều của đông người là một nhiệm vụ lớn hiện nay của ta”22.

Tháng 11/1951, thực dân Pháp tiến công lên Hòa Bình. Đây là một cơ hội tốt để ta có thể đưa chiến tranh du kích vào sâu vùng đồng bằng Bắc Bộ, phá “hậu phương chiến lược” của chúng. Ngày 20/01/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về đẩy mạnh du kích chiến tranh trên chiến trường Bắc Bộ. Trong chiến cục Đông – Xuân (1953 – 1954), quân ta tiếp tục mở các chiến dịch tấn công vào Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào, Bắc Tây Nguyên giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng chục vạn dân. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, phối hợp với các mặt trận chính, ở vùng sau lưng địch, phong trào du kích chiến tranh tiếp tục phát triển mạnh. Ở Nam Bộ, các tiểu đoàn chủ lực khu, chủ lực tỉnh tiến vào vùng tạm chiếm để tiêu diệt địch, giải phóng nhiều đất đai, mở rộng căn cứ. Ở đồng bằng Bắc Bộ, các khu du kích, căn cứ du kích tiếp tục đứng vững và không ngừng mở rộng trở thành các khu căn cứ du kích liên hoàn, dồn ép khu vực kiểm soát của địch chỉ còn ở quanh các tuyến đường giao thông quan trọng.

Sự phát triển của phong trào du kích chiến tranh vùng sau lưng địch đã khiến cho hậu phương của thực dân Pháp liên tục bị đánh phá, chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp không thể thực hiện được. Từ năm 1953, các nhà tư bản Pháp đã tìm cách rút vốn, tháo chạy khỏi Đông Dương. Tháng 5/1954, thực dân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ. Hai tháng sau đó, ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những đóng góp quan trọng của mặt trận phá kinh tế địch. Cần thấy rằng, khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2, để có tiền chi cho cuộc chiến, thực dân Pháp đã dựa vào 3 nguồn tài lực cơ bản: (1) Ngân sách của nước Pháp; (2) Sự viện trợ của đồng minh; (3) Nguồn lực tại chỗ. 

Trong 3 nguồn lực nêu trên, nguồn lực tại chỗ được xem là quan trọng nhất, là chỗ dựa chính để thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, chiến lược “lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp sau đó đều bị thất bại. Kết quả là thực dân Pháp đã không đủ tài lực để triển khai các chiến lược quân sự theo ý muốn, phải lệ thuộc vào viện trợ kinh tế của đồng minh và cuối cùng đã bị chính đồng minh “hất cẳng” khỏi Đông Dương. Thành công trên mặt trận phá kinh tế địch đã chứng minh tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối lãnh đạo kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này.

Hiện nay, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp và quyết liệt hơn. Tình hình các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột quân sự, cạnh tranh kinh tế những năm gần đây cho thấy, kinh tế là một mặt trận nóng bỏng trong sự đối đầu giữa các quốc gia. Do đó, để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống, trước hết, những kinh nghiệm về phá kinh địch nói riêng và xây dựng nền kinh tế trong chiến tranh nói chung cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, vận dụng, xem đó như một sự chuẩn bị cần thiết cho chiến tranh ngay từ trong thời bình. 

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhất là về kinh tế; lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là mục tiêu tối thượng, xử lý linh hoạt, khôn khéo mối quan hệ đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh, bảo đảm độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia, dân tộc trong hội nhập trên mọi cấp độ song phương, đa phương và toàn cầu.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tậpTập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 181, 152.
3. Trường Chinh. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam – tác phẩm chọn lọcTập 2. H. NXB Sự thật, 1975, tr. 47.
4, 16. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954)Tập 1. H. NXB Quân đội nhân dân, 1994, tr. 242, 492.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 10.  H. NXB Chính trị quốc gia,2001, tr. 41.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 9.  H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 98.
7Lê Liêm. Lãnh đạo dân quân 1948. NXB Quân Du kích – Tài liệu lưu Thư viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc Phòng, 1949, tr.13.
8. Hội đồng Quốc phòng tối cao. Thông tư số 40/TT của Hội đồng quốc phòng tối cao gửi các ông chủ tịch UBKCHC các Liên khu, Hồ sơ 1983, Phông Phủ Thủ tướng. Trung tâm lưu trữ quốc gia III, 1949, tr.22.
9, 10, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tậpTập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 242, 01, 161, 254.
13, 14. Vũ Quang Hiển. Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954). H. NXB Quân đội nhân dân, 2001, tr. 93, 97.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 202.
17, 18, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 129 – 130, 340, 576.
19. Đặng Phong. Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000Tập 1 (1945 – 1954). H. NXB Khoa học xã hội, 2002, tr. 344.
20. Bộ Công Thương. Sơ lược lịch sử ngành công thương Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay (8/1945 – 2011). H. NXB Công thương, 2011, tr. 95.
21. Nguyễn Ngọc Minh. Kinh tế Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến kháng chiến thắng lợi 1945 – 1954. H. NXB Khoa học xã hội Việt Nam, 1966, tr. 303.