Mâu thuẫn gia đình và vai trò của chính quyền địa phương trong việc hòa giải mâu thuẫn gia đình

ThS. Hoàng Thị Bích Toàn
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

(Quanlynhanuoc.vn) –  Gia đình là tổ ẩm và cũng là nơi các thành viên trong gia đình tìm thấy sự bình an, yêu thương với tình cảm ấm áp nhất. Tuy nhiên, gia đình cũng là nơi dễ xảy ra những mâu thuẫn, bất hòa. Những mâu thuẫn gia đình nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho các thành viên. Vì vậy, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn gia đình để không xảy ra xung đột.

Từ khóa: Mâu thuẫn gia đình, xung đột, hòa giải, vai trò của chính quyền địa phương.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Mâu thuẫn gia đình là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có những quan điểm và suy nghĩ, tiếp cận về lợi ích, tình cảm không thống nhất, trái ngược nhau, từ đó dẫn hiểu lầm, xung đột với nhau.

Hiện nay, trong xã hội có các hình thái mâu thuẫn trong gia đình, như: mâu thuẫn trong quyền thừa kế; mâu thuẫn kinh tế giữa vợ chồng; mâu thuẫn trong việc chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già; mâu thuẫn giữa các thế hệ; mâu thuẫn gia đình giữa cha mẹ với con do sự không thống nhất về quan điểm, lối sống; mâu thuẫn do bất đồng quan điểm vợ và chồng trong sinh hoạt hằng ngày. 

Trong những năm gần đây mâu thuẫn đối với việc phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế để xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xung đột gay gắt, không kiểm soát được đang là vấn đề nhức nhối ở các vùng quê Việt Nam, có những vụ do tranh chấp đất đai dẫn đến tình trạng anh em sát hại lẫn nhau, đau lòng nhất là gây ra những vụ thảm án mà cái kết của nó người chết, người vào vòng lao lý. Đơn cử như, ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ thảm án “Ba người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ: Xin chia đất, mất tình thân”1, hậu quả là mẹ chết, em chết, bản thân người đốt nhà vào tù; hay như tháng 4/2023 tòa án tỉnh Phú Thọ đã xử vụ “11 người là anh em ruột, đều trú huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, đưa nhau ra tòa trong vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế, mảnh đất 1.213m”2. Hậu quả, gia đình tan nát, mất hết tình thân.

Một tình trạng mâu thuẫn gia đình khá phổ biến nưa là do mâu thuẫn về kinh tế giữa vợ và chồng. Trong gia đình vợ chồng không bảo được nhau cũng gây ra thảm án. Tháng 9/2020 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội “mở phiên xử và tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội), tử hình về tội giết người. Vụ án mạng đau lòng xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế giữa hai vợ chồng ông Đỗ Ngọc Anh và bà Đặng Thị H. không được giải quyết”3, hậu quả vợ chết, bản thân phải chịu mực án nghiêm khắc nhất của pháp luậtNgày 12/10/2023, “Công an tỉnh Sơn La cho biết, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Giàng A Lư vì đã dùng dao nhọn đâm vợ tử vong do mâu thuẫn gia đình4

Mâu thuẫn gia đình cũng có thể xảy ra khi các con đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già. Có những vụ việc xảy ra, đã gây nhức nhối xã hội như vụ ở tỉnh Long An: “bà cụ đã 79 tuổi mà vẫn phải chịu cực hình do chính đứa con ruột của mình gây ra”5. Tình trạng mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình làm cho cha mẹ, các con, vợ chồng, anh em chia lìa, không nhìn mặt nhau đang là vấn đề hết sức phức tạp, bức xúc ở nhiều địa phương. 

Mâu thuẫn gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân, như: 

(1) Do nhận thức về tình cảm gia đình còn hạn chế. Vấn đề nhận thức về tình cảm gia đình còn nhiều bất cập, tình trạng sống thiếu trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có nhiều diễn biến phức tạp. Tình cảm giữa bố mẹ với các con; anh em; vợ chồng bị “sứt mẻ” do lợi ích kinh tế, một bộ phận không nhỏ những người trẻ lao vào làm kinh tế mà quên đi trách nhiệm với gia đình.

(2) Do nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ. Nhận thức về pháp luật liên quan đến thừa kế gia sản và pháp luật về phân chia tài sản chưa đầy đủ đã dẫn đến bế tắc trong việc giải quyết phân chia lợi ích giữa các thành viên, từ đó nảy sinh mâu thuẫn gia đình.

(3) Do bất đồng quan điểm trong đời sống hằng ngày. Vợ chồng, bố mẹ, các con, anh chị em trong gia đình bất đồng quan điểm trong ứng xử, lối sống, tư tưởng trái ngược nhau, không tìm ra sự thống nhất dẫn đến mâu thuẫn gia đình.

(4) Vợ hoặc chồng ngoại tình. Tình trạng ngoại tình hiện nay không còn là chuyện hiếm, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình.

(5) Do áp lực về kinh tế. Áp lực về kinh tế làm cho xã hội có những biến đổi sâu sắc, trong đó có gia đình, các thành viên trong gia đình tìm đủ mọi cách làm giàu, ít quan tâm tới nhau, thậm chí tình cảm gia đình cũng bị đặt trên lợi ích kinh tế mà ít chú trọng việc sống có nghĩa, có tình với nhau.

Để mâu thuẫn gia đình được giải quyết, thiết nghĩ, bản thân từng gia đình, từng thành viên trong gia đình cần phải tìm ra nguyên nhân gây mâu thuẫn gia đình; tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra những mâu thuẫn, từ đó đưa ra phương án tối ưu để giải quyết. Khi giải quyết mâu thuẫn gia đình phải bình tĩnh, không nóng vội, bình tĩnh chính là giải pháp hữu hiệu dành cho mọi vấn đề, trong đó có vấn đề giải quyết mâu thuẫn gia đình. Biết lắng nghe tiếng nói của các thành viên trong gia đình, lắng nghe, thấu hiểu chính là quy tắc vàng để kiểm soát hành vi, biết phân định phải trái, đánh giá được đúng, sai, kiểm soát được tâm lý của các thành viên thì mới tìm được phương án tối ưu giải quyết mâu thuẫn gia đình. 

Tuyệt đối không để mâu thuẫn trong gia đình kéo dài. Khi phát hiện mâu thuẫn thì các thành viên trong gia đình phải cùng nhau tìm cách giải quyết, có mâu thuẫn gì phải giải quyết ngay, không để mâu thuẫn kéo dài. Nếu không giải quyết giải quyết kịp thời, thì mâu thuẫn tất yếu trở nên gay gắt và dẫn đến xảy ra xung đột lớn trong gia đình. Mặt khác, các thành viên trong gia đình phải biết bao dung, độ lượng, cảm thông, chia sẻ những vướng mắc trong gia đình đang gặp phải. Các vướng mắc trong đời sống hằng ngày khi được bao dung, chia sẻ thì sẽ giảm áp lực cho các thành viên. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.

Để tránh xảy ra xung đột lớn trong gia đình thì vấn đề hòa giải ở địa phương đóng một vai trò quan trọng, bởi ban hòa giải như là người “trọng tài” không những phân định đúng sai mà còn đưa ra phương pháp giải quyết hợp lý, hợp tình. Muốn thực hiện hòa giải mâu thuẫn gia đình một cách có hiệu quả, rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương. 

Thứ nhất, khi gia đình xảy ra xung đột, chính quyền địa phương phải cử đại diện ban hòa giải đến gia đình, triệu tập các thành viên trong gia đình cùng nhau tìm ra nguyên nhân của mâu thuẫn, đề xuất những phương án giải quyết để các thành viên có thể chấp nhận được. Người hòa giải phải công minh, phân tích kỹ lưỡng các mâu thuẫn hợp tình, hợp lý.

Thứ hai, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, đại diện ban hòa giải phải tìm ra phương hướng giải quyết bằng tình cảm trước, bởi gia đình là mối quan hệ tình cảm huyết thống thâm sâu, những mâu thuẫn nào có thể giải quyết bằng tình cảm thì dùng tình cảm để hòa giải. Đại diện ban hòa giải phải có khả năng phân tích để các thành viên trong gia đình có thể “khoan dung” lẫn nhau mà làm hòa với nhau. Đây là phương pháp giải quyết mâu thuẫn gia đình tốt nhất, vì nó hạn chế nhất sự tổn thương của các thành viên trong gia đình, làm cho các thành viên trong gia đình có thể thấu hiểu nhau hơn.

Thứ ba, đội ngũ hòa giải viên luôn giữ vai trò trung tâm, trực tiếp thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến các mâu thuẫn về tranh chấp lợi ích trong gia đình để các thành viên trong gia đình hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng pháp luật. Bởi vì, họ là người gần gũi trực tiếp nhất đối với các gia đình, họ có thể giúp các người thân trong gia đình tự điều chỉnh đạo đức, hành vi, phong cách, lối sống của mình cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ tư, đối với những gia đình xung đột về quyền thừa kế tài sản, đất thổ cư, ban hòa giải địa phương tiến hành tổ chức buổi hòa giải. Đối với một số trường hợp anh, chị, em trong gia đình tham gia tranh chấp nhưng hòa giải không thành công thì giải quyết theo pháp luật.

Phương thức giải quyết tranh chấp di sản, phải giải quyết ngay từ khi người trong gia đình viết di chúc thừa kế. Trong trường hợp cha mẹ chết chưa kịp lập di chúc thì ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn cần làm rõ những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Giải quyết đúng đắn vấn đề này là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giảm xung đột gia đình, cũng như làm tăng tình cảm đoàn kết giữa cha mẹ, các con, anh, chị em trong gia đình.

Thứ năm, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục Luật phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương. Chính quyền địa phương khi phát hiện mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình thì phải nhanh chóng xuống trực tiếp gia đình cùng với các công cụ chống bạo lực giải quyết triệt để những xung đột nảy sinh.

Thứ sáu, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về quyền thừa kế gia sản, làm rõ các nội dung về quyền thừa kế và các hàng thừa kế gia sản cha mẹ để lại, phân tích rõ cho người dân hiểu luật thừa kế gia sản để tránh xảy ra xung đột gia đình.

Phát huy vai trò là cơ quan quản lý địa phương, Ủy ban nhân dân xã, phường đối với tổ chức hòa giải tranh chấp tài sản trong gia đình, phân tích dưới góc độ đạo đức gia đình, giải quyết các tranh chấp di sản; đồng thời, ghi nhận ý kiến của các bên, chỉ ra “điều hơn lẽ thiệt” đối với anh, chị, em ruột thịt trong gia đình để đi đến thống nhất.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình,

Xây dựng môi trường văn hóa địa phương lành mạnh, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp về xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, bền vững; phát huy các giá trị đạo đức “Hiếu”, “Đễ” truyền thống, chuẩn mực đạo đức mới, nề nếp mới, trong mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ.

Mỗi địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các nội dung cơ bản về xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ trước khi tiến đến hôn nhân và gia đình.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân các cấp, góp phần làm giảm các hiện tượng xung đột gia đình. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình; bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, những người yếu thế trong các trường hợp bị bạo lực.

Tạo môi trường xã hội tốt nhất để cho các gia đình phát triển kinh tế bền vững. Tạo điều kiện về vốn, kiến thức về đạo đức gia đình, việc làm cho các cặp vợ chồng trẻ có điều kiện vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống gia đình.

Để giảm bớt mâu thuẫn gia đình trong giai đoạn hiện nay thì các cấp chính quyền ở địa phương phải không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, hằng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp từ giáo dục, tuyên truyền đến xử lý pháp luật một cách hiệu quả, góp phần nâng cao hạnh phúc gia đình. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình, sớm phát hiện những mâu thuẫn gia đình và đưa ra phương hướng giải quyết hợp lý, hợp tình, tránh để các gia đình xảy ra xung đột gay gắt. Chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình thực hiện lối sống có tình, có nghĩa, có trách nhiệm với nhau cùng phát triển kinh tế, nuôi dạy con, xây dựng tình đoàn kết trong gia đình, góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.

Chú thích:
1. Ba người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ: Xin chia đất, mất tình thân. https://tuoitre.vn, ngày 31/10/2022.
2. 11 anh em ruột mất tình thân vì tranh mảnh đất thừa kế. https://vnexpress.net; ngày 09/4/2023.
3. Những vụ án đau lòng từ mâu thuẫn kinh tế trong gia đình. https://baophunuthudo.vn, ngày 28/10/2020.
4. Từ những vụ án mạng do mâu thuẫn vợ chồng: Trang bị kiến thức đúng đắn về ứng xử”. https://kinhtedothi.vn, ngày 15/10/2023.
5. Phẫn nộ với hành vi ngược đãi mẹ ruột. https://thanhnien.vn, ngày 09/9/2020.