Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2024

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong tháng 2/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới; điều kiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam; quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay…

Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, trong đó, quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại phương tiện. Nghị định số 90/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2024.

Theo đó, mức thu phí sử dụng đường của xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh có mức phí 130.000 đồng/tháng. Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 của Nghị định); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ có mức phí 180.000 đồng/tháng. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg có mức phí 720.000 đồng/tháng…

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg có mức phí 1.040 đồng/tháng. Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có mức phí 1.430 đồng/tháng…

Nghị định nêu rõ, mức thu của 1 tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của 1 tháng như biểu quy định. Mức thu của 1 tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 36 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của 1 tháng trong biểu quy định.

Nghị định quy định, đối với xe ô tô kiểm định lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Đối với xe ô tô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ô tô. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Theo quy định tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam từ ngày 02/02/2024 phải đáp ứng một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;

Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 75% hoặc > 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 50% hoặc > 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

Từ ngày 12/02/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Tại Điều 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc: lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở mới ban hành tại Thông tư sô 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.

Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp Trung học cơ sở có nhiều điểm mới, như: học sinh Trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp Trung học cơ sở, học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).

Bỏ xếp loại tốt nghiệp Trung học cơ sở. Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực.

Tổ chức xét tốt nghiệp Trung học cơ sở 2 lần/năm. Theo Điều 3 Thông tư 31, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9.

Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.

Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024 – 2025.

Chính sách mới về giáo dục, giao thông có hiệu lực từ tháng 2/2024- Ảnh 2.

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mới được quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 12/02/2024.

Theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 28, cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy. Đồng thời, không được đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, Điều 3 Quy chế này quy định về chương trình đào tạo từ xa và thời gian học tập như sau:

– Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

– Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

– Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.

Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ 15/02/2024.

Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)… (giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định).

Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.

Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:

Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài: hộ chiếu (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) và giấy tờ liên quan cư trú tại Việt Nam (thị thực, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ đi lại doanh nhân APEC) trừ trường hợp được miễn thị thực; chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định mới).

Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của Sở Ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận;

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách; giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.

Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.

Chính sách mới về giáo dục, giao thông có hiệu lực từ tháng 2/2024- Ảnh 7.

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

Theo Thông tư 35/2023/TT-BGTVT, xe quá tải trọng của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:

1- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “hạn chế trọng tải toàn bộ xe” hoặc biển báo hiệu “Loại xe hạn chế qua cầu” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;

2- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá quy định về giới hạn tổng trọng lượng của xe tại Điều 17 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu “hạn chế trọng tải toàn bộ xe” và “Loại xe hạn chế qua cầu”;

3- Có tải trọng trục xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế tải trọng trên trục xe” hoặc biển báo hiệu “Tải trọng trục hạn chế qua cầu” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;

4- Có tải trọng trục xe vượt quá quy định về giới hạn tải trọng trục xe tại Điều 16 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu “Hạn chế tải trọng trên trục xe” và “Tải trọng trục hạn chế qua cầu”.

Thông tư cũng nêu rõ, xe quá khổ giới hạn của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:

1- Chiều dài vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều dài xe” hoặc biển báo hiệu “Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;

2- Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu “Hạn chế chiều dài xe” và “Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc”;

3- Chiều rộng vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều ngang xe” tại nơi có loại biển báo hiệu này;

4- Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét tại nơi không có loại biển báo hiệu “Hạn chế chiều ngang xe”;

5- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều cao” tại nơi có loại biển báo hiệu này;

6- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container lớn hơn 4,35m mét tại nơi không có loại biển báo hiệu “Hạn chế chiều cao”.

Cũng theo Thông tư, xe máy chuyên dùng có tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại đoạn (1) bên trên hoặc kích thước bao ngoài thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại đoạn (2) bên trên khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.

Thông tư 35/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2024.

PV