Khuyến nghị một số chính sách thích ứng với vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam 

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
(Quanlynhanuoc.vn) – Việc gia tăng tuổi thọ trung bình đã đánh dấu thành tựu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trước thực trạng tỷ lệ sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Do đó, cần thiết phải xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số phù hợp với xu thế phát triển, nguồn lực và tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Từ khóa: Già hóa dân số; chính sách; người cao tuổi; tỷ lệ sinh; xu thế phát triển.
1. Khái quát chung

Một số vấn đề lý luận về già hóa dân số

Biến đổi cơ cấu tuổi dân số có tác động mạnh đến kinh tế – xã hội ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Một trong những xu hướng biến đổi mạnh mẽ gần đây là xu hướng già hóa dân số. Già hóa dân số là quá trình mà tỷ lệ người trưởng thành và người cao tuổi tăng lên trong cơ cấu dân số và tuổi thọ trung bình tăng lên trong khi tỷ suất sinh giảm đi. Thực tế cho thấy, xu hướng già hóa dân số đặt ra sức ép lên hệ thống cơ chế, chính sách dành cho người cao tuổi, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. 

Theo UNFPA (2011), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số1. Tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. 

Chính sách thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Ở nước ta, chính sách về người cao tuổi được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người cao tuổi;quan tâm thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân và các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. 

Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết về công tác dân số, trong đó nhấn mạnh: công tác dân số phải chú ý đến tất cả các khía cạnh của quy mô dân số, cơ cấu, phân bổ dân số, và mối quan hệ của dân số với kinh tế, xã hội, an ninh và phát triển. Nghị quyết cũng chỉ ra, cần thiết phải tính các yếu tố, trong đó có thay đổi cấu trúc tuổi dân số và ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến các nhóm dân số khác nhau và các lĩnh vực của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số”2. Với mục tiêu bảo đảm hệ thống chính sách xã hội và phúc lợi cho nhóm người cao tuổi ngày càng được cải thiện bao phủ đối tượng hưởng và tăng mức hưởng.

Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phù hợp bảo đảm quyền và cơ hội tiếp cận cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi. Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 37 đã ghi rõ: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”Luật Người cao tuổi năm 2009; nhiều văn bản của Chính phủ: Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 (ngày 22/11/2019); Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (ngày 13/10/2020) với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030; các bộ, ban, ngành ban hành các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm giá vé, phí tham gia giao thông, văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động du lịch, chúc thọ mừng thọ người cao tuổi…

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về dân số, người cao tuổi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi, đồng thời chăm lo cho người cao tuổi nhằm ứng phó với xu thế già hóa dân số tại Việt Nam. 

2. Tình hình già hóa dân số ở Việt Nam

Theo số liệu từ Đề án 06 của Chính phủ3: hiện nay Việt Nam có 16,1 triệu người cao tuổi, theo con số thống kê là 12,58 triệu, trong đó có 9,1 triệu NCT từ 60 – 70 tuổi. Tốc độ tăng dân số bình quân sẽ giảm dần, từ 0,93% giai đoạn 2020 – 2025 xuống còn 0,42% trong giai đoạn 2040 – 2045. Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%. Thời kỳ dân số già của nước ta sẽ kéo dài 20 năm, từ năm 2036 – 2055; từ năm 2056 – 2069 sẽ có cơ cấu dân số “siêu già”, tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%4.

Có thể thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ dân số già hóa nhanh trên thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển cần đến hơn một hoặc một thập kỷ để nâng số dân trên 65 tuổi từ 7% lên 14%, như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (69 năm), Anh (45 năm), Việt Nam chỉ trong vòng 18 năm5. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai và nhu cầu an sinh xã hội ngày càng cao, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. 

Già hóa dân số có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và phụ thuộc vào quan điểm, chính sách và tình hình đặc điểm nội tại của từng quốc gia đó. Cụ thể:

(1) Quan điểm tích cựcGià hóa dân số tạo ra các cơ hội phát triển “Kinh tế bạc” với ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi. Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển. Xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả thông qua phát triển mạng lưới chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, già hóa dân số cũng mở ra những cơ hội nhất định về phát triển thị trường dịch vụ giá trị cao trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, du lịch. 

(2) Quan điểm tiêu cựcGià hóa dân số mang lại gánh nặng tăng trưởng kinh tế, dẫn đến suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, làm giảm tăng trưởng vốn, kìm hãm tăng năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp; ngoài ra, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh; bên cạnh đó, nguy cơ khuyết tật cũng tăng lên theo độ tuổi, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn, do đó, tạo sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và  hệ thống y tế, sức ép đối với tài chính công với những áp lực về bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi, chi tiêu công buộc phải tăng lên. Đồng thời, sẽ phát sinh những thách thức về xã hội,như: bảo đảm đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi, điều chỉnh thị trường lao động – việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già…

Cùng với đó, rất nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, như: Một là, sức khỏe của người cao tuổi, mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi). Hai là, hệthống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi do nguồn vốn ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Ba là, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu. Bốn là, thu nhập của người cao tuổi thấp, không ổn định, phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Năm là, vai trò của các tổ chức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.

Già hóa dân số đang tạo ra những áp lực trong tương lai đối với mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở nước ta. Từ thực tế này có thể khẳng định, nguồn lực về con người đối với người cao tuổi trong tương lai cũng rất lớn và cần thiết phải ban hành những chính sách từ xa, từ sớm theo hướng vừa chăm lo vừa tận dụng tối ưu hóa nguồn lực này.

3. Khuyến nghị chính sách thích ứng già hóa dân số 

Để bảo đảm liên tục cải thiện chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt là người cao tuổi, tiến tới mục tiêu thích ứng thành công với già hóa dân số. Cần có các khuyến nghị chính sách dựa trên nguyên tắc bảo đảm hòa nhập xã hội cho người cao tuổi, tạo điều kiện cho họ có cơ hội được tôn trọng, khỏe mạnh, tích cực, độc lập, không bị đói nghèo và lạm dụng. Đồng thời, chuẩn bị cho những người trẻ tuổi bước vào tuổi già với niềm tin và thái độ tích cực, trong tình trạng sức khỏe tốt và điều kiện tài chính lành mạnh.

Thứ nhất, nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Người cao tuổi phù hợp với nội dung sửa đổi các luật, như: Bộ luật Lao động quy định tuổi về hưu; chế độ lao động của người cao tuổi… bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với xu thế già hóa dân số của nhiều nước trên thế giới (nhiều nước quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, trong khi Luật Người cao tuổi của Việt Nam quy định là 60 tuổi), bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện chính sách pháp luật cho người cao tuổi. Các chính sách sửa đổi, bổ sung theo hướng:

(1) Chính sách bảo đảm tài chính, thu nhập cho người cao tuổi. Đây được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người cao tuổi trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, không chỉ quy định mức hỗ trợ hằng tháng cho nhóm người cao tuổi mất sức lao động, già yếu, neo đơn mà cần có những chính sách tăng cường khả năng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi; chính sách hỗ trợ học tập, vay vốn, thuế thu nhập cho người cao tuổi. Vì vậy, cần phải luật hóa các ngành nghề, lĩnh vực mà người cao tuổi có thể làm việc, có chính sách về thuế cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng người cao tuổi; ban hành chiến lược phát triển khu vực “kinh tế bạc” tại Việt Nam, thu hút đầu tư và phát triển hệ thống các ngành sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi.

(2) Chính sách bảo đảm xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Rà soát, ban hành quy chuẩn và tích hợp các tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi vào các tiêu chí xây dựng nhà ở, công trình, giao thông và các tiện ích xã hội khác, tạo thuận lợi cho việc ở, lao động, đi lại của người cao tuổi, tôn trọng và hỗ trợ cho người cao tuổi khi cần thiết ở những nơi công cộng. Nghiên cứu ban hành pháp luật chống lạm dụng người cao tuổi và thiết lập một kênh để người cao tuổi khiếu nại dễ dàng gắn với huy động sự tham gia của xã hội và các tổ chức xã hội trong việc nhận dạng lạm dụng người cao tuổi và phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ người cao tuổi. Khuyến khích người dân tìm kiếm và thực hiện những lời khuyên về việc duy trì lối sống lành mạnh và cách thay đổi thói quen của họ theo tuổi tác, giúp người cao tuổi thích ứng tốt và giảm bất kỳ tác động tâm lý tiêu cực nào khi lớn tuổi.

(3) Chính sách an sinh xã hội. Cần rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Việc làm năm 2013, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015…nhằm thống nhất các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng để thống nhất thực hiện; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, nhằm bảo đảm lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu; nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; tuyên truyền, vận động sâu rộng người lao động, nhất là lao động tự do tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hộiđể họ bảo đảm an ninh tài chính lúc tuổi già. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt hướng đến đối tượng người cao tuổi để mỗi người đều có thẻ bảo hiểm y tế nhằm giảm áp lực chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bản thân và gia đình người cao tuổi.

(4) Chính sách hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mở rộng, nâng cao năng lực chăm sóc, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; quy hoạch, bảo đảm nguồn lực đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người già từ tuyến tỉnh, huyện, phát triển các mô hình chăm người cao tuổi tại cộng đồng; đặc biệt, phát triển hệ thống lão khoa tại các tuyến khám chữa bệnh. Khuyến khích việc thành lập, quản lý, sử dụng hiệu quả các quỹ trợ giúp người cao tuổi lúc gặp khó khăn, chính sách xã hội hóa thành lập các trung tâm giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi. Khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào công việc tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi.

Thứ hai, tập trung nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dân số và phát triển phù hợp với tình hình dân số, điều kiện kinh tế – xã hội, đặc trưng văn hóa của từng vùng, từng đối tượng; đồng thời cần đa dạng, đồng bộ trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về già hóa dân số và các biện pháp thích ứng già hóa dân số đến người dân và mỗi gia đình. Đưa những chỉ tiêu liên quan đến ứng phó với già hóa dân số vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đưa nội dung thích ứng về già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi vào chương trình giảng dạy trong trường học. Nâng cao nhận thức về vai trò tích cực của người cao tuổi; khuyến khích và hỗ trợ các gia đình chăm sóc cho cha mẹ và người thân lớn tuổi để thế hệ sau biết và học hỏi, góp phần phát huy truyền thống đạo hiếu cao quý của người Việt Nam. Nghiên cứu thiết lập một hệ thống tình nguyện viên hỗ trợ dịch vụ cần thiết cho người cao tuổi sống cô đơn hay ở nhà một mình; phổ biến đào tạo người cao tuổi trong việc sử dụng máy tính, điện thoại để họ có thể tự tìm kiếm thông tin trên mạng và giữ liên lạc với các đồng nghiệp của họ thông qua mạng xã hội. 

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về người cao tuổi và thi hành chính sách cho người cao tuổi phù hợp với từng vùng, ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu điều tiết tỷ lệ sinh phù hợp theo từng khu vực dân cư, thường xuyên rà soát, theo dõi và có chính sách khuyến khích sinh đẻ hợp lý để hạn chế, làm chậm tình trạng già hóa dân số; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa – xã hội cho người cao tuổi nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nhóm người cao tuổi.

4. Kết luận

Già hóa dân số đang là vấn đề toàn cầu, xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các phân tích nêu trên đã cho thấy già hóa dân số tạo ra nhiều thách thức đan xen cả cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc ban hành và hoàn thiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi là cần thiết, nhằm thích ứng kịp thời, hiệu quả, phát triển bền vững với tình trạng già hóa dân số ở nước ta.

Chú thích:
1. Quỹ Dân số Liên hiệp quốc. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Hà Nội, 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 136.
3. Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Từ năm 2056 – 2069, cơ cấu dân số Việt Nam “siêu già”? https://tuoitre.vn, ngày 30/7/2023.
5. Các nước thích ứng thế nào với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi? https://suckhoedoisong.vn, ngày truy cập 09/12/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.
2. Luật Bảo hiểm xã hội  năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)
3. Luật Người cao tuổi năm 2009.      
4. Luật Việc làm năm 2013.