Bàn về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân

NCS. Phùng Anh Tuấn
Học viện An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là nội dung quan trọng, làm nền tảng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Vì vậy, nội dung về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân cần được hệ thống hóa, nhận thức, tiếp cận và triển khai để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ trong Công an nhân dân.

Từ khóa: Văn hóa công vụ; cải cách hành chính; cán bộ, công chức; lực lượng Công an nhân dân.

1. Văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân

Xây dựng văn hóa công vụ là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Xây dựng văn hóa công vụ nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức; đồng thời, góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức. Văn hóa công vụ là những giá trị để tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu chính của nền hành chính là phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Lực lượng Công an nhân dân ở nước ta đã trải qua gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, luôn coi trọng công tác xây dựng lực lượng, đặc biệt xây dựng nền văn hóa công vụ liêm chính, khoa học, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ. Nội dung công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân luôn chú trọng đến công tác chính trị tư tưởng, công tác điều lệnh, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ Công an nhân dân và tổng thể các quy định về phương pháp, phong cách làm việc phục vụ xây dựng lực lượng, nền công vụ chuyên nghiệp. Các nội dung đó là kim chỉ nam, điểm tựa cho các chiến sĩ Công an nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, luôn chiến đấu, cống hiến tận tâm, tận tụy cho công cuộc đổi mới, cách mạng của dân tộc. 

Dù chưa có những quy định cụ thể về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân nhưng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng Công an nhân dân đã chú trọng trong xây dựng văn hóa kiểu mẫu hoàn toàn khác so với các lực lượng khác “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ”. Từ 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân và quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng, lực lượng Công an nhân dân đã đúc kết, ban hành 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật trong Công an nhân dân, 11 điều cấm cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ và các giá trị về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Các đợt vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”… mà mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải thực hiện, tạo nên những giá trị văn hóa, nhân văn, thống nhất trong toàn lực lượng.

Ngày 14/5/2019, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 178/KH-BCA-X03 về thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Trải qua 3 năm thực hiện, Bộ Công an tiến hành sơ kết, trong đó có đề xuất xây dựng nghị định về thực hiện văn hóa công vụ với dự kiến tên gọi “Nghị định về thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập” trong Công an nhân dân. Tuy đã có những kế hoạch triển khai từ cấp bộ cho đến các địa phương về thực hiện văn hóa công vụ nhưng trên thực tế các quy định về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân vẫn chưa được tiếp cận một cách hệ thống. Do đó, cần có những nội dung cụ thể để có thể xây dựng văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân và triển khai sâu rộng đến toàn thể lực lượng Công an nhân dân.

Có nhiều cách nhận thức về công vụ, nhưng theo quan điểm tại các tài liệu của Bộ Nội vụ thì khái niệm công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực, pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Công vụ là phục vụ Nhà nước, phục vụ Nhân dân, gắn với quyền lực nhà nước. Từ quy định trên và các quy định của Luật Công an nhân dân có thể thấy, hoạt động công vụ của lực lượng Công an nhân dân là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Hoạt động công vụ của lực lượng Công an nhân dân mang tính quyền lực, pháp lý do lực lượng Công an nhân dân tiến hành, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong việc quản lý bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì mục đích phục vụ Nhân dân.

Có nhiều quan niệm về văn hóa công vụ, tuy nhiên đều phải công nhận rằng văn hóa công vụ thể hiện mối quan hệ tác động qua lại giữa văn hóa với công vụ, giữa người thực thi công vụ và văn hóa. Văn hóa công vụ nâng tầm hoạt động công vụ của con người lên tầm trình độ văn hóa, làm cho hoạt động công vụ mang tính tự giác, chủ động và sáng tạo. Văn hóa công vụ là văn hóa của một tổ chức xã hội đặc thù, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực thi quyền lực của Nhà nước trong quản lý các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội hoặc một ngành, một lực lượng có màu sắc riêng. Trong nghiên cứu của tác giả Huỳnh Văn Thới, đề tài cấp Nhà nước: “Văn hóa công vụ ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” đã đưa ra định nghĩa văn hóa công vụ: “Văn hóa công vụ là hệ thống các biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ1. Tại định nghĩa này đã chỉ ra những đặc điểm của văn hóa công vụ, bao gồm: (1) Văn hóa sử dụng quyền lực nhà nước; (2) Văn hóa của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; (3) Đòi hỏi tính sáng tạo trong hoạt động thực thi công vụ; (4) Mang tính đặc trưng khác nhau giữa các lực lượng, tổ chức. Như vậy, văn hóa công vụ của mỗi lực lượng, mỗi tổ chức chính trị xã hội có một bản sắc riêng dựa trên nền tảng chung.

Từ những phân tích trên, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân có thể quan niệm như sau: Văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn tác động tới hành vi và lề lối làm việc, cách sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, của môi trường tổ chức trong lực lượng và có khả năng lưu truyền, ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động thực thi công vụ của lực lượng Công an nhân dân. 

2. Đặc điểm văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân

Một là, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là văn hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước theo đặc trưng chức năng của lực lượng Công an nhân dân, đó là tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong thực thi công vụĐiều này thể hiện trong quá trình các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với Nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đối tượng vi phạm. 

Ba là, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân đòi hỏi tính linh hoạt trong thực thi công vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ trải qua nhiều hoàn cảnh, đối tượng khác nhau nên việc giữ được bản lĩnh, văn hóa để vận dụng linh hoạt vừa là đặc điểm, vừa là nguyên tắc trong thực thi công vụ.

3. Một số yêu cầu về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân hiện nay

Văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân được cấu thành từ nhiều thành tố, các thành tố này đều dựa trên nền tảng chung là văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và các quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về đạo đức. Có nhiều cách tiếp cận khi phân tích cấu trúc của văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân, theo tác giả, cách tiếp cận phù hợp nhất là xem xét văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là hệ thống các thành tố sau:

Tri thức công vụ của lực lượng Công an nhân dân. Đây là trình độ học vấn và sự hiểu biết của mỗi cán bộ, chiến sĩ về công vụ, văn hóa công vụ. Bao gồm các nội dung tri thức của bản thân, trình độ học vấn, hiểu biết về lịch sử vẻ vang, hào hùng của lực lượng Công an nhân dân, những bài học quý báu của lực lượng Công an nhân dân… Sự hiểu biết công vụ không chỉ biểu hiện ở trình độ học vấn công vụ mà còn ở trình độ kinh nghiệm, sự từng trải, sự nhạy bén được tích lũy qua thực tế của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Niềm tin công vụ. Niềm tin công vụ là sự bộc lộ những phẩm chất, sắc thái đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với lý tưởng, chế độ chính trị, Nhà nước, những quy định chung của lực lượng Công an nhân dân, các chỉ thị, mệnh lệnh của các cấp lãnh đạo trong Công an nhân dân.

Các truyền thống hoạt động công vụ. Truyền thống đã được khẳng định từ khi thành lập đến nay đó là truyền thống hoạt động công vụ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, các giá trị tốt đẹp về bản lĩnh chính trị của từng cán bộ, chiến sĩ, truyền thống nhân văn trong ứng xử với cấp trên, cấp dưới, các cán bộ chiến sĩ với nhau và với Nhân dân; truyền thống cương quyết và khôn khéo trong đấu tranh với địch và công cuộc phòng, chống tội phạm.

Những lý tưởng cao đẹp mà từng cán bộ, chiến sĩ phấn đấu đạt tới trong hoạt động công vụ. Những lý tưởng cao đẹp vừa đóng vai trò là động lực kích thích hoạt động chính trị vừa đóng vai trò là xung lực nội tại để hoàn thiện tư chất của của từng cán bộ, chiến sĩ vươn tới những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của lực lượng Công an nhân dân. Đó là tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tinh thần cống hiến cao cả vì niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân, sự bình yên của xã hội mà không mưu cầu gì nhiều cho bản thân.

Chuẩn mực công vụ. Chuẩn mực công vụ là hệ thống nguyên tắc, các quy định mang tính pháp lý của tổ chức mà mọi công chức phải tuân thủ và hành động nhằm thực hiện lý tưởng chính trị và giá trị văn hóa công vụ. Đó thể hiện ở các quy định chung, quy tắc chung mà tất cả các cán bộ, chiến sĩ và lãnh đạo chỉ huy các cấp đều phải thống nhất thực hiện.

Phương thức tổ chức và quản lý nhà nước để biến những giá trị công vụ đã được thiết lập thành niềm tin, động cơ, nhu cầu, thói quen công vụ. Đây là việc các cấp lãnh đạo trong Công an nhân dân tổ chức lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, triển khai thực hiện và kiểm tra các quy định về văn hóa, triển khai công vụ, công việc, các quy trình trong công tác nghiệp vụ chuyên môn đối với từng cán bộ, chiến sĩ. Quá trình này không chỉ là hướng dẫn, kiểm tra mà còn là quá trình truyền cảm hứng, nhiệt huyết làm việc. Đây là cơ sở tạo cho văn hóa công vụ sự ổn định, vững chắc. Vì vậy, đây cũng là tiêu chí để đánh giá trình độ trưởng thành về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân.

Hiện nay, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân đang thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện văn hóa công vụ chính là nội dung quan trọng, cốt lõi để thực hiện thắng lợi các nội dung của Nghị quyết. Vì vậy, việc tìm hiểu những nội dung cơ bản về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân sẽ là cơ sở quan trọng để tham mưu xây dựng các quy chế, quy định tổng thể về nội dung triển khai, thực hiện trong toàn lực lượng, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chú thích:
1. Huỳnh Văn Thới. Văn hóa công vụ ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn. H. NXB Lý luận chính trị, 2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 10538/BC-X03 ngày 22/12/2022 của Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an về kết quả 5 năm thực hiện Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
2. Kế hoạch 178/KH-BCA-X03 ngày 14/5/2019 của Bộ Công an về thực hiện Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
3. Luật Công an nhân dân năm 2018.
4. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
5. Thông tư số 12/2023/TT-BCA ngày 20/3/2023 của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.