Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay

Hồ Văn Đức
Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức và nguồn lực các tôn giáo là nội dung, biện pháp quan trọng để củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Bài viết nghiên cứu các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo; vai trò của việc phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo; thực trạng phát huy, từ đó, đề xuất các biện pháp phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. 

Từ khoá: Phát huy, giá trị văn hoá, đạo đức, tôn giáo, sự nghiệp, phát triển đất nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”1. Vì vậy, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay là rất quan trọng, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các chỉ tiêu, nội dung về phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, củng cố quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác, phát triển. Đồng thời, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đất nước. 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ra tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”2 và Người còn nhấn mạnh: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”3. Những quan điểm, tư tưởng của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là cơ sở để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, biện pháp về công tác tôn giáo trong tình hình mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của các tổ chức, lực lượng, phục vụ hữu ích cho nhiệm vụ dựng xây, kiến thiết đất nước. 

Theo quan điểm, tư tưởng của Người, đồng bào các tôn giáo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, dân chủ, văn minh, giàu mạnh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới. Do đó, đoàn kết đồng bào các tôn giáo là yêu cầu vừa mang tính cơ bản trước mắt, vừa là nhiệm vụ mang tính chiến lược cơ bản lâu dài để tăng thêm nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các tôn giáo đã kề vai, sát cánh bên nhau đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc. Mặc dù, là một đất nước đa tôn giáo, với số lượng tín đồ đông, mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật, cơ sở thờ tự, đường hướng hoạt động khác nhau nhưng đều thống nhất ở phương châm hành động “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. 

Là bộ phận cấu thành của hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam, những giá trị văn hoá, đạo đức của đồng bào các tôn giáo được nuôi dưỡng, tắm mát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên và từ quan hệ ứng xử văn hoá giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Nằm trong dòng chảy của hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam, trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của mình, đồng bào các tôn giáo đã có nhiều đóng góp vào bức tranh văn hoá, con người đối với từng hoạt động cụ thể. Những quan niệm mang tầm triết lý của Phật giáo về thái độ sống tích cực, lạc quan, yêu đời, từ bi, hỷ, xả, cứu nhân độ thế, khuyên dăn con người làm nhiều việc thiện, rộng lượng tha thứ cho người lầm đường, lạc lối; chỉ rõ những khổ đau, bất bình đẳng trong xã hội đều xuất phát từ lòng tham của con người. Vì vậy, Phật giáo chủ trương hướng con người giảm bớt lòng tham, làm nhiều việc tốt, có ích cho xã hội hơn. 

Đạo Công giáo với những quan điểm, tư tưởng nhân văn tiến bộ “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “Một người Công giáo tốt cũng là một công dân tốt”… là những chỉ dẫn quý báu cho mọi hoạt động của các tôn giáo trên con đường truyền đạo theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng để đoàn kết, tập hợp đồng bào các tôn giáo cùng thực hiện các nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ riêng của từng tôn giáo. Mỗi hoạt động mang ý nghĩa, nội dung khác nhau nhưng đều bảo đảm tính Đảng, tính giáo dục và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của hệ giá trị văn hoá quốc gia, hệ giá trị văn hoá, con người và hệ giá trị văn hoá gia đình Việt Nam. 

Các tôn giáo đều đề cao giá trị văn hoá gia đình, đức tính hiếu đạo với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ và sự yêu thương san sẻ, quan tâm nhau giữa các thành viên trong gia đình luôn là tư tưởng chủ đạo, nhất quán của các tôn giáo. Chính văn hoá gia đình của các tôn giáo đã làm phong phú, đa dạng thêm văn hoá, con người Việt Nam, là nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh để đồng bào đóng góp ngày càng nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Giá trị văn hoá, đạo đức của các tôn giáo còn được thể hiện ở sự tự điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống, lối sống tốt đẹp của dân tộc, hoà mình vào những công việc chung, không có sự tách bạch, hoạt động riêng rẽ hay đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các tôn giáo đã giáo dục các tín đồ luôn hướng thiện, vừa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người theo đạo, vừa phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động của địa phương, xây dựng đời sống văn hoá mới, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực phản động trong và ngoài nước. 

Giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo còn được thể hiện ở những công trình kiến trúc văn hoá, ngôi chùa, đền, tượng thờ Phật, chúa ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Đó là sự hội tụ của tinh hoa văn hoá, thể hiện tầm cao trí tuệ của những nhà thiết kế, của các tín đồ ở các tôn giáo khác nhau về công lao của những bậc minh thánh đã sáng lập ra tôn giáo. Những công trình văn hoá của các tôn giáo cũng thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ trong thiết kế họa tiết, hoa văn một mặt là nơi để các tín đồ sinh hoạt hàng ngày, mặt khác là địa chỉ để thu hút du khách ngoài nước đến thăm quan, chiêm nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá con người Việt Nam. 

Những năm qua, đồng bào các tôn giáo đã khơi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế của từng tôn giáo cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Các nguồn lực của từng tôn giáo đã có nhiều đóng góp vào từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho việc thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phòng, chống khắc phục thiên tai, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, xây dựng trường học, hiến đất làm đường xã, xây cầu cho trẻ em đến trường, vì an ninh Tổ quốc… đã có sức lan toả sâu rộng trong đồng bào Công giáo và toàn xã hội. 

Thông qua những hoạt động thực tiễn đã củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng niềm tin vững chắc của các tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo ngày càng tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể xã hội; có nhiều ý kiến, tham mưu, đề xuất cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp quản lý, duy trì, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả những chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát huy giá trị văn hoá, đạo đức, nguồn lực các tôn giáo để phát triển đất nước còn một số hạn chế, như: một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng đến phát huy giá trị văn hoá, đạo đức của đồng bào các tôn giáo; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng tôn giáo ở từng khu vực, địa bàn cụ thể. Một số phần tử xấu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào tôn giáo để xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng xã hội. 

Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức. Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất quyết liệt, mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền, biển đảo, xung đột sắc tốc, tôn giáo diễn ra ngày càng phức tạp, có mặt còn gay gắt hơn; những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng bất thường, đe doạ nghiêm trọng đến đời sống của con người. Mặc dù, tình hình trong nước ổn định, song đời sống của các tầng lớp nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Ta cũng phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ”4.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tầm quan trọng phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn, địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các tôn giáo là một thực thể xã hội, tồn tại khách quan trong đời sống của con người và mang lại những giá trị tích cực đối với từng hoạt động cụ thể. 

Theo đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương và đồng bào các tôn giáo tiếp tục quán triệt những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới; triển khai tổ chức thực hiện các phong trào, chương trình hành động quốc gia có sự tham gia đông đảo của đồng bào các tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc giữ gìn và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đối với việc phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực tôn giáo. Xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, giản dị gắn kết giữa đồng bào các tôn giáo trong một phạm vi, khu vực để giao lưu, trao đổi và tăng lên sự hợp tác, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. 

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào các tôn giáo về giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của mình, không ngừng lan toả các giá trị đó vào thực tiễn đời sống, giải quyết các mối quan hệ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tôn giáo phát động để đánh thức, khơi dậy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của các tôn giáo cho nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước. 

Đồng bào các tôn giáo, nhất là các chức sắc, chức việc, người đứng đầu cơ sở thờ tự tôn giáo là hạt nhân đoàn kết, trung tâm kết nối của các tín đồ với đồng bào người Kinh cùng tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chung ở địa phương, thực hiện các chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác kết nạp đội ngũ đảng viên là người tôn giáo, từ đó, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo phát huy nguồn lực của mình cho sự phát triển của đất nước

Xây dựng những cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng các nguồn lực tôn giáo vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện an sinh xã hội; lan toả các phong trào thi đua yêu nước. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên bám nắm cơ sở, thực tiễn hoạt động của các tôn giáo để tham mưu, đề xuất với cấp trên ban hành văn bản, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của mình. 

Tổ chức những buổi đối thoại dân chủ lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương; chỗ nào còn vướng mắc, gặp khó khăn kịp thời tháo gỡ để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động. Phối hợp chặt chẽ với người đứng đầu các tôn giáo để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ ở từng khu vực, địa bàn đặt ra. Trước khi ban hành một văn bản có liên quan đến đồng bào các tôn giáo cần lấy ý kiến rộng rãi của đồng bào, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống của địa phương, của đồng bào các tôn giáo. Không được ban hành những văn bản trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định, hương ước của địa phương. Có cơ chế, chính sách biểu dương, khen thưởng đối với đồng bào tôn giáo, tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là hoạt động từ thiện, thực hiện phúc lợi xã hội. 

Có cơ chế, chính sách gặp gỡ, đối thoại với đồng bào các tôn giáo, người đứng đầu cơ sở thờ tự về thực hiện những chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá mới, vì an ninh Tổ quốc, phong trào khuyến học; đặc biệt là tổ chức những ngày truyền thống của các tôn giáo đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong xã hội nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng. 

Có cơ chế, chính sách đối với gia đình tôn giáo có nhiều đóng góp cho địa phương, như: tự nguyện hiến đất làm đường; vận động đồng bào tham gia sinh hoạt, xây dựng khu vực tự quản xanh, sạch, đẹp; gia đình, dòng họ có nhiều con em thành đạt, tham gia vào hệ thống chính trị các cấp. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đối với đồng bào các tôn giáo phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Quan tâm, chăm lo tốt đến gia đình của đồng bào các tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn; có cơ chế, chính sách tổ chức các hoạt động giao lưu, phối kết hợp giữa đồng bào các tôn giáo với đồng bào người Kinh linh hoạt, sáng tạo để tăng sự đoàn kết, tin cậy, giúp đỡ nhau trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. 

Có cơ chế, chính sách nhắc nhở, xử lý thật nghiêm đối với những tổ chức tôn giáo, cá nhân đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, kích động, gây rối mất trật tự an toàn xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Đảng ta khẳng định: “Xử lý hài hoà các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận, củng cố niềm tin của Nhân dân”5.

Ba là, tích cực vận động đồng bào các tôn giáo tham gia có hiệu quả hơn vào các hoạt động của đất nước

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, đồng bào các tôn giáo đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mỗi tôn giáo có cách thức, phương pháp đóng góp riêng cho đất nước, đồng hành cùng dân tộc, như: Phật giáo là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”; Tin lành là “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; Cao Đài là “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hoà Hảo là “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”… 

Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường phối hợp với đồng bào các tôn giáo trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, nhất là tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm; giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường. Cùng với đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo. 

Vận động đồng bào các tôn giáo tham gia xây dựng cơ sở chính trị trong sạch, vững mạnh, các hoạt động phản biện xã hội, giám sát thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Vận động đồng bào các tôn giáo ủng hộ, tạo điều kiện cho công tác xây dựng đội ngũ đảng viên là người tôn giáo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; hỗ trợ, giúp đỡ những hạng mục công trình có liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào các tôn giáo. Vận động các chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tôn giáo tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng các hoạt động từ thiện, kêu gọi ủng hộ để trục lợi cá nhân hoặc có những phát ngôn, hành động trái với giáo lý, giáo luật gây bức xúc trong xã hội. 

Các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo đã, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Mỗi giá trị văn hoá, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo có những biểu hiện, đóng góp ở các khía cạnh khác nhau đã làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hoá, con người Việt Nam. Phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo là điều kiện quan trọng để đồng bào các tôn giáo khai thác những lợi thế của mình vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, Nhà nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, xác định nội dung, hình thức, biện pháp phát huy giá trị đạo đức, văn hoá và nguồn lực của các tôn giáo phù hợp, đạt được kết quả như mong muốn; góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực tiễn cuộc sống, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cường quốc năm châu thế giới. 

Chú thích:
1,5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 110, 281. 
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 9.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 454. 
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 244.