Phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường 

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tôn giáo… 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo… 3. Không ai được xâm phạm tự do tôn giáo… hoặc lợi dụng tôn giáo… để vi phạm pháp luật”. Để góp phần hiện thực hóa nguyên tắc hiến định trên, bài viết phân tích và đề xuất giải pháp phát huy truyền thống “Phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường hiện nay.

Từ khóa: Truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân”; Phật giáo thời Lý – Trần; giàu mạnh; hùng cường.

1. Khái quát những nội dung cơ bản về truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, từ khi mới du nhập vào đất Việt, Phật giáo đã hòa mình cùng văn hóa truyền thống của dân tộc và tô bồi cho nền văn hóa, đạo đức nhân văn của dân tộc, xây dựng tình người nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Phật giáo Việt Nam luôn trong lòng dân tộc, gần gũi mật thiết với sự phát triển của dân tộc.

Truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần có nội dung cơ bản là gắn kết tăng ni, Phật tử hòa hợp, đoàn kết xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh về mặt tổ chức, triển khai thành công xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tăng, ni, Phật tử ổn định, đoàn kết, hòa hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật và Hiến chương Giáo hội. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo hội: “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tăng, ni, Phật tử luôn coi Giáo hội là ngôi nhà chung của mọi người con Phật, hòa hợp, đoàn kết nhất tâm xây dựng Giáo hội và phong trào Phật giáo vững mạnh; sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì sự phát triển của Phật giáo, với mục tiêu xây dựng tịnh độ giữa nhân gian, xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp.

Phật giáo thời Lý – Trần đem đến cho cộng đồng xã hội, đội ngũ Tăng, Ni và tín đồ Phật tử có một đời sống nội tâm phong phú, thể hiện tinh thần yêu nước cao độ, làm chất xúc tác để đoàn kết toàn dân, khiến lòng dân quy về một mối, tạo thành sức mạnh phi thường của dân tộc. Phật giáo thời Lý, Trần tạo điều kiện để toàn dân đoàn kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây là sự đóng góp to lớn của Phật giáo thời Lý, Trần.

Thông điệp mà Phật giáo thời Lý – Trần gửi đến cho mọi người là phải làm tròn bổn phận một con người đối với gia đình, đối với Tổ quốc, đối với mọi người (chúng sanh) và đối với Tam Bảo; thổi vào tâm hồn người dân, đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử một sinh khí độc đáo: “nói như vậy, làm như vậy, biết như vậy và sống đúng như vậy”. Do đó, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời Lý – Trần nói riêng đã cùng Nhân dân Việt Nam viết nên khúc tráng ca, trang sử vàng của đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với đó, phát huy những lễ nghi truyền thống, tăng, ni, Phật tử đóng góp vào sự bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo tinh thần phấn khởi trong giới tăng, ni, Phật tử và Nhân dân. Kết hợp với chính quyền và các địa phương tổ chức lễ cầu an, cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tăng, ni, Phật tử phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, hoàn thành xuất sắc công tác an sinh xã hội, phúc lợi cộng đồng; cứu trợ đồng bào lũ lụt thiên tai; xây dựng nhà nghĩa tình; ủng hộ xây dựng trường học; công tác từ thiện xã hội… Tăng, ni, Phật tử luôn phát huy nội lực, đẩy mạnh nguồn lực vật chất phục vụ Đạo pháp; đồng hành cùng dân tộc góp sức to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Phật giáo thời Lý – Trần vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt, vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Bởi vì, tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo thời Lý – Trần tiếp tục được thể hiện như đúng tên gọi cổ truyền: “Đạo là cứu độ từ bi, nước nghèo dân chết bỏ đi nỡ nào”. Điều này, giống như Thiền sư Toàn Nhật viết trong Hứa Sử truyện1: “Mật hạnh nghe luận từ bi, vốn nay vì nước vì nhà, cứu dân giúp nước sao mà chẳng nên. Luật rằng phương tiện xảo quyền, tùy cơ lợi vật pháp truyền xưa nay”.

2. Phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần

Thứ nhất, chú trọng hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách tôn giáo2. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nơi có đông đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn3. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan4. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức Phật giáo, đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức Phật giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của Phật giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng Phật giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết Phật giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc5. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về Phật giáo và tôn giáo.

Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Phật giáo và tôn giáo, nhất là các quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”6. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật về Phật giáo, như: bảo đảm các cuộc hành lễ thường lệ của Phật giáo được tổ chức trong những nơi thờ cúng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về quyền tự do hội họp… Tuân thủ nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ tăng, ni, tín đồ Phật tử và các cơ sở Phật giáo theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo theo quy định của pháp luật. Động viên tăng, ni và tín đồ Phật tử tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư là chức sắc, chức việc Phật giáo, tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật tham gia hòa giải ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật về Phật giáo, tôn giáo, nhất là cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân theo quy định.

Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Bảo đảm mỗi người, nhất là đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực hiện quy định về thanh tra chuyên ngành tôn giáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và một số biện pháp chế tài khác, như: đình chỉ, thu hồi, giải thể… cơ sở tôn giáo, nhằm thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Đồng thời, bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, nhất là đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.Thực hiện các quy định thông báo, như: người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; kết quả đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo tôn giáo; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho những người không chuyên hoạt động tôn giáo; danh mục hoạt động tôn giáo; hội nghị thường niên…, nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của các tổ chức Phật giáo7.

3. Những kiến nghị

Một là, đối với Quốc hội.

Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Hai là, đối với Chính phủ.

Chỉ đạo rà soát tổng thể, đánh giá toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng; ban hành hoặc trình Quốc hội xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật, xem xét kỹ tính đặc thù về tổ chức và hoạt động tín ngưỡng ban hành nghị định quy định về xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá cơ chế quản lý tài sản, tài chính đối với các công trình tín ngưỡng, có cơ chế quản lý, bảo tồn, khai thác các công trình tín ngưỡng phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo kiện toàn tổ chức, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng ở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

Ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác Phật giáo ở cơ sở; bảo đảm hoạt động tín ngưỡng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến Phật giáo. Nghiên cứu, quy định cụ thể về quy hoạch đất tín ngưỡng trên toàn quốc và từng địa phương; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành chức năng ở trung ương và địa phương, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác dân vận về đất đai có liên quan đến Phật giáo. Tăng cường nghiên cứu và đề ra giải pháp để hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế.

Ba là, đối với bộ, ngành liên quan.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các luật liên quan; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm; theo dõi và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật của các địa phương, của các tổ chức Phật giáo, cơ sở Phật giáo; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các phản ánh, khiếu nại, tố cáo về tình hình vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các luật liên quan.

(1) Bộ Nội vụ tham mưu, tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017…; tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng. Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí truyền thông cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo về quản lý, sử dụng đất Phật giáo, xây dựng cơ sở Phật giáo nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, chấp hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và người có đạo.

(2) Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu Chính phủ để phân biệt rõ, quy định hạn điền với đất tín ngưỡng, quy định cụ thể loại đất, phân biệt rõ đất du lịch, thương mại với đất tín ngưỡng…

(3) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, di sản văn hóa; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, các hoạt động có dấu hiệu mê tín dị đoan, những biểu hiện biến tướng trong lễ hội.

(4) Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành, thực hiện tốt cơ chế sở hữu tài sản và quản lý, sử dụng tài chính cơ sở tín ngưỡng đảm bảo công khai, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý tài chính quản lý cơ sở tín ngưỡng do doanh nghiệp tư nhân xây dựng phục vụ du lịch phù hợp thực tế, tránh việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để kinh doanh, trục lợi.

(5) Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm việc hướng dẫn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục bất cập trong vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động y tế, giáo dục của các cơ sở Phật giáo.

(6) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ việc đánh giá, hỗ trợ đầu tư phát triển trong lĩnh vực tín ngưỡng phù hợp với kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, đối với các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường vai trò, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng. Ban hành văn bản phân công trách nhiệm chủ trì tham mưu, quản lý hoạt động tín ngưỡng tại địa phương. Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng theo hướng thiết lập mối quan hệ, xác lập rõ quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong quản lý cơ sở tín ngưỡng để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các bên trong quá trình phối hợp quản lý bảo đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra, thanh tra đối với việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các luật liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, không để tồn đọng, vi phạm kéo dài; nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh, thu lợi bất chính. Có biện pháp giải quyết những trường hợp đất tín ngưỡng tồn đọng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; tổ chức thực hiện và hướng dẫn các cơ sở Phật giáo rà soát, xác định rõ ranh giới sử dụng đất để giải quyết triệt để việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tín ngưỡng theo quy định. Phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển du lịch phải chú trọng kiểm soát tác động của quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đến tài nguyên rừng, tác động của hoạt động du lịch đến môi trường; khuyến khích hoạt động du lịch thân thiện với môi trường8.

Năm là, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm tập hợp đồng bào theo Phật giáo và đồng bào không theo Phật giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến Phật giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước có liên quan đến Phật giáo theo quy định của pháp luật. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo Phật giáo, các tổ chức Phật giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sáu là, đối với cơ sở Phật giáo.

Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng khi thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng, như: đăng ký hoạt động tín ngưỡng; thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; đăng ký tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hoạt động của cơ sở, tổ chức Phật giáo phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành.

Bảy là, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chỉ đạo, hướng dẫn Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động “Hoằng truyền Phật pháp” thông qua đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi, điều kiện, tình hình kinh tế – xã hội và phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, bảo đảm giáo lý, giáo luật của nhà Phật đi vào cuộc sống của người dân.

Tổ chức khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời đối với những tăng, ni, tín đồ Phật tử có tinh thần, trách nhiệm cao, nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành các nhiệm vụ được phân công và có những thành tựu đóng góp, sáng kiến, mô hình, cách làm sáng tạo, kết quả đạt được trong tổ chức các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, phải chỉ rõ, góp ý rút kinh nghiệm đối với một bộ phận tăng, ni, tín đồ Phật tử chưa hết lòng, hết sức trong một số hoạt động Phật sự, ảnh hưởng đến truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo.

Xây dựng các văn bản, đẩy mạnh sản xuất tin, bài về truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo và công tác Phật sự trong và ngoài nước để đăng tải trên Kênh Thông tin Phật giáo, tạo mọi điều kiện thúc đẩy việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, ý tưởng hiệu quả trong hoạt động “Hoằng truyền Phật pháp” và hoạt động tu tập của tăng, ni, tín đồ Phật tử. Các mô hình, cách làm cần hướng đến hiệu quả thực hiện, tránh hình thức, lãng phí, xa rời nội dung Phật pháp, đồng thời phải theo định hướng của Giáo hội, bảo đảm thượng tôn pháp luật, không để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, vi phạm pháp luật.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Viện Nghiên cứu Phật học và các cơ sở giáo dục Phật giáo nghiên cứu, đánh giá các mô hình thư viện điện tử đang được thực hiện trong nước và trên thế giới, đồng thời xác định rõ đặc thù để xây dựng thư viện Phật giáo điện tử với mục tiêu tập trung hướng đến các tài liệu với nội dung chủ yếu về Phật pháp, đáp ứng các yêu cầu về truyền bá Phật pháp, thu hút mọi người tham gia tìm hiểu, nghiên cứu về Phật giáo, nhất là về truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân”.

Tám là, đối với đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử.

Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm các cuộc hành lễ thường lệ của Phật giáo được tổ chức trong những nơi thờ cúng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về quyền tự do hội họp… Tuân thủ nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo. Tham gia hòa giải ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật về Phật giáo, nhất là cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực hiện nghiêm quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là các quy định: tăng, ni và tín đồ Phật tử có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo… Có trách nhiệm thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Kết luận

Trong những năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt chính sách pháp luật về tín ngưỡng. Công tác quản lý nhà nước đạt kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là trong việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng cũng còn một số hạn chế, yếu kém. Do vậy, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp cơ bản và nhóm kiến nghị để phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường hiện nay.

Chú thích:
1. Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn. Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. NXB Hồng Đức, 2018, tr. 68.
2, 3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 2021, tr. 4, 17, 41, 54.
6. Hiến pháp năm 2013.
7. Giới thiệu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. https://snv.hanam.gov.vn, truy cập ngày 20/10/2023.
8. Báo cáo số 3101/BC-UBVHGD ngày 29/10/2020 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.