Phạm Viết Đạt
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại sự nghiệp cách mạng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Với mục đích “làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình”, tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đóng vai trò là kim chỉ nam chỉ đạo công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta đối với phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.
Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác dân tộc.
1. Đặt vấn đề
Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan tâm đến đồng bào dân tộc và vùng dân tộc thiểu số, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đây được coi là nhiệm vụ trung tâm, then chốt, có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định thành bại sự nghiệp cách mạng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Ngày 19/4/1946, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Người chỉ rõ: Cán bộ “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”2. Do đó, để đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, Người nhấn mạnh đến các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là khâu then chốt, nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Sinh thời, V.I. Lênin cho rằng: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. (…) đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”3. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”4. Từ việc chỉ rõ vai trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước, Người nhấn mạnh công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là khâu then chốt, nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp cách mạng ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để miền núi phát triển đòi hỏi phải đẩy mạnh kinh tế – xã hội miền núi và sự nghiệp này phải do chính đồng bào miền núi làm nòng cốt. Người luôn đánh giá rất cao vai trò của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng: “Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình”5.
Khi bàn về tầm quan trọng của miền núi đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng số diện tích nước ta, và có hơn 3.000 cây số biên giới… miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”6. Từ đó, Người chỉ rõ nhiệm vụ của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ: “Các chú đều biết là miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc… Làm được như vậy thì vừa nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, vừa góp phần cung cấp những thứ cần thiết cho Nhà nước”7. Đồng thời, với quan điểm nâng cao đời sống mọi mặt đối với đồng bào vùng cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hai vấn đề mà Đảng, Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ đồng bào dân tộc: một là, chống nạn mù chữ, phát triển giáo dục phổ thông; hai là, đào tạo cán bộ người dân tộc.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc phải được bắt đầu từ công tác cán bộ. Người nhấn mạnh việc “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, hơn ai hết, cán bộ dân tộc thiểu số là người hiểu rõ nhất thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Họ sẽ là người tiếp thu, lĩnh hội, tham mưu, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số một cách thiết thực, có hiệu quả.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số phải đi đôi với công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, cất nhắc, sử dụng, đãi ngộ cán bộ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng không chỉ sử dụng cán bộ người dân tộc mà còn phải ra sức bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, để họ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và giúp ích cho đồng bào mình. Do đó, Người luôn yêu cầu mọi cấp, mọi ngành phải chú trọng bồi dưỡng, phát triển, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số: “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”8. Theo Người, mục đích đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số là để sử dụng, muốn sử dụng hiệu quả thì phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể. Nếu họ thể hiện được phẩm chất và năng lực tốt, thậm chí phải giao nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn.
Công tác bồi dưỡng phải mang tính thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, sát hợp. Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá, cất nhắc, đãi ngộ cán bộ là khâu trọng yếu, có quan hệ biện chứng, hợp thành chính sách cán bộ, công tác cán bộ. Do đó, không được tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất cứ mặt nào. Người nêu rõ: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”9.
Trong đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phương châm cần phải gắn với thực hành, tránh lý thuyết suông, sáo rỗng, lý luận phải gắn liền với thực tiễn ở địa phương, tránh học dông dài. Phải khai thác được thế mạnh, tiềm năng ở mỗi vùng, miền phù hợp với các yếu tố truyền thống, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau”10. Nội dung đào tạo phải toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, Người cho rằng, công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Bởi lẽ, cán bộ người dân tộc thiểu số có nắm rõ tình hình, hiểu rõ nhiệm vụ thì mới thống nhất tư tưởng và hành động. Giáo dục lý luận cho cán bộ người dân tộc thiểu số là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho đồng bào.
Chương trình đào tạo phải thiết thực, cụ thể, dễ nhớ, đi từ thấp đến cao, phù hợp với khả năng nhận thức và đặc điểm tâm lý văn hóa dân tộc. Người nhấn mạnh: “Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài”11. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng các loại hình trường lớp phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển hệ thống trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, trường dân tộc nội trú, trường sư phạm miền núi với mục tiêu: “Đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động”12.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phải trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ giữa các dân tộc.
Công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải gắn liền với việc giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Đây là cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của toàn thể dân tộc Việt Nam. Lợi ích tối cao ấy chính là bình đẳng, độc lập, tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trên tất cả các lĩnh vực là để đồng bào các dân tộc miền ngược tiến kịp miền xuôi; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công tác. Tránh tư tưởng dân tộc lớn, nhỏ, chia rẽ, biểu hiện hẹp hòi, ích kỷ vùng, miền hoặc thái độ hách dịch, cửa quyền. Người chỉ rõ, không thể thực hiện được chính sách bình đẳng trong điều kiện còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Nhà nước cần có sự ưu tiên, giúp đỡ cán bộ dân tộc và đồng bào các dân tộc có trình độ thấp hơn. Áp dụng chính sách trợ cấp, ưu đãi, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số từ đó nâng cao niềm tin và gắn kết đồng bào với chính quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiến hành công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong thực thi chính sách dân tộc phải hướng vào củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất, là: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”13. Người nhấn mạnh, muốn đoàn kết tốt thì cần dẹp bỏ những thành kiến và cả tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đây là những tàn dư do chế độ cũ để lại, cần phải tẩy trừ. Người chỉ rõ: “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu; giúp đỡ nhau như anh em một nhà”14. Do đó, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số để họ luôn gương mẫu, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự tôn, tự hào của dân tộc mình, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đối phó chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương cấp tốc đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số gắn với thành lập các khu tự trị. Trong Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Khoá II) ngày 25/01/1953, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục đồng bào thiểu số, để chuẩn bị điều kiện cho việc lập dần dần những vùng dân tộc tự trị. Việc này rất quan hệ với kháng chiến. Địch dùng tự trị giả để chia rẽ các dân tộc, để phá hoại sức kháng chiến. Ta phải kịp thời dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc, để đẩy mạnh kháng chiến”15.
Thứ tư, khắc phục tâm lý tự ti, hẹp hòi; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi dân tộc; ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là những hạn chế của lịch sử để lại và trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu nên đồng bào các dân tộc thiểu số còn biểu hiện tự ti, mặc cảm dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, khích lệ: “Cán bộ địa phương thường có tâm lý tự ti, cho mình là văn hóa kém, chính trị kém, không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng. Nếu như thế, không ai làm việc cho đồng bào cả, việc làm đấy là do cán bộ địa phương phải làm lấy”16. Người nhấn mạnh: “Muốn công tác cán bộ tốt trong các dân tộc, trong các địa phương nhất định phải có cán bộ của dân tộc ấy. Cán bộ dân tộc phải cố gắng học tập để tiến bộ, đoàn kết chặt chẽ với miền xuôi, tránh tư tưởng dân tộc hẹp hòi”, “Tiền đồ của cán bộ cũng như tiền đồ của mọi người, nó nằm trong tiền đồ dân tộc”17. Do đó, cán bộ dân tộc thiểu số phải tự ý thức để trau dồi, học để không ngừng tu dưỡng tiến bộ. Người nói: Muốn tiến bộ phải làm gì? Phải học. Cán bộ phải có quyết tâm học tập thì nhất định việc học tập sẽ đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. Cán bộ không ngừng nâng cao trình độ ở đâu? Người kêu gọi cán bộ, đảng viên học ở các tài liệu của Đảng, học ở trường lớp, học ở đồng bào, vì đồng bào có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến hay. Học tập tốt nhất là học tập trong công tác, cán bộ phải vừa làm vừa học. Kẻ thù của học tập là bệnh lười biếng và thói tự mãn.
Người cho rằng, cùng với sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ chu đáo, tận tình của cán bộ miền xuôi thì bản thân đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải tích cực, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất, học tập và cống hiến, vượt qua chính mình để đảm nhận trách nhiệm chủ yếu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giới. Người đánh giá rất cao vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ người dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, phải đặc biệt chú trọng đến phát triển đột ngũ cán bộ nữ. Người nói: “Đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”18.
3. Sự vận dụng của Đảng và Nhà nước ta về công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay
Trong suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”19. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và đã có hệ thống chủ trương, quan điểm chỉ đạo, triển khai chính sách cụ thể về công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số gắn với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng.
Ngay từ khi mới ra đời, Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số tại Đại hội I tổ chức vào tháng 3/1935, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chủ trương: “Phải nỗ lực tổ chức quần chúng lao động các dân tộc ấy vào Đảng, Công hội, Nông hội, Phản đế liên minh,… cho đông”, “Phải tổ chức cho được những phần tử hăng hái của các dân tộc thiểu số vào Đảng”20. Bước sang giai đoạn cách mạng mới, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên ngôn độc lập, Đảng ta xác định công tác phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tiếp tục là nhiệm vụ trọng yếu được ưu tiên thực hiện. Tại Hội nghị cán bộ Trung ương (tháng 4/1947), Đảng ta nhấn mạnh: “Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ người thiểu số và nâng đỡ cán bộ ấy, đưa họ vào cơ quan chỉ đạo địa phương”21. Theo đó, Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương được thành lập, có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
Ngày 30/01/1975, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 216-CT/TW về “Chính sách cán bộ miền núi”, trong đó khẳng định: “Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho miền núi là một việc rất trọng yếu và cấp bách”22. Đây chính là cơ sở quan trọng để Đảng ta xây dựng các chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu trong các giai đoạn lịch sử. Ngày 15/11/1977, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 23-CT/TW về “Công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay” nêu rõ nhiệm vụ trước mắt: “Tích cực đào tạo cán bộ dân tộc ở địa phương, đồng thời điều thêm cán bộ nơi khác tăng cường cho các vùng dân tộc. Tiếp tục lựa chọn, giáo dục và sử dụng hợp lý những công chức và trí thức dân tộc ít người do chế độ cũ để lại”23. Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi” xác định rõ mục tiêu: “Đổi mới chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ đãi ngộ cán bộ miền núi”24. Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: “Bổ sung chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích cán bộ miền xuôi đến công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo”25.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới có đưa ra quan điểm chỉ đạo về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Trước hết, về mục tiêu đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương”26. Về nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách: “Nghiên cứu tổ chức hệ thống trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng trí thức và cán bộ là người dân tộc thiểu số”27. Trên cơ sở đó, Nghị quyết xác định rõ giải pháp chủ yếu đó là: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc… Coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở; nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi, vùng cao”28. Việc Đảng ta đưa ra quan điểm chỉ đạo trên đã xác lập cơ sở vững chắc cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/02/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã có những chính sách ưu tiên trong đào tạo, sử dụng đối với người dân tộc thiểu số. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”29. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số từ trung ương đến địa phương nhằm xây dựng đội ngũ này có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển tiếp liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao về năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số… Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số”30. Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, cần coi trọng việc quy hoạch, sắp xếp, cất nhắc và sử dụng những người có phẩm chất, năng lực tốt trong đội ngũ này, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp uỷ và các cơ quan dân cử các cấp”31. Kết luận đã xác định rõ yêu cầu cần “Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số”. Thông qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025”, trong đó nêu rõ: “Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số”32.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung đi vào chiều sâu, thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng rất quan tâm, coi trọng công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong vùng dân tộc thiểu số… Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số các cấp, nhất là ở cơ sở…; có chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ; đặc biệt quan tâm cán bộ nữ là trí thức, công nhân, người dân tộc thiểu số”33.
Chú thích:
1, 11. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 249, 269.
2, 4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 309, 313.
3. V.I. Lênin toàn tập. Tập 44. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 449.
5, 6, 10, 12. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 458, 225, 164.
7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 166.
8, 14. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 523, 375.
9, 13, 18. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 225, 458, 264.
15. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 34.
16. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 523.
17. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr 578.
19. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr 74.
21. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr 196.
22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 36. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr 45
23. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr 457.
24. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi.
25. Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
26, 27, 28. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc.
29. Điều 5 khoản 4, Hiến pháp năm 2013.
30. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
31. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
32. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới.
33. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.