Nghiên cứu đánh giá tác động của các biến nhân khẩu học đến ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng thành phố Hà Nội

ThS. Vũ Thị Hiền
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết xem xét tác động của các biến nhân khẩu học đến ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng Hà Nội. Phương pháp nghiên cứu định lượng được khảo sát đối với 250 người tiêu dùng. Sau đó, phân tích Anova được áp dụng với các biến nhân khẩu học nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất hàm ý quản trị đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thời trang xa xỉ tại thị trường thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Biến nhân khẩu học; thời trang xa xỉ; thành phố Hà Nội; sản phẩm; ý định mua.

1. Vấn đề nghiên cứu

Những năm gần đây, thị trường sản phẩm xa xỉ ngày càng khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trên thế giới, doanh thu từ ngành hàng này tăng mạnh trên toàn cầu. Theo các báo cáo của Statista, thị trường sản phẩm xa xỉ đã tạo ra hơn 300 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2021 (Statista, 2022). Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 đối với nhu cầu hàng xa xỉ, thị trường này được dự báo ​​sẽ tăng đạt 387 tỷ USD vào năm 2025 (Bain & Co., 2021). Thời trang xa xỉ được coi là ngành Công nghiệp bùng nổ và đang tiếp tục được mở rộng trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Bain & Company, năm 2015, ngành Công nghiệp xa xỉ đã đóng góp một nghìn tỷ euro thu nhập cho nền kinh tế thế giới. Trong đó đặc biệt phải kể đến ngành Công nghiệp thời trang xa xỉ – nhóm sản phẩm cốt lõi này đã tạo ra mức doanh thu 250 tỷ euro trong năm 2015 trên toàn cầu, bất chấp sự khó khăn của nhiều nền kinh tế trong giai đoạn đó (Bain & Company, 2021). Đến năm 2016, 2017, 2018, 2019, các số liệu cập nhật doanh thu của ngành Công nghiệp xa xỉ trên toàn thế giới được Bain & Company thống kê lần lượt là: 1,08; 1,2; 1,22; 1,26 nghìn tỷ euro.

Thời trang xa xỉ là ngành hàng xa xỉ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Theo Statista, doanh thu từ thị trường hàng xa xỉ cá nhân của Việt Nam năm 2020 đạt 974 triệu USD, trong đó, doanh thu từ ngành hàng thời trang xa xỉ đạt 224 triệu USD. Riêng đối với nhóm hàng thời trang xa xỉ, giai đoạn 2019 – 2021, mặc dù doanh thu toàn ngành hàng xa xỉ giảm sút do đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, song nhóm thời trang xa xỉ lại có mức tăng trưởng mạnh mẽ (210 triệu USD tăng lên 224 triệu USD).

Cùng với sự phát triển của ngành hàng thời trang xa xỉ tại Việt Nam, các vấn đề về hành vi tiêu dùng thời trang xa xỉ của người tiêu dùng đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học và doanh nghiệp. Ngoài biến độc lập (thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, giá trị cảm nhận), thì các biến nhân khẩu học đóng vai trò là biến kiểm soát cũng có những tác động đến ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội. Do vậy, bài viết làm rõ sự tác động của các biến số nhân khẩu học đến ý định mua của người tiêu dùng.

2. Cơ sở lý luận và mô hình nghiên cứu

2.1. Sản phẩm thời trang xa xỉ và ý định mua của người tiêu dùng

Sản phẩm xa xỉ có thể được hiểu là những sản phẩm như quần áo, giày, đồ lót, phụ kiện thời trang, có nhiều đặc điểm thông thường và cần thiết hơn được cảm nhận bởi người tiêu dùng so với các sản phẩm khác cùng loại, bao gồm mức giá tương đối cao, chất lượng sản phẩm, tính thẩm mỹ, mức độ quý hiếm, sự đặc biệt và ý nghĩa biểu tượng (Klaus Hein, 2012). Trong khi phát triển khái niệm sản phẩm xa xỉ, Hein đã phát triển và điều chỉnh phân loại cho các ngành sản phẩm xa xỉ (danh mục thương hiệu xa xỉ trên thế giới – WLBD; Heine, 2011b), trong đó có các sản phẩm thời trang xa xỉ. Theo cách phân loại của Hein (2012): sản phẩm thời trang xa xỉ là một bộ phận trong danh mục các sản phẩm xa xỉ, bao gồm các sản phẩm, như: quần áo, giày, đồ lót, phụ kiện thời trang (thắt lưng, găng tay, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mũ, cà vạt, kính mắt…).

Ý định mua được mô tả là sự sẵn sàng của khách hàng trong việc mua sản phẩm (Ajzen, 1991). Việc bán hàng của doanh nghiệp có thể được khảo sát dựa trên ý định mua của khách hàng. Dự đoán ý định mua là bước khởi đầu để dự đoán được hành vi mua thực tế của khách hàng. Thêm vào đó dựa vào một số học thuyết, ý định mua được xem là cơ sở để dự đoán hành vi trong tương lai tốt nhất (Fishbein & Ajzen, 1975; Ajzen,1991). Trong nghiên cứu này, ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ đề cập tới ý định của người tiêu dùng đối với việc mua và sử dụng các sản phẩm thời trang xa xỉ.

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ

Ngoài các biến chính thức, ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng Hà Nội còn chịu sự tác động bởi các biến nhân khẩu học, như:

Thu nhập. Nhiều nhà nghiên cứu đã định nghĩa sản phẩm xa xỉ là hàng hóa đắt tiền và có mức giá cao (Nueno & Quelch, 1998; Kapferer & Bastien, 2009). Mức giá cao được coi là một trong những đặc điểm chính của sản phẩm xa xỉ (Dubois & cộng sự, 2001). Dubois & cộng sự (2001) kết luận có mối quan hệ đáng kể giữa thu nhập và ý định mua sản phẩm xa xỉ của người tiêu dùng. Tại thành phố Hà Nội, thu nhập trung bình của người tiêu dùng ngày càng tăng (Bain & Company, 2018). Thu nhập được cho là yếu tố quan trọng tác động đến ý định, hành vi mua sản phẩm nói chung và sản phẩm thời trang xa xỉ nói riêng.

Giới tính được cho là có ảnh hưởng đến các quyết định mua hàng xa xỉ của người tiêu dùng (Jain, 2017; Wiedmann & cộng sự, 2007). Nghiên cứu của Roy & Ranchhod (2015) khẳng định ảnh hưởng của giới tính trong việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ của người tiêu dùng Ấn Độ. Các học giả chỉ ra rằng, đối với nam giới, việc thể hiện địa vị xã hội quan trọng hơn so với nữ giới. Nghiên cứu giới tính quyết định mua hàng xa xỉ như một biến kiểm soát, bước tiếp theo có thể đánh giá ảnh hưởng điều tiết của giới tính với các mối quan hệ hiện có trong mô hình.

Độ tuổi. Bên cạnh thu nhập và giới tính, độ tuổi của người tiêu dùng được khẳng định có tác động đến ý định, hành vi mua sản phẩm xa xỉ nói chung và sản phẩm thời trang xa xỉ nói riêng (Jain, 2021; Choo & cộng sự, 2012; Dubois & cộng sự, 2001). Tại Việt Nam, nghiên cứu của Công & cộng sự (2012), Tựu & cộng sự (2017) đã khẳng định vai trò của độ tuổi đối với hành vi tiêu dùng sản phẩm xa xỉ của người tiêu dùng tại một số khu vực cụ thể.

Nghề nghiệp và trình độ học vấn. Theo các nghiên cứu của Jain & cộng sự (2021), Choo & cộng sự (2012), Tựu & cộng sự (2017), nghề nghiệp và trình độ học vấn có mối liên hệ trực tiếp tới ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng.Với bối cảnh nghiên cứu tại thành phố Hà Nội, xem xét với các nhóm nghề nghiệp và trình độ học vấn khác nhau, ý định mua sản phẩm của người tiêu dùng liệu có khác nhau hay không.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Các biến nhân khẩu học được đưa vào bảng khảo sát với các nhóm giá trị khác nhau. Trong nghiên cứu này, 260 phiếu câu hỏi được gửi tới người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội trực tiếp hoặc thông qua mạng xã hội. Nhóm tác giả nhận lại 245 phiếu, trong đó có 233 phiếu sử dụng được cho phân tích định lượng thông qua phần mềm SPSS 20.0. Phân tích Anova được sử dụng nhằm hỗ trợ đánh giá tác động của các biến định tính đến biến phụ thuộc. Cụ thể là xem xét tác động của các nhóm, phạm trù của các biến nhân khẩu học của người tiêu dùng đến ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của họ.

Về mẫu khảo sát, kết quả thống kê mẫu cho thấy, số người tham gia trả lời là nữ giới: 146 người, chiếm 62,6%; nam giới: 87 người, chiếm 37,3%. Về nhóm tuổinhóm từ 26 – 35 tuổi chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 28,3%, tiếp đó là nhóm từ 36 – 45 tuổi với 24,29%. Kết quả thống kê mô tả đối với biến độ tuổi chỉ ra nhóm người tiêu dùng từ 26 – 45 tuổi (Gen Y) có ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ mạnh nhất, tiếp đến là nhóm người tiêu dùng Gen Z (18 – 25 tuổi). Bảng thống kê mô tả đối với biến thu nhập xác định nhóm người tiêu dùng có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/tháng là nhóm có ý định mua mạnh nhất, tiếp đó là nhóm khách hàng có thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/tháng. Về trình độ học vấn, số người có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng chiếm 13,44%; tốt nghiệp đại học chiếm 39,86%, đây là nhóm có tỷ lệ cao nhất. 

4. Kết quả phân tích Anova đối với biến nhân khẩu học

4.1. Kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm giới tính

Biến giới tính được chia thành 2 nhóm là người tiêu dùng nam và nữ. Kết quả phân tích SPSS 20.0 cho thấy, kiểm định Levene có Sig. bằng 0.957 > 0.05, chưa thể khẳng định có sự khác biệt phương sai giữa các nhóm nam và nữ (Hair & cộng sự, 2010). Kết quả phân tích Anova cho thấy, Sig kiểm định F bằng 0.457 > 0.05, chấp nhận giả thuyết Ho, bác bỏ giả thuyết H1. Có thể kết luận rằng, không có sự khác biệt trung bình ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ giữa hai nhóm người tiêu dùng nam và nữ.

Bảng 1. Kết quả quân tích Anova biến giới tính

 Sum of SquaresDfMean SquareFSig.
Giữa các nhóm0.26710.2670.5550.457
Trong nhóm203.3732320.482  
Tổng203.640233   
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu SPSS 20.0

4.2. Kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm độ tuổi

Biến định tính độ tuổi được chia thành 6 nhóm, gồm: người tiêu dùng dưới 18 tuổi, từ 18 – 25 (Gen Z), từ 26 – 35 (nửa sau Gen Y), từ 36 – 45 (nửa đầu Gen Y), từ 46 – 55 và trên 55 tuổi. Kết quả phân tích SPSS 20.0 cho thấy, kiểm định Levene có Sig. bằng 0.451 > 0.05, chưa thể khẳng định có sự khác biệt phương sai giữa các nhóm độ tuổi (Hair & cộng sự, 2010). Kết quả phân tích Anova cho thấy, Sig kiểm định F bằng 0.024 < 0.05, bác bỏ giả thuyết Ho, chấp nhận giả thuyết H1. Có thể kết luận rằng, có sự khác biệt trung bình ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ giữa các nhóm tuổi của người tiêu dùng. Ngoài ra, qua bảng thống kê mô tả đối với biến độ tuổi, có thể thấy nhóm người tiêu dùng từ 26 – 45 tuổi (Gen Y) có ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ mạnh nhất, tiếp đến là nhóm người tiêu dùng từ 18 – 25 tuổi (Gen Z).

Bảng 2. Kết quả quân tích Anova biến độ tuổi

 Sum of SquaresDfMean SquareFSig.
Giữa các nhóm9.31651.4634.962.024
Trong nhóm201.3242280.482
Tổng203.640233
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu SPSS 20.0 

4.3. Kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm thu nhập

Biến định tính thu nhập được chia thành 8 nhóm. Kết quả phân tích SPSS 20.0 cho thấy, kiểm định Levene có Sig. bằng 0.861 > 0.05, chưa thể khẳng định có sự khác biệt phương sai giữa các nhóm độ tuổi (Hair & cộng sự, 2010). Kết quả phân tích Anova cho thấy, Sig kiểm định F bằng 0.031 < 0.05, bác bỏ giả thuyết Ho, chấp nhận giả thuyết H1. Có thể kết luận rằng, có sự khác biệt trung bình ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ giữa các nhóm thu nhập của người tiêu dùng. Ngoài ra, qua bảng thống kê mô tả đối với biến thu nhập, có thể thấy nhóm người tiêu dùng có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/tháng là nhóm có ý định mua mạnh nhất, tiếp đó là nhóm có thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/tháng.

Bảng 3: Kết quả quân tích Anova biến thu nhập

 Sum of SquaresDfMean SquareFSig.
Giữa các nhóm6.9828.3737.771.031
Trong nhóm200.658225.484
Tổng203.640233
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu SPSS 20.0 

4.4. Kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm trình độ

Biến định tính trình độ được chia thành 5 nhóm, gồm: người tiêu dùng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học và khác. Kết quả phân tích SPSS 20.0 cho thấy, kiểm định Levene có Sig. bằng 0.522 > 0.05, chưa thể khẳng định có sự khác biệt phương sai giữa các nhóm nhóm trình độ của người tiêu dùng (Hair & cộng sự, 2010). Kết quả phân tích Anova cho thấy, Sig kiểm định F bằng 0.463 > 0.05, chấp nhận giả thuyết Ho, bác bỏ giả thuyết H1. Có thể kết luận rằng không có sự khác biệt trung bình ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ giữa các nhóm trình độ của người tiêu dùng.

Bảng 4. Kết quả quân tích Anova biến trình độ

 Sum of SquaresDfMean SquareFSig.
Giữa các nhóm1.7384.435.902.463
Trong nhóm201.902229.482
Tổng203.640233
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu SPSS 20.0 

4.5. Kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm nghề nghiệp

Biến định tính nghề nghiệp cũng được chia thành 5 nhóm. Kết quả phân tích SPSS 20.0 cho thấy, kiểm định Levene có Sig. bằng 0.522 > 0.05, chưa thể khẳng định có sự khác biệt phương sai giữa các nhóm nhóm trình độ của người tiêu dùng (Hair & cộng sự, 2010). Kết quả phân tích Anova cho thấy, Sig kiểm định F bằng 0.463 > 0.05, chấp nhận giả thuyết Ho, bác bỏ giả thuyết H1. Có thể kết luận rằng, không có sự khác biệt trung bình ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ giữa các nhóm trình độ của người tiêu dùng.

Bảng 5. Kết quả quân tích Anova biến nghề nghiệp

 Sum of SquaresDfMean SquareFSig.
Giữa các nhóm1.7384.435.902.463
Trong nhóm201.902229.482
Tổng203.640233
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu SPSS 20.0 

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng có tác động khác nhau đến ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ. Kết luận này có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường thành phố Hà Nội. Việc xác nhận tầm quan trọng của tính không thuần nhất trong đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng cho thấy, chiến lược marketing của các doanh nghiệp kinh doanh thời trang xa xỉ nên tính đến sự khác biệt đó và đánh giá tác động của nó đối với những nỗ lực của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được lợi thế trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, sự không đồng nhất của người tiêu dùng giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh thời trang xa xỉ cần phân khúc thị trường và điều chỉnh chiến lược marketing theo từng phân khúc. Sự khác biệt về tác động giữa các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập có thể đóng vai trò như một cơ sở phân khúc quan trọng bên cạnh các biến số khác để phân khúc thị trường trên lý thuyết và thực tiễn.

Chẳng hạn, kết quả thống kê chỉ ra nhóm người tiêu dùng có ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ mạnh nhất là những người tiêu dùng gen Y và gen Z. Người tiêu dùng thuộc thế hệ Y là một trong những phân khúc thị trường sinh lợi nhất đối với các thương hiệu thời trang cao cấp (Mundel & cộng sự, 2017). Phân khúc này có thu nhập cao và xu hướng mua các sản phẩm xa xỉ lớn hơn so với các nhóm thế hệ trước (Eastman & Liu, 2012). 

Tại thành phố Hà Nội, gen Y được sinh ra trong giai đoạn chuyển mình của đất nước, phát triển kinh tế, được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Họ là những người mạnh mẽ theo đuổi ước mơ, tự tin chinh phục những thử thách, thực hiện những điều bản thân yêu thích và sẵn sàng chinh phục thử thách mới. Sự tự tin đặc trưng của Gen Y dựa trên nền tảng kiến thức, tiếp cận với công nghệ sớm và có cơ hội tiếp xúc, va chạm với nhiều nền văn hóa khác nhau cùng với tư duy của công dân toàn cầu. Chính những đặc điểm đó khiến gen Y dễ dàng thích nghi với các mô hình mua sắm mới, đặc biệt là đối với lĩnh vực xa xỉ, kích thích ý định mua sắm sản phẩm thời trang xa xỉ của họ.

Đối với người tiêu dùng thuộc gen Z, theo Nielson Việt Nam (2018), đây là nhóm nhân khẩu học lạc quan nhất và ít thận trọng nhất trong quá trình mua sắm. Thế hệ gen Z lớn lên trong thời kỳ thịnh vượng của đất nước. Họ lạc quan và ít thận trọng nhưng họ cũng đòi hỏi nhiều hơn thế. Các kết quả khảo sát của Nielson cho biết, phần lớn người tiêu dùng gen Z ủng hộ các thương hiệu có thể phản ánh các giá trị và văn hóa Việt Nam và có các liên tưởng thương hiệu cổ điển hoặc vượt thời gian. Ngoài ra, họ quan tâm đến các vấn đề xã hội khác nhau bao gồm trách nhiệm xã hội, các vấn đề môi trường và bình đẳng giới. Chính vì vậy, để thu hút được nhóm người tiêu dùng này, các doanh nghiệp kinh doanh thời trang xa xỉ phải sẵn sàng tạo ra một thương hiệu đích thực với những giá trị độc đáo và gây ấn tượng mạnh với họ. Ngoài ra, thế hệ Z luôn háo hức khám phá những thương hiệu mới. Các kết quả khảo sát đối với người tiêu dùng gen Z tại Việt Nam cho thấy, ngay cả khi họ thường xuyên sử dụng thương hiệu, thì vẫn có cơ hội rất lớn để các thương hiệu khác lôi kéo họ bằng những trải nghiệm khách hàng, những sản phẩm hoặc dịch vụ thú vị.

Người tiêu dùng ở Hà Nội có xu hướng lắng nghe ý kiến của bạn bè và bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác và định kiến của xã hội. Họ là những người tiêu dùng rất phức tạp, họ muốn được chú ý và nổi bật trong đám đông và giữa bạn bè, nhưng đồng thời cũng không muốn phá vỡ những quy tắc chuẩn mực xã hội. Các nghiên cứu của Nielson cho thấy, người tiêu dùng Hà Nội có thói quen có vẻ là ngược lại với thói quen tiết kiệm của mình, đó là họ rất thích sản phẩm xa xỉ (71% người được hỏi cho rằng, họ rất thích sản phẩm xa xỉ). Vì vậy, họ sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm này. Và cũng bởi vì họ có xu hướng là những người thích tiết kiệm và suy nghĩ cho lâu dài, do đó, khi cần chi cho các sản phẩm xa xỉ thì khả năng chi trả của họ là rất cao. 

Những đặc điểm nhân khẩu học, tâm lý  là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thời trang xa xỉ hoạch định các chiến lược marketing phù hợp. Chẳng hạn, các thông điệp truyền thông marketing cần hướng vào yếu tố chất lượng, độ bền, sự tinh xảo, tính biểu tượng xã hội của sản phẩm thời trang xa xỉ để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen Icek (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational behavior and human decision process. Số 50, tr. 179 – 211.
2. Bain & Co. (2021). Luxury market rebounds in 2021, set to return to historic growthtrajectory.https://www.bain.com/about/media-center/press releases/2021
3. Choo Ho Jung, Heekang Moon, Hyunsook Kim và Namhee Yoon (2012). Luxury customer value. Journal of Fashion Marketing and Management. Số 16(1), tr. 81 – 101.
4. Cong L.C., S.O. Olsen và H.H Tuu (2012). The roles of ambivalence, choice conflict and familyidentity: a study of food choice among Vietnamese consumers. Food Quality and Preference. Số 28 (1), tr. 92 – 100.
5. Dubois B., G. Laurent và S. Czellar (2001). Consumer Rapport to Luxury: Analyzing Complex and Ambivalent Attitudes. Les Cahiers de Recherche. Số 33 (1), tr 1 – 56.
6. Fishbein M và I Ajzen (1975). Belief, atitude, intention and behaviour: An introduction to theory and research. Xuất bản lần thứ nhất. NXB Reading, MA:Addison-wesley. 
7. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J. and Anderson, R.E. (2010), Multivariate Data Analysis. Xuất bản lần thứ 7, NXB Pearson, New York.
8. Hein Klaus (2012). The concept of luxury brands. Xuất bản lần thứ 2, NXB Technische Universität Berlin, Germany.
9. Ho Huy Tuu, Svein Ottar Olsen, Le Chi Cong (2017). Patterns of Vietnamese buying behaviors on luxury branded products. Asia Pacific Journal of Marketing and Logistics. Số 26, tr. 45 – 56.
10. Kapferer J. và V. Bastien (2009). The specificity of luxury management: Turning marketing upside down. Journal of Brand Management, Số 16 (5-6), tr. 311 – 322.
11. Nielson (2018), Explore generation Z in Vietnam consumer of tomorrow. https://www.nielsen.com,  truy cập ngày truy cập ngày 20/6/2021.
12. Nueno Jose Luis và John A. Quelch (1998). The mass marketing of luxury, Business Horizons. Số 41(6), tr. 61 – 68.
13. Tương lai của xa xỉ, https://www.robbreport.com.vn/tuong-lai-cua-xa-xi/part-1
14. Sheetal Jain, Mohammed Naved Khan và Sita Mishra (2017), Understanding consumer behavior regarding luxury fashion goods in India based on the theory of planned behavior. Journal of Asia Business Study. Số 11(1), tr 4 – 21.
15. Sheeltan Jain (2021). Role of conspicuous value in luxurypurchase intention. Marketing Intelligence & Planning. Số 39 (2), tr 169 – 185.
16. Global personal luxury goods industry- statistics & facts. https://www.statista.com, truy cập ngày 22/5/2021.
17. Vũ Thị Hiền, Đinh Thủy Bích. Thị trường thời trang xa xỉ và ý định mua của người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội, Tạp chí Công Thương, Số 25 (2022), tr. 198 – 203.
18. Wiedmann K.-P., N. Hennigs và A. Siebels (2007). Measuring Consumers’ Luxury Value Perception: A Cross-cultural Framework. Academy of Marketing Science Review. Số 16, tr. 178 – 186.