Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Ninh

ThS. Phạm Thị Thùy Hương
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt và xuyên suốt, góp phần quan trọng vào những thành tựu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, hiệu quả nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng một cách nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng giai đoạn xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Từ khoá: Đào tạo; bồi dưỡng; cán bộ; công chức; viên chức; nâng cao chất lượng.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn 2016 – 2023, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án tạo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực tỉnh, đặc biệt là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện kịp thời theo các mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đề ra; đồng thời, đưa ra những giải pháp rõ ràng, cụ thể làm căn cứ để triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong cả giai đoạn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung một cách toàn diện về đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức kỹ năng theo vị trí việc làm; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; quốc phòng – an ninh; ngoại ngữ; tiếng dân tộc… góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Kết quả thực hiện triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ, cơ chế quản lý, triển khai có nhiều điểm mới, sáng tạo, quan tâm dành nguồn lực lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng1; thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; phân công rõ ràng trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo của tỉnh trong triển khai thực hiện, xây dựng cơ chế phối hợp, kiểm soát để đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng.

Để triển khai có hiệu quả các nghị định của Chính phủ, nhất là Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức2, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn, hằng năm, như: (1) Kế hoạch số 5436/KH-UBND ngày 31/8/2016 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; (2) Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 16/02/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2025; (3) Kế hoạch số 334/KH-UBND ngày 18/01/2016 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2016 – 2020; (4) Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/7/2020 về thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”…  

Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương để cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của từng đơn vị. Sau 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm… toàn tỉnh được hơn 32.000 lượt cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; hơn 40.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã;  hơn 116.000 viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được đào tạo, bồi dưỡng. 

Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá toàn diện về chất lượng nguồn nhân lực hiện có, tỉnh đã lập và triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 (Đề án 293) với mục tiêu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện hội nhập. Tổng số lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước của toàn tỉnh đã thực hiện được theo kế hoạch thực hiện Đề án 293 giai đoạn 2015 – 2020 là 702 lớp, với tổng số 39.577 lượt học viên.

Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc hơn, qua đó, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, như: công tác biên soạn chương trình bồi dưỡng được quan tâm; chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng được nâng lên; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được đầu tư tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao3; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn sâu có khả năng tham mưu  hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, trọng điểm… Từ những kết quả này, đã góp phần quan trọng việc thực hiện thành công cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2030 xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, như: (1) Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chưa đồng đều, thiếu những cán bộ tham mưu có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ sâu, chuyên gia giỏi ở lĩnh vực mũi nhọn và có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; (2) Công tác đào tạo, bồi dưỡng có lúc còn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ, nhất là công tác cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng; (3) Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có nội dung còn dàn trải, chưa thực sự theo nhu cầu, theo vị trí việc làm.

3. Một số giải pháp tiếp tục được nghiên cứu và triển khai trong thời gian tới

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và các mục tiêu, định hướng chính trị trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hiệu quả và phục vụ người dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Rà soát, nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng, như: hỗ trợ đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức ở những ngành mũi nhọn, tỉnh cần. Tiếp tục ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh bảo đảm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về chế độ đào tạo, bồi dưỡng gắn với tình hình thực tiễn tại tỉnh; đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức… Cụ thể hóa, tập trung triển khai Kế hoạch của tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tiếp tục rà soát, xác định ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên và các chỉ tiêu thu hút nhân tài cụ thể trong từng giai đoạn…

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Trên cơ sở rà soát tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ, công chức, viên chức, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, giai đoạn bảo đảm sát với nhu cầu thực tế; chọn, cử và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm theo quy định để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và đề cao tinh thần học và tự học của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên thỉnh giảng.

Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, có phương pháp giảng dạy hiện đại. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, giai đoạn 2023 – 2025 để tiến tới xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trường  Chính trị chuẩn. 

Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm; các học giả, chuyên gia các bộ, ngành trung ương, giảng viên một số trường đại học, học viện trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, trong một số chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã, mời giảng viên là những chuyên gia cấp tỉnh, cán bộ, công chức cấp huyện có chuyên môn sâu, kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm về các chuyên ngành, lĩnh vực sát với nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã vừa tiết kiệm kinh phí, thời gian, vừa thiết thực, hiệu quả.

Thứ tư, xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng và đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần chú trọng xây dựng căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết của vị trí việc làm, giúp cán bộ, công chức, viên chức sau khi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có thể ứng dụng, triển khai tốt công việc đang đảm nhận, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Các sở, ban, ngành phụ trách lĩnh vực chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tế, ứng dụng cao, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu của ngành, lĩnh vực. 

Triển khai các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng phù hợp với từng đối tượng, từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Các học phần giảng dạy biên soạn theo hướng có thể áp dụng cả hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Bổ sung vào chương trình các học phần cơ bản về công nghệ để cán bộ, công chức, viên chức có những kiến thức để ứng dụng vào môi trường chuyển đổi số. Nghiên cứu thí điểm xây dựng các chương trình bồi dưỡng trực tuyến thông qua ứng dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để hướng tới số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức có thể tham gia trên diên rộng, vào các thời điểm khác nhau và được truy cập miễn phí qua mạng internet, có thể sử dụng trong các chương trình: bồi dưỡng văn hóa công sở, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, kiến thức chuyển đổi số… Đối với các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, có thể nghiên cứu thực hiện theo hình thức bồi dưỡng trực tiếp, kết hợp với trực tuyến để nâng cao hiệu quả khóa học. Triển khai xây dựng thư viện số, tìm kiếm thông tin chính thống từ các nguồn để xây dựng thư viện số phục vụ công tác nghiên cứu giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên.

Thứ năm, chú trọng nguồn lực, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Một mặt, tiếp tục tranh thủ các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước theo các chương trình, đề án của Trung ương phân bổ (Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (Đề án 89)) hoặc do các tổ chức, cá nhân hợp pháp tài trợ để cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực về tài chính thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong đó cần đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; đặc biệt quan tâm kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo đúng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp nội dung theo yêu cầu.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu triển khai kiểm tra việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Việc kiểm tra được thực hiện theo các nội dung: (1) Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, theo vị trí việc làm; (2) Thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức; (3) Việc chuẩn hoá trình độ, kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức; (4) Việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức… qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác đánh giá cần tiến hành theo kế hoạch, áp dụng những tiến bộ khoa học và những phương pháp khác nhau. Cần sớm triển khai thực hiện quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng theo Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ trên các tiêu chí: chương trình, tài liệu; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ, khóa bồi dưỡng, hiệu quả bồi dưỡng. 

Thứ bảy, đổi mới quy trình xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hằng năm.

Đổi mới quy trình xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hằng năm, theo hướng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện kế hoạch; thống nhất đầu mối quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng; phân cấp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cho các sở, ngành, đơn vị chủ trì tổ chức, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện.

4. Kết luận

Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn và đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đề ra. 

Với các giải pháp nêu trên sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Chú thích:
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 
2. Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
3. Báo cáo số 187/BC-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; tổng hợp các báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016 đến năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
3. Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030. 
4. Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (Đề án 89).
5. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 
6. Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.