ThS. Nguyễn Ngọc Huy
Bộ Công Thương
(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi Nhà nước phải có các cách thức mới để quản lý, điều phối, giám sát nhằm duy trì sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Việt Nam, bài viết chỉ ra những hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong thời gian tới.
Từ khóa: Quản lý nhà nước; thương mại điện tử; thực trạng; khuyến nghị, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến trên nền công nghệ thông tin để giao dịch mua bán, trao đổi và thanh toán trực tuyến. Quản lý thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện môi trường thương mại công bằng hơn và dễ dàng giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp.
Hiện nay, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động, chuỗi cung ứng với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Bên cạnh những thuận lợi, như: Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới; doanh thu thương mại điện tử B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 đạt 2.883 tỷ USD 1, thì lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử cũng gặp nhiều rào cản, như: Luật An ninh mạng khá chặt chẽ nhưng chưa đầy đủ hành lang pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người dùng trong không gian mạng, đặc biệt là trên thương mại điện tử; luật về bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự hiệu quả, … Vì vậy, cần có các giải pháp để tháo gỡ và duy trì sự phát triển bền vững của phương thức kinh doanh này.
2. Thực trạng quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này hoạt động, phát triển. Đó là:
Một là, xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về thương mại điện tử.
(1) Về chính sách đối với người bán: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 29/5/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của thương nhân về các hoạt động kinh doanh buôn bán, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định, từ ngày 01/01/2022, ngoài các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website chính thống, thương nhân còn được thực hiện hoạt động thương mại trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Instagram,…
(2) Về chính sách đối với người tiêu dùng: để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Điều 68, 69, 70, 71, 72 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã đưa ra một số quy định cụ thể về trách nhiệm, các chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đã có một số quy định về các hình thức xử phạt, từ xử phạt hành chính, phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm nặng. Mặc dù Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có quy định về tiến trình thực hiện giao kết hợp đồng trên website nhưng người tiêu dùng thường không có thông tin đầy đủ về sản phẩm, dẫn tới tình trạng thông tin bất cân xứng, gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng.
(3) Về chính sách thuế trong thương mại điện tử: với mục đích bảo đảm cho việc quản lý đạt hiệu quả, các chính sách thuế đối với thương mại điện tử đã được thực hiện thông qua một số sắc thuế hiện hành, như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất – nhập khẩu. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn thu thuế từ thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 quy định rõ trách nhiệm của người quản lý trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về giao dịch trên sàn thương mại điện tử, qua đó sẽ có các biện pháp thu thuế đúng và đủ theo quy định của pháp luật.
Việc ban hành các chính sách về thuế kịp thời đã giúp cơ quan quản lý nhà nước gia tăng hiệu quả trong thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn, năm 2023, số thuế thu từ thương mại điện tử bao gồm cả trong nước và ngoài nước đạt 8.632,5 tỷ đồng 2. Điều này cho thấy, việc quản lý thuế với thương mại điện tử đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong việc quản lý thuế với các cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội.
(4) Về chính sách phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử: thương mại điện tử ngày càng phát triển nhanh chóng nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Hiện nay, có khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử 3. Tuy vậy, các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng 30% nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, 55% nguồn nhân lực đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin); còn lại là đến từ các ngành nghề khác 4. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu: “Tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử; 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử”.
(5) Về chính sách phát triển hạ tầng công nghệ: để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Chính sách trên đã mang lại kết quả tích cực: tính đến tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á 5.Bên cạnh đó, Mạng 5G được nghiên cứu và đưa vào sử dụng từ ngày 17/01/2020 là một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Cho tới nay, mạng 5G của Viettel đang dần phủ sóng rộng rãi tới mọi tỉnh, thành phố khắp cả nước.
Hai là, xây dựng và ban hành pháp luật về thương mại điện tử.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng, như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật Viễn thông năm 2023, Luật An ninh mạng năm 2022, … Việc xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật kịp thời đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thương mại điện tử trong những năm qua.
Ba là, kiểm soát thương mại điện tử.
Nhằm bảo đảm cho thương mại điện tử hoạt động hiệu quả, Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định, pháp luật về thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2022 đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ 6.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thuế đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế khi tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ví dụ: (1) 6 tháng đầu năm 2022, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã truy thu của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ Google 149 tỷ đồng, trong đó truy thu cá nhân là 140 tỷ đồng, truy thu từ doanh nghiệp là 9 tỷ đồng; Cục thuế Hà Nội: Năm 2020, truy thu nộp thuế cho ngân sách nhà nước từ cá nhân là 134 tỷ đồng, năm 2021 là 129.3 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 là 74.3 tỷ đồng 7.
Ngoài ra, các cơ quan thuế còn tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan thuế được thực hiện định kỳ hàng quý bằng phương thức điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Với phương thức này sẽ tránh được tình trạng thất thu thuế cho Nhà nước.
3. Một số hạn chế trong quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử đã có nhiều thay đổi, bám sát, phù hợp với tình hình thực tế. Song, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như:
(1) Còn hạn chế trong các quy định liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới. Ví dụ: các sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc mua bán ngoại tệ bởi thủ tục để mua được ngoại tệ trên sàn thương mại điện tử là khá phức tạp. Ngoài ra, việc các quy định pháp luật hiện hành không chấp nhận hình thức thanh toán rút gọn dựa trên các dữ liệu điện tử thay vì các chứng từ giấy dẫn tới sự thiếu minh bạch trong quá trình thanh toán;
(2) Luật An ninh mạng khá chặt chẽ nhưng trong đó lại không nhiều các hành lang pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người dùng trong không gian mạng, đặc biệt là trên thương mại điện tử;
(3) Luật về bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự hiệu quả;
(4) Chưa xây dựng được chiến lược phát triển thương mại dài hạn mà mới chỉ xây dựng kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn cụ thể (thường là 5 năm). Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam
Một là, cần hoàn thiện về chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, như: hoàn thiện hơn về các quy định công bố thông tin, chất lượng sản phẩm, trên website thương mại điện tử; đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo vệ thông tin, quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Hai là, đối với thương mại điện tử liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế.
Ba là, cần xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử quốc gia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nghĩa là chiến lược phải dài hạn và mang tính tổng quát, đồng thời, đưa ra những dự báo về sự phát triển của thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Bốn là, cần có các chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phổ biến kiến thức thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân.
Năm là, về phía cơ quan chức năng của Nhà nước: cần thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn về thương mại cho các doanh nghiệp, cá nhân, thiết lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, tiến bộ hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Sáu là, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều tiết thị trường về các hoạt động thương mại điện tử, minh bạch thông tin nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp thương mại điện tử; hỗ trợ về những xúc tiến thương mại tốt; hỗ trợ cơ sở vật chất …