ThS, NCS. Nguyễn Hữu Hồi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong giai đoạn hiện đại, nguồn nhân lực được coi là yếu tố hàng đầu, quyết định quy mô, tốc độ, tính chất và hiệu quả của sự phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia. Nhận diện và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển luôn là yêu cầu cấp bách của thực tiễn và đồng thời cũng là vấn đề cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng từ góc độ lý luận. Bài viết, nhận diện ba trụ cột nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay và đề xuất định hướng phát triển nguồn nhân lực này trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Từ khóa: Nhân lực chất lượng cao; trụ cột nhân lực; giới trí thức; tầng lớp quản lý; tầng lớp doanh nhân.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của lực lượng sản xuất xã hội, quyết định sức mạnh của một quốc gia. Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, thông minh và có khả năng tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học – công nghệ mới. Đây là nguồn lực quan trọng để đất nước thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà Đảng và Nhà nước đã thông qua. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, chưa có những đóng góp đáng kể để tăng năng suất lao động xã hội, cải thiện năng lực cạnh tranh và thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ chuyên môn cao, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của khoa học – công nghệ, bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
2. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tính cấp thiết trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, bao gồm các hệ thống: không gian mạng thực – ảo (cyber-physical system), Internet vạn vật, điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing). Quản trị hệ thống, điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… là những giá trị lớn mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, tạo điều kiện tối đa thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Nhân lực tham gia vào quá trình sản xuất trong các công sở, nhà máy sẽ giảm tối đa và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu được số hóa sẽ giúp cho quá trình sản xuất ngoài sức tưởng tượng của con người. Những rô bốt sẽ thay thế con người trong các công việc nặng nhọc, kể cả những công việc đòi hỏi tinh vi, tính toán chi tiết1.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về thực chất là cuộc cách mạng ứng dụng các giá trị của công nghệ số; làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và tạo ra năng suất lao động đột biến. Cuộc cách mạng này, một mặt tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, mặt khác cũng là thách thức to lớn, nếu các quốc gia không nắm bắt được cơ hội, sẽ trở nên tụt hậu, chậm tăng trưởng.
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của tri thức và khoa học – công nghệ của cuộc cách mạng mới này, Việt Nam nhận thức rất rõ những thuận lợi và thách thức đối với nền kinh tế. Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực – yếu tố hàng đầu trong sự phát triển của mỗi quốc gia2. Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là lực lượng lao động có học vấn, có trình độ chuyên môn cao, nhất là có khả năng đáp ứng các yêu cầu phức tạp và luôn thay đổi của công việc để tạo ra năng suất và hiệu quả cao, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của mỗi đơn vị nói riêng và toàn xã hội nói chung3.
3. Ba trụ cột quan trọng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao
Mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ và sự đầu tư vật chất lớn. Sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua một phần nhờ kết quả của sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ4. Nhưng rõ ràng, nếu vẫn tiếp tục phát triển với mô hình này, năng suất lao động chắc chắn sẽ chỉ đạt đến một giới hạn nhất định, do thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động chất lượng cao. Hệ quả là, Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước có thu nhập thấp mới trỗi dậy5. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất và sức cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo cách hiểu chung nhất, nguồn nhân lực là toàn bộ số dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia vào quá trình lao động. Tuy nhiên, không phải tất cả các bộ phận của nguồn nhân lực đều có vai trò như nhau đối với sự phát triển. Do vậy, để phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực của đất nước, cần thiết phải phân định vai trò của các bộ phận trong nguồn nhân lực, nói cách khác, cần xác định đâu là trụ cột của nguồn nhân lực chất lượng cao6. Khi đó, các trụ cột này sẽ đóng vai trò là lực lượng tiên phong, có sức mạnh nhất, giúp lôi cuốn tất cả các tầng lớp lao động khác vào guồng máy chung trên công trường xây dựng quốc gia và chủ động hội nhập quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa7.
Theo một số nhà nghiên cứu, đội ngũ tri thức, tầng lớp chính khách – nhà quản lý và tầng lớp doanh nhân phải được xem là ba bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phát triển của đất nước8. Nếu từ góc độ chất lượng nguồn nhân lực thì đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của một xã hội hiện đại. Chỉ khi nào phát huy được sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột nhân lực này thì các nguồn lực khác mới được khai thác tốt, khả năng phát triển nhanh của đất nước mới trở nên khả thi. Cụ thể:
(1) Đội ngũ tri thức được hiểu là lực lượng lao động trí óc và lực lượng lao động có kỹ năng và tay nghề cao. Kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì đội ngũ trí thức và lao động có tay nghề cao cũng là lực lượng then chốt cho sự phát triển nói chung, quyết định tốc độ phát triển của xã hội và định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và với tư cách hiền tài, nguyên khí quốc gia, lực lượng này sẽ quyết định tương lai của đất nước9. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng này cần phải trên cơ sở tư duy mới, với những quan niệm mới, cách làm mới, phù hợp với những quy tắc mới, phù hợp với những quy tắc của nền kinh tế tri thức, khác với quy tắc của kinh tế công nghiệp đang thống trị hiện nay.
(2) Tầng lớp doanh nhân bao gồm các doanh nhân hạng vừa và lớn. Họ là những người giúp hiện thực hóa những phát kiến khoa học, kỹ thuật, hay công nghệ mới của giới trí thức trở thành những sản phẩm, đưa vào cuộc sống trở thành các sản phẩm thương mại, phục vụ cho xã hội. Nói cách khác, nếu thiếu tầng lớp doanh nhân, các sản phẩm trí tuệ sẽ không thể trở thành các sản phẩm tiêu dùng và tạo ra lợi nhuận thực tế được.
(3) Tầng lớp chính khách và nhà quản lý được hiểu là các nhà quản lý bậc trung và cao cấp. Họ là những người đưa ra chính sách và định hướng cho sự phát triển. Dù tầng lớp doanh nhân và trí thức có tài năng và đội ngũ hùng hậu bao nhiêu đi nữa mà đội ngũ các nhà quản lý ở các cấp yếu kém thì xã hội khó có được một sức mạnh chung để đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng, bền vững.
Cả ba tầng lớp này được xem là ba trụ cột, tạo thành mũi nhọn của nhân lực đất nước. Sự kết hợp giữa chúng sẽ làm thay đổi nền tảng chất lượng nguồn nhân lực xã hội, quyết định tốc độ và xu thế phát triển của xã hội tương lai. Về phương diện nội lực, nếu cả ba tầng lớp này thống nhất với nhau sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp có tác động quyết định đến tốc độ và chất lượng phát triển của bất cứ quốc gia nào10. Mỗi trụ cột đóng vai trò khác nhau trong sự phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng bổ sung cho nhau và gắn kết biện chứng với nhau. Thiếu vắng bất cứ một trong ba trụ cột nào cũng dẫn tới hệ quả xấu cho sự phát triển.
4. Những định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam
Thực tế đã chứng minh, bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng không thể bắt tay vào xây dựng nền kinh tế tri thức, sử dụng cách mạng khoa học, công nghệ và tham gia toàn cầu hóa thông qua ba trụ cột nhân lực chất lượng cao. Ba trụ cột nhân lực chất lượng cao là đầu tàu cho sự vận động của xã hội hiện đại, là ba lực lượng tiên phong, chủ đạo trong việc đưa đất nước phát triển đáp ứng những đòi hỏi của thời đại.
Hiện nay, Việt Nam vẫn trong tình trạng dồi dào lao động phổ thông mà thiếu đi lực lượng lao động chất lượng cao. Đội ngũ trí thức nhiều ngành thiếu hụt, thậm chí có nguy cơ tụt hậu. Đội ngũ doanh nhân chưa đủ thời gian để trưởng thành, chưa đủ chất lượng để có thể gánh vác trách nhiệm với dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển. Chất lượng đội ngũ quản lý bộ máy nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Tính chuyên nghiệp của ba trụ cột nhân lực này của Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực trên diện rộng, thực hiện việc đào tạo nghề đối với mọi tầng lớp dân cư. Đây là một định hướng hết sức đúng đắn nhằm cung cấp nhân lực cho nhu cầu phát triển nhanh của quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh phát triển số lượng nguồn nhân lực, cần phải chú ý đến nguồn nhân lực chất lượng cao với 3 trụ cột kể trên. Bởi lẽ, nếu không có lực lượng lao động đóng vai trò trụ cột, như: những doanh nhân giỏi, những nhà quản lý tài ba, các nhà khoa học, kỹ thuật viên xuất sắc thì Việt Nam không thể hiện đại hóa nền kinh tế trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển cũng như không thể tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu một cách chủ động. Với yêu cầu ngày càng cao của một nền kinh tế hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào sẽ không còn là lợi thế to lớn, nó sẽ nhường chỗ cho nguồn nhân lực chất lượng cao – nhân tố đóng vai trò là yếu tố then chốt cho sự phát triển.
Như vậy, để chủ động bước vào nền kinh tế thị trường phát triển cao và nền kinh tế tri thức trong bối cảnh phát triển của nền cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải chủ động phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trước hết, cần tạo dựng một chiến lược quốc gia thống nhất về phát triển nhân tài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chiến lược này cần phải có một tư duy mới, kết hợp được sức mạnh tổng hợp của tinh hoa dân tộc và những thành tựu hiện đại của thế giới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục – đào tạo, mà còn là trách nhiệm xã hội của toàn thể cộng đồng và cả quốc gia”11.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có xác định vấn đề nâng cao và phát triển nguồn nhân lực là động lực chủ yếu để tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện được tổng thể các giải pháp thì Việt Nam mới thực hiện thành công chiến lược “đi tắt, đón đầu”, biến gánh nặng về dân số thành lợi thế cạnh tranh trong tương lai”12.