Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ quân đội trong phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tá, ThS. Hoàng Quý Tới
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác huấn luyện, rèn luyện và sử dụng cán bộ, bởi theo quan điểm của Người, cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là “cái gốc” của mọi công việc, mọi nhiệm vụ. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ nói chung, cán bộ – sĩ quan quân đội nói riêng là tài sản lý luận quý giá và có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cơ sở lý luận để vận dụng nhằm phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò; cán bộ quân đội; sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học; Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ là “cầu nối” giữa Đảng, Chính phủ với Nhân dân; có vai trò trong nắm chắc đường lối, chính sách và giải thích cho dân chúng hiểu để thi hành hiệu quả; đồng thời, nắm chắc tình hình dân chúng “báo cáo” để Đảng, Chính phủ hiểu rõ, đưa ra chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả. Người định nghĩa: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”1. Quan niệm về cán bộ của Người là sự thống nhất về vai trò của cán bộ trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân, vai trò đó đòi hỏi cán bộ phải có tính độc lập, sáng tạo, có năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng trong nhận thức, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đối với cán bộ quân đội, Người đã đề cập đến vai trò, biện pháp phát huy vai trò của họ trong mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, người chỉ huy các cấp và trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và Nhân dân.

Trong nhiều bài nói, bài viết liên quan đến quân đội, nhiệm vụ quân sự, cán bộ quân đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin yêu gọi tên với nhiều danh từ khác nhau, như: “cán bộ quân đội”, “người cán bộ quân sự”, “cán bộ tham mưu”, “chỉ huy”, hay “các cán bộ từ chỉ huy trở xuống”… thực chất đều là cách gọi để định danh cán bộ – sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến nay, quân đội ta ngày càng trưởng thành, phát triển về mọi mặt, chức danh sĩ quan theo đó ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, gắn liền với các chuyên ngành khác nhau, khẳng định vai trò khác nhau của sĩ quan quân đội đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới với nhiều nhiệm vụ mới, được bổ sung, phát triển. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”2 và vai trò đó luôn gắn liền với phẩm chất, năng lực tốt của cán bộ và yêu cầu trong mọi công việc đều phải cẩn trọng, tỉ mỉ, tránh sai sót, nếu không sẽ gây thiệt hại lớn cho cách mạng. “Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm”3. Theo đó, với vai trò là người tổ chức, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng, không cho phép cán bộ có sai sót, sơ xuất trong công việc, nếu không sẽ gây hậu quả to lớn cho cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ các cấp trong quân đội có vai trò là người chấp hành, tổ chức cho đơn vị quân đội thuộc quyền thực hiện nghiêm mệnh lệnh của cấp ủy, chỉ huy các cấp: “Mỗi mệnh lệnh đưa xuống, cấp trên đã thảo luận cân nhắc kỹ càng nên cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng và kiên quyết chấp hành, nhất là lúc tác chiến” 4; đồng thời, Người yêu cầu cán bộ quân đội phải dám đương đầu với khó khăn, không sợ hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ, bởi “mọi việc đều khó khăn. Đánh giặc lại càng khó khăn hơn. Nếu dễ thì ai làm cũng được. Không phải chờ đến các chú”5. Đây là quan điểm của Người vừa khẳng định vai trò của cán bộ quân đội, vừa đặt ra yêu cầu về trách nhiệm, quyết tâm, ý chí, lòng trung thành, cũng như năng lực của cán bộ khi gặp những nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự sáng tạo, linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả phải hy sinh tính mạng của bản thân cho cách mạng.

Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ quân đội là lực lượng nòng cốt có tác dụng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành bộ đội thuộc quyền chấp hành nghiêm và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cấp ủy các cấp và người chỉ huy cấp trên giao trong mọi tình huống; đoàn kết trên dưới đồng lòng giữa cán bộ và Nhân dân. Qua đó, cán bộ quân đội góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu vô địch của quân đội và khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của quân đội trong mọi hoàn cảnh.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của cán bộ quân đội

Thứ nhất, để phát huy vai trò của cán bộ quân đội cần nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước. 

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”6. Theo đó, Người chỉ rõ: Đảng, Nhà nước phải tìm cách huấn luyện cho tất cả cán bộ, nhất là cán bộ ở xa, chưa được huấn luyện. Nội dung huấn luyện phải thiết thực, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn cách mạng đặt ra. Người chỉ ra khuyết điểm cơ bản của công tác huấn luyện cán bộ khi đó: “Lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng”7. Người yêu cầu công tác huấn luyện cán bộ phải được “sửa chữa” trên từng nội dung sau: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận. Nguyên tắc trong học tập, huấn luyện phải bảo đảm “lý luận thiết thực, có ích”, “kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”, học tập, huấn luyện phải gắn liền với kiểm tra, thi khảo, thưởng, phạt. Qua đó, vừa nâng cao được phẩm chất, trình độ của cán bộ, vừa phản ánh kết quả lãnh đạo của các tổ chức đảng trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”8 của cách mạng. Đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp để vừa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, vừa sử dụng hiệu quả, quản lý tốt để không bị mất cán bộ. Người chỉ ra: Đầu tiên “phải biết rõ cán bộ”, để vừa “tìm thấy những nhân tài mới”; khi đã biết cán bộ “thì phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”, đồng thời, “phải khéo dùng cán bộ”, “phải phân phối cán bộ cho đúng”, “phải giúp cán bộ cho đúng”, “phải giữ gìn cán bộ”… Người luôn quan tâm, phát huy năng lực sáng tạo, khả năng ứng biến, xử trí các tình huống nhiệm vụ của cán bộ quân đội để khắc phục điểm yếu cán bộ ỷ lại, trông chờ cấp trên như một cái máy hoặc dập khuôn máy móc, nguyên tắc, cứng nhắc và cho rằng: “Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tùy cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”9.

Thứ hai, cần thực hiện tổng thể các biện pháp từ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đến công tác lựa chọn, sử dụng, bố trí cán bộ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ để phát huy tốt vai trò của cán bộ cần thực hiện tốt những nhóm “vấn đề cán bộ”10 trong một chỉnh thể thống nhất sau: “huấn luyện cán bộ”, “dạy cán bộ và dùng cán bộ”, “lựa chọn cán bộ”, “chính sách cán bộ”. Trong tác phẩm Tinh thần trách nhiệm năm 1951, Người chỉ ra biện pháp cụ thể trong phát huy vai trò của cán bộ quân đội thông qua yêu cầu với cán bộ quân sự phải “luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật”11; đồng thời, trong Bài nói chuyện tại trường chính trị trung cấp quân đội, Người yêu cầu cán bộ chính trị: “Các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu…”12. Người đi đến kết luận, chỉ có thông qua học tập, huấn luyện, bồi dưỡng thì cán bộ mới có thể nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội: “Tóm lại là học để nâng cao trình độ của người chỉ huy”13… 

Thứ ba, cần nâng cao phẩm chất, năng lực đối với cán bộ quân đội là cơ sở để phát huy vai trò, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ quân đội phải ra sức thi đua về mọi mặt, thi đua làm tròn nhiệm vụ, làm tròn chức trách, bổn phận của người chỉ huy trong quân đội cũng như hoàn thiện các phẩm chất đạo đức nền tảng của người cán bộ gồm cần, kiệm, liêm, chính. Người nhấn mạnh: “Cán bộ quân, dân, chính, phải thi đua thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thi đua làm tròn nhiệm vụ”14. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi cán bộ quân đội phải có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Bằng thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Người đã đúc kết kinh nghiệm, để đạt được bất kỳ mọi thắng lợi, hay thành công, nhất là giành chiến thắng trong trận đánh với kẻ thù có vũ khí trang bị hiện đại, tiềm lực quân sự lớn hơn ta nhiều lần, thì khó khăn để giành thắng lợi là điều tất yếu khách quan. Do đó, đứng trước nhiệm vụ khó khăn, cán bộ chỉ huy trong quân đội phải kiên quyết chấp hành nghiêm mệnh lệnh, luôn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tìm mọi cách, mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”15.

3. Nhiệm vụ của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam

Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ sĩ quan của quân đội được biên chế ở các đơn vị hóa học trong toàn quân và tập trung lực lượng lớn ở Binh chủng Hóa học. Đây là đội ngũ cán bộ sĩ quan được đào tạo ở Trường Sĩ quan Phòng hóa, Binh chủng Hóa học với chuyên ngành đào tạo là sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội trình độ đại học; sau khi tốt nghiệp được biên chế về các phân đội hóa học ở các quân, binh chủng, lực lượng hóa học của quân đội.

Với chức năng, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của các phân đội hóa học trong toàn quân; bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn là bảo đảm hóa học cho lực lượng vũ trang và Nhân dân trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí CBRN (hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân); các phân đội hóa học toàn quân còn thực hiện nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường… Đây là những nhiệm vụ trực tiếp phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc, xạ, dịch bệnh nguy hiểm, có thể gây ra cái chết ngay lập tức. 

Trong thời gian qua, quân đội với lực lượng nòng cốt trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các phân đội hóa học thuộc quyền là sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học đã góp phần viết tiếp truyền thống “phòng chống tốt, chiến đấu giỏi” của Bộ đội Hóa học, như: “Hoàn thành xử lý chất độc da cam sân bay Đà Nẵng và tiếp tục xử lý ở khu vực sân bay Biên Hòa”16; xử lý tốt các sự cố xảy ra như sự cố hóa chất do hỏa hoạn tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) năm 2019, sự cố môi trường tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng, Nam Định) năm 2019…, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về phát triển bền vững đất nước, “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”17. Trong đại dịch Covid-19, ngay khi chưa có vắc-xin tiêm phòng, toàn dân lo lắng, nhất là nhân dân khu vực có người nhiễm, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học đã tổ chức, chỉ huy các phân đội thuộc quyền xung phong, đi đầu vào các khu vực nhiễm bệnh để phun khử khuẩn, không sợ nhiễm bệnh, hy sinh, đem lại niềm tin, sự kính trọng, tin yêu của Nhân dân.

Hiện nay, đứng trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nguy cơ địch sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân và nguy cơ mất an toàn về hóa chất trong hoạt động sản xuất kinh tế là hiện hữu, khách quan; vấn đề phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay có ý nghĩa cấp bách và cấp thiết cả về lý luận, thực tiễn để góp phần tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong mọi hoàn cảnh; cũng là góp phần thực hiện tốt quan điểm của Đảng về “tích cực nỗ lực tham gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt”18.

4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ quân đội là cơ sở khoa học để vận dụng phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân về vai trò, biện pháp phát huy của cán bộ quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị, phẩm chất năng lực của từng sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay ở từng quân, binh chủng, lực lượng để xác định nội dung, phương thức phát huy vai trò của đối tượng này cho phù hợp; hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hóa học trong từng thời điểm; hiện nay cần tập trung vào nhiệm vụ ứng phó các sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân cả trong quốc phòng, sản xuất mà Đảng, Nhà nước giao cho quân đội.

Để phát huy vai trò sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học, cấp ủy và chỉ huy các cấp cần quán triệt và thực hiện tốt công tác cán bộ. Các cấp ủy trong quân đội cần nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tiến hành công tác cán bộ, trong đó việc lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm phải luôn khách quan, dân chủ, phát huy được sở trường của cán bộ; đồng thời, phải luôn thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ và chính sách hậu phương gia đình cán bộ. 

Đối với những nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và môi trường… những nhiệm vụ có thể dẫn đến sự hy sinh ngay lập tức hoặc gây hại lâu dài về sức khỏe sinh sản cho người nhiễm và nhiều thế hệ con, cháu họ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, xác định lực lượng hóa học chuyên trách tham gia. Để công tác chính sách cán bộ trở thành một trong những động lực quan trọng, lâu dài thúc đẩy cán bộ, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo gắn liền với công tác huấn luyện, bồi dưỡng để phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội.

Những năm qua, Trường Sĩ quan Phòng hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, hằng năm cung cấp cho quân đội đội ngũ cán bộ sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội chất lượng tốt, nhanh chóng thích ứng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên cương vị là cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn và trợ lý hóa học ở các phân đội hóa học, cơ quan hóa học toàn quân. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị hóa học toàn quân đặt ra yêu cầu công tác giáo dục và đào tạo phải luôn gắn liền với đơn vị, phải thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nhất là chuyên môn kỹ thuật hóa học để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa định hướng, chỉ đạo, đi trước trong tương lai. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; thực hiện tốt phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Đối với các đơn vị hóa học toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị cho nhiệm vụ ra quân huấn luyện, công tác huấn luyện cán bộ thường xuyên. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ thường xuyên, tránh hình thức, máy móc, làm cho có. Khắc phục điểm yếu của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học mới ra trường thường dễ rơi vào lý luận suông, nguyên tắc, không gắn với thực tiễn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; còn sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học công tác ở đơn vị cơ sở nhiều năm dễ rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường lý luận, lười học tập lý luận. Quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả, gắn với đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị hóa học toàn quân Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội cần tiếp tục tổ chức và không ngừng nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập cho sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học, nhất là diễn tập ứng phó các sự cố hóa chất độc, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và môi trường. Tập trung nâng cao bản lĩnh lãnh đạo, chỉ đạo, trình độ tổ chức và năng lực chỉ huy, điều hành phân đội thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học gắn với khả năng xử trí linh hoạt, sáng tạo các tình huống nảy sinh trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác và chủ động sáng tạo của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cần nhận thức sâu sắc vai trò, chức trách, nhiệm vụ của bản thân được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho. Từ đó, không ngừng phát huy nhân tố chủ quan, tích tích cực, tự giác của bản thân trong học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất, năng lực, bản lĩnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, chỉ huy, quản lý, duy trì, tổ chức bộ đội thực hiện mọi nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cần nắm vững nội dung, phương thức phát huy, tự phát huy vai trò của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ của quân đội theo chuyên môn đào tạo, nhiệm vụ được giao. Tự giác, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, làm gương, làm mẫu cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền học tập, noi theo và tin tưởng, kính phục. Đồng thời, là tấm gương sáng về tự học, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là trình độ chuyên môn phòng hóa, khả năng làm chủ trang bị khí tài hóa học mới… luôn tạo cảm giác yên tâm, vững vàng cho cấp dưới mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chiến đấu, nhiệm vụ khắc phục sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân.

Mỗi cán bộ, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cần luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng, về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đề cao tự phê bình và phê bình trong học tập, công tác để không ngừng hoàn thiện bản thân, tiến bộ hàng ngày đúng như Người yêu cầu: “Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật”19.

Đặc biệt, Bộ đội Hóa học luôn phải đối mặt với các loại hóa chất độc, dịch bệnh, bức xạ, hạt nhân, do đó, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội phải luôn ý thức, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm làm gương, nêu gương của cán bộ trước cấp dưới, bộ đội về mọi mặt, nhất là về tinh thần dám hy sinh cho cách mạng, cho quân đội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”20.

5. Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quan điểm khoa học sáng tạo về vai trò của cán bộ quân đội trong giai đoạn lịch sử đất nước đấu tranh giải phóng dân tộc; đó là những quan điểm thể hiện tầm tư duy lý luận khoa học và sâu sắc, đạt đến độ khái quát hóa, trừu tượng hóa cao nhưng dễ nhớ, dễ thực hành, vận dụng và đạt hiệu quả thiết thực, bởi vì đó là những quan điểm xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và phù hợp với đặc điểm trình độ, văn hóa, tâm lý của cán bộ quân đội trong bối cảnh lịch sử chung của dân tộc. Đây là cơ sở lý luận khoa học để phát huy vai trò của sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội trong xây dựng sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong nhiệm vụ bảo đảm hóa học cho lực lượng vũ trang và Nhân dân, trong thực hiện các nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường.

Chú thích:
1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 19, 20. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 309, 309, 87, 309, 309, 313, 320, 309, 259 – 261, 291. 
4, 5, 11, 12, 13, 15. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.  217, 217, 248, 218, 218, 249.
14. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 513.
16, 17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 50, 331, 58 – 59.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 30/2017/QĐ-TTg ngày 21/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
2. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
3. Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.
4. Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc.