Nghiên cứu đặc điểm gia đình sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tá. ThS. Nguyễn Đình Thắng
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình quân nhân là tế bào của xã hội, là hậu phương, chỗ dựa về chính trị – tinh thần, nguồn cổ vũ động viên của mỗi quân nhân trong quân đội. Đây là môi trường quan trọng góp phần giáo dục, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, xây dựng niềm tin, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” cho mỗi quân nhân. Do vậy, nắm vững đặc điểm gia đình sĩ quan trẻ là cơ sở xây dựng hậu phương quân đội vững chắc, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ khóa: Gia đình; sĩ quan trẻ; hậu phương.

1. Đặt vấn đề

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi mỗi con người được yêu thương và chia sẻ tình yêu, là nơi liên kết chặt chẽ, gắn bó, quan hệ máu thịt giữa các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi con người nhằm vun đắp và lan tỏa tình yêu thương cho tất cả mọi người. Đánh giá vai trò của gia đình, Đảng đã chỉ rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ”1.

Gia đình sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận gia đình quân nhân trong quân đội, mang đầy đủ những đặc trưng của gia đình Việt Nam, đồng thời phản ánh những nét đặc thù bởi yêu cầu, nhiệm vụ, môi trường công tác của quân nhân trong quân đội. Đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nắm rõ những đặc điểm gia đình sĩ quan trẻ để đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng gia đình sĩ quan trẻ hạnh phúc, bền vững, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng ly hôn.

2. Mối quan hệ biện chứng giữa gia đình trong sự phát triển của xã hội

Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, khi luận chứng về những tiền đề, điều kiện cho sự tồn tại của con người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra quan niệm về gia đình: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở – đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”2. Với quan điểm này, khái niệm gia đình được nhìn nhận với một số nội dung sau: (1) gia đình ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của xã hội loài người; con người cùng với quá trình tái tạo lại chính bản thân mình thì đồng thời cũng tạo ra gia đình. (2) chức năng chính của gia đình là tái tạo ra, sinh sôi nảy nở con người. (3) gia đình được tạo bởi hai mối quan hệ chủ yếu: quan hệ hôn nhân (chồng – vợ), quan hệ huyết thống (cha mẹ – con cái).

Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước (1884), Ph.Ăngghen đã chỉ ra vị trí của gia đình đối với các thiết chế xã hội: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt do trình độ phát triển của lao động và mặt khác do trình độ phát triển của gia đình”3. Theo Ph. Ăngghen, sản xuất và tái sản xuất ra đời sống quyết định tiến trình phát triển của lịch sử, do đó, trình độ phát triển của gia đình cũng tùy thuộc vào trình độ phát triển của sản xuất, của lao động và của xã hội. Cùng với trình độ phát triển của lao động, trình độ phát triển của gia đình quyết định trình độ phát triển của xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, sự vận động và phát triển nhanh chóng, sâu sắc của thế giới, mô hình gia đình và các quan hệ trong gia đình đang có những biến đổi sâu sắc nhưng những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về gia đình vẫn giữ nguyên giá trị khoa học.

Hướng tới việc xây dựng gia đình bền vững, tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã quyết định lấy năm 1994 là năm Quốc tế gia đình và thống nhất khẳng định, gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản, một đơn vị kinh tế – xã hội và là một giá trị vô cùng quý báu của nhân loại cần được giữ gìn và phát huy. Trên tinh thần đó, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về gia đình: Gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng, cùng sống chung và có ngân sách chung; các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi về mọi mặt, được pháp luật thừa nhận. Đây là một khái niệm rộng, nội hàm của khái niệm phức tạp và đa dạng.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt: “Gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái”4. Tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quan niệm: Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Như vậy, gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành và phát triển trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, đồng thời, có sự gắn kết về kinh tế – vật chất, tình cảm, làm nảy sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình.

Giữa gia đình và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Xã hội tốt đẹp, tiến bộ sẽ là tiền đề, là điều kiện thuận lợi cho các gia đình phát triển lành mạnh. Các gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển của xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng gia đình là một vấn đề hệ trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”5.

3. Nét đặc thù của gia đình sĩ quan trẻ trong quân đội.

Gia đình sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận gia đình sĩ quan quân đội mang đầy đủ những đặc trưng của gia đình Việt Nam, đồng thời phản ánh những nét đặc thù bởi yêu cầu, nhiệm vụ, môi trường công tác của quân đội. Phần lớn sĩ quan trẻ công tác xa nhà, thời gian gắn bó hầu hết với đơn vị. Do đó, việc xây dựng gia đình, nuôi dưỡng, chăm sóc con, cơ bản của người vợ. Người vợ phải đảm đương mọi công việc gia đình, điều đó đã làm cho việc xây dựng các mối quan hệ gia đình cũng như việc thực hiện các chức năng của gia đình sĩ quan trẻ nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Chính điều đó đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm, nắm vững đặc điểm gia đình sĩ quan trẻ, kịp thời động viên, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, bền vững, tạo nguồn lực và động lực cả về vật chất lẫn tinh thần để sĩ quan trẻ yên tâm công tác, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống dân tộc, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới. 

Gia đình sĩ quan trẻ là một kiểu gia đình có thành viên là sĩ quan trẻ đang công tác trong các cơ quan, đơn vị quân đội, còn thành viên khác có thể đang công tác ở các cơ quan, đơn vị ngoài quân đội hoặc cả hai vợ chồng cùng là sĩ quan trẻ. Các gia đình này vừa gắn với môi trường hoạt động quân sự vừa gắn với các hoạt động xã hội, nên gia đình sĩ quan trẻ vừa có những đặc điểm chung của các gia đình trẻ Việt Nam, vừa có những nét đặc thù riêng của gia đình quân nhân, biểu hiện cụ thể:

Một là, đại đa số gia đình sĩ quan trẻ quân đội thuộc loại hình gia đình hạt nhân.

Gia đình hạt nhân là loại hình gia đình chiếm nhiều nhất về số lượng, là động lực lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Loại hình gia đình này có thể xem như xương sống của xã hội Việt Nam. Điểm mạnh của gia đình hạt nhân nằm ở chỗ các thành viên còn trẻ, năng động, tự tin, giàu khát vọng, có mối quan hệ khăng khít, có kế hoạch phát triển cụ thể, hướng tới những điều lớn lao trong cuộc sống. Gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Trong gia đình hạt nhân, người chồng, người vợ là hình mẫu của mối quan hệ yêu thương, quan tâm chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau để con cái noi theo. Gia đình hạt nhân sẽ giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có không gian riêng, được trải nghiệm, được thỏa mãn những nhu cầu riêng tư.

Hiện nay, phần lớn gia đình sĩ quan trẻ biểu hiện dưới 4 loại hình cơ bản là: (1) Gia đình có chồng là sĩ quan trẻ, vợ công tác ngoài quân đội; (2) Gia đình có vợ là sĩ quan trẻ còn chồng công tác ở bên ngoài quân đội; (3) Gia đình có cả vợ và chồng đang công tác ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; (4) Gia đình có cả vợ chồng công tác trong quân đội nhưng chỉ có một người là sĩ quan trẻ còn người kia là quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân viên chức quốc phòng. 

Về cơ bản, các gia đình sĩ quan trẻ có hai thế hệ là bố mẹ và con cái, đây là biểu hiện của gia đình hạt nhân. Đặc điểm này chi phối rất lớn đến đời sống gia đình sĩ quan trẻ, ảnh hướng rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ của vợ (chồng) đang công tác trong quân đội.

Hai là, gia đình sĩ quan trẻ quân đội có trình độ tri thức và tính tích cực chính trị – xã hội cao.

Đặc điểm này xuất phát từ chính môi trường công tác, hoạt động của vợ, chồng trong gia đình quân nhân là môi trường quân đội, “trường học lớn” để bồi dưỡng quân nhân cách mạng trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa. Thông qua hoạt động giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng và thực tiễn công tác mỗi quân nhân không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt, có năng lực chuyên môn vững, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt. Đặc biệt, họ được trang bị tương đối toàn diện những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… Họ được tuyên truyền, phổ biến tương đối đầy đủ những kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, về hôn nhân, gia đình; được học tập, trang bị những kiến thức, kỹ năng trong xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc. Đây là điều kiện tiền đề thuận lợi để mỗi sĩ quan trẻ xây dựng gia đình hạnh phúc, vững bền.

Hiện nay, phần lớn vợ chồng sĩ quan trẻ đều có trình độ học vấn và những hiểu biết cơ bản về chính trị – xã hội, họ luôn tích cực, chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên, vị thế, vai trò của của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Chính trình độ nhận thức và công việc của vợ (chồng) sĩ quan trẻ đã góp phần làm gia tăng tính chất bền chặt trong quan hệ giữa gia đình sĩ quan trẻ với Đảng, Nhà nước, dân tộc và Nhân dân, tạo nên sự hòa quyện, gắn kết giữa gia đình và xã hội, giữa công việc gia đình với thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bản thân. Chính đặc điểm này đã làm cho phần lớn gia đình sĩ quan trẻ luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của đơn vị và của địa phương, thật sự là những gia đình tiêu biểu trong cộng đồng và xã hội.

Ba là, đời sống sinh hoạt của gia đình sĩ quan trẻ chịu sự tác động, chi phối bởi môi trường quân sự. 

Hoạt động quân sự, môi trường quân đội rất đặc thù với cường độ hoạt động cao, tính chất công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự chính xác, tính kỷ luật nghiêm minh. Điều kiện, môi trường công tác đòi hỏi người sĩ quan trẻ phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên và trên cương vị là những cán bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà đơn vị được giao, luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tính chất đặc thù và sự khốc liệt này sẽ tác động toàn diện đến suy nghĩ, tình cảm, lối sống, tác phong hành vi của người sĩ quan trẻ, ảnh hưởng đến thái độ, hành vi của sĩ quan trẻ đối với gia đình và quan hệ gia đình. Một số đơn vị đóng quân trên đất liền đã hình thành nên những làng quân nhân với quy mô khác nhau, tạo điều kiện tốt để các gia đình tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn.

Đồng thời, do vợ, chồng đều là quân nhân nên đời sống sinh hoạt của gia đình sĩ quan trẻ cũng mang đậm chất lính. Gia đình sĩ quan trẻ thường có cách thức tổ chức cuộc sống khoa học, từ vấn đề sắp xếp thời gian, công việc hằng ngày, đến vấn đề ăn, mặc và giải quyết mối quan hệ trong gia đình… Chính điều đó làm cho các thành viên gia đình luôn gắn kết, biết sẻ chia, tôn trọng, thương yêu nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để vun đắp hạnh phúc gia đình, tạo môi trường tốt trong việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Bên cạnh thuận lợi đó, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ công tác khác của đơn vị cũng tạo nên những khó khăn “đặc thù”, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của gia đình sĩ quan trẻ. Đặc biệt, là những hạn chế về thời gian để gần gũi, chăm sóc con cái và giải quyết các công việc gia đình. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi vợ, chồng sĩ quan trẻ phải biết tổ chức, sắp xếp thời gian khoa học, chia sẻ với nhau các công việc gia đình; tranh thủ sự giúp đỡ từ phía người thân, đồng đội và láng giềng.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng lớn của môi trường quân đội và hoạt động quân sự mà gia đình sĩ quan trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, thủ thách hơn so với các gia đình trẻ trong xã hội. Thu nhập kinh tế của gia đình sĩ quan trẻ chủ yếu phụ thuộc vào tiền lương theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan trẻ. Với số đông vợ sĩ quan trẻ là viên chức và công nhân (chỉ có một số ít lao động tự do) nên thu nhập chính phụ thuộc vào lương, thưởng theo chế độ nhà nước quy định. Mức lương còn thấp, nên thu nhập của phần lớn gia đình sĩ quan trẻ còn thấp. Khả năng tài chính hạn hẹp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của gia đình sĩ quan trẻ.

Hiện nay, trong số sĩ quan trẻ thì rất ít người có điều kiện để mua nhà hoặc mua đất làm nhà nên không ít gia đình chọn giải pháp thuê nhà để vợ chồng được sống gần nhau chỉ một số đơn vị đã xây dựng được nhà ở công vụ cho gia đình sĩ quan tại ngũ. Đây là một áp lực rất lớn đối với sĩ quan trẻ, hàng ngày họ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, phải lo lắng về điều kiện sống của gia đình. Mặc dù vậy, hầu hết gia đình sĩ quan trẻ đều nỗ lực cố gắng, sắp xếp cuộc sống gia đình phù hợp với khả năng của bản thân, từng bước vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống hằng ngày.

4. Kết luận và khuyến nghị

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm sinh thành, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người, được xây dựng, phát triển trên cơ sở hôn nhân và huyết thống. Do đó, để xây dựng gia đình Việt Nam nói chung, gia đình sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nắm chắc những yếu tố tác động, như: tác động của các yếu tố truyền thống; tác động của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tác động của khoa học và công nghệ.

Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn nhận thức rõ về vị trí, vai trò của gia đình, “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, thời gian qua, các đơn vị trong toàn quân tích cực nắm vững đặc điểm gia đình sĩ quan trẻ, chủ động đề xuất các biện pháp đẩy mạnh xây dựng gia đình sĩ quan trẻ hạnh phúc, bền vững, xem đây là cơ sở, động lực quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chú thích:
1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. H. NXB Sự thật, 1991, tr. 15.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr. 41.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tr. 44.
4. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB Văn hóa Thông tin, 1998, tr. 478.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB.Chính trị quốc gia, 2011, tr. 300.
6. Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.