Bồi dưỡng phương pháp tự học Hồ Chí Minh cho học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay

Tạ Văn Quyết
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phương pháp tự học Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đã góp phần to lớn vào nâng cao chất lượng giáo dục ở nước ta trong từng thời kỳ cách mạng. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc phương pháp tự học Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội nói chung và học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay nói riêng phải không ngừng ra sức tự học, tự rèn nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và sứ mệnh, trọng trách mà nhân dân đã giao phó. 

Từ khóa: Phương pháp tự học Hồ Chí Minh, học viên, nhà trường quân đội.

1. Đặt vấn đề

Mỗi người sinh ra đều tiềm ẩn khả năng tự học và được phát triển không ngừng theo thời gian, để biến khả năng đó thành hiện thực, đạt mục đích, yêu cầu và hiệu quả lại phụ thuộc vào giáo dục dân trí và học tập của mỗi người trong cuộc sống. Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 của Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thúc, kỹ năng phát triển năng lực…”1; đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực có trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Để thực hiện thắng lợi quan điểm đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập và rèn luyện theo đức tính tự học suốt đời của Người. 

2. Nội dung cơ bản của phương pháp tự học Hồ Chí Minh

Thứ nhất, điều quan trọng hàng đầu của tự học là phải xác định rõ mục đích học tập, từ đó xây dựng động cơ, rèn luyện ý chí học tập. Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải biết tự động học tập”. Học để sửa chữa tư tưởng, để tu dưỡng đạo đức cách mạng, để tin tưởng và học để hành2

Thứ hai, phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc học suốt đời, học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy phải học thêm. Đây là điều bắt buộc, là cách tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”3. Người cũng căn dặn: “Học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng với nhau”4. Tích cực suy nghĩ một cách độc lập, tức là phải thấm nhuần quan điểm dựa vào sức mình là chính trong học tập, theo Hồ Chí Minh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ”5

Thứ ba, tự học thành công phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại. Người khuyên: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”6

Thứ tư, trong tự học phải biết tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học và học đến đâu cố gắng thực hành đến đấy. Người đã thành công lớn trong việc tự học là nhờ tích lũy cho mình được vốn sống, kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn đấu tranh, thực tiễn đời sống nhân dân lao động thế giới, đồng thời là nhờ những ngày đêm làm việc miệt mài với sách báo, mà phương tiện tốt nhất là thư viện. Người coi thư viện là trường học lớn của mình. 

Hồ Chí Minh không những triệt để tận dụng những tổ chức, hoạt động có sẵn trong xã hội như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, các buổi nói chuyện, hội thảo, viện bảo tàng… mà còn tự tạo ra những hình thức học tập mới sinh động và bổ ích như tranh thủ sự giúp đỡ chỉ bảo của người khác, học trong khi đi giao thiệp, trong vận động quần chúng mà Người gọi là học trong nhân dân, “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”7. “Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”8

Chính cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tự học, tự nghiên cứu. Người dạy chúng ta luôn có một tinh thần vững chắc, một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu, học tập và lao động. Không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là việc đó có dễ cũng đòi hỏi phải phấn đấu mới thành công. Ngược lại, việc đó có khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi. 

3. Vận dụng phương pháp tự học Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay 

Học viên ở các nhà trường quân đội có tuổi đời, tuổi quân còn trẻ, đang trong quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách và tư duy đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.

Bồi dưỡng phương pháp tự học Hồ Chí Minh cho học viên ở các nhà trường quân đội là tổng thể các chủ trương, hình thức, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiến hành những tác động sư phạm trực tiếp và gián tiếp của các chủ thể, các lực lượng bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhằm trang bị, bổ sung, phát triển tri thức, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm, hướng dẫn củng cố, tăng cường, phát triển các cách thức tự học theo phương pháp tự học Hồ Chí Minh cho học viên ở các nhà trường quân đội bảo đảm cho họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động giáo dục, đào tạo, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học đã có những thay đổi rất quan trọng, tiêu biểu là việc chuyển đổi hình thức đào tạo theo niên chế trước đây sang đào tạo theo tín chỉ. Đặt ra yêu cầu cho người học phải chuyển từ học tập thụ động sang học tập tích cực, chủ động, sáng tạo rất cao, không phụ thuộc nhiều vào giáo viên như trước đây; biến quá trình đạo tạo thành quá trình tự đào tạo, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học. Theo đó, người học phải biết cách tự sắp xếp kế hoạch học tập, môn học sao cho phù hợp với bản thân; phải có kỹ năng, phương pháp tự học đúng đắn và trên hết là một tinh thần tự giác cao độ, quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra. 

Thực tế đang đặt ra những khó khăn, hạn chế nhất định cả trong nhận thức, động cơ, thái độ, trách nhiệm, phương pháp tự học của học viên cũng như việc xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý và thực hiện kế hoạch tự học, vai trò của các chủ thể, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động tự học của học viên. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là cơ bản, xuất phát từ việc nhận thức về trách nhiệm, xây dựng động cơ, ý thức phát huy tính tích cực trong tự quản lý, tự học tập, tự rèn luyện của một bộ phận học viên chưa cao; chưa quen với hình thức đào theo tín chỉ, chưa có thói quen sắp xếp kế hoạch tự học khoa học; kỹ năng, phương pháp tự học và việc tổ chức, quản lý việc tự học của bản thân mỗi học viên còn hạn chế. 

Để khắc phục những nguyên nhân đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung biện pháp sau: 

Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý hoạt động tự học của học viên.

Công tác quản lý, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị có vai trò hết sức quan trọng đối với việc bồi dưỡng phương pháp tự học Hồ Chí Minh cho học viên ở các nhà trường quân đội. Các chủ thể lãnh đạo, quản lý quán triệt sâu sắc việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Theo đó, các chủ thể lãnh đạo, quản lý theo chức trách, nhiệm vụ được phân công thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến học viên những yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường, chấp hành nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần, nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong mọi công việc.

Xây dựng động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng, khuyến khích, động viên những học viên phương pháp tự học khoa học, sang tạo trong học tập cho kết quả cao, rèn luyện tốt, làm cho đơn vị luôn được cấp trên biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của cán bộ quản lý đơn vị đối với học viên nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; tổ chức các hoạt động phong trào tạo bầu không khí sôi nổi, hào hừng, tiếp năng lượng mới, giảm tải những căng thẳng, mệt nhọc qua một tuần làm việc, lao động cho học viên; xây dựng cho mỗi học viên luôn có đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo ở mọi lúc, mọi nơi, không chán nản, bi quan trước khó khăn, thử thách, luôn đặt mình vào trong tổ chức, xác định trước những hành động, việc làm của mình có ảnh hưởng gì tới đơn vị không, từ đó ứng xử, giải quyết cho hiệu quả, phù hợp.

Bồi dưỡng, rèn luyện cho học viên tính tự chủ, sáng tạo trong học tập, rèn luyện và công tác, phải luôn đặt trong mối quan hệ với tập thể đơn vị, lan toả những phương pháp, cách học hay đem lại kết quả cao, là điểm sáng trong đơn vị, được mọi người thừa nhận, đánh giá cao và giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Hai là, tăng cường giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn, rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó trong tự học cho học viên.

Học viên muốn tự học tập tốt phải có mục đích, động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Từ đó mới nảy sinh lòng ham học, tính tự giác tích cực, tự lực say mê tìm tòi nghiên cứu, là động lực bên trong của sự tự học; không có hoặc thiếu mục đích, động cơ tự học mạnh mẽ, học viên sẽ không thể có hoạt động tự học đích thực. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của tự học và thường xuyên thúc đẩy hoạt động tự học của học viên bằng nhiều biệt pháp thích hợp sẽ giúp duy trì hứng thú, tạo ra sự chú ý liên tục ở sinh viên, giúp họ có được ý chí, nghị lực vượt khó, đạt tới mục tiêu học tập đã định. Với mục đích đã được xác định, tạo nên một ý chí sắt đá, một niềm tin mãnh liệt là phải học để phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành dưới cái tên anh Ba – đã để lại cho các thủy thủ Pháp lòng khâm phục về ý chí tự học “Mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong, anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi mọi người nghỉ hay đánh bài anh Ba đọc viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”. Khi tham dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935, với bí danh là Lin, Người khai trình độ học vấn là: tự học và thành thạo 6 ngoại ngữ. 

Để đạt được mục tiêu, ý nghĩa nêu trên, cần: tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp học viên nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối của Đảng đối với vai trò, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tự học với xã hội cũng như bản thân mình; thường xuyên bồi dưỡng động cơ, ý chí tự học cho học viên, nhấn mạnh vai trò người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực trẻ của đất nước nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm vươn lên chiếm lĩnh tri thức. Phát huy vai trò của người thầy – nhân tố quan trọng tác động rất lớn đến việc xây dựng động cơ, thái độ nâng cao ý chí, nghị lực tự học, tự vươn lên của học viên.

Ba là, tăng cường rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.

Kỹ năng, phương pháp tự học và kế hoạch tự học chặt chẽ có vai trò rất quan trọng, giúp học viên nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của mình. Việc tăng cường rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng phương pháp tự học cho sinh viên, sẽ cung cấp cho họ một cách có hệ thống các tri thức cần thiết về cách thức tiến hành hoạt động tự học; bằng nhiều con đường, biện pháp khác nhau, như thông quan việc giảng dạy của giảng viên trên lớp, tổ chức trao đổi kinh nghiệm tự học giữa các học viên thông qua tọa đàm, hướng dẫn học viên tìm kiếm các tài liệu sách báo có liên quan để tự nghiên cứu… Trong đó, đặc biệt chú trọng các phương pháp tự học của Hồ Chí Minh, đó là cách học kiên trì, bền bỉ, năng động và học thường xuyên; tranh thủ mọi thời gian, ở mọi không gian, môi trường có thể; tranh thủ sự trợ giúp của nhiều người, từ nhân dân; học lý luận phải biết liên hệ với thực tiễn, thực hành để kiểm chứng kiến thức được trang bị… và tự học một cách toàn diện. Nói chuyện với thanh niên, Hồ Chí Minh cho biết: Để học được ngoại ngữ phải kiên trì mỗi ngày học thuộc 10 từ, học ở mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà học từ từ như ta bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào ống. Bằng cách đó Người đã học được rất nhiều ngoại ngữ. 

Bốn là, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo trong tự học của sinh viên, đồng thời phát huysức mạnh tổng hợp của các lực lượng giáo dục, bảo đảm điều kiện cho học viên tự học hiệu quả nhất.

Phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học viên trong tự học cần chú trọng xây dựng thái độ tự học đúng đắn, hình thành và phát triển nhu cầu tự học, xây dựng các phẩm chất ý chí, hình thành thói quen tự học cho học viên. Thói quen tự học của học viên được hình thành trong quá trình luyện tập kiên trì và có hệ thống, trên cơ sở tính tích cực tự giác, ý thức rõ trách nhiệm của mình trong học tập cũng như đòi hỏi của hoạt động nghề nghiệp tương lai. Cung cấp hệ thống tri thức khoa học và phương pháp vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết nhiệm vụ cụ thể trong thực tiễn thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, nêu vấn đề nhằm phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học viên, giúp cho họ hình thành phương pháp học tập tích cực, chủ động trong suốt quá trình học tập. Trong quá trình dạy học, giảng viên cần phải tổ chức tốt các hình thức dạy học như: xêmina, bài tập thực hành, kiểm tra, thi, tập nghiên cứu khoa học… Bởi chính thông qua các hình thức huấn luyện đó giúp học viêntừng bước vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tốt nhiệm vụ học tập; đồng thời đó là tiêu chuẩn đánh giá mức độ hình thành kỹ năng tự học của mỗi học viên.

Tác động lớn nhất tới hoạt động tự học của học viên là đội ngũ cán bộ, giảng viên – những người trực tiếp làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng, trang bị phương pháp tự học cho học viên. Trong các khâu của hoạt động tự học đều có mối quan hệ chặt chẽ giữa giảng viên với học viên. Hồ Chí Minh đã dạy: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”, nghĩa là ngoài phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo của bản thân học viên, thì sự hướng dẫn, chỉ đạo của giảng viên cũng như các lực lượng giáo dục khác cũng hết sực quan trọng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của học viên là nhân tố quan trọng làm tăng sức tự học, hình thành kỹ năng tự học cho học viên, kích thích tính tự giác vươn lên tự chiếm lĩnh tri thức mới, đạt được mục tiêu tự học của người học. Các đơn vị quản lý cần tạo môi trường, điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và thời gian tự học cho học viên. Phát huy tốt vai trò của tập thể học viên trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập, phải đoàn kết giúp đỡ lần nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới. 

4. Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nhất là công nghệ thông tin làm cho bất cứ ở đâu, nơi nào, ai cũng có thể và khả năng tiếp cận các loại thông tin, nguồn thông tin từ nhà trường, giảng viên, sách báo in, điện tử, các trang mạng xã hội, internet… vấn đề bức thiết đặt ra cho học viên là kỹ năng, phương pháp tự học để xử lý thông tin hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Vì vậy, việc học tập đức tính tự học của Hồ Chí Minh về xác định mục đích, động lực, phương pháp tự học, ý chí, tinh thần vượt khó, biết tận dụng mọi thời cơ và mọi nơi để học, từ đó rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học cho học viên góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tự học của học viên hiện nay. Hình thành kỹ năng, kỹ xảo, tạo thói quen ham học hỏi, tự học tập, tính chủ động, độc lập, sáng tạo tìm tòi cái mới trong cuộc sống cũng như trong công việc của mỗi học viêncũng như góp phần hình thành một xã hội học tập là một việc làm cần thiết và cần được phát huy. 

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).H. NXB Chính trị Quốc gia, 2013, tr. 128 – 129.
2, 7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 360, 361.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 377.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 312.
5, 6, 8. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011 tr.  98, 98, 99.