Thiếu tá Chu Xuân Đại Thắng
Thượng úy Nguyễn Trung Đức
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của cốt cách dân tộc Việt Nam; là hình mẫu tiêu biểu, chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử; là tài sản tinh thần vô giá để cán bộ, đảng viên Nhân dân học tập và noi theo. Đồng thời, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là hệ giá trị chuẩn mực, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Từ khóa: Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh; ý nghĩa; xây dựng và phát triển; văn hóa; con người Việt Nam.
1. Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh
Văn hóa ứng xử là những nếp ứng xử, khuôn mẫu ứng xử, chuẩn mực ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với các đối tượng khác nhau, thể hiện qua ngôn ngữ, hành vi, nếp sống, tâm sinh lý, trong quá trình phát triển và hoàn thiện đời sống đã được tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa, trở thành chuẩn mực của cá nhân, nhóm xã hội, toàn bộ xã hội; phù hợp với đời sống xã hội, với đặc trưng bản sắc của văn hóa một dân tộc, một quốc gia được cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng, toàn bộ xã hội thừa nhận và làm theo.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt cuộc đời tận hiến cho cách mạng Việt Nam, phản ánh bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong tất cả những ai đã từng được gặp Người. Nhân cách lớn và cuộc đời của Người đã tạo nên được một lối ứng xử hết sức mẫu mực, không chỉ tiêu biểu cho văn hóa ứng xử Việt Nam mà còn làm phong phú thêm giá trị văn hóa ứng xử của thời đại. Nét chung tạo nên tính nhất quán trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành, bình dị, tự nhiên từ một tâm hồn đại nhân, đại trí, đại dũng.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh không phải là một nghệ thuật xã giao được gò ép theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là cách xử lý khéo léo nhưng giả dối để mua chuộc lòng người, mà nó là sự phản ánh trung thực chính bản thân con người Hồ Chí Minh – một vĩ nhân ít ai có thể đạt tới, khó ai có thể vượt qua, nhưng ai cũng có thể học được ấy để trở thành người hoàn thiện hơn.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là hệ thống bao gồm các quan điểm của Người về các giá trị, chuẩn mực phản ánh trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách trên cơ sở tiếp biến tinh hoa văn hóa ứng xử nhân loại, dân tộc Việt Nam được thể hiện qua trình độ, chuẩn mực trong thái độ, hành vi của Hồ Chí Minh với chính bản thân mình, với người khác, với công việc và với thiên nhiên.
Trong ứng xử với chính bản thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tính bình dị, tự nhiên, lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong những điều kiện khó khăn, khổ cực nhất, Người luôn thoát ra khỏi cuộc sống bị đọa đầy đau khổ về thể xác để tìm đến khát vọng của tự do cho tinh thần cách mạng. Chính sự lạc quan đó đã giúp Người vượt qua mọi gian nan nguy hiểm, phấn đấu cho tương lai của dân tộc, của đất nước.
Trong ứng xử với mọi người, tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có sự phân biệt. Người thể hiện thái độ trân quý, nhã nhặn, lịch thiệp, tinh tế, khiêm nhường một cách vô cùng tự nhiên. Người luôn thấu hiểu với mọi niềm đau, nỗi khổ của con người để đồng cảm, hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Bất kỳ ai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đều sẽ nhớ mãi về thái độ chân thành, tình cảm nồng ấm, gần gũi. Chính vì thế, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu vào năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cảm xúc: “Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị”1.
Trong ứng xử với công việc, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc đi xa, Người vẫn mong muốn cống hiến được nhiều hơn nữa cho Tổ quốc và nhân dân: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”2.
Trong ứng xử với thiên nhiên, dù ở đâu, làm gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tình yêu, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, hòa mình với vạn vật xung quanh để cảm thụ vẻ đẹp, sức sống của tự nhiên. Tình yêu thiên nhiên của Người được thể hiện trong việc phát động phong trào trồng cây. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng cảm phục: “Hồ Chí Minh rất quý trọng thiên nhiên… Phong cách trồng cây của Bác thể hiện một quan điểm triết lý về xã hội rất đẹp, rất hay là hòa quyện thiên thời, địa lợi, nhân hòa”3. Lối ứng xử thân thiện, hài hòa với thiên nhiên và môi trường của Người cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
2. Ý nghĩa trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay
Hiện nay, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa; tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuẩn hóa”. Trong khi đó nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chính vì vậy, từ việc nghiên cứu nội dung văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là cơ sở để soi chiếu, rút ra ý nghĩa đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay:
Một là, văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển các giá trị truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới.
Truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam là chiếc nôi nuôi dưỡng, chắp cánh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc. Là người am hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, cũng là người rất am tường về truyền thống ứng xử của các triều đại phong kiến và chủ động tiếp thu những giá trị tinh túy nhất trong đó. Người rút ra những bài học về cách xử lý các mối quan hệ ứng xử của cha ông cả trong đối nội và đối ngoại, tiếp thu các giá trị tích cực để vận dụng vào sự nghiệp cách mạng. Những giá trị trong văn hóa ứng xử của dân tộc được Người kế thừa, phát triển và nâng lên một tầm cao mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển các giá trị của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc, hợp lưu với dòng chảy của thời đại để cùng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại. Người đã phát huy lối ứng xử khôn khéo, linh hoạt và sáng tạo của cha ông trong vấn đề đối ngoại để giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong mối quan hệ với các nước, đặc biệt là với các nước lớn trong một tình thế muôn vàn khó khăn, cùng sự đan xen vô cùng phức tạp của các mối quan hệ. Từ đó, Người đã tạo dựng nên một mẫu mực mới trong quan hệ bang giao với các nước thời hiện đại, với những bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam cả hiện tại và tương lai.
Hai là, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh trở thành cơ sở lý luận có tính nguyên tắc trong tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Văn hóa ứng xử và đạo đức cách mạng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu một người có cách ứng xử văn hóa là cơ sở để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Ngược lại, có đạo đức cao đẹp là cơ sở để xây dựng và hình thành cách ứng xử có văn hóa.
Theo Hồ Chí Minh, đã là người cách mạng thì trước hết phải thật thà và thật sự tu dưỡng, thực hành đạo đức cách mạng. Người giải thích: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân?”4.
Để có hành vi ứng xử có văn hóa phải thực hành đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thực tiễn chứ không phải là những lời nói suông, hay hứa mà không làm. Việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ suốt đời, phải thực hiện chủ yếu trong thực tiễn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng của người cách mạng. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì văn hóa ứng xử mới được hình thành và phát triển. Người đã kết luận: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”5.
Để bồi dưỡng văn hóa ứng xử, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ và đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện phi đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Ba là, văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ giá trị chuẩn mực có tính nguyên tắc trong xây dựng văn hóa ứng xử của con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Văn hóa ứng xử của Người là sự kế thừa và phát triển nghệ thuật ứng xử của dân tộc Việt Nam, của quê hương Nghệ Tĩnh, song nó chủ yếu nó là sự phản ánh nhân cách siêu việt Hồ Chí Minh với trí tuệ lỗi lạc, tâm hồn vị tha, đạo đức trong sáng của một vĩ nhân đã hun đúc trong đó cả tinh hoa dân tộc và nhân loại. Do vậy, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là đỉnh cao tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Với truyền thống của con người Việt Nam sống với nhau có nghĩa, có tình. Đó là những biểu hiện tốt đẹp của ý thức tôn trọng, sự quan tâm giữa người với người trong gia đình và người ngoài xã hội. Phép lịch sự trong việc ứng xử là một sự tổng hợp nghi thức được biểu hiện ra trong giao tiếp, nhưng không phải là những ứng xử một cách máy móc mà là những việc làm, lời ăn tiếng nói linh hoạt, nhiều vẻ gắn với từng hoàn cảnh, từng môi trường cụ thể và tùy theo đối tượng gặp gỡ. Cách ứng xử có tình, có nghĩa là phù hợp với lối sống của người Việt Nam. Từ cách ứng xử đó làm cho mối quan hệ giữa người với người trở lên đẹp đẽ, nhẹ nhàng hơn.
Hành vi ứng xử có văn hóa của mỗi cá nhân là không giống nhau, hành vi đó được hình thành và phát triển thông qua quá trình học tập, rèn luyện của cá nhân đó trong môi trường gia đình và xã hội nhất định. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, giáo dục, hướng dẫn từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong thời đại mới, cần cổ vũ, tuyên truyền, phát huy sâu rộng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.
Bốn là, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư duy độc lập, tự chủ trên con đường tìm đường cứu nước, đã sớm nhận thức được nguyên nhân mất nước và những hạn chế của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Chính những ứng xử của Người trong giải quyết hàng loạt các mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới, giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp và các tầng lớp trong xã hội Việt Nam, giữa lãnh tụ và Nhân dân đã làm cho cả dân tộc Việt Nam có sự thống nhất cao độ, tạo nên một tổng lực làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Chính những ứng xử đúng đắn, đầy tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi đối tượng, làm cho mỗi người Việt Nam luôn tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người là niềm tin, là chiến thắng, là những gì tốt đẹp nhất và là tương lai tươi sáng. Qua cách ứng xử của Người mà tin yêu chủ nghĩa xã hội, phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bài học về tầm quan trọng của những ứng xử đúng, những ứng xử vì dân tộc, vì Nhân dân, bởi sức mạnh trong thực tế được tạo nên từ ứng xử – giải quyết tốt các mối quan hệ để quy tụ sự đoàn kết, thống nhất tạo nên sức mạnh.
Trong mối đoàn kết quốc tế, nhận thức được đặc điểm của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết hàng loạt các mối quan hệ nhằm gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người luôn xem cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và nhận thấy sự ủng hộ của bạn bè quốc tế có vai trò rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Do đó, Người đã làm hết sức để tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ tối đa của bên ngoài để giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với cách ứng xử chân thành, nhân văn, khéo léo của Hồ Chí Minh, chúng ta đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khiến cho Việt Nam trở thành nơi lương tri của nhân loại hướng về, trở thành biểu tượng chân chính cho cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của thời đại: Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Năm là, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là chuẩn mực để bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có văn hóa ứng xử thích hợp, đúng đắn với tư cách là người cách mạng trong quan hệ với người khác, với công việc và với chính bản thân mình. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã để lại cho chúng ta một lối ứng xử văn hóa làm mực thước để mỗi cán bộ đảng viên có thể học tập và noi theo.
Hiện nay, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, để họ biết xử lý các mối quan hệ, để thực sự trở thành người đầy tớ trung thành, tận tụy của Nhân dân. Nội dung văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh đã trở thành những chuẩn mực để đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn đấu học tập, noi theo. Qua đó, từng bước thực hiện mục đích cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thế hệ người Việt Nam mong ước là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Soi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhờ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhờ có sự bền bỉ, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh mà phần lớn cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đã có văn hóa ứng xử gần dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; chủ động, linh hoạt; nhã nhặn, lịch sự, tinh tế; cảm hóa, khoan dung, độ lượng; ứng xử có lý, có tình. Đây là những phẩm chất cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Kết luận
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa ứng xử của Người được biểu hiện trong các mối quan hệ mà ai cũng có thể học tập và làm theo. Việc lan tỏa giá trị văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh đến với mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân là vấn đề có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời là cơ sở để chúng ta hướng đến xây dựng con người mới, xã hội mới.
Chú thích:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 25.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 615.
3. Phạm Văn Đồng. Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 149 – 150.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 292.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 612.