Nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia

PGS.TS. Phương Hữu Từng
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực thông tin đóng vai trò rất quan trọng đối với sinh viên, bởi đây là kỹ năng và kiến thức cần thiết trong việc khai thác thông tin để học tập và nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích thực trạng năng lực thông tin của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, bài viết nêu một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên Học viện trong thời gian tới.

Từ khóa: Năng lực thông tin; sinh viên; Học viện Hành chính Quốc gia; nâng cao.

1. Khái niệm năng lực thông tin

Khái niệm năng lực thông tin được Gilster đề cập lần đầu tiên vào năm 1997 với nghĩa “khả năng hiểu và sử dụng thông tin dưới nhiều định dạng khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau, được hiển thị trên máy tính”1. Từ cách hiểu này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn, theo Ferrari & Punie: “Năng lực thông tin là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách tự ti, có cân nhắc kỹ lưỡng và sáng tạo để đạt được các mục đích liên quan đến công việc, học tập, giải trí, hòa nhập hoặc tham gia vào xã hội”2; theo Tang & Chaw: “Năng lực thông tin là nhận thức, thái độ và khả năng của mỗi cá nhân sử dụng hợp lý các công cụ và cơ sở vật chất kỹ thuật số để xác định, truy cập, quản lý, kết hợp đánh giá, phân tích tổng hợp tài nguyên số, xây dựng kiến thức mới, tạo biểu thị truyền thông và giao tiếp với người khác trong các tình huống đời sống cụ thể, nhằm thực hiện hành động xã hội mang tính xây dựng và để phản ánh về quá trình này3.

Bên cạnh đó, khi bàn về khái niệm năng lực thông tin, các tổ chức cũng đưa ra các cách hiểu khác nhau, như: (1) Tổ chức UNESCO cho rằng: “Năng lực thông tin là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực thông tin là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và năng lực truyền thông4; (2) Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) định nghĩa: “Năng lực thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được5 .

Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu cũng đã đưa ra cách hiểu về năng lực thông tin, chẳng hạn nhóm tác giả Nguyễn Tấn Đại, Marquet, P  đã mô tả năng lực thông tin “là khả năng sử dụng vững vàng và có ý thức các công cụ của xã hội thông tin trong công việc, giải trí và giao tiếp”6; tác giả Đỗ Văn Hùng đã dựa trên định nghĩa năng lực thông tin của UNESCO (năm 2018) nhưng bổ sung thêm nội dung: “năng lực tự chịu trách nhiệm được coi là một phần khổng thể thiếu của năng lực thông tin và có tác động quan trọng khi đưa ra đề xuất năng lực số”7. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng định nghĩa năng lực thông tin của UNESCO làm cơ sở để nghiên cứu. 

2. Thực trạng về năng lực thông tin của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia

Qua khảo sát, phân tích thực trạng năng lực thông tin của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia bằng bảng hỏi (thời gian khảo sát từ tháng 01/2023 đến tháng 01/2024), với tổng số phiếu phát ra: 250 phiếu, thu về: 250 phiếu (100%) cho biết thực trạng về kiến thức và kỹ năng cơ bản năng lực thông tin của sinh: 

Thứ nhất, kiến thức chung về năng lực thông tin.

Với câu hỏi “Cho biết khái niệm năng lực thông tin”, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 70.8% sinh viên hiểu đúng khái niệm năng lực thông tin (xem Bảng 1):

Bảng 1: Nhận thức của sinh viên về khái niệm năng lực thông tin 

STTKhái niệm năng lực thông tinSố lượng Tỷ lệ(%)
1Năng lực thông tin là kỹ năng sử dụng thư viện156
2Năng lực thông tin là kỹ năng khai thác tin187.2
3Năng lực thông tin là kỹ năng sử dụng máy tính4016
4Năng lực thông tin là kỹ năng: nhận biết, khai thác, sử dụng thông tin, chia sẻ thông tin, đánh giá thông tin, xác định nhu cầu tìm kiếm tin.17770.8

Thứ hai, xu hướng tìm kiếm thông tin.

Với câu hỏi “Bạn thường tìm kiếm thông tin nào để học tập và nghiên cứu”, kết quả khảo sát cho thấy: sinh viên chủ yếu tìm kiếm thông tin trên mạng, xu hướng này chiếm tỉ lệ nhiều nhất, chứng tỏ rằng sinh viên đã hòa nhập và bắt nhịp với thời kỳ công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, không phụ thuộc vào kho tài liệu truyền thống (xem Bảng 2):

Bảng 2: Xu hướng tìm kiếm thông tin

TTXu hướng tìm kiếm thông tinSố lượngTỷ lệ (%)
1Sử dụng bộ phiếu mục lục của Thư viện để tìm kiếm thông tin9236.8
2Tìm thông tin tài liệu trên internet15863.2

Thứ ba, kỹ năng đánh giá thông tin. 

Với câu hỏi “Trong các yếu tố để đánh giá chất lượng tài liệu (uy tín của tác giả, tính minh bạch của thông tin, dung lượng thông tin, độ sâu của thông tin), bạn chọn yếu tố nào”, kết quả khảo sát cho thấy, có hai tiêu chí được lựa chọn nhiều nhất là: tính minh bạch của thông tin và độ sâu của thông tin. Điều đó chứng tỏ sinh viên đã đi đúng hướng trong quá trình tìm kiếm những thông tin tài liệu để đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất (xem Bảng 3):

Bảng 3:  Các yếu tố để đánh giá chất lượng tài liệu

STTCác yếu tố đánh giá chất lượng tài liệuSố lượngTỷ lệ (%)
1Uy tín của tác giả156
2Tính minh bạch của thông tin12148.4
3Độ sâu của thông tin11044

Thứ tư, năng lực pháp lý về sử dụng thông tin của sinh viên.

Với câu hỏi “Bạn có nắm rõ về luật bản quyền của sở hữu trí tuệ không”, kết quả khảo sát cho thấy, mức độ hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ của sinh viên còn hạn chế, chỉ có 64.8% sinh viên có hiểu biết căn bản về bản quyền của Luật Sở hữu trí tuệ, điều đó chứng tỏ còn nhiều sinh viên chưa được phổ biến kiến thức, hoặc chưa tự cập nhật kiến thức về lĩnh vực này (xem Bảng 4):

Bảng 4: Hiểu biết của sinh viên về luật sở hữu trí tuệ

Hiểu biết của sinh viên về luật sở hữu trí tuệ Số lượngTỷ lệ (%)
Có biết đến luật nhưng chưa tìm hiểu kỹ5722.8
Chưa quan tâm3112.4
Có biết16264.8

Thứ năm, phương thức chia sẻ thông tin.

Với câu hỏi “Bạn thường chia sẻ thông tin với người khác như thế nào”, kết quả cho thấy, sinh viên chủ yếu chia sẻ thông tin qua mạng xã hội (facebook, zalo, telegram) với 80%; 20% thông tin trao đổi trực tiếp. Đây cũng là xu hướng chung của thời đại công nghệ 4.0, có thể thu nhận thông tin nhanh chóng, kịp thời.

Thứ sáu, mức độ sử dụng tài liệu tham khảo.

Với câu hỏi: “Bạn đã sử dụng tài liệu tham khảo ở mức độ nào sau đây (thường xuyên, thỉnh thoảng, chưa)”, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 95 sinh viên trả lời thường xuyên sử dụng tài liệu tham khảo. Điều đó chứng tỏ sinh viên chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng tài liệu tham khảo trong các bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu khoa học (xem Bảng 5):

Bảng 5: Mức độ sử dụng tài liệu tham khảo

STTMức độ sử dụng tài liệu tham khảoSố lượngTỷ lệ (%)
1Thường xuyên9538
2Thỉnh thoảng14357.2
3Chưa124.8

Thứ bảy, năng lực đọc tài liệu ngoại văn.

Với câu hỏi “Khả năng đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài của bạn như thế nào?”, kết quả khảo sát cho thấy, số lượng sinh viên đọc được tài liệu nước ngoài còn quá ít (xem Bảng 6):

Bảng 6: Năng lực đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài

STTNăng lực đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoàiSố lượngTỷ lệ (%)
1Tốt104
2Khá4216.8
3Trung bình9538
4Yếu10341.2

Qua việc thu thập các câu trả lời và phân tích số liệu từ bảng hỏi có thể thấy, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia đã có kỹ năng định vị và tìm kiếm thông tin bằng các công cụ tìm tin hiện đại. Đa số sinh viên đã có kỹ năng đánh giá, thẩm định các thông tin để lựa chọn được những thông tin đúng, tin cậy và phù hợp, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, năng lực thông tin của sinh viên Học viện vẫn còn hạn chế, như: mức độ hiểu biết của sinh viên về luật sở hữu trí tuệ (quy định về trích dẫn thông tin và việc trích dẫn tài liệu) vẫn chưa được sinh viên chú trọng; khả năng khai thác thông tin từ tài liệu ngoại văn còn hạn chế; mức độ sử dụng tài liệu tham khảo chưa được thường xuyên. Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên Học viện trong thời gian tới.

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia

Một là, cần đào tạo năng lực làm chủ thông tin cho sinh viên ngay từ khi học năm thứ nhất. Điều đó sẽ giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng phải trang bị năng lực nghiên cứu, sử dụng thông tin trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Hai là, giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên cách khai thác, đánh giá, sử dụng thông tin; hướng dẫn sinh viên về Luật Sở hữu trí tuệ; lồng ghép năng lực thông tin vào từng bài giảng, nhất là các môn học chuyên ngành; khuyến khích, yêu cầu sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học để khai thác tài liệu nước ngoài; yêu cầu sinh viên tìm kiếm các tài liệu liên quan đến bài học và thuyết trình các tài liệu tham khảo đó trong mỗi tiết học.

Ba là,  giảng viên chủ động phối hợp với cán bộ thư viện thuộc Trung tâm Công nghệ và Thư viện trong xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo năng lực thông tin cho sinh viên. Sự hợp tác chặt chẽ giữa giảng viên, cán bộ thư viện sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện lồng ghép năng lực thông tin vào chương trình học tập của sinh viên. 

Bốn là, Học viện từng bước nâng cấp hạ tầng thông tin hiện đại phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu cho sinh viên, bảo đảm cho lộ trình xây dựng Học viện số đạt kết quả cao nhất.

Chú thích: 
1. Gilster, P. (1997). Digital literacy. Wiley Computer Pub. New York, 267p.
2. Ferrari, A., & Punie, Y. (2013). DIGCOMP: A framework for developing and understanding digital competence in Europe. In: Publications Office of the European Union Luxembourg, 45p.
3. Tang, C. M., & Chaw, L. Y. (2016). Digital Literacy: A Prerequisite for Effective Learning in a Blended Learning EnvironmentElectronic Journal of e-Learning, 14(1), 54 – 65p.
4. UNESCO. (2018). A Global framework of reference on digital literacy skills for indicator. UNESCO Institute forStatistics, Information Paper No. 51, Ref: UIS/2018/ICT/IP51.ALA (2000), Information literacy competency standards of higher education. American Library Association, Chicago, 16p.
5. Nguyễn Tấn Đại, Marquet, P. Năng lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu xã hội: Các mô hình quốc tế và hướng tiếp cận tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, 2019, số 244 (12), tr. 23 – 39.
6. Đỗ Văn Hùng. Cẩm nang phát triển năng lực thông tin cho sinh viên. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022,  tr.82.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghiêm Xuân Huy. Vai trò của kiến thức thông tin đối với cán bộ nghiên cứu khoa học. Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 23,  2010.
2. Trương Đại Lượng. Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên đại học ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Khoa học Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2015.
3. Vũ Dương Thúy Ngà. Thư viện đại học với việc trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5, 2012.
4. Đỗ Ngọc Tấn & Marquet, P. Năng lực công nghệ số của sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội: Nghiên cứu mô hình ứng dụng sơ khởi tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, số 249, 2019.