Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục – định hướng cho việc đổi mới phương pháp giáo dục ở Việt Nam 

Nguyễn Thị Lý
Trường Đại học Lâm nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà giáo dục vĩ đại, người đặt nền móng cho nền giáo dục dân chủ mới ở Việt Nam. Người để lại kho tàng di sản quý báu về giáo dục cho thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. Bài viết nêu rõ quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục, đó là nền tảng lý luận cho Đảng, Nhà nước xây dựng đường lốichính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và phương pháp giáo dục nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay.

Từ khóa: Phương pháp giáo dục; đổi mới; tư tưởng Hồ Chí Minh.

1Đặt vấn đề

Trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm về phương pháp giáo dục chứa đựng những nội dung mới, tiến bộ và hiện đại, đến nay, vẫn luôn có giá trị mang tính thời sự sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Người. Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng, là kim chỉ nam định hướng cho Đảng, Nhà nước để đề ra quan điểm, chính sách đổi mới phương pháp giáo dục, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. 

2. Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục

Thứ nhất, phát triển trí tuệ, tính chủ động, độc lập, sáng tạo và tích cực của người học.

Là nhà giáo có tư tưởng tiến bộ, Hồ Chí Minh sớm thấy được những hạn chế trong cách dạy cũ. Với người thầy, Người yêu cầu: phải tránh tuyệt đối lối dạy “nhồi sọ”, nặng hình thức, giáo điều. Với người học, Người đề nghị: tránh lối học như vẹt, học để lấy bằng cấp. Người luôn đề cao, khuyến khích hăng hái tìm tòi, tư duy độc lập, sáng tạo để chủ động chiếm lĩnh tri thức, tránh lối học vẹt. Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người nhấn mạnh: “Nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ… tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”1Quan điểm này thể hiện sự phát triển vượt trội trong phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với truyền thống. Với phương pháp giáo dục này đã làm chuyển biến sâu sắc vị trí của thầy và trò trong quá trình giáo dục, người thầy từ vị trí trung tâm chuyển sang học trò. Quá trình học tập từ thụ động chuyển sang chủ động, tích cực khám phá, lĩnh hội kiến thức. 

Thứ hai, phương pháp giáo dục phù hợp với nhu cầu, đối tượng giáo dục, hướng tới xây dựng mối quan hệ nhân ái, dân chủ giữa thầy và trò.

Xuất phát từ tình yêu thương và tôn trọng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính vừa sức trong giáo dục. Người yêu cầu phải bám sát vào nhu cầu và đặc điểm của đối tượng để làm căn cứ chọn phương pháp giáo dục phù hợp, đem lại hiệu quả giáo dục. Trong mọi công việc to nhỏ nói chung, giáo dục cũng không ngoại lệ, đó là: “phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức”2Muốn thực hiện tốt phương pháp này, người thầy phải am hiểu về người học, nắm được đặc điểm về trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý, nếp sinh hoạt,… của đối tượng, từ đó lựa chọn các hình thức và phương pháp giáo dục phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực như mong muốn. Người cũng đưa ra ví dụ cụ thể để minh chứng cho nhận định này khi: “công nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tuỳ hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt”3.

Là một nhà giáo mẫu mực, Người chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho các nhà giáo trong hoạt động giáo dục học sinh. Trong đó, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, nhân ái giữa thầy và trò là một trong những yếu tố tiên quyết để giáo dục học sinh thành công. Để làm được vậy, Người khuyên các thầy cô: “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta”4.

Bên cạnh đó, Người yêu cầu phải phát huy dân chủ trong học tập. Điều này có nghĩa là, đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, mọi người cùng trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn, chân thành để làm sáng tỏ vấn đề. Đồng thời, Người cũng lưu ý: Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”5. Dân chủ trong giáo dục giúp thầy và trò cùng nhau tiến bộ: trò tự tin, mạnh dạn phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình; thầy nắm được mức độ hiểu biết của trò, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn cho phù hợp. Qua đó, hiệu quả giáo dục không những được nâng cao mà mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng gắn bó mật thiết, bền chặt. 

Thứ ba, phương pháp nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của phương pháp nêu gương. Người coi đó là một biện pháp hữu hiệu nhất trong mọi công việc, nhất là trên lĩnh vực giáo dục. Lấy những những tấm gương mẫu mực “người tốt, việc tốt” cụ thể sinh động trong đời sống để kích thích tính tích cực, tự giác của người học. Điều này xuất phát từ đặc tính “bắt chước” của trẻ em và đặc trưng văn hóa, đạo đức phương Đông luôn lấy cái tốt đẹp của người khác làm tấm gương phản chiếu mình, nỗ lực vươn lên để trở nên tốt hơn. Người viết: đối với các dân tộc phương Đông“một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”6. Giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn chú trọng giáo dục đạo đức cho người học. Vì vậy, Người yêu cầu các thầy cô giáo, cán bộ phụ trách giáo dục phải gương mẫu từ lời nói tới việc làm, trở thành tấm gương cho học sinh noi theo: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”7Để thực hiện được phương pháp này, đòi hỏi nhà giáo không chỉ có giỏi kiến thức mà phải là tấm gương sáng về đạo đức, yêu nghề, yêu trò.

Đối với trò, Người đòi hỏi phải biết học ở các thầy cô giáo, học ở Nhân dân, đồng thời, học theo những thanh niên gương mẫu trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Thứ tư, phương pháp tự học.

Tự học là yếu tố cốt lõi, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của hoạt động học tập. Đó là quá trình người học chủ động tiếp thu tri thức nhân loại dưới sự định hướng, điều khiển của người dạy. Tự học chính là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để biến những tri thức của nhân loại thành kiến thức của bản thân.

Tinh thần học và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo. Thời gian ở nước ngoài, Người phải lăn lộn đủ mọi nghề để kiếm sống, cố gắng vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi một cách kiên trì, bền bỉ. Đến khi trở thành Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành thời gian học và tự học thông qua báo đài, sách vở và thực tiễn của đất nước. Chính sự nỗ lực tự học, Người tiếp thu và phát triển tri thức nhân loại để hình thành hệ thống tri thức khoa học cho bản thân, qua đó, vận dụng và phát triển vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam. 

Để tự học đạt hiệu quả cao, Người yêu cầu mọi người phải xác định mục đích rõ ràng và động cơ học tập đúng đắn. Xác định mục tiêu học tập là trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Người đưa ra bốn mục tiêu cụ thể của tự học, đó là: học để sửa chữa tư tưởng; học để tu tưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng vào đoàn thể, nhân dân và tương lai của dân tộc; học để hành. Với Người, học không phải để lấy danh, lấy bằng cấp để làm quan phát tài, mà “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại8. Mục đích học tập cao cả đã trở thành động lực thúc đẩy người học tự nguyện, tự giác học tập, không thụ động, ỷ lại vào thầy cô, đồng thời, thể hiện lý tưởng sống cao đẹp của mỗi người trong chế độ mới, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Xây dựng kế hoạch học tập khoa học, hợp lý; phải kiên trì bền bỉ để đạt được kế hoạch đề ra. Người học phân bổ thời gian và lên lịch học một cách phù hợp, sắp xếp lần lượt các nội dung học theo thứ tự ưu tiên để tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đạt được hiệu quả cao. Tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận, người học cũng phải biết chọn lọc những nội dung phù hợp, tránh ôm đồm, chồng chéo với nhau. Tuy nhiên, lập kế hoạch học tập chỉ là điều kiện cần, cốt lõi là phải kiên quyết thực hiện kế hoạch một cách kiên trì, bền bỉ, không lùi bước trước mọi gian khó mới đạt được mục tiêu tự học đề ra. Đó là quá trình đấu tranh tư tưởng cam go, đòi hỏi người học phải có quyết tâm cao độ mới thực hiện tốt kế hoạch tự học.

Người luôn nhắc nhở mọi người phải biết đa dạng hóa các hình thức học tập, học mọi lúc, mọi nơi, mọi người và học suốt đời để tự trau dồi kiến thức cho mình. Việc học không chỉ gói gọn trong sách vở, trường lớp mà còn phải học Nhân dân, học trong thực tiễn lao động và hoạt động cách mạng. Chính lao động và hoạt động cách mạng là điều kiện để Người tích lũy, củng cố kiến thức và kiểm nghiệm, đánh giá kết quả tự học. Người đưa ra hệ thống các phương pháp giáo dục đa dạng, phong phú, giữa các phương pháp giáo dục này có mối quan hệ thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau. Người không tuyệt đối hóa bất kỳ một phương pháp cụ thể nào. Không có phương pháp giáo dục nào là vạn năng, mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu. Vì vậy, trong quá trình giáo dục cần phải lựa chọn, kết hợp các phương pháp giáo dục với nhau để phù hợp với từng đối tượng, nội dụng, hoàn cảnh cụ thể, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

3. Về đổi mới phương pháp giáo dục theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục – đào tạo được Đảng xác định là một trong những giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Phương pháp giáo dục – đào tạo phải khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy – học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học. 

Đến Đại hội IX của Đảng lần đầu tiên trong thế kỷ XXI, quan điểm đổi mới phương pháp dạy và học được Đảng khẳng định theo hướngphát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên; đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề,… thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành một xã hội học tập”. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ định hướng phát triển của giáo dục và đào tạo của đất nước: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. 

Đại hội Đảng lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết ghi dấu ấn đậm nét về đổi mới toàn điện giáo dục, trong đó đổi mới phương pháp giáo dục tiếp tục được coi là một trong những giải pháp cốt lõi: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.Quan điểm này tiếp tục được kế thừa và phát triển trong Đại hội XII của Đảng. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. 

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới phương pháp giáo dục, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó hàm chứa đổi mới phương pháp giáo dục, như: Chỉ thị số: 15/1999/CT-BGDĐT ngày 20/4/1999 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh hoạt động mổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong các trường sư phạm; Quyết định số 09/2008/QĐ-TTg ngày 10/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010; Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 về Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010; Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020… Ngoài ra, còn nhiều văn bản pháp luật khác để bảo đảm công tác đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện một cách sâu rộng, đồng bộ và có hệ thống nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của nền giáo dục nước nhà trong tình hình mới.

4. Kết luận  

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng mang tầm vóc thời đại, một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản đồ sộ về giáo dục, trong đó nổi bật là những quan điểm của Người về “cách dạy” và “cách học”. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới phương pháp giáo dục mang đậm dấu ấn của quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục. Quan điểm của Người về phương pháp giáo dục có giá trị to lớn mang tính thời đại đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay. Kế thừa và phát triển phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đổi mới phương pháp giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục đề ra.

Chú thích:
1, 6. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 99, 284.
2. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 288.
3. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 10. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 368.
4, 5. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 9. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 499, 266.
7. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 77 – 78.
8. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 208.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Anh (chủ biên). Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia, 2013.
2. Đặng Quốc Bảo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. H. NXB Giáo dục, 2008.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
4. Lý Việt Quang (chủ biên). Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020.
5. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.