Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay

ThS, NCS. Hoàng Gia Lân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra nhanh chóng, sự phát triển của không gian mạng tạo thêm môi trường để chia sẻ, trao đổi thông tin trên phạm vi toàn cầu. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng từ đó trở thành một trong những vấn đề cấp bách, được đặt ra trực tiếp. Việc tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng, chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; văn hóa ứng xử; không gian mạng; cách mạng công nghiệp 4.0. 

1. Đặt vấn đề

Văn hóa ứng xử trên không gian mạng thực chất là những quy chuẩn về thái độ, hành vi xử sự đặt ra đối với người dùng không gian mạng để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đảng ta xác định: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục”1. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, góp phần xây dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh.

2. Sự cần thiết tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay

Theo số liệu thống kê vào đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số2Luật An ninh mạng năm 2018 xác định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”3.

 Không gian mạng rất rộng lớn, gồm cả các trình duyệt web (Google, Chrome, Mozilla Firefox,…); trang web tin tức (VnExpress, Zing news, VTC New…); mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Twitter, Instagram,…); các tìm kiếm, tra cứu (Google map, Bing, Google Docs…); các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử…); các trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí… Từ đó, không gian mạng tạo ra một không gian mở, được hình thành trên các nền tảng trực tuyến, giúp con người có thể nhanh chóng kết nối, tương tác, sáng tạo và chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân, hình thành các mối quan hệ xã hội đa dạng, trong đó có văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng là những quy chuẩn về thái độ, hành vi xử sự đặt ra đối với người dùng mạng xã hội để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể khác.

Văn hóa ứng xử trên không gian mạng tập hợp các quy tắc và nguyên tắc ứng xử, đạo đức và lịch sự được áp dụng trong môi trường trực tuyến, định rõ cách mọi người tương tác, giao tiếp và hành xử với nhau trên không gian mạng. Vấn đề nâng cao và hoàn thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng góp phần xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng những lẽ sống đẹp, nuôi dưỡng lý tưởng cao quý, không ngừng hoàn thiện nhân cách bản thân, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Ở nước ta hiện nay, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng là vấn đề cần thiết, xuất phát từ những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, từ mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa thực chất là vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm chính là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”4. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ. Hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cái tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. 

Thứ hai, từ vị trí và vai trò của văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh vai trò, sức mạnh của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”5. Con người là chủ thể sáng tạo giá trị vật chất và giá trị tinh thần, phục vụ cho nhu cầu chính mình và xã hội. Với tư cách chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, xây dựng con người Việt Nam đặt ra việc phát huy giá trị văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người và khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực; củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ ba, từ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử trên không gian mạng nói riêng. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng đã đạt được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, ngày 17/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, quy định những chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật quy định hành vi ứng xử trên mạng xã hội đối với các bên liên quan… Những chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên không gian mạng từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Ý thức, thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên không gian mạng ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thông an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trên không gian mạng xuất hiện nhiều biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa. Một bộ phận lợi dụng không gian mạng để trục lợi cá nhân, gây tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc. Nhiều phát ngôn, bình luận thiếu văn hóa, nội dung xấu độc, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, dẫn đến suy nghĩ, lối sống không lành mạnh, vi phạm pháp luật, gây bất bình trong xã hội.

3. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sử dụng không gian mạng trở thành xu hướng tất yếu của thời đại. Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang trở nên cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý đến mọi tầng lớp nhân dân. Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong mọi tổ chức, cá nhân về thái độ, hành vi ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật về giáo dục, báo chí, xuất bản,… cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ động giáo dục nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng cho tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến không gian mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng, về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Tập trung: “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa”6. Tăng cường giáo dục, nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, phản động, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị.

Tăng cường tuyên truyền về những chủ trương, các cuộc vận động, các giải pháp, các mô hình nhằm định hướng, giáo dục tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng: “Tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam… xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam”7. Chú ý nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, cung cấp những thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Thường xuyên cung cấp những vấn đề mới, những nội dung có tính dự báo về sự vận động và phát triển của internet, của mạng xã hội, nhất là những trào lưu mới, phương thức mới trên không gian mạng.

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định quản lý, sử dụng không gian mạng.

Thực thi hiệu quả hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, như: Luật Công nghệ thông tinnăm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật về giáo dục, báo chí, xuất bản… cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Xây dựng chế tài đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các mạng xã hội nước ngoài. Rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như các văn bản về quản lý văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử trên không gian mạng nói riêng. Tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa và quản lý văn hóa trên không gian mạng.

Chủ động xác định nội dung cụ thể đối với việc sử dụng không gian mạng và đưa vào quy chế quản lý và sử dụng không gian mạng, trên cơ sở những văn bản pháp luật, các nghị định, hướng dẫn hiện hành: “Nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”8. Khi xây dựng nội dung, cần căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, đưa ra những nội dung cụ thể trong quản lý như về hành vi, thái độ, bình luận vi phạm quy định và có những hình thức kỷ luật phù hợp với từng vi phạm cụ thể. Nội dung trong quy chế quản lý cần xác định rõ những hành vi, thái độ, bình luận được phép, khuyến khích trên không gian mạng như những thông tin có nguồn gốc chính thống, đáng tin cậy; những hành vi ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; những bình luận cần sử dụng ngôn từ phù hợp, không gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức…

Ba là, tăng cường phát huy, lan tỏa lợi thế và sở trường của dòng thông tin chủ lưu, chính thống, tin cậy, tích cực.

Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, tích cực liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình cụ thể hóa thực hiện của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị; các thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội có tác động tích cực đến suy nghĩ, quan niệm, lối sống của các tầng lớp nhân dân; các thông tin có mục đích, định hướng tốt, có tính phản biện và tinh thần xây dựng cao. Tăng số lượng, tần suất đăng tải những câu chuyện truyền cảm hứng về việc làm tốt, hành động đẹp thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; những tấm gương người tốt, việc tốt, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tấm lòng yêu thương, nhân hậu của con người, tinh thần quả cảm, trung thực, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì đất nước và cộng đồng; về những tấm gương vượt khó vươn lên, thành công trong cuộc sống và có những đóng góp thiết thực cho xã hội.

Triển khai các đợt thi đua cao điểm, tuần cao điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng loạt đăng tải tin tốt, câu chuyện đẹp trên không gian mạng, trong đó, chú trọng đăng tải trên các nền tảng số, mạng viễn thông, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội. Khuyến khích, vận động văn nghệ sĩ, đặc biệt là văn nghệ sĩ trẻ, người nổi tiếng, có uy tín đăng tải các thông tin tích cực, câu chuyện ý nghĩa; chủ động sản xuất, thực hiện các sản phẩm tuyên truyền tích cực. Tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống gắn với giáo dục các kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, tư duy phản biện trên không gian mạng. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa dân chủ, lành mạnh, phong phú. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, trong đó chú trọng các kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo xu hướng vận động của dư luận xã hội để có giải pháp định hướng dư luận phù hợp và kịp thời.

Bốn là, xử lý nghiêm, kịp thời các thái độ, hành vi vi phạm văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Phát huy vai trò của cộng đồng người dùng trong việc phát hiện, báo cáo, phản biện các thông tin lệch chuẩn, hành vi vi phạm văn hóa ứng xử trên không gian mạng: “Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam”9. Tăng cường công tác phối hợp, tiến hành rà soát và áp dụng biện pháp phù hợp xử lý các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động. Chủ động phối hợp liên ngành, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các ấn phẩm trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc trên không gian mạng. Phát hiện, kịp thời ngăn chặn những thông tin xấu, độc; chủ động đấu tranh phản bác trực diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch theo nội dung, lĩnh vực và nhóm đối tượng cụ thể; tố giác hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tích cực sử dụng các giải pháp về khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ cho xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Phát huy vai trò nòng cốt của các bộ phận chuyên trách trong phát hiện và kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung vi phạm văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Sử dụng không gian mạng và áp dụng công nghệ số để nắm bắt các thông tin, dữ liệu về tâm lý, nguyện vọng và xu hướng vận động của người dùng, kịp thời đề xuất các giải pháptăng cường quản lý văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Coi trọng việc sử dụng các giải pháp về công nghệ hiện đại để bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng; đẩy mạnh sử dụng các phần mềm lọc, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, phản động.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử trên không gian mạng nói riêng hiện nay là việc làm cần thiết, cấp bách. Đây là nền tẳng vừa khai thác được những ưu thế vượt trội của không gian mạng, vừa xây dựng được không gian văn hóa mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với tư cách là sức mạnh mềm của đất nước trong quá trình hội nhập. Vấn đề nâng cao và hoàn thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng góp phần xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng những lẽ sống đẹp, nuôi dưỡng lý tưởng cao quý, giúp cho con người vươn tới các chuẩn mực chân – thiện – mỹ, không ngừng hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Chú thích:
1, 5, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 146, 115 – 116, 272.
2. Internet Việt Nam 2023: Số liệu mới nhất và xu hướng phát triển. https://www.vnetwork.vn, truy cập ngày 03/3/2024.
3. Khoản 3 Điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018.
4. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
6. Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 – 2030.
7. Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
9. Kết luận số 76/KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
3. Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”.