TS. Nguyễn Thế Kiên
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, truyền thống tại địa phương là hướng đi phát triển bền vững. Trong những năm qua, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Cao Bằng đã đưa được nhiều sản phẩm nông sản đặc sản OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bài viết đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP tại tỉnh Cao Bằng. Nghiên cứu này được thực hiện tại các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh với 450 mẫu nghiên cứu.
Từ khóa: Cao Bằng; đặc sản; giải pháp; nông sản; OCOP; sản phẩm nông nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Cao Bằng là một trong những tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc, với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Nùng, Mông, Dao… Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, quảng bá các đặc sản nông nghiệp đến khách hàng nhằm nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cao Bằng có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, con người để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP. Từ năm 2018, tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình về nông nghiệp – nông dân – nông thôn, đặc biệt là chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhiều đặc sản nông nghiệp của Cao Bằng đã đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, phân phối các đặc sản nông sản còn thiếu bền vững, phát triển chậm, sức tiêu thụ còn nhiều hạn chế, đặt ra yêu cầu nghiên cứu đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP tại địa phương có nhiều tiềm năng này. Nghiên cứu phân tích thực trạng, gợi mở những vấn đề còn tồn tại, từ đó, đề xuất một số giải pháp giúp hoạt động quản lý, sản xuất khắc phục nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Các khái niệm
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) hay mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách quan tâm như một chiến lược phát triển nông thôn. Khái niệm OVOP bắt đầu vào năm 1979 ở tỉnh Oita, Nhật Bản, bởi Morihiko Hiramatsu, một ý tưởng cho chính sách phát triển khu vực. Nhận thức ban đầu về OVOP là để truyền cảm hứng cho các cộng đồng ở Oita về việc sản xuất có chọn lọc hàng hóa giá trị gia tăng chất lượng cao.
Tại Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Trong đó, xác định khái niệm quan điểm thực hiện Chương trình OCOP như sau: “Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện” (Thủ tướng Chính phủ, 2018).
Sản phẩm đặc sản OCOP bao gồm: (1) Các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản địa phương (công nghệ có nguồn gốc và nguyên liệu ở địa phương). Nếu không phải đặc sản địa phương, cần: sử dụng (ít nhất 50%) nguyên liệu ở địa phương, do các thành viên/chủ sở hữu/cộng đồng địa phương cung ứng; có tính độc đáo (mức độ phổ biến ở một địa phương); có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường (mục đích phát triển bền vững); (2) Sản phẩm dịch vụ tại địa phương dựa trên thế mạnh về văn hóa, danh thắng, môi trường địa phương.
Các sản phẩm hàng hóa phải có đủ các yếu tố của tổ hợp tiếp thị, bao gồm: sản phẩm (P1) (gồm: phần cốt lõi, phần vật lý và phần gia tăng); giá bán (P2); phân phối (P3); xúc tiến (P4); con người (P5). Riêng sản phẩm dịch vụ phải có thêm 2 yếu tố: môi trường vật lý (P6) và quá trình (P7).
Trên cơ sở đó, tỉnh đã xác định các sản phẩm nông sản OCOP đặc sản, bao gồm: (1) Nhóm sản phẩm thực phẩm: nông sản tươi sống (rau, quả tươi như xoài, dứa, bưởi, chuối…); sản phẩm thô và sơ chế (cá đông lạnh, xúc xích, thịt hun khói,…); thực phẩm tiện lợi, gồm: đồ ăn nhanh, tương, tương ớt, nước mắm,…; chế biến từ rau, quả, chế biến từ thịt, trứng, sữa; chế biến từ thủy sản, chế biến từ gạo và ngũ cốc. (2) Nhóm sản phẩm đồ uống: đồ uống có cồn (rượu ngâm ủ, rượu chưng cất, rượu vang, …); đồ uống không cồn (nước trái cây, trà thảo dược, bột quả, bột gừng, trà, sữa đậu nành, sản phẩm lên men…). (3) Nhóm sản phẩm thảo dược gồm thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm từ thảo dược… (UBND tỉnh Cao Bằng, 2019).
2.2. Phương pháp thu thập thông tin
Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp để tìm hiểu về các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của tỉnh cũng như tổng hợp, so sánh các quan điểm của các nghiên cứu trước về ưu điểm, hạn chế của việc phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản tại Cao Bằng trong thời gian qua. Từ đó, nghiên cứu chỉ ra một số ưu điểm, hạn chế chung của việc phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Phương pháp phỏng vấn sâu chuyên gia là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà quản lý nhằm thu thập các thông tin về thực trạng và các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP.
Phương pháp trưng cầu ý kiến nhằm đánh giá nhận thức, thực trạng quá trình sản xuất và đề xuất các giải pháp phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản OCOP của tỉnh Cao Bằng. Cơ cấu mẫu phiếu khảo sát như sau: 45 cán bộ xã, 45 hộ sản xuất – kinh doanh nông sản đặc sản, 375 người dân tại thành phố Cao Bằng, huyện Bảo Lạc và huyện Bình Nguyên.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản đặc sản
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh Cao Bằng là 670 nghìn ha, đứng thứ 17 của cả nước nên dư địa phát triển nông nghiệp còn lớn. Tuy nhiên, trên 90% diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đồi núi với độ cao trung bình 600 – 1.300m. Cao Bằng có khí hậu tương đối mát mẻ, nhiệt độ trung bình không quá cao, ban ngày hiếm khi vượt quá 40°C, ban đêm nhiệt độ xuống thấp và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Địa thế và điều kiện tự nhiên của tỉnh không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và địa hình chia cắt mạnh, tạo thành những tiểu vùng khí hậu đặc thù, với nhiều sản phẩm nông – lâm nghiệp đặc hữu.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 109,34 nghìn ha, chiếm 17,68% tổng diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng cây hằng năm là 102,26 nghìn ha, chiếm 93,52%. Diện tích đất lâm nghiệp có 508,8 nghìn ha, chiếm 82,25% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đất nuôi trồng thủy sản có 479,7 ha, chiếm 0,43% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp khác chỉ có 5,28 ha.
Cao Bằng có gần 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm thực phẩm: 135 sản phẩm; đồ uống: 11 sản phẩm; thảo dược: 19 sản phẩm; vải và may mặc: 3 chuỗi sản phẩm; lưu niệm – nội thất – trang trí: 6 sản phẩm; dịch vụ – du lịch nông thôn: 10 sản phẩm… (Cục thống kê tỉnh Cao Bằng, Niên giám thống kê, 2023).
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi, đặc biệt là điều kiện khí hậu, thời tiết và địa hình đặc thù của một số địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để khu vực miền núi có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của vùng.
3.2. Tình hình sản xuất các sản phẩm đặc sản OCOP của Cao Bằng
Toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP, gồm 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 67 chủ thể, trong đó: 22 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất – kinh doanh (Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, 2023).
Các đặc sản nông nghiệp OCOP đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, sau khi được công nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường. Chú trọng quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho lao động tại địa phương, góp phần ổn định kinh tế của địa phương, từ đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP bảo đảm về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.
Theo khảo sát, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; miến dong Tân Việt Á của HTX Nông sản Tân Việt Á; bún khô của HTX Ba sạch Hưng Đạo; thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; gạo nếp hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm; bún khô Cao Tuyền của Công ty TNHH Cao Tuyền… Ngoài ra, một số sản phẩm đã hướng tới thị trường xuất khẩu như: hồng trà, lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các nước, như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia; chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc) góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các sản phẩm OCOP góp phần thu hút khách du lịch và mở rộng các chương trình du lịch (Sở Kế hoạch và Đầu tư, 2023).
Cao Bằng đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, khoảng 10 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao; duy trì, củng cố 100% các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, đồng thời, ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị (đối với sản phẩm nông sản) theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
3.3. Rào cản phát triển nông sản đặc sản OCOP
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng còn nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai Chương trình OCOP.
Như vậy, kết quả khảo sát thể hiện trong quá trình phát triển các đặc sản nông sản OCOP tại tỉnh Cao Bằng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển, nguồn vốn, nhân lực, sản phẩm chưa đi vào chiều sâu và chưa đa dạng, trong quá trình sản xuất việc áp dụng khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, nguồn nhân lực hạn chế về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó, khó nhất là nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân về OCOP những ngày đầu còn nhiều hạn chế nên con đường đến đích OCOP của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế dẫn đến việc người dân sản xuất và bán các sản phẩm không theo nhu cầu của thị trường. Do trình độ nhân lực thấp dẫn đến việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều hạn chế, các chủ thể sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn về nguồn lực để đầu tư, chủ yếu các sản phẩm được sản xuất ở mức sơ chế, giá trị gia tăng thấp; liên kết giữa chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ của một số ngành hàng chưa phát huy.
Thứ hai, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển yếu dẫn đến tình trạng các sản phẩm truyền thống mới ở dạng thô sơ, chưa hoàn thiện (chưa có bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng,…); chưa chế biến sâu, chưa đa dạng hóa, như: các loại dược liệu tươi/khô, rau, củ, quả các loại, bánh chưng, bánh khảo, mật ong… bao bì, nhãn mác chất lượng thấp, không bắt mắt; chưa tạo sự thu hút đối với người tiêu dùng, đa số các sản phẩm chưa có nhãn hiệu được chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận quy trình sản xuất tiên tiến.
Thứ ba, năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu; sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ; chưa khai thác hiệu quả các phương tiện quảng bá sản phẩm như website, mạng xã hội, bán hàng online… Trong hoạt động sản xuất còn thiếu các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh sản phẩm trong và sau quá trình triển khai Chương trình OCOP về con người, các dịch vụ thiết kế, in ấn, bao bì, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu…
Thứ tư, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiêu dùng thấp; năng lực cạnh tranh của địa phương, doanh nghiệp còn yếu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa mạnh. Hiện nay, rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh mặc dù có nhiều sản phẩm đang được sản xuất, song đều trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tư duy thời vụ, tự phát; sản xuất không tập trung, không có sự đầu tư, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến sản phẩm khó tìm được đầu ra, tình trạng “rớt giá”, “ép giá” thường xuyên xảy ra, tạo tâm lý không mặn mà, thiếu tính bền vững của người sản xuất.
4. Giải pháp phát triển nông sản đặc sản OCOP trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Một là, hoàn thiện chính sách, quy hoạch các khu sản xuất có quy mô lớn, tập trung. Cao Bằng còn nhiều sản phẩm vẫn chỉ sản xuất ở mức độ quy mô nhỏ, lẻ; chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất – kinh doanh, sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do vậy, quá trình xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển nên định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo từng vùng hàng hóa, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, không làm theo phong trào. Tỉnh Cao Bằng nên có chủ trương hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho người sản xuất và phát huy giá trị của sản phẩm.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chủ thể tham gia OCOP cần xác định rõ sự hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng, có tác động thúc đẩy nhưng phải tự lực là chính. Các cơ sở sản xuất phải luôn tự nâng cao trình độ, tiếp cận về công nghệ để tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Các cơ quan hữu quan xây dựng các chương trình, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển sản xuất – kinh doanh; tổ chức nâng cao năng lực về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các chủ sản xuất – kinh doanh.
Ba là, phát triển các mô hình liên kết trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Tiếp tục duy trì, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí sản phẩm OCOP của cơ sở. Đặc biệt đối với chủ thể là các hợp tác xã, cần tăng cường liên kết, gắn kết chặt chẽ, thực chất hơn nữa giữa các thành viên để làm tăng giá trị, sức mạnh của tập thể, gia tăng lợi ích của các thành viên.
Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP được thị trường ngoài tỉnh đón nhận, phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố trong nước (như hệ thống các siêu thị Winmart+, GO!, AEON…), cùng các sàn thương mại điện tử uy tín hiện nay và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thực hiện hoạt động kết nối cung – cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động như tổ chức, tham gia các sự kiện lễ hội, hội chợ, chợ phiên.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng. Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, 2022.
2. Danh sách sản phẩm OCOP Cao Bằng. http://caobangtrade.vn, ngày 12/4/2023.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư (2023). Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. https://storage-vnportal.vnpt.vn.
4. Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020.
5. Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt đề cương Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cao Bằng.
6. Kế hoạch số 3438/KH-UBND ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.