Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố Hà Nội

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà 
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện giúp cho họ được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng nơi họ sinh sống, như: hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn và một số dịch vụ hỗ trợ khác nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập để giúp họ ổn định cuộc sống và phòng, chống tái nghiện.

Từ khóa: Quản lý; dạy nghề; giải quyết việc làm; cai nghiện ma túy; người sau cai nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện.

1. Đặt vấn đề

Làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng sẽ góp phần tích cực vào thành công chung của công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng. Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đồng thời, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. 

Kết quả, công tác quản lý sau cai nghiện trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, người sau cai trở về cộng đồng được giao cho gia đình, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Tính đến ngày 15/10/2023, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã duy trì và phát triển được 465 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (bao gồm: 98 câu lạc bộ B93, 36 mô hình điểm tư vấn, 330 mô hình tình nguyện viên và 1 mô hình khác)1, các hội viên khi tham gia sinh hoạt được hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống tái nghiện, tư vấn việc làm để có thu nhập ổn định tiến tới đoạn tuyệt với ma túy trở thành công dân có ích với gia đình và cộng đồng xã hội.

2. Thực trạng công tác cai nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội 

Thứ nhất, công tác cai nghiện ma túy.

Theo thống kê của Phòng PC04- Công an Thành phố Hà Nội, tính đến ngày 14/12/2023, trên địa bàn thành phố hiện có 17.841 người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: số có mặt tại cộng đồng 14.474 người, số vắng mặt 1.671 người, số đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện 1.439 người và số đang quản lý trong trường giáo dưỡng, trại giam 257 người, tăng 210 người so với cùng kỳ năm 20222

Qua rà soát, thống kê cho thấy, tình hình tệ nạn ma túy, người sử dụng và người nghiện ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng về số lượng, thành phần và ngày càng trẻ hóa do xuất hiện, gia tăng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng về mẫu mã, chủng loại đã thu hút, hấp dẫn giới trẻ sử dụng. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), cocaine, cần sa, “cỏ Mỹ” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng.

Để thực hiện tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, Ban Chỉ đạo 89 của Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn và triển khai đồng bộ các biện pháp cai nghiện, như: cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện trong và ngoài công lập, cai nghiện bắt buộc, công bố các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, công bố cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy để thực hiện công tác cai nghiện ma túy. 

Tính đến ngày 14/12/2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố đang quản lý 2.773 người, trong đó: cai nghiện bắt buộc 2.074 người; cai nghiện tự nguyện 406 người; điều trị Methadone 170 người; lưu trú tạm thời 96 người; xác định tình trạng nghiện ma túy 27 người3. Tuy nhiên, số liệu này còn thấp so với thực tế vì số người nghiện mới, số người tái nghiện ma túy vẫn chưa được cập nhật, thống kê đầy đủ.

Nhằm giảm số người nghiện ma túy, thành phố đã thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền giáo dục, đấu tranh truy quét tội phạm ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Kết quả thống kê cho thấy, tốc độ tăng người nghiện đã được kìm chế song chưa vững chắc, tình trạng sử dụngma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.

Trong năm 2023, các địa phương đã tích cực lập hồ sơ, ra quyết định và tổ chức đưa 1.470/1.200 người đi cai nghiện bắt buộc (người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định là 712 người, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định 758 người), đạt 122,5% kế hoạchtrong đó số người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là 6 người, số người từ đủ 18 tuổi trở lên là 1.464 người. Các cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận là 1.343 người vào lưu trú tạm thời trong thời gian chờ Tòa án nhân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương, đơn vị đã vận động được là 1.020 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố (đạt 106,25% kế hoạch), trong đó số người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là 33 người, số người từ đủ 18 tuổi trở lên là 987 người4.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, hiện có 7 cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố đã được Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, 3 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập (Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, Viện sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện – Viện Châm cứu Trung ương) đã tiếp nhận điều trị cắt cơn 934/1.000 người (đạt 93,4% kế hoạch năm)5.

Thứ hai, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy.

UBND cấp xã đã thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy đối với 100% người đã hết thời gian cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình cộng đồng. Các địa phương đã tổ chức lập hồ sơ, ra quyết định và phân công cho Đội Công tác xã hội tình nguyện, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy. Các địa phương tiếp tục duy trì quản lý, theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy được phân công năm 2022, năm 2023 tiếp nhận quản lý giúp đỡ 1.503 người hoàn thành thời gian cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trở về địa phương6. Các cơ sở cai nghiện ma túy đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai các phương án hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy nhằm tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách và quy định pháp luật lao động của Nhà nước.

Các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện duy trì vốn vay theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma tuý, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương và Quyết định số 2/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Trong năm 2023, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 189/250 người người sau cai nghiện ma túy (đạt 75,6% kế hoạch giao) trong đó: dạy nghề cho 33 người, tạo việc làm cho 94 người, hỗ trợ vay vốn cho 62 người với số tiền là 2.894 triệu đồng7.

Tính đến ngày 14/12/2023, toàn thành phố có 450/579 xã, phường, thị trấn áp dụng 465 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (330 mô hình tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; 36 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; 98 mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng – câu lạc bộ B93; 1 mô hình khác) đạt 77,7% kế hoạch, trong đó, có 278 xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì mô hình của năm 2021, năm 2022 chuyển sang và 171/103 xã, phường, thị trấn phát triển mới mô hình năm 2023 đạt 166% chỉ tiêu thành phố giao. Tiếp tục duy trì hoạt động 14 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng8

Thứ ba, công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm

Thực tế tại Thành phố Hà Nội, nhu cầu học nghề và việc làm của người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tại cộng đồng hiện nay rất lớn, đa số họ có nhu cầu mong muốn được học nghề và tạo việc làm, mong có thu nhập để ổn định cuộc sống. Bản thân người sau cai nghiện ma túy đều có nhu cầu được Nhà nước, thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, dịch vụ đối với một số ngành, nghề có tính phổ thông, dễ học, dễ làm, thời gian học ngắn, phù hợp với nhu cầu của xã hội, như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, cơ khí, sửa chữa vi tính, điện thoại, pha chế đồ uống…; người sau cai nghiện mong muốn sau khi học nghề được chính quyền địa phương hỗ trợ tạo việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, mong muốn được hỗ trợ vay vốn, cho thuê địa điểm, mặt bằng với giá ưu đãi để tự tổ chức sản xuất, dịch vụ, như: mở cửa hàng sửa chữa xe máy, xưởng cơ khí, điện dân dụng…

Để hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trong hoạt động dạy nghề và tạo việc làm, một số mô hình đã được triển khai, áp dụng trong thực tiễn, như: (1) Mô hình giới thiệu người sau cai nghiện sau khi học nghề vào làm việc tại các cơ sở kinh tế (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) thuộc mọi thành phần kinh tế; (2) Mô hình hỗ trợ cho người sau cai vay vốn để tự tổ chức sản xuất – kinh doanh, dịch vụ; (3) Mô hình bố trí cho người sau cai nghiện vào làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, thời gian người nghiện ma túy cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngắn do vậy thời gian cách ly với môi trường ít nên khi trở về cộng đồng, người sau cai nghiện rất dễ tái nghiện ma túy vì theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người nghiện ma túy phải có 5 năm liên tục không sử dụng ma túy thì thần kinh mới trở lại bình thường.

Hai là, chính sách về cai nghiện ma túy thay đổi, quy trình lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quá dài (khoảng từ 4 – 8 tháng), bên cạnh đó, trình tự, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc rất khó khăn nên dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

Ba là, nhiều người sau cai tại cộng đồng có nhu cầu học nghề, tuy nhiên mức hỗ trợ học nghề thấp, không đủ để học nghề, trong khi đa số gia đình người sau cai có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ khả năng tài chính để học nghề.

Bốn là, trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tuy đã được học một số nghề, như: nghề hàn, nghề mộc, sửa chữa xe máy, tin học… Nhưng khi trở về cộng đồng, người sau cai nghiện rất khó xin việc làm do nghề được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của người sử dụng lao động.

Năm là, đa số người sau cai tại cộng đồng không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, chỉ một số ít người sau cai nghiện được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, còn lại đa số họ phải tự tìm kiếm việc làm hoặc phụ giúp gia đình với một số nghề, như: làm ruộng, rửa xe, cắt tóc, xe ôm, thợ xây… 

Sáu là, theo Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, kinh phí hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai tại nơi cư trú được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí eo hẹp nên hầu hết các địa phương khó khăn trong việc triển khai chính sách này. 

3. Một số giải pháp và kiến nghị

Thứ nhất, nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và điều hành (quận, huyện và xã, phường, thị trấn).

Thứ hai, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt với người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình hiểu và tự nguyện tham gia. Tập trung rà soát đối tượng và thực hiện tốt công tác lập hồ sơ nhu cầu.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn, thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thứ năm, nâng cao vai trò của lực lượng tình nguyện viên, các tổ, đội công tác xã hội tình nguyện tham gia quản lý, giúp đỡ và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ sáu, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện áp dụng mô hình dạy nghề, tạo việc làm, tổ chức thanh tra, kiểm tra các quy định về quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy bảo đảm đúng pháp luật; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng làm thất thoát kinh phí của Nhà nước, của thành phố khi triển khai thực hiện.

Thứ bảy, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Thành ủy, UBND thành phố đối với vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng, tham gia của Nhân dân, đặc biệt đối với người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và gia đình họ; tập trung rà soát số người nghiện ma túy, người sau cai nghiện trên địa bàn; tổ chức tư vấn, vận động để họ ủng hộ và hưởng ứng tham gia đề án đã được thành phố phê duyệt; theo dõi sát sao, tổng hợp, nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại các đơn vị, cơ sở và xã, phường, thị trấn; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; sơ kết, tổng kết và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

Thứ tám, căn cứ vào chỉ tiêu thành phố giao, các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện phân bổ chỉ tiêu dạy nghề và giải quyết việc làm cho các xã, phường, thị trấn để thực hiện.

Liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để gửi mẫu hồ sơ đăng ký học nghề cho các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện; tiếp nhận hồ sơ đăng ký học nghề của người sau cai nghiện từ các xã, phường, thị trấn gửi; phối hợp với cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để tổ chức đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy theo quy định.

Thứ chín, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến về nội dung đề án trên địa bàn đến mọi tầng lớp nhân dân được biết để tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao; rà soát, thống kê số người sau cai nghiện trên địa bàn để vận động tham gia đề án, bảo đảm chỉ tiêu được giao. Hướng dẫn người sau cai nghiện lập hồ sơ đăng ký học nghề; tổng hợp gửi phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kèm văn bản đề nghị; tổ chức vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc; hướng dẫn trình tự, thủ tục để người sau cai được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi, như: Ngân hàng Chính sách, các quỹ hỗ trợ; các tổ chức chính trị – xã hội của địa phương, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc…

4. Kết luận

Hằng năm, có hàng nghìn lượt người nghiện ma túy vào chữa trị tại các cơ sở cai nghiện ma túy; hàng trăm lượt người nghiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, cùng với đó là hàng nghìn lượt người sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng, vì vậy, việc xây dựng và triển khai tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy là hết sức cần thiết và thiết thực, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của họ; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, nhằm bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn của Thủ đô.

Chú thích:
1. Báo cáo số 5239/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2023 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội về kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố; công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập năm 2023.
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội. Báo cáo kết quả cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Hà Nội, 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 27/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai Quyết định số 291/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TU và Kế hoạch số 175-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” trên địa bàn Thành phố.
2. Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.