Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Lê Đình Tiến 
Học viên cao học tại Học viện Chính trị , Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Học viện Hải quân là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng sỹ quan Hải quân hàng đầu cho đất nước. Vì vậy, đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên là giữ vai trò then chốt. Bài viết phân tích và đề xuất giải pháp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên Học viện Hải quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; phương pháp giảng giảng dạy; bồi dưỡng; giảng viên trẻ; Học viện Hải quân.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng giáo viên, giảng viên 

Trước năm 1945, tình hình đất nước đang chìm trong sự xâm lược của thực dân Pháp, chúng thực hiện một nền giáo dục phản động, tiêu cực nhằm tiêu diệt mầm mống sự phát triển của dân tộc Việt Nam, bằng chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời cũng khai sinh nền giáo dục mới. Trước thực tiễn yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước của giáo dục, đào tạo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò và phương phaosp dạy học của người thầy giáo. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm không đồng tình cách dạy không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích suy nghĩ trong học tập. Người đã yêu cầu các thầy, cô giáo trong dạy học phải tuyệt đối “tránh lối dạy nhồi sọ”1, và người thấy giáo cần có phương pháp giảng dạy sao cho phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Người nhắc nhở: “Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho phù hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, người thầy trong nền giáo dục mới phải giảng dạy theo hướng lấy thực tiễn đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng để xác định mục tiêu, chương trình, nội dung giảng dạy; thống nhất giữ lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành; phát huy tính tích cực, tự giác của người học, lấy tự học làm chính và phải đề cao vai trò nêu gương của người dạy trong giảng dạy. 

2. Thực trạng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hải quân, sự chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên; đội ngũ giảng viên trẻ của Học viện Hải quân đã có nhận thức đúng, xác định rõ trách nhiệm nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện. Hằng năm, số lượng đội ngũ giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu đề tài khoa học đạt kết quả cao “Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng chế được thực hiện có hiệu quả, chất lượng cao, thu hút nhiều cán bộ, giảng viên và học viên tham gia”3

Theo thống kê về hoạt động bồi dưỡng giảng viên về phương pháp giảng dạy của Học viện (từ năm 2018 – 2023) ở các khoa, bộ môn được tiến hành thường xuyên với tổng số lượt hoạt động là 23.080 lượt; nhiều giảng viên trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tiêu biểu có 38 giảng viên trẻ tham gia đề tài tuổi trẻ sáng tạo đạt giải cao ở các cấp. Trong đó: cấp Quân chủng Hải quân: 6 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 6 giải khuyến khích; cấp toàn quân: 2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba, 2 giải khuyến khích.

Đại đa số giảng viên trẻ ở Học viện đều thể hiện rõ tình yêu nghề, nhiệt tình, trách nhiệm, say mê trong hoạt động sư phạm; chủ động tích cực tham gia các hoạt động bồi dưỡng phương phápgiảng dạy do khoa và Học viện tổ chức. Cơ bản đội ngũ giảng viên trẻ đều tự tin, vững vàng trong quá trình giảng dạy; niềm tin sư phạm ngày càng cao; kỹ năng giảng bài của giảng viên trẻ đã có sự phát triển qua các năm học, những kỹ năng cần thiết đã từng bước được nâng cao.

Theo báo cáo của Phòng Đào tạo của Học viện và kết quả phân tích, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên đối với đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân, tỷ lệ giảng viên trẻ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày càng cao; từ năm 2018 – 2023, có 50 giảng viên trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 438 hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 40/126 giảng viên trẻ đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở; nhiều giảng viên trẻ có thành tích tốt trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu được khen thưởng ở các cấp, trong đó có 9 chiến sĩ thi đua toàn quân, 11 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 142 chiến sĩ tiên tiến, 9 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 8 bằng khen của Quân chủng và 57 giấy khen của Học viện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân cũng còn những hạn chế cần khắc phục, như: việc tự bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy của một số giảng viên trẻ chưa chủ động biến việc tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng thành nhu cầu cần thiết của bản thân; chưa thực sự nhiệt tình trách nhiệm, say mê với công việc chuyên môn, lười dự giờ, ngại trao đổi với đồng nghiệp, chưa tận dụng hết thời gian học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ; thiếu sáng tạo trong từng nội dung, bài giảng; kỹ năng thiết kế đề cương, chuẩn bị bài giảng nội dung còn dàn trải, chưa tập trung vào trọng tâm, trọng điểm “Một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa năng động, sáng tạo, ngại thay đổi, chậm đổi mới”4

Thống kê từ phòng Chính trị Học viện Hải quân, từ năm 2019 – 2023, số giảng viên trẻ hoàn thành nhiệm vụ là 36 đồng chí, đáng chú ý trong đó có 4 giảng viên trẻ không hoàn thành nhiệm vụ do vi phạm kỷ luật và không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Báo cáo tổng kết năm học 2019 – 2020 đã chỉ rõ:“Chất lượng biên soạn bài giảng và thực hành giảng của một số giảng viên còn thấp, chưa bám sát mục tiêu đào tạo”5. Đánh giá về vấn đề này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Hải quân lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã chỉ ra “Cập nhật kiến thức mới vào nội dung, chương trình giảng dạy còn chậm; đổi mới phương pháp dạy và học chưa mạnh mẽ”6

3. Giải pháp 

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với việc bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của việc bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia hoạt động bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của dội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân hiện nay. Nhận thức đúng đắn rằng đây là công việc của cả tập thể sư phạm ở Học viện Hải quân, nhưng các chủ thể có vị trí, vai trò, trách nhiệm không ngang bằng nhau. Trách nhiệm đặt lên hàng đầu là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện, mà thường xuyên là Giám đốc, phó Giám đốc phụ trách đào tạo. Tiếp đến là trách nhiệm của cơ quan phòng, ban (Phòng Đào tạo, Phòng Khoa học Quân sự, Ban Khảo thí…) trong phối hợp thực hiện công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Giám đốc Học viện xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng tổng thể theo từng giai đoạn, năm học cụ thể ở các khoa giảng viên. Ngoài ra, đó còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hiệp đồng thống nhất kế hoạch, bảo đảm vật chất, tiến hành công tác thi đua, tuyên truyền, kiểm tra và đáp ứng các điều kiện cho hoạt động bồi dưỡng đạt kết quả tốt nhất; là trách nhiệm trọng yếu của các khoa chuyên ngành, các bộ môn thuộc khoa chuyên ngành trong việc cụ thể hóa kế hoạch bồi dưỡng của Học viện sát với thực tiễn đội ngũ giảng viên trẻ và tình hình nhiệm vụ giảng dạy của khoa, bộ môn trong từng năm học, từng học kỳ theo các đối tượng đào tạo của Học viện.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức trong việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức hoạt động bồi dưỡng. Đối tượng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tập trung cả vào giảng viên trẻ ở các khoa và giảng viên trẻ bước đầu đi thực tế làm công tác quản lý ở các tiểu đoàn học viên; nội dung bồi dưỡng phải bám sát chương trình đào tạo và được cập nhật, bổ sung theo từng năm học cụ thể. Quá trình bồi dưỡng phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, giữa bồi dưỡng kiến thức lý luận về giảng dạy với kỹ năng, thao tác thực hành phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ; giữa bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy theo chuyên ngành với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý bộ đội từ hoạt động thực tế ở đơn vị. Phương thức bồi dưỡng phải được mở rộng, khắc phục tình trạng chỉ tập trung nhiều vào hình thức thông qua bài, kiểm tra giảng mà phải bảo đảm được tính đa dạng, linh hoạt với đối tượng bồi dưỡng, phù hợp với hình thức giảng dạy và nội dung của từng chuyên ngành.

Hai là, thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các phương thức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ.

Đây là giải pháp cơ bản và là môi trường quan trọng để việc bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên ở Học viện Hải quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ là tất yếu nằm trong quá trình vận động của giáo dục, đào tạo ở Học viện Hải quân. Mục tiêu của đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng là nhằm hoàn thiện phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ, làm cho đội ngũ giảng viên trẻ có phương pháp giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minhsát, đúng với mục tiêu, yêu cầu của giáo dục, đào tạo của Học viện. 

Cấp ủy, tổ chức đảng cần đa dạng hóa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, hình thức, phương thức trong bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ. Đưa hoạt động phương pháp ở các khoa đi vào chiều sâu thực chất, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ. 

Cùng với việc trang bị về tri thức, người thầy giáo còn đóng một vai trò quan trọng trong truyền thụ cho học viên về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, cách thức làm việc trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ khi tốt nghiệp ra trường công tác ở đơn vị; điều đó phản ánh năng lực giảng dạy và tính thực tiễn trong phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ, là tâm điểm lôi cuốn học viên chú tâm học tập vào bài giảng của giảng viên. Mặt khác, theo xu thế đổi mới phương pháp dạy học như hiện nay, người học tích cực tham gia phản biện, trao đổi, phát vấn đối với giảng viên, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học; do đó, nếu người thầy giáo chưa có tri thức thực tiễn, chưa trải nghiệm thực tế sẽ khó giải quyết được tốt các tình huống do học viên đưa ra. Vì vậy, việc tăng cường cho đội ngũ giảng viên trẻ đi tham quan, khảo sát thực tế, thực hiện nhiệm vụ thực tế ở đơn vị quân đội là một trong những phương thức bổ ích trong bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hải quân hiện nay.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác của đội ngũ giảng viên trẻ trong tự học tập, tự rèn luyệnphương pháp giảng dạy.

Đây là giải pháp quan trọng, có tính quyết định đến kết quả bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, giảng viên trẻ vừa là chủ thể chịu sự tác động của việc học tập, rèn luyện phương pháp giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là chủ thể trực tiếp hiện thực hóa các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giảng dạy thành phương pháp giảng dạy cho riêng mình. Hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ không chỉ truyền thụ kiến thức một cách sinh động, mà còn là nghệ thuật khơi dậy tư duy tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm phát huy cao độ năng lực của họ. Do đó, giảng viên trẻ phải không ngừng đổi mới nội dung, biết tìm kiếm, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy hay, sáng tạo, hiệu quả, phải gắn lý thuyết với thực hành, quan tâm tới việc dạy tri thức làm người và cần tạo tâm lý thoải mái cho người học nhằm đạt được kết quả học tập tốt nhất. Theo đó, yêu cầu người giảng viên trẻ phải tự nâng cao trình độ, hiểu sâu, biết rộng và cập nhật kiến thức chuyên môn, liên hệ chặt chẽ vào từng bài giảng, có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tốt, tạo được dấu ấn tốt đẹp cho người học. 

Mỗi giảng viên cần xây dựng và thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, biện pháp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy bảo đảm khoa học, hợp lý, có tính thực tiễn cao; đưa việc xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự rèn luyện phương pháp giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minh thành nề nếp, chế độ, thường xuyên, liên tục, thiết thực, vừa toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Kế hoạch tự bồi dưỡng do cá nhân giảng viên trẻ xây dựng căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Học viện, khoa, bộ môn, thể hiện tính chủ động, trách nhiệm, ý chí phấn đấu của giảng viên. 

4. Kết luận

Nhà giáo có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường; để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình người thầy giáo phải có kiến thức toàn diện về mọi mặt, có khả năng kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, thuần thục về phương pháp giảng dạy và luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo, tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công – vô tư, có tinh thần đoàn kết, hợp tác trong công việc, thương yêu học trò, luôn gắn bó với nghề nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Ngoài sự hiểu biết sâu rộng, thì một trong những yếu tố làm nổi bật kết quả giảng dạy của người thầy đó là việc sử dụng phương pháp trong quá trình dạy học, để người học tiếp thu tốt kiến thức thì việc xác định phương pháp truyền đạt của người thầy là yếu tố cơ bản quyết định; cùng một nội dung học tập nhưng với phương pháp giảng dạy của người thầy khác nhau thì học trò tiếp thu được lượng kiến thức khác nhau. 

Mỗi thầy, cô giáo đều có phương pháp và phong cách giảng dạy riêng; nhưng rốt cuộc, họ đều phải đạt được mục tiêu là dạy sao cho học sinh “mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành”7. Do đó, người thầy phải không ngừng tìm tòi sáng kiến, cách thức để giúp người học thấu hiểu vấn đề một cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, sâu sắc nhất.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 746.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 575.
3, 6. Đảng bộ Học viện Hải quân. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Khánh Hòa, 2020, tr. 2.
4. Đảng ủy Học viện Hải quân. Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Khánh Hòa, 2022, tr. 6.
5. Học viện Hải quân. Báo cáo tổng kết năm học 2019 – 2020. Khánh Hòa, 2020, tr. 11
7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 389.