Kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

TS. Dương Đăng Khoa
Trường Đại học Võ Trường Toản

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp tại Việt Nam. Quá trình tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp góp phần gia tăng hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Bài viết làm rõ các khái niệm, vai trò và thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bền vững ở nước ta, từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: kinh tế tuần hoàn; nông nghiệp Việt Nam; phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là trụ cột an ninh lương thực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, với sự gia tăng dân số toàn cầu và những biến đổi khí hậu như thiên tai, dịch bệnh, xung đột và các phương pháp canh tác lạc hậu ở một số quốc gia đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết để tăng cường hiệu quả sản xuất và cải thiện cuộc sống của người nông dân. Việt Nam có khoảng 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta đang đối mặt với nhiều áp lực từ việc suy giảm tài nguyên như đất đai và nguồn nước, sự gia tăng phát thải từ các hoạt động nông nghiệp cũng như tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong phát triển ngành nông nghiệp bền vững là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh thông qua việc giảm thiểu chi phí sử dụng tài nguyên, (tiết kiệm nước, tái chế chất thải, xử lý biogas…), giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phản ứng tích cực trước biến đổi khí hậu.

2. Kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

(1) Kinh tế tuần hoàn.

Theo Quỹ Ellen Mac Arthur Foundation (tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu), kinh tế tuần hoàn “là một hệ thống trong đó vật liệu không bao giờ trở thành rác thải mà được tái sinh. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và vật liệu được lưu thông thông qua các quá trình như bảo trì, tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất, tái chế và ủ phân”1. Theo các nhà nghiên cứu khác, kinh tế tuần hoàn là “thuật ngữ chung chỉ các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế trong sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, phủ nhận kinh tế tự nhiên và kinh tế truyền thống”2

Tại Việt Nam, thuật ngữ kinh tế tuần hoàn đã được ấn định tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trườngnăm 2020. Theo đó, “kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”3

Như vậy, có thể hiểu kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận kinh tế mà trong đó các hoạt động liên quan đến quá trình thiết kế, sản xuất và dịch vụ đều đề ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của các tài nguyên vật chất và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

(2) Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Theo Van Bodegom (Đại học Wageningen – Chuyên gia cao cấp về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên) và cộng sự (2019) cho rằng “Nông nghiệp tuần hoàn (hay nền kinh tế tuần hoàn áp dụng cho hệ thống thực phẩm) dựa trên ý tưởng từ nền kinh tế tuần hoàn, trong đó sử dụng lý thuyết và nguyên tắc từ sinh thái công nghiệp”4

Năm 2021, Juan Francisco Velasco Muñoz (Đại học Almería, Tây Ban Nha) và cộng sự đã đưa ra định nghĩa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp một cách hoàn chỉnh và cụ thể hơn, theo đó, kinh tế tuần hoàn là “tập hợp các hoạt động sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị để bảo đảm kinh tế, khả năng tái tạo, đa dạng sinh học và bền vững xã hội trong nông nghiệp và các hệ sinh thái xung quanh”5

Ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu cũng đã bắt đầu đề cập và làm rõ khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Theo Nguyễn Thị Miền (Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp “là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý”6.

Theo Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: nông nghiệp tuần hoàn “là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác”7.

Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một quá trình sử dụng các tài nguyên và quản lý sản xuất theo cách phù hợp nhất, nhằm giảm thiểu lượng phát thải và tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất. Mục tiêu cuối cùng của kinh tế tuần hoàn là tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh và bền vững, đồng thời bảo đảm việc sản xuất và tiêu thụ nông sản là có lợi cho cả người tiêu dùng và môi trường.

3. Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững

Một là, góp phần tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Sự gia tăng dân số và mức độ tiêu thụ thực phẩm đang tạo ra áp lực lớn đối với tài nguyên đất đai và nước. Trong ngành Nông nghiệp, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên, như: đất đai, nước và phân bón, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các chất thải được tái chế và sử dụng lại trong sản xuất sẽ góp phần giảm lượng rác thải và bảo vệ môi trường (các chất thải hữu cơ tái chế có thể được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn trong chăn nuôi). Thông qua hình thức tận dụng nguồn chất thải hữu cơ, các doanh nghiệp và người nông dân có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần cải thiện chất lượng đất và tăng cường đa dạng sinh học, có lợi cho sức khỏe của cây trồng, vật nuôi, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến nguồn nước, không khí và môi trường sống. 

Hai là, góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong ngành Nông nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tạo ra các chuỗi giá trị liên kết giữa các sản phẩm nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và đa dạng hóa nền kinh tế. Việc kết nối các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông qua tái chế và chia sẻ, sử dụng lại các sản phẩm phụ vừa tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân và doanh nghiệp. Ví dụ, các sản phẩm như phân bón hữu cơ, biochar từ vỏ cây hoặc năng lượng tái tạo từ chất thải hữu cơ có thể được tiếp thị và phân phối trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Khai thác tiềm năng của quá trình tái chế và sử dụng sản phẩm phụ trong ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích các ngành công nghiệp mới phát triển như công nghiệp tái chế và công nghiệp xanh. Xu hướng tiêu dùng mới của người dân hiện nay đang hướng đến những nguồn sản phẩm sạch và bền vững. Vì vậy, việc đầu tư vào các sản phẩm này có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên liên quan.

Ba là, cải thiện điều kiện sống cho người nông dân vùng nông thôn.

Đối với người nông dân, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Trong bối cảnh nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, việc sử dụng lại các nguồn tài nguyên có sẵn ở nông thôn và tối ưu hóa quá trình sản xuất (áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại như: sử dụng phân bón hữu cơ và kỹ thuật chăm sóc cây trồng…) sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân khu vực nông thôn thông qua các hoạt động như sản xuất, chế biến và buôn bán nông sản, góp phần gia tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của họ.

4. Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Thuật ngữ kinh tế tuần hoàn mới được chính thức sử dụng tại Đại hội XIII của Đảng, tuy nhiên, trong đường lối, chủ trương của Đảng cùng với các chính sách, pháp luật của Nhà nước đã từng bước thể hiện những cam kết đối với sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Cụ thể: Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP và xanh hóa các ngành kinh tế. 

Năm 2021, tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu8. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Những chủ trương, chính sách này đã bước đầu đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và góp phần khuyến khích thúc đẩy việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở nước ta nhìn chung khá phong phú và đa dạng. Một số mô hình đã triển khai rộng khắp ở các địa phương, đem lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân.

– Mô hình vườn – ao – chuồng xuất hiện từ thập niên 80 và được xem là mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp giản đơn nhất. Các biến thể của mô hình vườn – ao – chuồng bao gồm: vườn – ao – chuồng – biogas, vườn – ao – chuồng – rừng và vườn – ao – hồ. Đây là các mô hình kết hợp giữa hoạt động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp với việc áp dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải. Những mô hình này đã được triển khai tại các tỉnh miền núi và miền Trung Việt Nam, không chỉ giúp giảm phát thải môi trường mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân tại địa phương. 

– Mô hình “lúa, tôm” và “lúa, cá” được áp dụng chủ yếu ở các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng trũng thuộc đồng bằng sông Hồng vào đầu thế kỷ XXI. Mô hình này đã được triển khai trong thực tiễn với nhiều lợi ích như giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Đặc biệt, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân lên đến 5 – 10 lần so với việc trồng lúa thông thường trên cùng một diện tích. Hiện nay, mô hình này đang được phát triển thành mô hình “lúa thơm – tôm sạch” và “lúa thơm – cá sạch” 9, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. 

– Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả đã trở nên phổ biến ở nhiều các tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, người nông dân sử dụng phụ phẩm từ rơm rạ để trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm, bã rơm rạ được tái sử dụng để bón cho cây trồng (cây ăn quả và rau màu), giúp cải thiện chất lượng đất đai và tăng hiệu suất trong sản xuất nông nghiệp.Thực tế cho thấy, trên một hecta đất trồng lúa, lượng rơm rạ có thể sản xuất khoảng 200m mô nấm và thu được 250 – 300kg nấm tươi sau khoảng 25 – 30 ngày trồng. Với mức giá bán dao động từ 25.000 – 27.000 đồng/kg nấm tươi, nông dân có thể thu về từ 6 – 8 triệu đồng, không kể nguồn thu nhập từ lúa10.

– Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp sử dụng các loại phụ phẩm từ nông nghiệp và chăn nuôi, như: rơm rạ, cây đậu, cây ngô, phân lợn, phân bò, phân gà, rác thải sinh hoạt để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua quá trình ủ bổ sung và phân hủy. Phân bón hữu cơ được sử dụng để cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng và tái tạo độ phì nhiêu cho đất, giúp canh tác tốt rau hữu cơ và rau an toàn. Mô hình này được thực hiện khá hiệu quả tại tỉnh Đồng Nai với sản lượng phân hữu cơ từ phụ phẩm chăn nuôi đạt khoảng 2 triệu tấn/năm11.

­- Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp (giun quếcỏ, ngô, gia cầm, gia súc)là một phương pháp hiệu quả khi tận dụng phân bón từ chăn nuôi làm phụ phẩm để nuôi giun quế. Phân của giun quế có thể được sử dụng để bón cỏ, ngô hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và cá. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

– Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer) được ra mắt vào ngày 17/8/2020 tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế12Mô hình này là một chu trình sản xuất hoàn chỉnh và khép kín, từ chăn nuôi lợn hữu cơ, sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ đến sản xuất phân bón vi sinh. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng kỹ thuật tự nhiên và bền vững vào sản xuất nông nghiệp. 

– Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại nuôi bò sữa được Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn TH True Milk áp dụng để phát triển trang trại bò sữa theo hướng thân thiện với môi trường. Trong trang trại bò sữa, quy trình chăn nuôi được thực hiện theo một hệ thống “vòng tuần hoàn xanh” từ khâu quản lý đất đai, tiến hành trồng cỏ, chăm sóc bò đến khâu xử lý chất thải. Việc tái sử dụng năng lượng trong chăn nuôi bò sữa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giảm thiểu lượng khí thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một mô hình tiêu biểu cho việc phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.

Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP) được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra từ tháng 6/2013 – 6/2019 tại 10 tỉnh, gồm: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc sử dụng chất thải nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh học và tạo nguồn thu nhập thông qua việc áp dụng công nghệ khí sinh học, cải thiện bếp nấu, sản xuất phân bón hữu cơ và các biện pháp bảo vệ môi trường. Khi tham gia dự án, môi trường chăn nuôi ở các tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi được tiếp cận với các phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả về mặt kinh tế.

 Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các mô hình đang bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn. Các công trình khí sinh học không sử dụng hết khí thải sinh ra và một số hầm khí sinh học vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của QCVN 62 về xử lý nước thải từ chăn nuôi. Vì vậy, nhiều chủ trang trại không còn động lực để duy trì và bảo dưỡng các công trình một cách hiệu quả. Công nghệ xử lý môi trường trong ngành chăn nuôi thường mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các ngành sản xuất khác, điều này vô tình gây cản trở cho việc mở rộng mô hình vườn – ao – chuồng – biogas. Thậm chí, những dự án hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2019 dù được đánh giá là thành công nhưng vẫn chưa được triển khai mở rộng trong thực tiễn. Nông nghiệp Việt Nam hiện tại chú trọng vào tăng sản lượng và năng suất, giảm chi phí sản xuất, ít quan tâm đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Dư thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và rủi ro với môi trường chưa được xem xét kỹ lưỡng. 

5. Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam 

Việt Nam cần xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, trong đó việc áp dụng kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp bền vững tại Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tuần hoàn là một phần quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sinh học, hóa lý, công nghệ xanh và công nghệ thông tin cũng cần được thúc đẩy. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm bền vững.

Chính phủ cần thiết lập hệ thống chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã, bao gồm chính sách về vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn và tư vấn kỹ thuật để giúp cho các chủ thể tham gia sản xuất áp dụng các phương pháp canh tác, chăn nuôi hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, việc khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm bền vững cũng rất quan trọng. Chính phủ cần tổ chức các chiến dịch quảng bá, giáo dục để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm từ nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, quá trình thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn từ trang trại đến người tiêu dùng cũng góp phần tăng tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và giảm thiểu lượng phát thải các-bon.

Thứ ba, cần quan tâm đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp cần tăng cường thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc xây dựng cơ chế khuyến khích cho các bên có liên quan có thể chia sẻ ý tưởng về quá trình thiết lập quy trình sản xuất linh hoạt để thu thập và tái chế sản phẩm phụ, cũng như xây dựng các kênh phân phối và tiếp thị đặc biệt cho sản phẩm tái chế.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu các mô hình kinh tế tuần hoàn và thực tiễn sản xuất nông nghiệp của các quốc gia tiên tiến, như: Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Iran… Phân tích các chiến lược, chính sách và công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp tuần hoàn của các quốc gia này. Từ đó, thiết lập mối quan hệ, tận dụng các cơ hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thông qua các diễn đàn quốc tế, hội thảo, các chương trình hợp tác song phương, đa phương. Bên cạnh đó, cần thực hiện các dự án thử nghiệm nhỏ để kiểm tra và đánh giá tính khả thi khi áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam. Dựa trên kết quả thu được, các bên tham gia sản xuất cần điều chỉnh và mở rộng áp dụng vào quy mô lớn hơn nếu cần thiết.

6. Kết luận

Trước tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, hiểu rõ vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu thực trạng áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi tích cực khi ngành Nông nghiệp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và phát thải gây ô nhiễm, cũng như sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao hơn. Trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm khắc phục các vấn đề tồn tại và thách thức trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn thông qua các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Chú thích:
1. Ellen Macarthur foundation. What is a circular economy? https://www.ellenmacarthurfoundation.org, truy cập ngày 25/3/2024.
2. Jun, H., & Xiang, H. (2011). Development of circular economy is a fundamental way to achieve agriculture sustainable development in China. Energy Procedia, 5, 1530 – 1534, p.2.
3. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 
4. Van Bodegom, A. J., van Middelaar, J., & Metz, N. (2019). Circular Agriculture in Low and Middle Income Countries: Discussion paper exploring the concept and 7 innovative initiatives. Pp. 9.
5. Velasco Munoz, J. F., Mendoza, J. M. F., Aznar-Sánchez, J. A., & Gallego-Schmid, A. (2021). Circular economy implementation in the agricultural sector: Definition, strategies and indicators. Resources, Conservation and Recycling, 170, 105618, p.4.
6. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và khuyến nghị. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 15/6/2021.
7. Cơ sở thực tiễn và động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam: Kinh tế VAC. https://kinhtenongthon.vn, ngày 19/10/2020.
8. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. https://www.qdnd.vn, ngày 13/01/2022
9, 10. Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. http://btusta.vn, ngày 31/12/2023.
11. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. https://consosukien.vn, ngày 26/9/2023.
12. Ra mắt dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F đầu tiên tại Việt Nam. https://quelamgroup.com.vn, ngày 18/7/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
4. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
6. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
7. Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.