Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực 

ThS. Nguyễn Thế Mừng
Trường Đại học Điện lực

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác go dục pháp luật có vai trò quan trọng nhằm trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng và ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trườngBài viết nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực, từ đó gợi mở những biện pháp cụ thể, thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên của trường

Từ khóa: Giáo dục pháp luật; sinh viên; Trường Đại học Điện lực

1. Đặt vấn đề

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nâng cao nhận thức về pháp luật là quan trọng và vô cùng cần thiết. Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh việc ban hành một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia, nhất thiết cần đưa hệ thống pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi thành viên của xã hội đều hiểu biết các quy định của pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế. Để bảo đảm được điều này thì công tác giáo dục pháp luật cho người dân nói chung và sinh viên các trường đại học nói riêng được xem là khâu then chốt.

Trường Đại học Điện lực đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên nhằm trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để sinh viên biết cách sử dụng kiến thức pháp luật và kỹ năng chuyên môn một cách có trách nhiệm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Tình trạng sinh viên vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. Cá biệt có một số vụ việc cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ, hung hãn… gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho gia đình, nhà trường và xã hội. Nhằm hạn chế tối đa những tình trạng trên, cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện để có những biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên.

2. Phương pháp nghiên cứu

Không gian khảo sát và khách thể nghiên cứu.

Nghiên cứu này được thực hiện tại Trường Đại học Điện lực trong năm học 2023 – 2024, với số khách thể khảo sát là 80 cán bộ, giảng viên và 300 sinh viên ở các khoa: Kỹ thuật điện; Điều khiển và tự động hóa;Quản lý công nghiệp và Năng lượng; Cơ khí và động lực; Công nghệ năng lượng; Công nghệ thông tin; Điện tử viễn thông; Kinh tế và Quản lý; Xây dựng; Ngoại ngữ; Khoa học tự nhiên và bộ môn Khoa học chính trị. Bên cạnh đó, tiến hành phỏng vấn một số sinh viên nhằm thu thập những thông tin định tính hỗ trợ cho việc phân tích đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp thực hiện.

Nhóm phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm: phương pháp điều tra bằng bảng hỏi;phương pháp phỏng vấn; phương pháp quan sát; phương pháp thống kê toán học xử lý số liệu.

Tiêu chí đánh giá và thang đo.

Khảo sát, đánh giá công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực dựa trên các tiêu chí, gồm: mục tiêu, nội dung và hình thức giáo dục pháp luật. Thang đo và tiêu chí đánh giá được thiết kế dưới dạng tự đánh giá của cán bộ, giảng viên và sinh viên về công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên toàn trường. Các items của toàn thang đo sử dụng thang điểm của Likert với 4 mức độ và quy ước điểm theo các mức: Mức 1 (4 điểm): tốt; Mức 2 (3 điểm): khá; Mức 3 (2 điểm): trung bình; Mức 4 (1 điểm): yếu. Điểm tối đa của thang đo là 4 (max) và điểm tối thiểu là 1 (min), do vậy điểm trung bình giữa các mức của thang đo là 0,75.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật cho sinh viên

Bảng 1. Đánh giá của cán bộ, giảng viên về việc thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật cho sinh viên

Nội dungMức độ thực hiệnĐTBThứ bậc
TốtKháTrung bìnhYếu
SL%SL%SL%SL%
Hình thành, mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho sinh viên1620,03948,81417,51113,82,751
Hình thành tình cảm, niềm tin vào pháp luật cho sinh viên1113,83645,01721,31620,02,533
Nâng cao ý thức tự giác thực hiện pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho sinh viên1215,03847,51518,81518,82,582
Nhằm giúp cho sinh viên hình thành thói quen, văn hóa pháp lý nói chung và văn hóa nghề nghiệp nói riêng1012,53543,81721,31822,52,464
Tạo sự thống nhất giữa ý thức, thái độ và hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật của sinh viên810,03240,02025,02025,02,346
Nâng cao ý thức sống, học tập, lao động theo hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng911,33341,31822,52025,02,395
Tổng 11,5 44,4 21,1 20,92.50 
Nguồn: tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Điện lực về việc thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật cho sinh viên đạt mức độ khá, với điểm trung bình là 2.50. Tuy nhiên có sự khác biệt về điểm trung bình và vị trí thứ bậc của các mục tiêu. Trong đó, 3/6 mục tiêu được cán bộ, giảng viên đánh giá thực hiện mức khá, đó là: “Hình thành, mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực”; “Nâng cao ý thức tự giác thực hiện pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho sinh viên trường Đại học Điện lực”; “Hình thành tình cảm, niềm tin vào pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực”. Sở dĩ những mục tiêu này được cán bộ, giảng viên đánh giá thực hiện tốt hơn do đây là những mục tiêu rất cơ bản được thể hiện trong đề cương chi tiết các học phần pháp luật, gắn với chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo.

Trong hoạt động giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật cho sinh viên nói riêng, việc nâng cao ý thức, thái độ và hình thành thói quen, hành vi áp dụng pháp luật trong cuộc sống rất quan trọng. Song những mục tiêu cán bộ, giảng viên đánh giá mới thực hiện ở mức trung bình, lần lượt là: mục tiêu “Nhằm giúp cho sinh viên trường Đại học Điện lực hình thành thói quen, văn hóa pháp lý nói chung và văn hóa nghề nghiệp nói riêng”; mục tiêu “Nâng cao ý thức sống, học tập, lao động theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng”; mục tiêu “Tạo sự thống nhất giữa ý thức, thái độ và hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật của sinh viên Trường Đại học Điện lực”. 

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn một sinh viên năm thứ 3, khoa Điều khiển và tự động hóa, cho biết: “Trong học phần Pháp luật đại cương và Pháp luật kinh tế, em đã học khá nhiều kiến thức về pháp luật. Điều đó giúp ích cho em khá nhiều trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế em đã chứng kiến có những vụ việc chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, tình trạng “oan sai, án oan” vẫn còn… Do vậy, đôi khi em hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật…” (trích biên bản phỏng vấn).

Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẫn còn một bộ phận sinh viên có biểu hiện xuống cấp đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, thậm chí có những sự vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua đó cho thấy,công tác giáo dục pháp luật là quan trọng nhưng chưa đủ. Cần có sự kết hợp mục tiêu giáo dục pháp luật cho sinh viên với việc hiện thực hóa mục tiêu trong nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen áp dụng pháp luật trong cuộc sống thường ngày của mỗi sinh viên thì mục tiêu giáo dục pháp luật mới được bảo đảm. Giáo dục pháp luật trong nhà trường chỉ có thể đạt hiệu quả tốt khi giáo dục pháp luật gắn với đời sống xã hội; mọi người dân mà đặc biệt là cơ quan chức năng, những người “cầm cân nảy mực” áp dụng pháp luật, giữ gìn “sự nghiêm minh của pháp luật”.

3.2. Thực hiện nội dung giáo dục pháp luật cho sinh viên

Bảng 2: Đánh giá của sinh viên về việc thực hiện các nội dung giáo dục pháp luật ở Trường Đại học Điện lực hiện nay

Nội dungMức độ thực hiệnđiểm trung bìnhThứ bậc
TốtKháTrung bìnhYếu
SL%SL%SL%SL%
Những nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật như nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước và pháp luật5217,314949,75317,74615,32,692
Mối quan hệ giữa nhà nước và công dân; vị trí của pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống248,012040,07525,08127,02,297
Nội dung về quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật268,612441,37023,38026,62,326
Giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, trật tự xã hội.4314,313846,06020,05919,72,553
Hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa của công dân3812,712642,06923,06722,32,455
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội4214,013344,36020,06521,72,504
Nội dung pháp luật phòng chống tham nhũng206,712040,08127,07925,32,278
Những quy định hiện hành về kiến thức pháp luật phù hợp với ngành nghề của từng loại đối tượng người học6020,014949,74916,34214,02,751
Tổng 12,7 44,1 21,5 21,52,47 
Nguồn: tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát.

Kết quả số liệu ở bảng 2 cho thấy, sinh viên Trường Đại học Điện lực đánh giá về nội dung giáo dục pháp luật mới đạt mức trung bình (2,47 điểm). Điều đáng quan tâm đối với sinh viên là những nội dung: “Hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa của công dân”; “Nội dung về quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật” và “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; vị trí của pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống” thể hiện ý thức trách nhiệm, hành vi áp dụng pháp luật của mỗi công dân, sinh viên đối với Nhà nước, xã hội nhưng những nội dung này mới thực hiện ở mức trung bình. Điều này phản ánh thực tế là mặc dù sinh viên đã có hiểu biết về pháp luật và thực hiện pháp luật, song vẫn còn một số nội dung sinh viên chưa nắm chắc, chưa hiểu sâu, hiểu chưa đầy đủ. 

Hệ quả là vẫn còn hiện tượng sinh viên vi phạm kỷ luật của nhà trường và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, văn hóa học đường và nhân cách, đạo đức, tương lai của các em. Qua đó, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên là giúp mỗi sinh viên phải biết vận dụng và phát huy những kiến thức, hiểu biết pháp luật vào ý thức chấp hành pháp luật trong thực tiễn.

3.3. Hình thức giáo dục pháp luật cho sinh viên

Tổng hợp kết quả khảo sát về hình thức giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực (bảng 3) cho thấy, các hình thức giáo dục pháp luật cho sinh viên khá phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, xu hướng, nguyện vọng của sinh viên, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các em được thể nghiệm, trải nghiệm những tình huống trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục pháp luật cho sinh viên.

Bảng 3. Đánh giá của sinh viên về hiệu quả các hình thức giáo dục pháp luật ở Trường Đại học Điện lực hiện nay

Nội dungMức độ thực hiệnđiểm trung bìnhThứ bậc
TốtKháTrung bìnhYếu
SL%SL%SL%SL%
Thông qua các học phần pháp luật chính khóa7224,015351,04314,33210,72,881
Thông qua các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức3812,712040,07424,76822,72,296
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, pa nô, áp phích, tranh cổ động; wedsite của nhà trường4414,713846,06020,05819,32,564
Lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể của nhà nhà trường5819,315050,04816,44414,72,742
Tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia xây dựng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội5217,314849,34715,75317,72,663
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật4916,312943,06421,35819,32,564
Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật4113,611538,37926,46521,72,447
Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề pháp luật4214,011337,78026,76923,02,458
Tổ chức cho sinh viên các hoạt động trải nghiệm giáo dục pháp luật như dự phiên tòa, các hoạt động hỗ trợ pháp lý…3610,06521,78829,311139,02,089
Phối hợp với công an phường tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội4515,012341,07324,35919,72,515
Tổng 15,7 41,8 21,9 20,72,53 
Nguồn: tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát.

Nếu xét cụ thể từng hình thức mà chúng tôi đưa vào khảo sát thì có 4/10 hình thức được sinh viên đánh giá mức độ khá, đó là: “Thông qua các học phần pháp luật chính khóa, như: pháp luật đại cương, luật chuyên ngành”; “Lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể của nhà nhà trường”; “Tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia xây dựng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội”;  “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, pa nô, áp phích, tranh cổ động; website của nhà trường”, (điểm trung bình 2,56, mức độ khá).

Bên cạnh đó, hình thức “Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật” và “Phối hợp với công an phường tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội” cũng được nhà trường quan tâm tổ chức mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động giáo dục đạo đức, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên, chấp hành luật giao thông, tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong đoàn viên, thanh niên được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức.

Một số hình thức được xem là rất hiệu quả trong việc chuyển hóa tri thức pháp luật thành hành vi pháp luậtnhưng cán bộ, giảng viên đánh giá hiệu quả khá thấp, chẳng hạn, như: “Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề pháp luật”. Thực tế hiện nay, ở Trường Đại học Điện lực chưa tổ chức câu lạc bộ pháp luật hoạt động đúng nghĩa, có chăng chỉ thành lập các đội, nhóm, như: thanh niên xung kích; thanh niên tình nguyện… thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường ở khu ký túc xá. Ngoài ra, hình thức “Tổ chức cho sinh viên các hoạt động trải nghiệm giáo dục pháp luật như dự phiên tòa, các hoạt động hỗ trợ pháp lý” cũng chưa được nhà trường, các khoa quan tâm đúng mức (điểm trung bình 2,08 mức độ trung bình), điều này đã làm hạn chế cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc, làm quen và xử lý các tình huống, sự vụ pháp lý. 

Có thể đánh giá, một số hình thức giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Điện lực vẫn còn những hạn chế, thiếu chiều sâu, nặng về lý thuyết, do đó chưa lôi cuốn được đa số sinh viên tham gia. Đây là vấn đề đặt ra cho cán bộ quản lý nhà trường, các khoa đào tạo cần nghiên cứu để xác định mục tiêu, nội dung và hình thức giáo dục pháp luật cho phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã và đang quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên nhà trường. Phần lớn sinh viên đã có những hiểu biết cơ bản về pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành dành cho sinh viên không chuyên luật; sinh viên có ý thức, thái độ và hành vi tuân thủ theo các chuẩn mực pháp luật. Tuy nhiên, công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên được thực hiện chưa đồng đều, toàn diện trên các mặt, trong đó mục tiêu, hình thức giáo dục pháp luật cho sinh viên đạt mức độ khá; nội dung giáo dục pháp luật cho sinh viên mới ở mức trung bình. Do vậy, vẫn còn một bộ phận sinh viên có lối sống buông thả, thực dụng, thiếu ý thức, thái độ, niềm tin vào pháp luật; số sinh viên vi phạm pháp luật, thiếu kiến thức pháp luật còn phổ biến. 

Công tác giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ nói chung, sinh viên Trường Đại học Điện lực nói riêng cần phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài và toàn diện, xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, không trùng lặp. Phân công cụ thể nhiệm vụ của các bên liên quan, trong đóliên kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, ý nghĩa tích cực, bồi dưỡng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật… Đề cao trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm, kiểm nghiệm qua những tình huống pháp lý nhằm củng cố tri thức pháp luật, hình thành ý thức, thái độ, niềm tin đúng đắn vào pháp luật, góp phần chuyển hóa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Doãn Thị Chín. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên. Tạp chí Lý luận Chính trị số 4- 2016. 
2. Lê Thị Thu Hằng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông giai đoạn hiện nay. Tạp chí Giáo dục số 18, 2019.  
3. Nguyễn Thị Hoàng Lan. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên Đại học Thái Nguyên. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, số 11 – 2015.
4. Nguyễn Thị Thủy Trúc. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. Đề tài khoa học cấp cơ sở, năm 2021.  
5. Trường Đại học Luật Hà Nội. Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật. H. NXB Công an nhân dân, 2016. 
6. Nguyễn Văn Vi. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tạp chí Tổ chức nhà nước số 7 – 2015.