Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh 

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính nói riêng là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính ở TP. Hồ Chí Minh nhằm xây dựng chính quyền số hiện đại, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Chuyển đổi số; thực hiện thủ tục hành chính; chính quyền số; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Sự phát triển của khoa học – công nghệ và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với quá trình toàn cầu hóa đã đưa thế giới bước vào kỷ nguyên số. Quá trình chuyển đổi số toàn cầu tác động sâu rộng trên mọi phương diện, làm thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, lối sống và hoạt động trên nền tảng số. Thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng sẽ giúp các cơ quan nhà nước đổi mới phương thức quản trị, điều hành theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước, hình thành chính phủ số ở cấp độ quốc gia và hình thành chính chính quyền số ở cấp độ địa phương.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính trong bối cảnh triển khai thực hiện chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng giúp TP. Hồ Chí Minh có những đột phá hơn nữa trong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Đặc biệt là các nhiệm vụ gắn với cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, yêu cầu: “Thực hiện chuyển đổi số nhằm đổi mới toàn diện mô hình tổ chức vận hành Chính quyền TP. Hồ Chí Minh dựa trên dữ liệu và công nghệ hiện đại nhằm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Triển khai các giải pháp nhằm phục vụ quản trị thực thi và điều hành Thành phố thông minh; tổ chức theo dõi, giám sát và dự báo các vấn đề Thành phố đang gặp phải bằng việc ứng dụng dữ liệu lớn, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo giúp lãnh đạo Thành phố quản lý, điều hành đô thị hiệu quả dựa trên dữ liệu”.  

Những năm qua, các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhiều vấn đề đã và đang đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh trong việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Một số kết quả chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh

Căn cứ các quan điểm, chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng, kịp thời triển khai thực hiện thông qua việc ban hành Quyết định 2393/QĐ-UBND 03/7/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm và nỗ lực thì kết quả chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính của Thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, UBND Thành phố đã vinh dự được Hội đồng Giải thưởng ASOCIO thống nhất lựa chọn và trao Giải thưởng ASOCIO năm 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 20231. Kết quả đánh giá Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Thành phố liên tục được nâng cao, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu: năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3 và năm 2022 đạt thứ hạng 22

Theo số liệu tổng hợp từ Bản đồ thực thi thể chế TP. Hồ Chí Minh3, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã công khai đầy đủ 1.745 thủ tục hành chính và đồng bộ 12.215 hồ sơ (chiếm 0,05%), con số này tăng lên 1.019.050 (chiếm 10,07%) trong năm 2023.

Trong số 1.745 thủ tục hành chính này, có 237 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 13,58%); 460 thủ tục hành chính (chiếm 26,36%) cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (hình 2). 

Tính đến cuối năm 2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 740/1837 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 40,28%, trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 464 thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến một phần là 276 thủ tục hành chính (trong đó các Sở, ban ngành có 366 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 196 dịch vụ công trực tuyến một phần; các quận, huyện là 69 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 54 dịch vụ công trực tuyến một phần; cấp xã 26 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 26 dịch vụ công trực tuyến một phần3. Điều này cũng cho thấy quyết tâm và nỗ lực rất lớn của TP. Hồ Chí Minh. Thành phố đã triển khai hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố tập trung, đã chuyển đổi hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị sang Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Hồ Chí Minh nhằm công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm kịp thời ra quyết định điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả và ưu điểm nổi bật nêu trên, thì việc chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như vẫn còn tỷ lệ thủ tục hành chính công bố, cập nhật đúng hạn chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng, đặc biệt tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa còn thấp. Năm 2022, Thành phố mới chỉ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 25,35%, tăng lên 36.77% vào năm 2023 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt việc khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa nhiều, trong năm 2023 chỉ có 31 hồ sơ được khai thác, sử dụng lại là quá ít so với yêu cầu và thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh.

3. Một số kiến nghị

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần xây dựng chính quyền số hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, tác giả có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, thống nhất, nâng cao nhận thức

Thống nhất, nâng cao nhận thức trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số nói chung,  chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng, góp phần xây dựng chính quyền số hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững. Qua đó, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Thành phố. Thống nhất nhận thức đẩy mạnh chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp giúp Thành phố phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số để hình thành và phát triển văn hóa số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi số, giúp hình thành và phát triển những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc gắn với môi trường số, để đội ngũ này dám nghĩ, dám làm và đề xuất giải pháp mang tính đột phá trong chuyển đổi số để thay đổi phương thức làm việc, cách thức phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính.

Việc đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính nhằm bảo đảm thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo đúng nguyên tắc “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực4. Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/ 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 về phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó định hướng nhiều nội dung phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. Đối với chính quyền địa phương thì nhiều thủ tục hành chính được đề xuất phân cấp từ UBND cấp tỉnh về các sở, ngành, từ các sở, ngành về UBND cấp huyện/cấp xã; từ UBND cấp huyện về UBND cấp xã.  

Các sở, ngành, UBND các quận, huyện căn cứ các định hướng trên, đồng thời gắn với đặc thù của Thành phố cần động rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đề xuất UBND Thành phố quyết định phân cấp, ủy quyền, ủy quyền đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính phù hợp, khả thi nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian, tạo thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao chất lượng phụ vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường rà soát, cập nhật thủ tục hành chính trên môi trường số và đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Các cơ quan nhà nước của Thành phố tiếp cần liên tục rà soát, cập nhật công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, địa phương trên Cổng thông tin điện tử của sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố và trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Thành phố để các tổ chức, doanh nghiệp, công dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng

Đồng thời, cần đẩy nhanh, tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 về quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, để nâng cao tỷ lệ hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính được số hóa và tỷ lệ tái sử dụng kết quả này trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Các cơ quan nhà nước của Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng hiện đại, hiệu quả, thuận lợi, minh bạch. Trong đó cần triển khai hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ gắn với đặc thù chính quyền đô thị của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm có sự điều chỉnh kịp thời về nhân sự và quy trình phục vụ; kiện toàn bộ phận một cửa các cấp đáp ứng yêu cầu thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhất là trên môi trường số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tái cấu trúc các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã của Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa quy trình, tái cấu trúc các quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở đánh giá các nguồn dữ liệu đã có và mức độ sẵn sàng tích hợp, cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tăng dần tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến nhất là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời tiếp tục cải tiến các quy trình điện tử, quy trình phối hợp, quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Thành phố, Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát đối với các thủ tục hành chính chưa đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đề xuất giải pháp khắc phục để có thể triển khai trong các giai đoạn tiếp theo. 

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước của Thành phố cần tiến hành rà soát, đa dạng hóa việc bố trí các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; đẩy mạnh việc thực hiện quy trình tiếp nhận, phân loại, chuyển phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước của Thành phố cần tiến hành chuẩn hóa các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất, thái độ ứng xử, giao tiếp trong quy trình tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị trên môi trường số.

Ngoài ra, tích cực nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối các kênh tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; theo dõi các luồng thông tin, dư luận để nhận diện vấn đề, từ đó có hướng cải thiện hiệu quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng ứng dụng thống nhất tích hợp các Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Thành phố thông qua một Nền tảng số thống nhất nhằm phục vụ người dân có một trải nghiệm tốt nhất từ các dịch vụ của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trên môi trường số, để người dân có thể dễ dàng tương tác, thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị của mình5.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số, xây dựng quy định về cơ chế báo cáo, cập nhật tự động về các giao dịch của từng cơ quan, đơn vị trên hệ thống mạng internet. Trong quá trình này cần thu hút sự tham gia, giám sát của người dân để bảo đảm việc thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của việc giải quyết thủ tục hành chính. 

Trước hết, các cơ quan nhà nước cần mở rộng các hình thức hoạt động trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc nêu gương trong chấp hành thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số là một trong tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

4. Kết luận

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng tới công tác cải cách hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao sự hài lòng của tổ chức và người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước của Thành phố. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện thủ tục hành chính phục vụ tổ chức, công dân. Qua đó, người dân, doanh nghiệp ngày càng hài lòng hơn về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, từ kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, người dân cho thấy, những vấn đề đặt ra đối với các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh cần phải giải quyết để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Thực hiện chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu giúp các cấp chính quyền địa phương của TP. Hồ Chí Minhnâng cao năng lực quản trị hiệu quả các hoạt động và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên mà các cơ quan nhà nước của Thành phố cần thực hiện, trong đó đòi hỏi quyết tâm, sự nỗ lực rất lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản trị hiệu quả hơn, cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến xây xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần phát triển đô thị bền vững của TP. Hồ Chí Minh và thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Chú thích:
1. TPHCM đoạt giải Chính quyền số xuất sắc ASOCIO 2023. https://baochinhphu.vn, ngày 14/11/2023.
2. https://dti.tphcm.gov.vn/home/baocaothongke.
3. https://bandotheche.hochiminhcity.gov.vn.
4. Báo cáo số 393/BC-UBND ngày 26/12/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh vềcông tác kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
5. TP.HCM xây dựng app hành chính công trên smartphone giúp người dân thuận tiện khi sử dụng dịch vụ. https://viettimes.vn, ngày 05/11/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang Chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và truyền thông, 2021.
2. Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
5. Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
6. Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
7. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
8. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
9. Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh.
10. Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025.
11. Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030.
12. Thông báo số 389/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.