Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam – thực trạng và một số giải pháp

Phó Vũ Thục Hiền
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội


(Quanlynhanuoc.vn) –
 Những năm gần đây, quyền của người chuyển giới đã được công nhận rõ ràng hơn và được bảo vệ mạnh mẽ hơn trong pháp luật, tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể những quy định này vẫn còn gặp nhiều hạn chế và thách thức. Bài viết phân tích những bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chuyển đổi giới tínhhoàn thiện pháp luật, giải pháp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Chuyển giới là người có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh của người đó1. Chuyển đổi giới tính là một quá trình đầy phức tạp và đòi hỏi sự can đảm, không chỉ liên quan đến việc thay đổi về mặt sinh lý mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và cuộc sống xã hội của con người. Hiện nay, không ở nước ta mà còn ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng những người chuyển giới đã, đang và sẽ tiếp tục chịu những sự kỳ thị, phân biệt đối xử và thậm chí là cả các hành vi bạo lực. 

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.” Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 là văn bản duy nhất tính tới thời điểm hiện tại có quy định về chuyển đổi giới tính. Song quy định này không giải thích thế nào là chuyển đổi giới tính nên việc định hướng áp dụng quy định về chuyển đổi giới tính nên việc định hướng áp dụng quy định về chuyển đổi giới tính chưa thực sự rõ ràng2.

Việc chuyển đổi giới tính và việc được công nhận giới tính mới phù hợp với mong muốn là một nhu cầu cơ bản của cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Có nhiều ý kiến đề nghị công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như một quyền nhân thân của người chuyển giới. Nếu quyền này không được công nhận, nhiều người chuyển giới sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng hình thể dễ đổi còn hộ tịch khó thay3. Chuyển đổi giới tính chính là nhu cầu, mong muốn bên trong của những người chuyển giới. Dù có thể thực hiện hay không thực hiện việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, dù có những rào cản khách quan thì những nhu cầu này vẫn tồn tại trong bản thân mỗi người chuyển giới4. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác cũng được đặt ra: liệu việc chuyển đổi giới tính có được coi là một quyền nhân thân không? Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách mà xã hội và pháp luật đối xử với người chuyển giới cũng như cách mà người chuyển giới tự nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

2. Thực trạng pháp luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam

Trong bối cảnh pháp lý của Việt Nam, quyền chuyển đổi giới tính được quy định một cách rõ ràng và chi tiết. Hiến pháp năm 2013, là văn bản pháp lý cao nhất của nước, đã đưa ra những quy định chung về vấn đề này. Theo đó, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”. Tại Điều 16 cũng quy định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam ghi nhận khả năng chuyển đổi giới tính, tại Điều 16 quy định: “Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Nhờ có sự ghi nhận này, những người chuyển giới có cơ hội để được tiếp tục sống đúng với những nguyện vọng và mong muốn của bản thân. Đây có thể coi là chìa khóa quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội vì sự công nhận quyền của một nhóm người trong xã hội. Nhằm mục đích bảo đảm cho các cá nhân đã chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi của các cá nhân này theo quy định của bộ luật này và các luật khác có liên quan. Điều này là rất cần thiết đối với các cá nhân tham gia vào thị trường lao động, việc làm. Đồng thời, Bộ luật cũng quy định cá nhân đã chuyển đổi giới tính sẽ có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Việc đăng ký sẽ giúp các cá nhân có thể giải quyết các vấn đề pháp lý hiệu quả hơn trong cuộc sống hằng ngày, qua đó góp phần vào quá trình quản lý xã hội của Nhà nước. Căn cứ theo khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014, thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn tồn tại những bất cập nhất định trong quy định về việc chuyển đổi giới tính, cụ thể:

Thứ nhất, tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng tính cho tới thời điểm hiện nay, quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính vẫn chỉ là dự thảo, chưa có một văn bản nào được quy định cụ thể về các nguyên tắc, trình tự và các vấn đề khác có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính. Đồng thời, Điều luật này cũng chưa quy định rõ ràng, chi tiết về “người đã chuyển đổi giới tính” bởi xét trên thực tế hiện nay, việc xác định “người đã chuyển đổi giới tính” không đơn giản và dễ dàng bởi có nhiều trường hợp đã tiến hành phẫu thuật bộ phận sinh dục nhưng không tiến hành phẫu thuật phần ngực hoặc ngược lại. Đối với những trường hợp này, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ họ có được quyền thay đổi hộ tịch, nhân thân hay không.

Thứ hai, theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Điều này có nghĩa là theo quy định hiện hành của pháp luật, hôn nhân chỉ được công nhận khi là sự kết hợp giữa hai người khác giới tính. Tuy vậy, trên thực tế, tại Việt Nam, có nhiều cá nhân cùng giới tính có mong muốn được pháp luật thừa nhận mối quan hệ hôn nhân. 

Thứ ba, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, không có quy định nào liên quan đến người chuyển giới với tư cách là chủ thể hay nạn nhân của hành vi phạm tội. Điều này đã tạo ra nhiều trở ngại trong quá trình xử lý những hành vi nguy hiểm cho xã hội có liên quan đến người chuyển giới. Một trong những trường hợp cụ thể là hành vi giao cấu trái phép với người đã chuyển đổi giới tính. Đây đang là một thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ nữ giới mới có khả năng được coi là nạn nhân của tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm. Điều này đã dẫn tới nhiều vụ án không được giải quyết một cách thỏa đáng và đòi lại công bằng cho nạn nhân. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự chưa có quy định về hành vi tình dục trái phép giữa người đồng giới.

3. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam

Một , nâng cao nhận thức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật. 

Các cơ quan có thẩm quyền cần quy định chặt chẽ hơn về chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình. Quy định các chế tài pháp luật hợp lý, nghiêm khắc hơn đối với các chủ thể ban hành văn bản pháp luật sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Đối tượng để xem xét trách nhiệm bao gồm tập thể cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; cá nhân người đứng đầu cơ quan; cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm.

Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”.

Hai , thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc lấy ý kiến góp ý, tham vấn, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật quy định về chuyển đổi giới tính. 

Để bảo đảm chất lượng, hiệu lực pháp lý và hiệu quả xã hội của các chính sách, văn bản pháp luật,cần làm nghiêm túc công đoạn tổ chức lấy ý kiến, sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức pháp lý, xã hội, người dân và doanh nghiệp. Chủ động lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng người chuyển giới trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, qua đó, giúp hoàn thiện quy định pháp luật, mở ra môi trường hỗ trợ công bằng và bao dung cho người chuyển giới

Rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết. Ngoài ra, thu hút sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách chứ không chỉ góp ý vào các dự án, dự thảo văn bản pháp luật. Đồng thời, cần đổi mới cách tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật bảo đảm khách quan, thực chất hơn, góp phần nâng cao chất lượng của các văn bản pháp luật.

Ba , nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật. 

Xây dựng chính sách, pháp luật là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện phải có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực phân tích chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật, có ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật. Để bảo đảm tính chuyên nghiệp, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia xây dựng chính sách, pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng chính sách và pháp luật. Đề xuất đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng pháp luật với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, có tính dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện.

Bốn , tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. 

Kiểm soát quyền lực nhà nước chỉ có ý nghĩa đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả nhất khi bao quát cả việc kiểm soát hành vi và quyết định pháp luật – quyết định dưới dạng các văn bản pháp luật và các văn bản áp dụng pháp luật. 

Kiểm soát pháp luật là một trong những điều kiện bảo đảm tạo lập, vận hành một hệ thống pháp luật đơn giản, gọn nhẹ, khắc phục nhanh chóng sự phức tạp, rườm rà, số lượng quá lớn, khó tiếp cận, khó áp dụng, gây ảnh hưởng đến ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Kiểm soát pháp luật sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều khiếm khuyết trong xây dựng pháp luật, như: sự mâu thuẫn, chồng chéo, vi hiến, bất hợp lý; sự chậm trễ, nóng vội hoặc nợ đọng văn bản pháp luật…

Cần nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của kiểm soát pháp luật. Kiểm soát pháp luật không chỉ để phát hiện vi phạm về quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành, công bố các văn bản pháp luật. Kiểm soát pháp luật còn có mục đích, nhiệm vụ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa, hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn, khắc phục các “lỗ hổng pháp luật”. 

4. Kết luận

Việt Nam đang tích cực xây dựng, hoàn thiện luật cụ thể quy định vấn đề chuyển đổi giới tính, đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự cam kết của quốc gia đối với việc bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới. Bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính, cần tiếp tục nỗ lực để bảo đảm rằng những quy định mới này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người chuyển giới sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Việc thực hiện pháp luật về chuyển đổi giới tính không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự thay đổi về tư duy và thái độ của xã hội đối với người chuyển giới. Trong đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng người chuyển giới trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật có thể mở ra hy vọng cho một tương lai công bằng, bao dung và hỗ trợ, mọi người được công nhận và tôn trọng bản dạng giới của mình, là một phần quan trọng của việc thực hiện quyền chuyển đổi giới tính. 

Chú thích:
1. Ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam. https://thanhnien.vn, ngày 26/8/2022.  
2, 4. Nguyễn Văn Hợi. Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. H. NXB Công an nhân dân, 2020, tr. 145, 30 -31. 
3. Trương Hồng Quang. Người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam và vấn đề đổi mới hệ thống pháp luật. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2014, tr. 201.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thị Ngọc Anh. Hoàn thiện pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay. Luận văn thạc sỹ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Đỗ Văn Đại, Ngô Thị Vân Anh. Điều kiện và hệ quả của chuyền đổi giới tính trong pháp luật Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6/2016.
5. Lê Thị Giang. Quyền chuyển đổi giới tính – Quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạp chí Kiểm sát, số 14/2016.
6. Hiến pháp năm 2013.
7. Luật Hộ tịch năm 2014.
8. Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
9. Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao. Về các quyền dân sự chính trị cơ bản. H. NXB Hồng Đức, 2015
10. Hoàn thiện Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 10/02/2024. 
11. Thúc đẩy bình đẳng giới cho cộng đồng LGBT. https://baophapluat.vn, ngày 27/11/2022.