Xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo theo quan điểm của Đảng

ThS. Đàm Cao Thượng
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo theo quan điểm của Đảng ở nước ta hiện nay có vị trí, vai trò quan trọng tạo nên lực lượng cách mạng đông đảo, rộng khắp cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết làm rõ tầm quan trọng xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo; kết quả xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo ở một số địa phương thời gian qua; qua đó, đề xuất các biện pháp xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo theo quan điểm của Đảng thời gian tới.

Từ khoá: Xây dựng đội ngũ đảng viên; người Công giáo; quan điểm của Đảng.

1. Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh ở các tầng lớp nhân dân khác nhau, trong đó xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giao là bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

2. Xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo là quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Sinh thời, Chủ tịch Hồ ChíMinh đã nhấn mạnh: “Toàn thể đồng bào ta, không chia Lương – Giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông, Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền Tôn giáo tự do”2 và Người còn chủ trương: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”3. Những tư tưởng mang tầm triết lý sâu sắc của Người đã huy động được tất cả các thành phần, lực lượng không trừ một ai vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, hiệu quả, phù hợp vấn đề tôn giáo trên quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân. Người coi trọng đồng bào tôn giáo và khẳng định, đồng bào là bộ phận cấu thành của khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo Người, thế giới quan của những người cộng sản và những người tôn giáo là khác nhau, phải có quan điểm, thái độ khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể trong đánh giá, xem xét mọi vấn đề. Lấy điểm chung, thống nhất giữa người cộng sản và người tôn giáo để hoạt động, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh. Với quan điểm, đường lối đúng đắn đó, đồng bào các tôn giáo đã hội tụ, đoàn kết, kề vai, sát cánh dưới mái nhà chung đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Nhờ đó, đồng bào tôn giáo đã tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động kháng chiến, kiến quốc của Đảng; các chức sắc, tín đồ tôn giáo góp sức người, sức của vào các hoạt động đấu tranh cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc trong lòng dân; tuyên truyền, vận động giáo dân hiến đất, hiến của cải vật chất cho Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương – giáo, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt sau thời kỳ đổi mới đất nước (năm 1986) Đảng ta ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo (năm 1990) xác định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”; Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo tiếp tục khẳng định: thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.

Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4. Là một quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật, cơ sở thờ tự, quá trình hình thành, phát triển khác nhau. Mặc dù khác nhau như vậy, giữa các tôn giáo đều có tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, thực hiện lời răn dạy “kính chúa yêu nước”, làm tốt “việc đời, việc đạo”, “dân tộc, đạo pháp, chủ nghĩa xã hội” góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Là một trong 6 tôn giáo lớn ở Việt Nam, Công giáo ru nhập vào nước ta khá sớm, với số lượng tín đồ đứng thứ hai cả nước (sau Phật giáo), có vai trò rất quan trọng đối với tiến trình phát triển văn hoá – xã hội ở Việt Nam, nhất là về đạo đức, lối sống, thờ cúng tổ tiên… Nhận thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, ngày 28/9/2004, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 123-QĐ/TW quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo, trên cơ sở đó, ngày 08/4/2005, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo; các kỳ Đại hội của Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều chỉ ra: “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”5.

Những năm gần đây xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo được cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đặc biệt coi trọng, có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào Công giáo, nhất là thanh niên đứng vào hàng ngũ của Đảng. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giữ vững mối quan hệ đoàn kết lương giáo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá ở địa phương được nâng lên. Trong số các tỉnh, thành có đồng bào Công giáo hoạt động, Nam Định có số lượng đồng bào Công giáo phát triển mạnh nhất cả nước.

Hiện nay, toàn tỉnh có 172 nhà thờ xứ, 492 nhà thờ họ; có 1 giám mục, 250 linh mục. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp, công tác phát triển đảng viên là người Công giáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Đơn cử như năm 2019, chi bộ thôn Tân Tiến, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã kết nạp được 2 đảng viên trẻ. Năm 2019, Đảng bộ xã Xuân Hoà, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định kết nạp 8 đảng viên mới (trong đó có 2 đảng viên gốc giáo). Đến nay, toàn huyện có 371 đảng viên gốc giáo, trong đó có 107 đảng viên (chiếm 29,7%) được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đã kết nạp 1.173 đảng viên, trong đó 158 đảng viên là người có đạo. Tỷ lệ đảng viên là người có đạo chiếm 11% tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ huyện và không còn chi bộ ghép. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Phú Thọ có 105.627 đảng viên, trong đó có 3.710 đảng viên theo tôn giáo (1.364 đảng viên theo đạo Phật và 2.346 đảng viên theo đạo Công giáo). Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh kết nạp 2.530 đảng viên, trong đó có 58 đảng viên là người công giáo. Đặc biệt, có một số địa phương có tỷ lệ kết nạp đảng viên là người công giáo ở mức khá cao, như: huyện Cẩm Khê, Thanh Thủy… là minh chứng cho công tác phát triển đảng viên là người có đạo nói chung và đạo Công giáo nói riêng luôn được cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp coi trọng; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các phần tử xấu chống phá cách mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng đảng viên là người Công giáo còn một số hạn chế, như: một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp chưa thật sự chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục để đồng bào Công giáo tham gia vào công tác xây dựng Đảng; số lượng đảng viên trẻ được kết nạp đảng còn ít; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp giữa chính quyền địa phương với các chức sắc trong Công giáo chưa thường xuyên; một số cán bộ chưa phát huy hết vai trò của mình, một bộ phận đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người có đạo nên chưa chủ động gần gũi, giúp đỡ quần chúng là người có đạo vào Đảng…

3. Một số biện pháp xây dựng đội ngũ đảng viên là người Công giáo theo quan điểm của Đảng hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp, đồng bào Công giáo về tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng.

Trước hết cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp, đồng bào Công giáo quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý nhà nước về tôn giáo. Xây dựng đảng viên là người Công giáo tăng thêm lực lượng cho cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và cũng là cho đồng bào Công giáo, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người đứng đầu Công giáo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục lòng yêu nước, thương nòi cho đồng bào Công giáo, trên cơ sở đó, phối hợp giữa các lực lượng, ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, động viên, trao quà cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho địa phương; xây dựng công trình địa phương có sự tham gia của đồng bào Công giáo, qua đó gắn kết giữa người có đạo và người không có đạo vì nhiệm vụ chung.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và có kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên cụ thể, sát với tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng tổ chức đảng trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, coi trọng cả số lượng và chất lượng. Tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng để các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng và quy định, hướng dẫn của trung ương về kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, bí thư chi bộ  trong phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng là người Công giáo.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, bí thư chi bộ thường xuyên theo dõi, bám nắm mọi hoạt động của tín đồ Công giáo; nhất là thanh niên Công giáo có mục tiêu, động cơ, phấn đầu vào đứng vào hàng ngũ của Đảng; tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt để thanh niên Công giáo được cống hiến, đem hết tài năng, sức trẻ của mình cho quê hương đất nước; đối với những giáo dân không còn trong độ tuổi thanh niên nếu có tinh thần, trách nhiệm cao, muốn được vào Đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng, bí thư chi bộ cũng nghiên cứu, xem xét.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, bí thư chi bộ chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng, đưa vào nghị quyết chi bộ; phân công, giao nhiệm vụ đảng viên trong chi bộ theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong lựa chọn, tạo nguồn, đưa vào kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng; nắm chắc nguyên tắc của Đảng, phát huy trí tuệ của lương – giáo trong sinh hoạt, thảo luận, nhận xét, đánh giá quần chúng ưu tú được giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của quần chúng ưu tú được giới thiệu vào Đảng, thông qua thực hiện các nhiệm vụ được giao. Mỗi đảng viên trong chi bộ, nhất là bí thư chi bộ nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, phải sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ ở từng công việc, có như vậy, tín đồ Công giáo mới tin và làm theo.

Ba là, đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các đoàn thể chính trị – xã hội với các tín đồ Công giáo để phát triển đảng viên là người Công giáo.

Các đoàn thể chính trị xã hội, bao gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tích cực, chủ động phối kết hợp với các tín đồ Công giáo hoạt động trên địa bàn; để không những tuyên truyền, vận động, giáo dục cho đồng bào Công giáo chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn trực tiếp lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, phản ánh của đồng bào Công giáo về tình hình mọi mặt ở địa phương; qua đó, phát hiện ra những quần chúng ưu tú đang sinh sống, làm ăn trong đồng bào Công giáo, giới thiệu cho cấp uỷ, chi bộ đưa vào nguồn phát triển đảng. Các đoàn thể chính trị – xã hội tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình, huy động được sự tham gia đầy đủ của các tín đồ Công giáo vào các phong trào thi đua do từng thành tố trong hệ thống chính trị tổ chức. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, như: “Danh hiệu văn hóa”; “Gia đình văn hóa”; “Xứ, họ đạo tiên tiến”; “Gia đình Công giáo gương mẫu”… Qua phong trào thi đua lao động, công tác tại cơ sở, những quần chúng tiêu biểu được các đoàn thể lựa chọn giới thiệu cho chi bộ xem xét đưa vào nguồn phát triển Đảng và cử đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Bốn là, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến gương người tốt, việc tốt là đảng viên Công giáo.

Thông qua sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo sẽ tạo động lực, niềm tin phấn đấu vươn lên không ngừng của đồng bào Công giáo; ý chí, quyết tâm cao cùng với các tổ chức tôn giáo khác và những người không theo đạo, cùng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; đẩy lùi những hủ tục, lạc hậu, văn hoá phẩm đồi truỵ, tệ nạn xã hội không lành mạnh ra bên ngoài, giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc địa bàn trong mọi tình huống.

Theo từng cấp sinh hoạt, trước hết là chi bộ và chính quyền địa phương coi trọng công tác sơ kết, tổng kết trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với bộ phận, lực lượng làm chưa tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là người Công giáo, nhất là những người lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chống đối chính quyền, có hành động gây rối, mất trật tự an toàn xã hội, cản trở các tín đồ Công giáo hoạt động.

4. Kết luận

Xây dựng đảng viên là người Công giáo ở nước ta hiện nay là quan điểm, đường lối, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân theo đúng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta, thể hiện sự nhận thức về đoàn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta ngày càng sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, đó là lời hiệu triệu, mệnh lệnh từ trong cuộc sống mà thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng được củng cố, giữ vững và tăng cường ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thời điểm cam go, thử thách, truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống như chung một giàn” được phát huy cao độ, trở thành mạch nguồn, bồi đắp của ý chí, sức mạnh và bản lĩnh con người Việt Nam. Sự phát triển ngày càng nhiều về số lượng, chất lượng đảng viên là người Công giáo đã góp phần làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, tạo thành sợi dây liên kết gắn bó bền vững, ổn định giữa đồng bào Công giáo và những người cộng sản vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:
1, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.46, 171, 171.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 490.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 244.