Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường B2 giai đoạn 1969 – 1975

Thiếu tá Thái Phi
Thượng tá Bùi Xuân Tuấn
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác dân vận luôn được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Từ khi Đảng ta ra đời đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử, công tác dân vận có nội dung và phương thức tiến hành khác nhau nhưng đều nhằm tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là trên chiến trường B2, nhờ tiến hành tốt công tác dân vận đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khóa: Chống Mỹ cứu nước; Dân vận; tư tưởng Hồ Chí Minh; giai đoạn 1969 -1975.

1. Mở đầu

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác dân vận, xác định chủ trương là phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mệnh đánh lại bọn đại địa chủ và phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác dân vận một lần nữa vươn lên đỉnh cao, đã góp phần động viên, huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, chuyển hóa thế và lực của quân và dân ta ngày càng chiếm ưu thế, đẩy địch vào khủng hoảng, tan rã, sụp đổ nhanh chóng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường B2

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của một cuộc cách mạng. Tư tưởng đó của Người đã được thể hiện nhiều bài nói, viết và hoạt động, sinh động hơn cả là trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm “Dân vận” chỉ với 612 từ nhưng nội dung và ý nghĩa của nó lại rất lớn và rất quan trọng, bao hàm những tư tưởng lớn về công tác dân vận. Tác phẩm không những chỉ ra các quan điểm về dân vận mà còn nêu lên những quan điểm chỉ đạo về công tác dân vận, phương thức tiến hành và lực lượng làm dân vận. Có thể coi bài báo là một tác phẩm kinh điển và cuốn cẩm nang trong việc xử lý mối quan hệ với Nhân dân của mỗi người làm cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Hồ Chí Minh thường dùng cả hai thuật ngữ: “Công tác quần chúng” và “dân vận” để chỉ một lĩnh vực công tác của Đảng. Theo Người: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, làm những công việc mà Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”1. “Dân vận” ở đây được hiểu bao hàm theo cả chiều rộng và chiều sâu. Theo chiều rộng, “Dân vận” là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một người nào, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Còn theo chiều sâu, “Dân vận” là phải hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hình thức vận động cho phù hợp.

Như vậy, đối tượng của công tác quần chúng đó chính là công tác đối với con người, nhằm phát huy nhân tố con người. Mục tiêu của công tác quần chúng là nhằm thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Về nhiệm vụ của công tác quần chúng là nhằm huy động, tập hợp lực lượng nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. Cách tiến hành công tác quần chúng phải được tiến hành từ cơ sở. Tư tưởng của Người về công tác dân vận có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, là cơ sở để Đảng ta đẩy mạnh công tác dân vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1969 – 1975 trên chiến trường B2.

Từ năm 1969 – 1975, Chiến trường B2 là chiến trường trọng điểm ở miền Nam Việt Nam, bao gồm các tỉnh thuộc cực Nam Trung Bộ: Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Bình Tuy; các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ: Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long, Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh, Hậu Nghĩa; các tỉnh thuộc miền Trung Nam Bộ: Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Định Tường, Kiến Hòa, Gò Công; các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ: Châu Đốc, An Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang, An Xuyên, Chương Thiện và đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Chiến trường B2 là nơi địch tập trung lực lượng nhiều hơn các chiến trường khác cả về quân số và vũ khí trang thiết bị.

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965 -1968). Đầu năm 1969, vừa nhận chức Tổng thống Hoa Kỳ, Níchxơn đã đưa ra học thuyết Níchxơn với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mục đích của chiến lược này là rút được quân viễn chinh về nước mà vẫn duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu mới thông qua chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam, không ngừng gia tăng các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, giành đất, giành dân, tiến hành cuộc chiến truyền thông, đánh phá khủng bố ác liệt lực lượng kháng chiến. Tình hình đó, công tác vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Trung ương cục miền Nam đã được đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả để giành thắng lợi trên “một mặt trận khác” đầy cam go này. 

Thứ nhất, Đảng ta luôn xác định rõ công tác vận động quần chúng là một nội dung quan trọng trong đường lối chiến lược cách mạng nhằm tập hợp lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn đánh thắng mọi kẻ thù.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích cuối cùng của công tác dân vận là vì lợi ích của nhân dân. Người từng khẳng định: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời để phấn đấu cho mục tiêu cao cả là nước nhà độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Người luôn căn dạy cán bộ, đảng viên đó là việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta hết sức tránh. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, quan tâm lợi ích của nhân dân cũng có nghĩa là phải luôn luôn chăm lo, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân về mọi mặt, để Nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của mình. Trước khi đi xa, trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”3.

Nhận rõ đặc điểm tình hình khó khăn ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, các cấp ủy đảng trên địa bàn miền Nam luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, để kịp thời động viên tinh thần và phát huy khả năng cách mạng to lớn của mọi lực lượng trong kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường B2. Để làm tốt công tác dân vận, Bộ Chính trị và Trung ương cục miền Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đẩy mạnh công tác nông vận, thanh vận, phụ vận cũng như xây dựng nhiều đề án quan trọng, để ra sức giáo dục tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh và xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng phong trào, ngăn chặn đẩy lùi các chính sách đàn áp, bóc lột của địch, tạo điều kiện tiến lên cao trào ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam.

Trong chỉ thị đẩy mạnh công tác nông vận ngày 06/01/1969 của Trung ương Cục miền Nam đã chỉ rõ: nông dân miền Nam là lực lượng cơ bản, chủ yếu trong đấu tranh chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và liên tiếp tạo nên nhiều phong trào rộng khắp với quy mô lớn và đã giành nhiều thắng lợi trong tiêu diệt sinh lực địch, phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ,… Phát huy sức mạnh to lớn của nông dân trong đánh bại chính sách bình định, lấn chiếm nông thôn của địch. Tháng 4/1970, Hội nghị cấp cao Nhân dân Đông Dương họp nhất trí ra Tuyên bố chung, thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân Đông Dương đoàn kết chống Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Nhân dân thế giới ủng hộ ba nước Đông Dương chống Mỹ xâm lược.

Thứ hai, Trung ương Cục miền Nam đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt dân chủ và các công tác chính sách để tập hợp, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân.

Muốn thực hiện tốt công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải đề cao dân chủ. Tư tưởng dân chủ của Người luôn luôn có cái cốt lõi: Dân là gốc; dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc thì dân phải là chủ. Dân chủ phải được hiểu là quyền con người, quyền được mưu cầu hạnh phúc như nhau. Mất cái lõi “dân là gốc” thì dân chủ sẽ thành vô nghĩa. Người khẳng định: “trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”4. Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, để thực hiện mọi nhiệm vụ. Muốn vận động Nhân dân thì điều cơ bản đầu tiên là phải phát huy dân chủ.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, Trung ương Cục miền Nam luôn kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn để tập hợp thu hút quần chúng nhân dân. Đặc biệt đối với thanh thiếu nhi, tăng cường công tác bảo vệ giáo dục và chăm sóc thiếu nhi, quan tâm chăm lo quyền lợi của tuổi trẻ, tăng cường đoàn kết các lực lượng thanh niên ở cơ sở, phát huy tác dụng của Mặt trận Liên hiệp Thanh niên miền Nam, kịp thời liên hiệp hành động với các tầng lớp thanh niên rộng rãi. Trung ương cục miền Nam cũng đã kịp thời đưa ra khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân, dưới khẩu hiệu trung tâm hòa bình độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa hợp dân tộc, ra sức tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân thành thị, đẩy mạnh các phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định nhằm ngăn chặn làm phá sản các chính sách độc tài phát xít hiếu chiến của địch từng bước đưa phong trào chính trị phát triển không ngừng. Thông qua cuộc vận động quần chúng đấu tranh cho các quyền lợi thiết thân đòi giải quyết đời sống kết hợp với các mặt đấu tranh khác mà ra sức tập hợp lực lượng quần chúng từng xóm ấp, từng khu phố, từng xí nghiệp, chợ búa, trường học, từng ngành và từng giới nhằm hình thành những phong trào đấu tranh rộng lớn có sức mạnh ngăn chặn đẩy lùi những âm mưu chính sách phản động của địch.

Thứ ba, Trung ương Cục miền Nam luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc lại câu ca dao bình dị trong đời sống thường nhật của dân mà có ý nghĩa như đúc kết một chân lý: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”5. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” Hồ Chí Minh đã viết “Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ có nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua; 9, 10 anh quan là được”6. Người kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”7.

Với đặc điểm địa bàn B2 đa dạng về dân tộc và tôn giáo, Trung ương Cục miền Nam luôn chú trọng đến công tác vận động ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, đồng bào có đạo. Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác vận động đồng bào theo đạo Hòa Hảo. Ngày 19/8/1971, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị tăng cường công tác vận động đồng bào theo đạo Hòa Hảo tích cực chống Mỹ – Thiệu. Chỉ thị nêu rõ mục tiêu vận động đồng bào Hòa Hảo trong tình hình mới là: đẩy mạnh hoạt động chống Mỹ, cứu nước; vận động đồng bào đoàn kết, tương trợ nhau trong mọi hoạt động sản xuất, bảo vệ đời sống; thực hiện đoàn kết toàn dân, tích cực ủng hộ và tham gia mặt trận dân tộc giải phóng. Trung ương Cục yêu cầu các tỉnh ủy, huyện ủy và các đơn vị có đồng bào theo đạo Hòa Hảo phải tiến hành chỉnh huấn lại công tác vận động tôn giáo. Công tác vận động trên một triệu tín đồ Hòa Hảo chống Mỹ, cứu nước, gìn giữ hòa bình là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách8.

Thứ tư, công tác dân vận luôn được Trung ương Cục miền Nam chú trọng đổi mới nội dung và phương thức tiến hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với điều kiện hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng9. Thực hiện công tác dân vận là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi lực lượng làm công tác này phải chủ động, linh hoạt, bền bỉ, sáng tạo, khoa học và tận tâm.

Chính nhờ thực hiện tốt việc thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức tiến hành mà các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng luôn được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân các thành thị diễn ra sôi nổi khiến địch không kiểm soát nổi tình hình.

Phong trào công nhân diễn ra liên tục, quyết liệt với những cuộc đấu tranh quy mô rộng lớn làm thất bại âm mưu khống chế, chia rẽ, phá hoại của tổ chức “Liên đoàn Lao công”, Đảng “Công nông” của Trần Quốc Bửu, tay sai của Mỹ. Trong đó, tiêu biểu là cuộc tổng bãi công của 10 vạn công nhân Sài Gòn ngày 25/5/1971; cuộc mít tinh của  hơn 1.000 đại biểu phong trào phụ nữ đòi quyền sống. Ủy ban nhân dân tranh thủ hòa bình; Nghiệp đoàn 36 chợ Đô Thành ngày 10/01/1971. Trong tháng 5 và 6/1971, tổ chức “Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình” tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thành thị, thành lập ở Sài Gòn đã phát triển nhanh ra các thành phố, thị xã khác, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở các đô thị chống chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ.

Thứ năm, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”10. Công tác dân vận muốn thành công cán bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong bài báo Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,…) đều phải phụ trách dân vận”11. Điều đó có nghĩa là tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận.

Đối với cán bộ, đảng viên muốn làm công tác dân vận phải thực hiện tốt việc nêu gương trước quần chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để nêu gương, trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho Nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”12. Đồng thời phải thực hiện tốt các kỹ năng: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”13. Qua lời căn dặn của Người, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải quan tâm và ra sức làm tốt công tác dân vận; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải vẹn đức, vẹn tài, tận tụy, trung thành, hết lòng phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Để tiến hành tốt công tác dân vận, Trung ương Cục miền Nam đã tích cực khẩn trương đào tạo bồi dưỡng xây dựng một đội ngũ cán bộ dân vận đông đảo và có chất lượng. Quán triệt tư tưởng về tiến hành công tác dân vận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”14.

Trung ương cục miền Nam đã làm tốt công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm tốt công tác dân vận. Hướng đào tạo là cán bộ cơ sở và cán bộ hoạt động công khai hợp pháp ở vùng địch. Yêu cầu nội dung đào tạo phải quán triệt những vấn đề đã nói ở trên. Ngăn ngừa việc điều động làm xáo trộn cán bộ dân vận. Từ đó đã xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng nhân dân, các giai tầng xã hội thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng mà trực tiếp là Trung ương cục miền Nam giành được nhiều thắng lợi trong đánh bại kế hoạch “bình định” của đế quốc Mỹ, góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pari.

Nhờ xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc, các tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng vươn sâu vào các địa phương phía Nam, các bến bãi đón nhận vũ khí, kỹ thuật được vận tải qua đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức an toàn. Khả năng huy động hậu cần tại chỗ không ngừng được tăng cường. Qua đó, đã giành thắng lợi trong cuộc chiến giành đất, giành dân, xây dựng lực lượng cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, đấu tranh.

Công tác dân vận đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, thực hiện thành công “ba mũi giáp công”, trên “ba vùng chiến lược”, đồng thời phát huy tốt vai trò hậu phương tại chỗ, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; củng cố mối quan hệ máu thịt Đảng – dân, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; vừa ngăn chặn địch vơ vét nhân lực, tài lực, vật lực phục vụ chiến tranh, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, vừa tích lũy nguồn lực, tạo thế và lực cho đòn quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Kết luận

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược một lần nữa đã khẳng định một đội quân xâm lược dù có ưu thế vượt trội nhiều lần về kinh tế, khoa học – kỹ thuật, vũ khí trang bị hiện đại không thể chiến thắng được sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp, đặc biệt là những “thành đồng”, “lũy thép” trên chiến trường B2. Chiến thắng trên chiến trường B2 hòa chung trong chiến thắng của cả nước, góp phần tạo lên chiến thắng của dân tộc, chiến thắng của cách mạng Việt Nam, đó là chiến thắng của lòng dân, của thế trận toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng quanh vinh, Bác Hồ vĩ đại, thông qua nhiều hoạt động, trong đó có công tác dân vận trên chiến trường B2 dưới sự lãnh đạo trực tiếp, đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1969 – 1975.

Chú thích:
1, 9, 11,13, 14. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232, 233, 233, 234, 234.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 587.
3,5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 15, H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 612, 280.
4, 12. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 453, 494.
6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 299.
7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 119.
8. Nguyễn Quý. Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, tr. 862 – 863.
10. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 313.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2000.
2. Văn Tiến Dũng. Về Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1996.
3. Văn kiện Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1969 – 1975. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020.
4. Văn kiện Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1969 – 1975. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020.