Vận dụng quan điểm “huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan pháo binh

Trung tá Phùng  Mạnh Hùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết khái quát quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ; chỉ ra một số ưu điểm, hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan Pháo binh thời gian qua. Từ đó, đề xuất những giải pháp cơ bản vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan Pháo binh hiện nay.

Từ khóa: Hồ Chí Minh; huấn luyện; Sĩ quan cấp phân đội; giáo dục, đào tạo; Trường Sĩ quan Pháo binh. 

1. Đặt vấn đề

Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới là nội dung rất quan trọng đối với các học viện, nhà trường quân đội nói chung và Trường sĩ quan Pháo binh nói riêng. Thời gian qua, Trường Sĩ quan Pháo binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo ra hàng vạn cán bộ pháo binh cho toàn quân và các nước bạn1. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay, cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, huấn luyện, nhất là quan điểm “Huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ và coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2, bởi vì “Huấn luyện là một việc rất cần… Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện làm sao xuôi?”3. Tuy nhiên, theo Người để huấn luyện đạt chất lượng hiệu quả cao, cần phải tập trung vào huấn luyện những nội dung theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và nhu cầu tổ chức cần, tránh huấn luyện dàn trải, chung chung, hình thức. Vì vậy, trong bài “Nói chuyện tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “Huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”4.

Trong quan điểm “Huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Huấn” là giáo huấn, là dạy dỗ để nâng cao nhận thức, phát triển nhân cách, phát huy những tiềm năng vốn có của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ cần nâng cao bản lĩnh, trình độ nhận thức, phẩm chất nhân cách người cán bộ cách mạng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; “Luyện” là rèn giũa, rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn, đưa họ vào trong hoạt động thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, năng lực công tác; đồng thời, tẩy trừ khuyết điểm, khắc phục những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân; “Thiết thực” nghĩa là dù có dạy bằng cách nào thì “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề”5“Chu đáo” nghĩa là dù làm việc gì đều cần được bàn bạc kỹ lưỡng, chuẩn bị cẩn thận, có kế hoạch cụ thể, tỷ mỉ và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.“Hơn tham nhiều” nghĩa là coi trọng chất lượng hơn số lượng, khi mở lớp huấn luyện thì “Mở lớp nào cho ra lớp ấy”; “Đừng mở lớp lung tung”. “Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi”6. Quan điểm huấn luyện “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều” được Người cụ thể hóa thành các yêu cầu này khi thực hiện các khâu, các bước của quá trình huấn luyện, như:

(1) Khi xác định mục tiêu, yêu cầu huấn luyện phải luôn bám sát vào tình hình thực tiễn; mục đích, nhu cầu sử dụng cán bộ của từng lực lượng; đặc điểm, nhiệm vụ của đối tượng huấn luyện để đề ra mục tiêu huấn luyện phù hợp, Người lấy ví dụ “Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ”7 và “ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy”8.

(2) Khi xác định nội dung huấn luyện phải bảo đảm toàn diện, gồm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, văn hóa, chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhưng phải thật sự thiết thực, ngắn gọn, đầy đủ, “đúng nhu cầu”, sát với thực tế, thực sự cần thiết cho chức trách, nhiệm vụ của từng người và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, bởi “học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích”9. Làm được điều đó mới bảo đảm huấn luyện được những người cán bộ theo đúng nhu cầu tổ chức cần, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(3) Khi lựa chọn hình thức, phương pháp huấn luyện phải phù hợp với mục tiêu, chương trình, nội dung, đối tượng huấn luyện, đặc biệt là phù hợp với thực tiễn cách mạng và tính chất từng nhiệm vụ. Các nội dung khác nhau thì phương pháp, hình thức tổ chức huấn luyện cũng phải khác nhau và phải thực hiện “Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành”10. Có như vậy, người học mới lĩnh hội được khối lượng kiến thức nhiều nhất, biết dùng sự hiểu biết đó vào trong thực hành công việc của mình.

3. Thực trạng chất lượng giáo dục đào tạo ở Trường Sĩ quan Pháo binh 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Trường Sĩ quan Pháo binh không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”.  Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, bám sát hướng dẫn, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường “đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng giảm thời gian huấn luyện lý thuyết, tăng thời gian thực hành, có cường độ cao, sát thực tế chiến đấu và sát đối tượng đào tạo”11.

 Hằng năm, vào đầu năm học, Nhà trường tổ chức xây dựng chương trình toàn khóa cho các đối tượng, điều chỉnh lại hệ thống chương trình đang sử dụng cho phù hợp, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, “kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện học viên, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng trong giảng dạy, học tập và quản lý, điều hành huấn luyện”12. Đa số học viên có ý thức trách nhiệm và tích cực trong học tập, công tác, đã biết kết hợp giữa lý luận với thực tiễn trong các nội dung học tập. Kết quả giáo dục – đào tạo các khóa đều đạt khá, có 100% học viên tốt nghiệp ra trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành chức vụ được giao (trong đó có trên 60% hoàn thành tốt), đặc biệt trên cương vị chức trách ban đầu là trung đội trưởng đã biết cách vận dụng các kiến thức vào tổ chức huấn luyện, nhất là hình thức huấn luyện thực hành13.

Tuy nhiên, chương trình giáo dục – đào tạo tuy có đổi mới nhưng chưa thật sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành; “kết hợp giữa giảng dạy với bồi dưỡng trình độ tổ chức chỉ huy, quản lý bộ đội và kỹ năng mềm cho học viên; tổ chức tự học của cán bộ và tự học của học viên có thời điểm chất lượng chưa cao”14. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhiều đồng chí tuổi đời, tuổi quân còn ít chưa qua thực tiễn đơn vị nên kinh nghiệm huấn luyện chưa nhiều, thiếu tính thực tiễn… nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là tới quá trình trang bị tri thức, kinh nghiệm huấn luyện cho học viên trong quá trình đào tạo tại trường. Một số học viên chưa tích cực trong học tập, rèn luyện, “năng lực thực hành trong diễn tập, huấn luyện dã ngoại còn hạn chế” dẫn đến chất lượng học tập chưa cao15. Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Pháo binh trong giai đoạn hiện nay.

4. Một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Pháo binh hiện nay

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường. Bởi vì, mọi hoạt động của con người đều bắt đầu từ nhận thức, nhận thức là cơ sở để hành động đúng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”16.

Nội dung giáo dục tập trung vào: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục – đào tạo trong Quân đội; trực tiếp là Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Binh chủng Pháo binh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị căn cứ vào thực tiễn đơn vị xác định nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, giúp cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu giáo dục – đào tạo đã xác định.

Hai là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn và phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ giảng viên. 

Đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, vì giảng viên là người trực tiếp truyền thụ tri thức, định hướng hành vi và thái độ nghề nghiệp cho học viên. Vì vậy, Nhà trường cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, tác phong công tác phải được quan tâm đặc biệt.Trên cơ sở đó, Nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, phân công công tác phù hợp, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện tự diễn biến, tự suy thoái, các trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, làm ảnh hưởng đến phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và hình ảnh tốt đẹp của người giảng viên đối với học viên.

Bên cạnh đó, Nhà trường cần thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động tập huấn nghiệp vụ sư phạm; hội thi giảng viên dạy giỏi; duy trì nghiêm các hoạt động, như: kiểm tra, dự giảng, giảng thử, thông qua bài giảng, nhằm phát hiện và khắc phục những hạn chế trong quá trình giảng dạy, “phấn đấu 100% giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường đạt chuẩn theo quy định đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo”17.

Ba làtiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. 

Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quy định phẩm chất, năng lực của đội ngũ sĩ quan chỉ huy pháo binh cấp phân đội sau khi ra trường. Do đó, đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện học viên sĩ quan pháo binh hiện nay phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc, phương châm trong giáo dục – đào tạo là: “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “giảng đường gắn với thao trường”, “nhà trường gắn liền với chiến trường, với đơn vị và xã hội”. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm của từng môn học, từng chuyên ngành đào tạo để đổi mới theo hướng tăng cường thời gian học thực hành, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cường độ cao, cập nhật tri thức về vũ khí, khí tài mới vào trong huấn luyện, nhằm làm cho người học phát huy hết khả năng trong nghiên cứu, nắm vững tri thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. 

Trên cơ sở chuẩn đầu ra và mục tiêu, mô hình đào tạo cho từng đối tượng, Nhà trường chỉ đạo các đơn vị và khoa chuyên môn tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng chương trình, nội dung, xác định các nội dung liên quan trong khối kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và chuyên ngành đang thực hiện, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, chưa phù hợp để giảng dạy bảo đảm sau khi ra trường, học viên có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong nâng cao chất lượng tự học nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp: trực quan, mô hình hóa; nêu vấn đề và giải quyết vấn đề; định hướng nghiên cứu kết hợp với sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, bảo đảm huấn luyện sát thực tiễn chiến đấu.

Bốn là, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của học viên.

Cần phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học viên trong nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Do đó, trước hết cần xây dựng động cơ, mục đích, thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện cho học viên, làm cơ sở giúp chuyển hóa quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện của nhà trường thành quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi học viên. Đồng thời, giúp học viên tích cực chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình học tập, vượt qua những cám dỗ của lợi ích vật chất tầm thường trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh đó, từng học viên phải tự đánh giá đúng thực trạng trình độ, năng lực của bản thân so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Từ đó, học viên sẽ nhận thức đúng điểm mạnh, điểm yếu và những nội dung còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế đó, làm cơ sở để tự xác định kế hoạch, thời gian, nội dung, phương pháp tự học hiệu quả. 

Mặt khác, để học viên thực hiện tốt kế hoạch tự học tập, cần thường xuyên quan tâm định hướng về nội dung, hình thức và phương pháp tự học tập, rèn luyện phù hợp với khả năng thực tế của đơn vị và từng học viên. Nội dung định hướng phải khách quan, trên cơ sở yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục – đào tạo; tránh áp đặt chủ quan, rập khuôn máy móc, có như vậy, việc tự học tập của học viên mới có chất lượng, hiệu quả cao.

Chú thích:
1. Đảng ủy Binh chủng Pháo binh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hà Nội, 2020.
2, 3, 9. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 309, 287 – 288, 343.
4, 5, 6, 7, 8, 16. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 355 – 363, 357, 363, 359, 357, 360.
10. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 467.
11, 15, 17. Đảng ủy Trường Sĩ quan Pháo binh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XX nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hà Nội, 2020, tr. 2, 8, 11.
12, 14. Đảng ủy Trường Sĩ quan Pháo binh. Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, Hà Nội 2023, tr. 1, 4.
13. Trường Sĩ quan Pháo binh. Báo cáo khảo sát lấy ý kiến từ cán bộ pháo binh toàn quân về chất lượng đội ngũ Sĩ quan mới ra trường, đào tạo theo chương trình đại học, thời gian 4 năm từ năm 2019 đến năm 2023, Hà Nội, 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng. Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo”, Hà Nội, 2023.
2. Đảng ủy Binh chủng Pháo binh. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hà Nội, 2020.
3. Đảng ủy Binh chủng Pháo binh. Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Hà Nội,2023.
4. Quân ủy Trung ương. Nghị quyết về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Hà Nội2022.