TS. Hoàng Cao Cường
Kim Thanh Thu
Trường Đại học Thương mại
Quanlynhanuoc.vn – Bài viết với mục đích xây dựng khung chuyển đổi số trong ngành Xuất bản – một ngành công nghiệp văn hóa đang trong quá trình chuyển đổi số rất mạnh mẽ hiện nay. Dựa trên tổng quan nghiên cứu, bài viết đề xuất khung chuyển đổi số ngành Xuất bản theo cách tiếp cận chuyển đổi số hoàn toàn. Nghiên cứu đã phát triển khung chuyển đổi số ngành Xuất bản với 7 khía cạnh và các thành phần cấu thành, các công việc cần phải giải quyết trong quá trình chuyển đổi số toàn diện này. Nghiên cứu đưa ra hai cấp độ chuyển đổi số: từng phần và toàn diện dựa trên tổng quan các nghiên cứu có liên quan.
Từ khóa: Chuyển đổi số; ngành Xuất bản; khung chuyển đổi số; Việt Nam; toàn diện; từng phần.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và góp phần nâng cao đời sống con người trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay. Chuyển đổi số được ví như một quá trình thay đổi mang tính toàn diện của tất cả các lực lượng sản xuất xã hội, từ các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – tổ chức chính trị xã hội, cá nhân người tiêu dùng trong làm việc, học tập và hưởng thụ thành quả lao động dựa trên ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, trong đó công nghệ kỹ thuật số là mấu chốt. Theo (Bounfour, A., 2016), chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số để giải quyết vấn đề, là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của tổ chức để thay đổi cách vận hành và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng của tổ chức1. Hay chuyển đổi số “là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Không chỉ vậy, chuyển đổi số còn là một sự thay đổi về văn hóa đòi hỏi các tổ chức phải liên tục thách thức hiện trạng, thử nghiệm và cảm thấy thoải mái với thất bại”2.
Trong hơn 10 năm qua, chuyển đổi số trong ngành Xuất bản trên thế giới đã đạt được một số thành quả thể hiện qua nhiều khía cạnh, đó là sự thay đổi văn hóa đọc sách in chuyển sang sách điện tử – sách kỹ thuật số (ebook đọc trên các thiết bị chuyên dụng, sách nói audiobook, sách hình động…), gia tăng số lượng và tỷ lệ đầu sách ebook được xuất bản, sự tăng trưởng về doanh số ebook; đồng thời, nhiều mô hình kinh doanh mới thuộc ngành Xuất bản ra đời. Việc số hóa thông tin là ebook đã tăng rất nhanh trong giai đoạn 2008 – 2018. Đơn cử, doanh số năm 2017 đạt trên 17,5 tỷ USD, đến năm 2018 đạt 19,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 10 – 12%/năm; năm 2020 có khoảng 191 triệu sách điện tử đã được bán, tăng 12,35% so với năm 20193; năm 2022, doanh thu từ sách điện tử chiếm 6,94% tổng doanh thu của ngành Xuất bản tại Hoa Kỳ4. Kết quả chuyển đổi số trong ngành Xuất bản trên thế giới không chỉ đo lường bằng số lượng đầu sách kỹ thuật số mà đã tạo ra những mô hình sáng tạo trong phân phối sản phẩm sách, thay đổi các quy trình sản xuất và phân phối sách, quy trình sử dụng sách; đồng thời, tiết kiệm chi phí sản xuất, lưu trữ, phân phối và tiêu dùng.
Theo (Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019), lợi ích lớn nhất của công nghệ kỹ thuật số đối với xuất bản sách nằm ở quy trình làm việc hợp lý, khả năng ra quyết định được cải thiện nhờ dữ liệu và phân tích cũng như khả năng nắm bắt các xu hướng đọc đang thay đổi. Đối với độc giả, khả năng tiếp cận sách được cải thiện và chi phí giảm là điều hấp dẫn. Vì vậy, công nghệ chuyển đổi số đã cách mạng hóa ngành Xuất bản tác động đến tất cả các yếu tố trong chuỗi giá trị cung ứng sách; đồng thời, mang đến những cơ hội to lớn không thể tính toán hết được.
Ở Việt Nam, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, hiện đại hóa”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2023, quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt 80 tỷ đồng; số lượt độc giả nghe sách nói đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản đạt 4.600 đầu, tăng 31,4% đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt 12% so với chỉ tiêu đề ra)5. Đây chính là minh chứng cho một phần của chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, bởi chuyển đổi số không chỉ là xuất bản điện tử mà chuyển đổi số ngành Xuất bản đã và đang diễn ra ở mọi khâu của quy trình xuất bản.
2. Cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số
Đến nay, chuyển đổi số đã trải qua các giai đoạn, từ số hóa dữ liệu đến số hóa các quy trình trong nội bộ doanh nghiệp và mở rộng tới các đối tác, khách hàng của doanh nghiệp. Số hóa dữ liệu (digitization) là quá trình chuyển từ hệ thống analog sang hệ thống kỹ thuật số) làm thay đổi dữ liệu trên giấy sang dạng kỹ thuật số, ví dụ chụp hình hoặc quét một bài viết trên giấy và chuyển sang dạng PDF. Số hóa dữ liệu là giai đoạn thấp nhất của chuyển đổi số. Ở mức cao hơn của số hóa dữ liệu, các tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả số hóa dữ liệu để thiết lập các quy trình số (digitalisation) trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm để thiết lập cách làm việc tốt hơn và khiến mọi công việc trở nên hiệu quả hơn. Chuyển đổi số là giai đoạn sau của số hóa dữ liệu và số hóa quy trình cũng là quá trình sử dụng công nghệ kỹ thuật số của nhà xuất bản để tạo hoặc điều chỉnh quy trình kinh doanh gắn liền với các bên liên quan, đặc biệt gắn với trải nghiệm và văn hóa của khách hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển xã hội số.
Theo (Bounfour, A, 2016), chuyển đổi số được hiểu rộng hơn khái niệm số hóa, đó là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của tổ chức để thay đổi cách vận hành và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng của tổ chức6. Daidj, N., (2022) cho rằng, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp các cơ hội tạo ra giá trị và doanh thu mới; đó là quá trình chuyển sang kinh doanh kỹ thuật số7. Chuyển đổi số không chỉ là các quy trình số có sử dụng công nghệ số mà là quá trình nâng cao kỹ năng và phát triển văn hóa kỹ thuật số, là chìa khóa để bảo đảm sự chuyển đổi bền vững và linh hoạt.
Theo (Johannes Vrana and Ripi Singh, 2021), số hóa là cải tiến các quy trình bằng các giải pháp kỹ thuật số trong khi chuyển đổi kỹ thuật số đang tận dụng công nghệ để cải tổ toàn bộ tổ chức.
Số hóa tác động đến các quy trình hoạt động trong khi chuyển đổi số là một sự thay đổi chiến lược. Số hóa hướng tới hiệu quả hoạt động trong khi chuyển đổi kỹ thuật số nhằm mục đích chuyển đổi hoàn toàn tổ chức8. Bên cạnh đó, tác giả (Jarosław Brodny, Magdalena Tutak, 2021) và (Johannes Vrana and Ripi Singh, 2021) lại chia chuyển đổi số theo mức độ số hóa từ thấp đến cao chủ yếu dựa trên công nghệ kỹ thuật số được sử dụng và phạm vi các chủ thể tham gia vào sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong thực hiện công việc.
Theo (Jarosław Brodny, Magdalena Tutak, 2021), chuyển đổi số trải qua 4 cấp độ: (1) Nâng cao về mặt kỹ thuật số và hỗ trợ công nghệ; (2) Nâng cao công nghệ, công nghệ tác động đến cách sản xuất và phân phối sản phẩm; (3) Nền tảng và tương tác. Các tổ chức chuyển đổi số thay vì chỉ bán sản phẩm, dịch vụ của mình đã chuyển sang xây dựng nền tảng công nghệ và mô hình kinh doanh để thúc đẩy sự tương tác giữa hai hay nhiều bên; (4) Phát triển hệ sinh thái kinh doanh, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, nâng cao thiết kế quản trị, chính sách và giá trị cho khách hàng và các bên liên quan.
Còn theo (Johannes Vrana and Ripi Singh, 2021), chuyển đổi số được phân chia thành: (1) Chuyển đổi quy trình là làm cho các quy trình nội bộ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn, ví dụ quy trình trao đổi thông tin hiệu quả, giảm thời gian sản xuất, giảm chi phí, giảm sai sót; (2) Chuyển đổi mô hình kinh doanh là một cách tiếp cận chuyển đổi kỹ thuật số quyết liệt hơn so với chuyển đổi quy trình. Ví dụ, công ty cải tiến hoạt động kinh doanh bằng cách số hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được phân phối bằng ứng dụng thương mại điện tử; (3) Chuyển đổi môi trường để thích nghi những thay đổi môi trường kinh doanh; (4) Chuyển đổi văn hóa, tổ chức là việc chuyển đổi về văn hóa tổ chức để phù hợp với môi trường kinh doanh số.
Chuyển đổi số cần được đo lường để đánh giá mức độ chuyển đổi, đây là cách tiếp cận đo lường chuyển đổi số cấp quốc gia của OECD. Theo (OECD, 2019), đo lường chuyển đổi số quốc gia cần ưu tiên thực hiện 9 hành động, bao gồm 4 hành động bao quát: (1) Đưa nền kinh tế số hiện rõ trong số liệu thống kê kinh tế; (2) Hiểu tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số; (3) Khuyến khích đo lường tác động của chuyển đổi kỹ thuật số đối với các mục tiêu xã hội và hạnh phúc của mọi người; (4) Thiết kế các phương pháp tiếp cận mới và liên ngành để thu thập dữ liệu. Bốn hành động này hướng đến việc xây dựng 5 hành động tiếp theo nhằm tạo ra dữ liệu và chỉ số có khả năng giải quyết những thách thức của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Đó là, (5) Giám sát các công nghệ làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là Internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain); (6) Cải thiện việc đo lường dữ liệu và luồng dữ liệu; (7) Xác định và đo lường nhu cầu kỹ năng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; (8) Đo lường niềm tin trong môi trường trực tuyến; (9) Thiết lập khung đánh giá tác động cho chính phủ kỹ thuật số.
Tổng hợp nghiên cứu của (Jarosław Brodny, Magdalena Tutak, 2021) và hai cấp độ chuyển đổi: chuyển đổi quy trình và chuyển đổi mô hình kinh doanh của (Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019) tương ứng với chuyển đổi số từng phần. Cấp độ 4 trong nghiên cứu của (Thanh, G. T, 2007) và hai cấp độ chuyển đổi môi trường và chuyển đổi văn hóa trong nghiên cứu của (Johannes Vrana and Ripi Singh, 2021) tương ứng với chuyển đổi số toàn diện.
3. Phương pháp nghiên cứu
Xây dựng khung chuyển đổi số ngành Xuất bản được tiếp cận từ các nghiên cứu chuyển đổi số và thực tiễn chuyển đổi số của một số nhà xuất bản tại Việt Nam. Xây dựng khung chuyển đổi số ngành Xuất bản có vai trò quan trọng đối với các nhà xuất bản trong việc xác định rõ lộ trình, các yếu tố cần xem xét và thực hiện.
Theo (Digital Adoptio, 2023), xây dựng khung chuyển đổi kỹ thuật số bắt nguồn từ vai trò của chuyển đổi số – một chất xúc tác trong quá trình phát triển kỹ thuật số có tổ chức, giúp các tổ chức chuyển đổi số có mục đích, mục tiêu rõ ràng, làm tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng. Thậm chí, một khung kỹ thuật số tốt còn trả lời cho các câu hỏi tại sao doanh nghiệp phải thay đổi và thay đổi như thế nào để hiệu quả hơn, những yêu cầu đó, bao gồm: (1) Trọng tâm chiến lược: khung này phải dựa trên các mục tiêu chiến lược của tổ chức, bảo đảm rằng tất cả các sáng kiến kỹ thuật số đều hỗ trợ các mục tiêu này; (2) Xác định vai trò của cán bộ, nhân viên chuyển đổi số; (3) Các yêu cầu công nghệ kỹ thuật số: xác định các công cụ, nền tảng và hệ thống kỹ thuật số phù hợp; (4) Cải tiến quy trình kinh doanh; (5) Hướng tới phục vụ khách hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng; (6) Cơ hội tăng trưởng phản ánh hiệu quả kinh tế của chuyển đổi số; (7) Quản trị rủi ro, ngăn ngừa và chống rủi ro khi chuyển đổi số; (8) Đo lường được kết quả bằng các chỉ số KPI.
Theo khung chuyển đổi số của (Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019) có 6 khía cạnh/lĩnh vực cấu thành chuyển đổi số cần xem xét trên hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của tổ chức là: chiến lược kinh doanh; tổ chức; văn hóa; công nghệ; khách hàng; con người.
4. Một số đề xuất khung chuyển đổi số ngành Xuất bản Việt Nam
Dựa theo khung chuyển đổi kỹ thuật số của (Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019) những yêu cầu của khung chuyển đổi kỹ thuật số của (Digital Adoptio, 2023) và đặc điểm, quy trình, yêu cầu của ngành Xuất bản đặc biệt liên quan tới xuất bản số. Khung chuyển đổi số ngành Xuất bản là một cấu trúc được thiết kế tỉ mỉ nhằm hướng dẫn các nhà xuất bản trong suốt hành trình chuyển đổi kỹ thuật số. Nó giống như một bản đồ hành trình hướng dẫn các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch, lộ trình, khai thác một cách có hệ thống các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi cơ bản hoặc tạo ra các quy trình kinh doanh, phối hợp các bên liên quan cải tiến các quy trình sản xuất, phân phối xuất bản phẩm, nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng. Chuyển đổi số ngành Xuất bản, cần sự tham gia của nhiều tổ chức, các nhóm người và cũng để phục vụ các nhóm người, tức là chuyển đổi số phải phục vụ con người.
Một là, về chiến lược kinh doanh, cần bám sát vào kế hoạch, chiến lược tổng thể và được tài liệu hóa và truyền thông để cán bộ, nhân viên nắm vững để nâng cao nhận thức trong hành động. Chiến lược hoặc bản kế hoạch sẽ là căn cứ quan trọng cho các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về chuyển đổi số trong thời gian những năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu của chiến lược, kế hoạch phải có tính thời sự theo đúng xu hướng và dựa trên nền tảng các nguồn lực tổng thể của mỗi nhà xuất bản. Ở Bảng 2, đối với thành phần cấu thành chiến lược kinh doanh, cần đặt thêm yêu cầu tính cụ thể (đo lường được) các chỉ số trong kế hoạch chuyển đổi số của nhà xuất bản.
Hai là, về tổ chức, đó là quy trình xây dựng và vận hành hệ thống sản xuất, phân phối xuất bản phẩm, như: tác giả, nhà phân phối, nhà phát hành, độc giả, nhà cung cấp giải pháp số cộng tác và phối hợp trong cung cấp chuỗi giá trị xuất bản. Trong Bảng 2, hệ sinh thái cần thay bằng hệ sinh thái xuất bản số; thành phần cấu thành cho thành phần tổ chức, cần được bổ sung là xây dựng và vận hành mô hình mới trong sản xuất; phân phối xuất bản phẩm thay cho doanh nghiệp mạo hiểm.
Ba là, về con người, thành phần này cần được đổi tên là nhân lực của nhà xuất bản, nhằm nâng cao về kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường số; đồng thời, lợi ích từ chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên của nhà xuất bản cũng cần được xem xét.
Bốn là, khách hàng, ngoài các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối để hình thành hệ sinh thái số, thành phần khách hàng của nhà xuất bản là độc giả – những người sử dụng xuất bản phẩm, tiêu dùng số các sản phẩm xuất bản là việc đọc ebook, các ấn phẩm số thay thế sách in…, thay đổi cách sở hữu sản phẩm là việc độc giả sử dụng dịch vụ đọc sách, nghe đọc.
Năm là, về công nghệ, cần khai thác, sử dụng và đầu tư công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số, sử dụng công nghệ kỹ thuật số là yêu cầu có tính cốt lõi của chuyển đổi số không những giúp cho nhà xuất bản chuyển đổi số mà nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản. Với sản phẩm xuất bản, yêu cầu về bản quyền và bảo vệ bản quyền phải được bảo đảm, do đó, giải pháp bản quyền đối với xuất bản phẩm mà đặc biệt đối với xuất bản phẩm số sẽ là một yêu cầu bổ sung.
Sáu là, môi trường văn hóa, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp vừa phản ảnh cách giao tiếp, tương tác của các nhân viên, cán bộ trong tổ chức góp phần thành công vào hoạt động của tổ chức. Trong các doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng và phát triển văn hóa số không chỉ quan trọng với mỗi thành viên mà cần có bầu không khí của tổ chức…, cũng cần được xem xét như là một cấu thành của môi trường số.
Ngoài kế thừa 6 khía cạnh, thành phần với sự phát triển các thành phần cấu thành, trong nghiên cứu của (Digital Adoptio, 2023), còn đề xuất thêm 2 khía cạnh: cơ hội tăng trưởng phản ánh hiệu quả kinh tế của chuyển đổi số và đo lường được kết quả bằng các chỉ số KPI. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất khía cạnh thứ bảy đó là kết quả chuyển đổi số.
Để đạt được kết quả chuyển đổi số như đã đề ra, đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần phải tư duy số, tức là phải suy nghĩ, xây dựng những chiến lược chuyển đổi số căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp, nhà xuất bản, nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, cần sử dụng công nghệ kỹ thuật số áp dụng trong quá trình sản xuất – kinh doanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ xuất bản. Mặt khác, phải gắn với thị trường và hướng đến cải tiến các quy trình kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức lao động cho nhân viên và bộ máy lãnh đạo.
Để hướng tới chuyển đổi số toàn diện, khung chuyển đổi số ngành Xuất bản với thành phần cấu thành sẽ là một gợi ý hợp lý. Khung được phát triển từ khung chuyển đổi số sáu khía cạnh của (Jimmy Bumann, Marc K. Peter, 2019 và tổng hợp từ nhiều nghiên cứu liên quan về chuyển đổi số trong ngành Xuất bản.
Trong Hình 2b, giả sử một nhà xuất bản phải chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi số thì chiến lược chuyển đổi số; con người, công nghệ, tổ chức sẽ là những khía cạnh cần chuẩn bị kỹ lưỡng, các khía cạnh khách hàng, kết quả chuyển đổi số, văn hóa số là thành quả của chuyển đổi số. 4 khía cạnh là: chiến lược chuyển đổi số; con người; công nghệ; tổ chức và các thành phần cấu thành được sử dụng để đánh giá sự sẵn sàng chuyển đổi số nhưng thêm 3 khía cạnh: kết quả chuyển đổi số; văn hóa số và các thành phần cấu thành sẽ giúp đo lường và đánh giá mức độ chuyển đổi số. Tuy nhiên, những vấn đề nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là chưa phát triển được thang đo mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Vì vậy, các nghiên cứu tiếp theo, cần tiếp tục khẳng định và bổ sung các khía cạnh, thành phần cấu thành khung chuyển đổi số ngành Xuất bản; phát triển thang đo các khía cạnh và thành phần cấu thành sẽ là công cụ đo lường và đánh giá mức độ khả thi chuyển đổi số các nhà xuất bản.
6. Kết luận
Khung chuyển đổi số ngành Xuất bản là công cụ giúp các nhà xuất bản xác định các công việc cần thực hiện và các kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số toàn diện. Ngoài ra, khung chuyển đổi số có thể được sử dụng để phản chiếu thực trạng mức độ sẵn sàng và kết quả chuyển đổi số của các nhà xuất bản ở Việt Nam hiện nay.
Chú thích:
1, 3. Bounfour, A. (2016). Digital Futures, Digital Transformation: From Lean Production to Acceluction (Progress in IS). Sce Aux France: Springer, edition 1.
2. Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2021, tr. 11.
4. Statista. (2023, Nov 20). https://www.statista.com/outlook/dmo/digital-media/epublishing/ebooks/worldwide. Retrieved from staista.com: https://www.statista.com
5. Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Năm 2023, tỷ lệ xuất bản sách điện tử vượt chỉ tiêu. https://www.vietnamplus.vn, ngày 31/12/2023.
6. Daidj, N. (2022). Developing Strategic Business Models and Competitive Advantage in the Digital Sector. In Publishing Industry: What is the Future of Newspapers, Magazines, and Books? (pp. 316 – 337). IGI Global.
7. Johannes Vrana and Ripi Singh. (2021). Digitization, Digitalization, and Digital Transformation. In N. M. al, Handbook of Nondestructive Evaluation 4.0 (pp. 2 – 17). Switzerland AG: Springer, Cham.
8. Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hiện nay. https://www.tuyengiao.vn, ngày 14/12/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết đối với ngành Xuất bản. https://laodong.vn, ngày 12/01/2024.
2. Bammel, J. (2017). From Paper to Platform: Publishing, Intellectual Property and the Digital Revolution. Yaoundé: WIPO.
3. Digital Adoption. (2023, July 24). https://www.digital-adoption.com/digital-transformation-framework/. Retrieved from Digital-adotion: https://www.digital-adotion
4. Daidj, N. (2022). Developing Strategic Business Models and Competitive Advantage in the Digital Sector. In Publishing Industry: What is the Future of Newspapers, Magazines, and Books? (pp. 316-337). IGI Global.
5. Digital Adoption. (2023, July 24). https://www.digital-adoption.com/digital-transformation-framework/. Retrieved from Digital-adotion: https://www.digital-adotion
6. Hracs, B. J. (2012). A Creative Industry in Transition: The Rise of Digitally Driven Independent Music Production. Growth and Change, 442 – 461. Inamdar, A. (2022, Jul 22). https://www.forbes.com/sites/forbeshumanresourcescouncil/2022/07/22/digitaltransformation-and-its-impact-on-organizational-culture/?sh=15ec27b329a2. Retrieved from https://www.forbes.com
7. Luật Xuất bản năm 2012.
8. Thủ tướng: Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. https://bvhttdl.gov.vn, ngày 13/7/2023.
9. Nghiên cứu xu thế và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động xuất bản Việt Nam và đề xuất giải pháp thực hiện hoạt động biên tập, in và phát hành của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. https://sti.vista.gov.vn, truy cập ngày 05/4/2024.
10. Nghiên cứu đề xuất giải pháp xuất bản sách phục vụ mục tiêu chuyển đổi số đối với lĩnh vực quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông. https://sti.vista.gov.vn, truy cập ngày 15/4/2024.
11. OECD. (2019). Measuring the Digital Transformation: A road map for the Future. Paris: OECD Publishing. www.oecd.org/going-digital/measurement-roadmap.pdf.
12. OECD. (2021). The digital transformation of SMEs’, OECD Studies on SMEs and Entrepreneurship. Paris: OECD.
13. Phạm Văn Thấu. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến xuất bản và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực xuất bản ở nước ta. Tạp chí Lý luận chính trị, số 3/2019.
14. Phát triển xuất bản số ở Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 27/10/2022.
15. UNCTAD and UNDP. (2008). Creative Economy Report 2008. Geneva: UN.
16. Vũ Thùy Dương. Xuất bản điện tử và nhu cầu đào tạo xuất bản điện tử. Tạp chí Lý luận chính trị, số 7/2019.
17. Xây dựng nguồn lực xuất bản điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 24/8/2020.
18. Jimmy Bumann, Marc K. Peter. (2019). Action Fields of Digital Transformation – A Review and Comparative. In Digitalisierung und andere Innovationsformen im Management (pp. 13 – 40). Northwestern: Edition Gesowi.
19. Johannes Vrana and Ripi Singh. (2021). Digitization, Digitalization, and Digital Transformation. In N. M. al, Handbook of Nondestructive Evaluation 4.0 (pp. 2 – 17). Switzerland AG: Springer, Cham.
20. Jarosław Brodny, Magdalena Tutak. (2021). Assessing the level of digitalization and robotization in the enterprises of the European Union Member States. PLoS ONE, 1 – 36.