Giá trị của tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay

ThS. Cao Phan Giang 
Học viện Chính trị Khu vực I

(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng thân dân là một trong những tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn với hoạt động chính trị của đất nước. Nhờ tư tưởng này mà Nhà nước đã huy động được sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh của toàn dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu chính trị trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả thời chiến tranh, khi hòa bình và cả quá trình đổi mới hiện nay. Bài viết phân tích bản chất của tư tưởng thân dân, qua đó nêu những giá trị của tư tưởng này đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Từ khóaTư tưởng thân dân; lịch sử; chính trị; Việt Nam; xây dựng đất nước.

1. Bản chất của tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam 

Trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, có nhiều cách diễn đạt khác nhau để chỉ nội hàm của tư tưởng thân dân, như: tư tưởng gần dân, tư tưởng lấy dân làm gốc, kính trọng dân, dân chủ…  Nhờ tư tưởng này mà Nhà nước đã huy động được sức mạnh của toàn dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu chính trị trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại lịch sử, trong thực tiễn cuộc sống và vận dụng vào nhiệm vụ và công việc cụ thể của đất nước và vận mệnh dân tộc, các thế hệ đi trước đều coi Nhân dân là cội nguồn và là trung tâm của mọi hành động và quyết sách. Đó là:

(1) Thời Trần, xem Nhân dân là lực lượng quyết định trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Trần Quốc Tuấn cho rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”1. Ở thời này, Hội nghị Diên Hồng như một biểu tượng của ý chí toàn dân đoàn kết, thống nhất trong toàn xã hội, biểu hiện ở mối quan hệ tốt đẹp giữa Triều đình và Nhân dân.

(2) Thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi, tư tưởng khoan sức dân, lo cho dân, dựa vào dân được xem là mục đích quan trọng trong việc dựng nước và giữ nước. Nguyễn Trãi quan niệm, Nhân dân là lực lượng có vai trò quyết định đến sự thịnh suy của một triều đại. Do đó, ông đã viết: “Phúc chu thủy tín dân do thủy – Lật thuyền mới rõ dân như nước”2. Có thể thấy, đường lối chính trị của Nguyễn Trãi là đường lối chính trị nhân nghĩa. Trong đó, việc cứu dân, nuôi dân là việc cần phải làm đầu tiên. Đồng thời, các chủ trương, chính sách, quan hệ đối xử của Triều đình đều phải căn cứ vào lòng dân.  

(3) Ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương thực hiện đường lối chính trị “vương đạo”. Đó là đường lối gắn bó với Nhân dân. Ông viết: “Nếu nhà vua có bó đuốc sáng thì nên soi đến dân ở nơi nhà nát, xóm nghèo”; “xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân”3. Đó là đường lối chính trị yêu nước, thương dân, bề ngoài là vương đạo nhưng thực chất là thân dân.

(4) Tư tưởng thân dân của Hồ Chí Minh thể hiện ở lòng thương yêu Nhân dân, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc4Bên cạnh đó, tư tưởng thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đ­ược thể hiện rõ ở quan điểm lấy dân làm chủ, đồng thời, nhấn mạnh vai trò làm chủ của Nhân dân đối với đất n­ước: “Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của Nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của Nhân dân”5.  Tư tưởng thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và học tập, làm theo trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi thành lập và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kế thừa và phát triển tư tưởng thân dân truyền thống của dân tộc. Dựa vào dân, lấy dân làm gốc, bảo đảm quyền lợi của Nhân dân, thực hiện dân chủ là mục tiêu của xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị nói riêng và chế độ chính trị ở Việt Nam nói chung. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng đã chỉ ra một trong năm bài học quan trọng của đổi mới là: bài học “dân là gốc”6. Theo đó, quan điểm của Đảng là nhất quán: “Lấy Nhân dân làm trung tâm”7 (là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội); “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân”8(là định hướng phát triển đất nước của của Đảng trong thời kỳ đổi mới). Những nội dung này cho thấy,Đảng đã thấm nhuần, phát triển và cụ thể hóa tư tưởng thân dân trong quá trình đổi mới đất nước. 

2. Giá trị của tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam với công cuộc xây dựng đất nước

Thứ nhất, về đổi mới, phát triển đất nước, trong đó có đổi mới chính trị.

Tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam đã khẳng định tính quy luật: muốn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chính trị cần phải thân dân. Xa dân, đi ngược lòng dân tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái xã hội, tương lai bại vong của nền chính trị. Chính vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước ngày nay, cần phải quán triệt nguyên tắc thân dân, bảo đảm quyền lợi của dân, thực hiện dân chủ. Những yếu tố này trở thành mục tiêu và động lực thực sự của quá trình đổi mới. 

Hệ thống chính trị phải được xây dựng trở thành một hệ thống dân chủ. Trong đó, Đảng đại diện cho quyền lợi của Nhân dân lao động, giữ vững là tổ chức lãnh đạo hệ thống chính trị và quá trình đổi mới của đất nước. Xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đại diện cho tiếng nói và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Trong mọi hoạt động, quyết sách chính trị ở nước ta phải quán triệt nguyên tắc đặt lợi ích của tập thể, của người dân lên trên hết. Xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ dân, gần dân; cán bộ, công chức nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ của dân”9.

Thứ hai, về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng thân dân trong lịch sử đã chỉ ra rằng, để đưa đất nước phát triển thì phải xây dựng chế độ chính trị gần gũi với dân, biết đoàn kết và phát huy sức mạnh của Nhân dân, yêu dân, tin dân, thực hiện thân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”10. Ngày nay, nước ta trên con đường dân chủ hóa, tiến tới thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân. Theo đó, hệ thống chính trị, chính quyền phải bảo đảm là bộ máy đại diện cho quyền lực của dân, phải gần gũi, có trách nhiệm phục vụ dân. Trong quá trình đổi mới, cần xây dựng văn hóa trọng dân, xem đây là thước đo của hoạt động chính trị và các chủ thể chính trị lãnh đạo, quản lý.

Tư tưởng thân dân cũng cho thấy, để bảo đảm xây dựng thành công chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa phải được thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực và các phương diện của đời sống xã hội, như: dân chủ trong kinh tế, dân chủ về chính trị và dân chủ trong văn hóa – xã hội. Trong đó, phải bắt đầu từ dân chủ trong kinh tế để  bảo đảm đời sống no đủ cho Nhân dân “thực túc thì binh cường”, “vật chất no đủ thì tinh thần mới thong dong” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn. 

Giá trị của tư tưởng thân dân chỉ ra rằng, để các giá trị dân chủ trở thành hiện thực thì dân chủ phải được thực hiện trên tất cả các khía cạnh, từ giá trị nhận thức (luật pháp, quy định, chính sách, nhận thức của cán bộ, nhân dân và toàn hệ thống chính trị) đến xây dựng một thể chế chính trị và hành động dân chủ của các chủ thể chính trị. 

Trong hai cơ chế dân chủ hiện nay là “dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”, cần phải được đẩy mạnh theo hướng mở rộng dân chủ trực tiếp. Việc mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp sẽ giúp người dân có thể đưa ra các quyết sách và lựa chọn trực tiếp trong quá trình làm chủ. 

Thứ ba, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, trong đó có một nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải bảo đảm là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tư tưởng thân dân là nền tảng để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mục tiêu của Nhà nước chính là đoàn kết, khơi dậy sức mạnh, nguồn lực tổng hợp của dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân để hoàn thành thắng lợi mục tiêu chính trị. 

Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, từ đối nội đến đối ngoại. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục, như: cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện; vai trò giám sát của Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; hệ thống pháp luật chưa thống nhất đồng bộ; chấp hành pháp luật chưa nghiêm minh; cải cách hành chính chưa đáp ứng nhu cầu11. Vì vậy, muốn xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh, cần phải đẩy lùi nạn tham ô tham nhũng, xa dân, sách nhiễu dân, đồng thời, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực tư pháp và xây dựng văn hóa công chức, đạo đức công vụ để cán bộ nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, lắng nghe, học hỏi, kính trọng dân, có văn hóa liêm chính, để cán bộ thực sự trở thành “đầy tớ trung thành của Nhân dân”.

3. Kết luận

Tư tưởng thân dân trong lịch sử dân tộc đã chỉ ra rằng, thân dân, lo cho dân, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân sẽ là con đường đi đến thắng lợi cho sự nghiệp chính trị nói riêng và quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình cách mạng khó khăn và lâu dài, đòi hỏi phải có sự ủng hộ và quyết tâm của toàn thể Nhân dân. Chỉ có như vậy, đất nước mới thực hiện được thành công mục tiêu chính trị và đưa đất nước phát triển hùng cường. Bài học “thân dân” hơn lúc nào hết vẫn còn nguyên giá trị cho hoạt động chính trị ngày nay.

Chú thích:
1. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thưTập 2. H. NXB Khoa học xã hội, 1972, tr. 89. 
2. Viện Sử học. Nguyễn Trãi toàn tập. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 281.
3. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt NamTập 1. H. NXB Khoa học xã hội, 1993, tr. 359.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.377. 
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.90.
6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.96, 99, 118.
9, 11. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 60, 598.
10. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 249.
Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Phú Trọng. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tạp chí Cộng sản, tháng 12/2021, số 979.
2. “Lấy dân làm gốc” – nguyên tắc nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. https://www.vietnam.vn, ngày 02/5/2024.
3. Thân dân – nét đặc sắc trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. https://xaydungdang.org.vn, ngày 09/6/2015.
4. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 30/4/2024.’
5. Nguyên tắc tập trung dân chủ – nguồn gốc thắng lợi của cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/4/2024.