Mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp xe công nghệ Grab

TS. Lê Hải Hà
Trường Đại học Thương mại
Lê Thị Thu Hồng, Vũ Anh Thư, Nguyễn Thị Lý, Tống Thị Thu, Vũ Thị Uyên
Sinh viên Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ đã nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều người dân. Với ưu điểm như sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam. Trong phạm vi nội dung bài viết sẽ phân tích tác động của mô hình kinh tế chia sẻ với Việt Nam thông qua nghiên cứu trường hợp xe công nghệ Grab tại Việt Nam.

Từ khóa: Mô hình kinh tế chia sẻ; xe công nghệ Grab; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế dựa trên thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất hàng loạt hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế về chi phí sản xuất, lãng phí trong tiêu dùng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Mô hình kinh tế chia sẻ phát triển sẽ giúp giải quyết những vấn đề đặt ra với nền kinh tế thế giới hiện nay. Theo đó, kinh tế chia sẻ tạo nên chuỗi hệ thống giá trị kinh doanh, hợp tác giữa các bên để tạo ra giá trị cho sản phẩm, mỗi một cá nhân trong chuỗi đó sẽ hưởng một phần giá trị tạo ra trong chuỗi và cùng chia sẻ với nhau.

Mô hình kinh tế chia sẻ vào Việt Nam cuối năm 2013 ở lĩnh vực xe công nghệ với hãng xe Easy taxi. Ngay sau đó, mô hình này đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với sự gia nhập của 2 “ông lớn” trong ngành xe công nghệ trên thế giới là Uber và Grab. Có thể nói, mặc dù mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện tại Việt Nam muộn nhưng cuộc cạnh tranh thị phần cũng rất khốc liệt với một loạt các mô hình gọi xecông nghệ như Grab, Be, Go Việt.

2. Tổng quan nghiên cứu

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của khoa học – công nghệ trong thời gian qua kinh tế chia sẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải đã sớm xuất hiện tại châu Âu dưới hình thức dịch vụ đi chung xe. Môhình kinh tế chia sẻ phổ biến trong lĩnh vực vận tải là “việc kinh doanh dựa trên chia sẻ việc sử dụng một tài sản và tài nguyên vận tải giữa các cá nhân hoặc tổ chức khác nhau”1. Các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ đã huy động một số lượng lớn phương tiện vận tải (ô tô, xe máy) của cá nhân, đơn vị kinh doanh tham gia vào loại hình dịch vụ vận tải trực tuyến và kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ kết nối vận tải, trường hợp điển hình như: dịch vụ vận tải trực tuyến Grab, Fastgo, Be…

Đối với nền kinh tế, kinh tế chia sẻ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển và cơ cấu lại bộ máy quản lý, điều hành trong sản xuất – kinh doanh… Đối với người tiêu dùng, đây là cơ hội để có thêm nhiều sự lựa chọn trong dịch vụ vận tải, người tiêu dùng có thể lựa chọn những dịch vụ tốt với mức giá cả hợp lý, nâng cao chất lượng sử dụng, đồng thời, bảo đảm hơn về mức độ an toàn, tiết kiệm chi phí…

Theo Hoàng Văn Cương (2020)2, kinh tế chia sẻ có bản chất là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Từ năm 2014, Grab và Uber đã trở thành hai ông lớn trong lĩnh vực vận tải công nghệ, tạo nên làn sóng mạnh mẽ tác động đến ngành này. Tại Canada, kinh tế chia sẻ được đánh giá là có khả năng chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và trong lĩnh vực vận tải nói riêng có sự giao thoa với các ngành nghề kinh doanh truyền thống gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Việc quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ, nhất là trong việc thu thuế của những chủ thể tham gia hoạt động trong mô hình này gặp rất nhiều khó khăn bởi vì sự phức tạp và tinh vi trong cách thức tiến hành kinh doanh của nó. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự xung đột lợi ích gay gắt giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống.

3. Tác động mô hình kinh tế chia sẻ – nghiên cứu điển hình trường hợp Grab tại Việt Nam

Công ty công nghệ đa quốc gia Grab được thành lập vào năm 2012 có trụ sở chính tại Singapore và hoạt động rộng khắp khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Grab được coi là một siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, thu hút hàng trăm triệu người dùng kể từ khi thành lập. Các dịch vụ thiết yếu của Grab gồm: di chuyển (xe máy, taxi, đưa đón sân bay…), giao hàng (giao hàng nhanh, giao hàng siêu thị, giao đồ ăn), dịch vụ tài chính (cho vay, bảo hiểm, thanh toán không tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ của Grab, như: gọi xe taxi, đặt xe, đặt đồ ăn, đi siêu thị, giao hàng nhanh), doanh nghiệp và các dịch vụ khác. 

Theo báo cáo của ABI Research, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 3 doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường gọi xe ở Việt Nam là Grab, Be và Goviet (Gojek). Grab gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, theo khảo sát của Q&Me, năm 2020, Grab chiếm 74,6% thị phần gọi xe công nghệ với khoảng 68% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng Grab và khoảng 190.000 tài xế, năm 2021 cho thấy, Grab vẫn chiếm khoảng 60% thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam3.

a. Những tác động tích cực khi Grab vào Việt Nam

Một là, đối với người sử dụng.

(1) Mô hình gọi xe công nghệ của Grab giúp cải thiện và nâng cao sự an toàn cho cả tài xế và khách hàng.

Với sự xuất hiện mô hình gọi xe công nghệ của Grab, sự an toàn khách hàng và tài xế đã được cải thiện rõ rệt. So với trước đây, khi khách hàng và tài xế không có các thông tin rõ ràng về chuyến đi, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thì hiện nay người dùng có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ đặt xe với thông tin tài xế và khách hàng cụ thể cũng như biết rõ lộ trình của mình và luôn được hỗ trợ nhanh chóng giảm thiểu tối đa các rủi ro về an toàn. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều người đã chọn chuyển sang sử dụng các nền tảng xe công nghệ nói chung và Grab nói riêng thay vì xe taxi truyền thống.

(2) Mô hình gọi xe công nghệ của Grab giúp tăng tiện ích cho khách hàng. 

Giúp khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng thông qua hệ thống đánh giá tài xế hoặc trải nghiệm sau chuyến xe thông qua ứng dụng Grab trên thang điểm 1 – 5 sao kèm theo nhận xét. Thông qua nền tảng ứng dụng nên tỷ lệ đánh giá, nhận xét sẽ cao hơn và điều này giúp cải thiện dịch vụ, điều chỉnh những vấn đề còn thiếu sót một cách nhanh chóng. 

Giá cước rẻ hơn so với các hãng xe truyền thống và gọi xe công nghệ khác. Mô hình gọi xe công nghệ áp dụng giá cước rõ ràng cùng với tuyến đường cụ thể giúp khách hàng nắm được thông tin về chuyến đi của mình. Trong khi giá cước của taxi Xanh SM dao động từ 20.000 đồng cho km đầu tiên và giảm dần xuống 12.500 đồng/km áp dụng cho kilomet thứ 26 trở đi, đã bao gồm thuế VAT. BeCar 4 chỗ của Be có giá 29.000 đồng/km, từ kilomet tiếp theo đến kilomet thứ 12 là 11.500 đồng/km. Các dòng xe 5 – 7 chỗ của taxi Mai Linh có giá mở cửa là 20.000 đồng/1,28 km, tuy nhiên, giá từ kilomet tiếp theo sẽ khác nhau tùy vào số ghế và kích thước xe. Trong khi đó dịch vụ GrabCar của Grab có giá cước là 29.000 đồng/2km và mỗi kilomet tiếp theo có giá 10.000 đồng. Nếu so sánh giá cước trên quãng đường 10km, có thể thấy giá của Grab rẻ hơn so với các hãng xe khác4.

Hai là, đối với nền kinh tế.

(1) Tạo việc làm, tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.

Sự xuất hiện của mô hình gọi xe công nghệ của Grab tại Việt Nam đã tạo ra việc làm mới, cơ hội thu nhập tốt hơn cho các đối tác lái xe, giúp họ có được sự chủ động và linh hoạt hơn trong công việc và cuộc sống. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến 2022, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ5. Đây là một con số đáng kể, góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và tạo thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó mô hình cũng giúp tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, bao gồm: nguồn lực về tài sản và nguồn lực về thời gian. Việc tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội đã góp phần giải quyết vấn đề lãng phí nhân lực và tạo ra giá trị mới cho xã hội.

(2) Giảm ùn tắc giao thông, khí thải, bảo vệ môi trường.

Grab Share là dịch vụ cho phép hành khách chia sẻ hành trình, chia sẻ chi phí với hành khách khác, có lộ trình ngang qua điểm đến của nhau. Dịch vụ này giúp giảm số lượng xe lưu thông trên đường, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông. 

Từ ngày 27/02/2023, Grab sẽ triển khai thêm dòng xe điện. Đây là nỗ lực nhằm mang lại cho đối tác thêm đơn hàng từ những người dùng ưa chuộng “lối sống xanh”, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Grab cũng triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, chẳng hạn như chiến dịch “Lái xe an toàn, bảo vệ môi trường”.

Ba là, đối với doanh nghiệp.

Mô hình xe công nghệ của Grab xuất hiện tại Việt Nam đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất mạnh mẽ đến các hãng taxi truyền thống. Điều này khiến các đơn vị taxi “truyền thống” không chỉ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thay đổi tìm ra mô hình hoạt động mới giữ chân khách hàng.

Mô hình kinh doanh Grab đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nền tảng của mình. Thông qua nền tảng của Grab, các doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng khách hàng lớn đã tham gia vào ứng dụng của Grab cùng với hàng loạt các ưu đãi lớn Grab tung ra để thu hút và giữ chân khách hàng sẽ giúp cho các doanh nghiệp thêm đơn hàng, tăng doanh thu. Ngoài ra, các doanh nghiệp được tiếp cận với phương thức giao hàng với chi phí thấp, làm giảm giá thành cuối cùng tới tay người tiêu dùng sẽ giúp cho sản phẩm của mình tăng tính hấp dẫn và dễ tiếp cận khách hàng hơn.

Bốn là, đối với Nhà nước.

(1) Tăng cường quản lý và giám sát hoạt động vận tải hành khách: mô hình xe công nghệ của Grab xuất hiện giúp Nhà nước có thêm cơ sở dữ liệu để quản lý và giám sát hoạt động vận tải hành khách một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, mô hình đã cung cấp cho Nhà nước các thông tin về số lượng tài xế, xe, hành khách…, qua hệ thống ứng dụng của mình. Qua đó, Nhà nước có thể nắm bắt được tình hình hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn cả nước, từ đó có những biện pháp quản lý phù hợp.

(2) Khuyến khích thanh toán điện tử: việc sử dụng ứng dụng Grab Pay và các hình thức thanh toán điện tử khác trong việc gọi xe công nghệ giúp nâng cao hiệu quả giao dịch và giảm rủi ro liên quan đến giao dịch tiền mặt. Điều này cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào nền kinh tế số.

b. Tác động tiêu cực của mô hình gọi xe công nghệ Grab 

Thứ nhất, đối với người sử dụng.

(1) Lo ngại về bảo mật thông tin.

Việc chia sẻ thông tin cá nhân thông qua giao dịch trực tuyến có thể tạo ra các nguy cơ vi phạm bảo mật và lừa đảo trực tuyến. Với mô hình gọi xe công nghệ nói chung và Grab nói riêng, có rất nhiều trường thông tin mà khách hàng cần cung cấp như: địa chỉ, số điện thoại, thẻ hoặc ví thanh toán điện tử. Các tài xế có những thông tin này của người sử dụng dịch vụ và có thể sử dụng nó với mục đích khác, như: công khai thông tin để bêu rếu khi nhận được đánh giá kém, quấy rối, đe dọa… Hơn nữa, với thanh toán không tiền mặt, người dùng còn có nguy cơ lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, thẻ visa, thông tin cá nhân bị rao bán trên nền tảng khác. 

(2) Chất lượng dịch vụ chưa được bảo đảm.

Trong mô hình gọi xe công nghệ của Grab, người cung cấp dịch vụ là chủ sở hữu của phương tiện có thời gian rảnh và muốn kiếm thêm thu nhập thông qua phương tiện đang có. Họ trở thành tài xế mà không được đào tạo bài bản về kỹ năng, cách ứng xử, thái độ… Do đó, một bộ phận khách hàng cảm thấy bất tiện, khó chịu vì sự thiếu chuyên nghiệp. Nhiều trường hợp một số tài xế không đăng ký, không có giấy tờ đầy đủ, thiếu minh bạch, có những đối tượng đã giả dạng tài xế Grab để tiến hành các hành vi bất chính như cướp của, giết người… Thậm chí, nhiều tài vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và sử dụng ma túy để tranh thủ thời gian hoàn thành nhiều chuyến đi gây nguy hiểm cho khách hàng.

Thứ hai, đối với nền kinh tế.

Trong mô hình gọi xe công nghệ của Grab, mối quan hệ giữa tài xế và Grab là mối quan hệ “đối tác”, do đó, họ không được hưởng các quyền lợi lao động cơ bản như được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay phúc lợi xã hội do đặc thù hợp tác “đối tác” không thuộc về khung luật định của Bộ luật Lao động. Đồng thời, không có đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho lái xe khi xảy ra tranh chấp với nền tảng. Theo khảo sát tiếp cận an sinh xã hội của lái xe công nghệ Grab tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2020, chỉ có 6,3% và 9,5% lái xe ở Hà Nội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 4,8% ở nữ và 6,3% là nam tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Lý do không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có 68,4% không có đủ tiền, 21,1% thấy không có nhiều lợi ích cho bản thân và 10,5% nói rằng họ không hiểu biết về bảo hiểm nhiều lắm, hoặc không có nhu cầu, chưa nghĩ đến và cũng không biết hỏi ai…6.

Ngoài việc công ty có thể đơn phương thay đổi các chính sách chiết khấu, khen thưởng đối tác và ưu tiên cho đối tác ưu tú, công ty có thể chấm dứt hợp tác giữa mình và tài xế bất cứ lúc nào tài xế vi phạm những điều khoản trong thỏa thuận đã ký kết. Hiện nay, một bộ phận người lao động mua xe để chạy Grab và coi đây là công việc kiếm sống thì khi xảy ra biến cố không thể dự đoán như chính sách hay dịch vụ thì họ là đối tượng bị tổn thương, ảnh hưởng tới quyền lợi. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Grab đã sa thải 360 nhân viên (5% lực lượng lao động toàn thời gian). Vào tháng 6/2023, Grab đã cắt giảm hơn 1.000 lao động (11% lực lượng lao động của hãng) để “thích ứng với môi trường” và tiết kiệm chi phí7. Điều này đã gây ra tình trạng thất nghiệp, tổn thương về tinh thần và thiệt hại về tài chính đối với phần lớn người lao động đã làm việc tại Grab, đồng thời cũng tạo gánh nặng cho xã hội.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp.

Mô hình gọi xe công nghệ của Grab nảy sinh xung đột với các hãng xe taxi truyền thống do sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các hãng xe này. Trong khi các hãng taxi truyền thống với nguồn lực có hạn, thì hãng gọi xe công nghệ Grab có lợi thế về nền tảng công nghệ và nhất là nguồn vốn đầu tư lớn. Với sức mạnh tài chính, mô hình gọi xe công nghệ của Grab có thể áp dụng chiến lược giá cạnh tranh để thu hút khách hàng, thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi hấp dẫn thành công thu hút được nhiều người dùng và tạo chỗ đứng trên thị trường. Giai đoạn mới ra mắt, mô hình gọi xe công nghệ của Grab cũng đã cung cấp hàng loạt mã khuyến mãi như chuyến xe miễn phí cho người dùng mới, mã ưu đãi cho những khách hàng thân thiết, tặng voucher khi mời bạn bè gọi xe công nghệ của Grab… 

Ngoài ra, các hãng taxi truyền thống phải chịu thủ tục hành chính phức tạp và rất nhiều chi phí tuân thủ quy định pháp luật, trong khi mô hình gọi xe công nghệ Grab không chịu những áp lực này. Mô hình gọi xe công nghệ của Grab được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích doanh nghiệp dựa trên công nghệ. Chính sự cạnh tranh không bình đẳng này đã khiến nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng.

Thứ tư, đối với Nhà nước.

(1) Quản lý về thuế

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab gây tranh cãi về vấn đề tài chính và đóng thuế tại Việt Nam. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động và thu thuế đối với doanh nghiệp này. Trong khi không ngừng mở rộng quy mô, thống lĩnh thị trường, thì Grab lại liên tục báo lỗ. Trong khi đó, theo quy định về thuế của Việt Nam, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Grab cũng không thuộc đối tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ban đầu là công ty 100% sở hữu của người Việt, sau đó nhà đầu tư nội chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm dưới 51% cổ phần) nên không phải xin giấy phép đầu tư, không thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán hằng năm. Tận dụng những điều này, Grab Việt Nam đã tránh nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương 20% thu nhập chịu thuế dù doanh thu ngày càng tăng. Một vấn đề quan trọng khác xung quanh hoạt động tài chính của Grab Việt Nam là việc chuyển một lượng tiền đáng kể ra nước ngoài. Bản chất và mục đích của các khoản thanh toán này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch tài chính của công ty và tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam.

(2) Vấn đề chủ quyền quốc gia

Tháng 4/2023, bản đồ trên ứng dụng của Grab tại Việt Nam đã thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, đó là không thể hiện đầy đủ quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, một số tên thực thể được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Và nhiều vị trí lại được thể hiện tên gọi bất hợp pháp mà Trung Quốc đặt ra cho một số hòn đảo thuộc nước ta8.

4. Nguyên nhân gây ra tác động tiêu cực của Grab đến Việt Nam

(1) Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành, nghề kinh doanh.

(2) Còn thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế chia sẻ và truyền thống. Nếu cơ quan quản lý điều hành không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn thì tính ưu việt của mô hình gọi xe công nghệ của Grab sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. 

(3) Thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(4) Thiếu các cơ chế, chính sách quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh tế chia sẻ.

(5) Thiếu các chính sách về quản lý lao động, việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động và chủ sử dụng lao động trong nền kinh tế chia sẻ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong mô hình kinh tế chia sẻ.

(6) Các quy định về an toàn thông tin chưa đề cập đầy đủ đến trách nhiệm các bên khi thông tin bị rò rỉ, mất mát, nghiêm trọng hơn là bán thông tin trái phép không được sự đồng ý của khách hàng.

(7) Đối với các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ có trụ sở ở nước ngoài nhưng đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài.

(8) Còn thiếu các cơ chế, chính sách về quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

(9) Mô hình kinh tế chia sẻ cũng đưa tới nguy cơ cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống với các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, nảy sinh bất cập do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

5. Định hướng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

a. Định hướng.

(1) Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống theo theo Quyết định số 999/QĐ-TTg  ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

(2) Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thị trường lao động liên liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, có quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động tham gia vào mô hình và giải quyết tranh chấp.

(3) Hoàn thiện các quy định pháp luật về tài tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến tổn thất của doanh nghiệp truyền thống do cạnh tranh không lành mạnh hoặc cạnh tranh không công bằng của doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ gây ra.

(4) Nghiên cứu việc sử dụng các công cụ chính sách tiết chế xả thải ra môi trường của mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình gọi xe công nghệ nói riêng như: thuế, phí, quy định về đăng ký ngành, nghề kinh doanh và đặc biệt quản lý hoạt động kinh doanh.

b. Giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong nền kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Thứ hai, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình kinh tế truyền thống trong từng ngành cụ thể. Để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống (áp dụng chung).

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ hiện còn đang ở mức thấp. 

Thứ tư, Nhà nước cần bảo đảm công tác thanh tra, kiểm tra và bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, bảo đảm chủ quyền trên không gian mạng được thực hiện tốt trong bối cảnh các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng. 

Thứ năm, tăng cường nhận thức của các bên trong nền kinh tế chia sẻ về các quyền và nghĩa vụ của họ, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Nhà nước cũng cần bổ sung các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Chú thích:
1. World Bank (2016). The Sharing Economy: Issues and Implications for Development. Washington, DC: World Bank.
2. Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và giải pháp. https://vjst.vn, ngày 17/01/2020.
3. Grab vẫn giữ ngôi số một thị phần gọi xe công nghệ Việt. https://startup.vnexpress.net, ngày 20/11/2020.
4. So sánh giá taxi Vinfast với các hãng taxi truyền thống. https://otodien.vn, truy cập ngày 14/4/2024.
5. Đề xuất có thêm chính sách an sinh xã hội cho lái xe công nghệ. https://kinhtedothi.vn, ngày 04/5/2022.
6. Tiếp cận an sinh xã hội của lái xe công nghệ Grab tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. https://sti.vista.gov.vn, truy cập ngày 14/4/2024.
7. Hãng taxi công nghệ Grab sa thải hơn 1.000 nhân viên. https://www.vietnamplus.vn, ngày 21/6/2023.
8. Grab đã khắc khục sai lệch bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam. https://baochinhphu.vn, ngày 12/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Grab (2023). Travel Southeast Asia with Ease: Grab launches new features and tie ups to welcome travellers back to the region.
2. Q&Me (2017). Impact of Grab and Uber on Vietnamese consumers.
3. Q&Me (2021). Ridehailing vs Traditional transportation: Demand difference in Vietnam.
4.  Sheila Chiang (2023). Singapore’s Grab says its ride-hailing unit is on track to hit pre-Covid levels by the end of the year.
5. Statista (2023). Market share of Grab in the ride-hailing segment in Vietnam from 2019 to the first half of 2020.