Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với sự phát triển bền vững ngành Chè của tỉnh Thái Nguyên

TS. Phạm Thị Thanh Phương
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thôngĐại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Dựa trên quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh quy trình sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường1, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý có hiệu quả đối với ngành chè từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm trà. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước đã đưa ra những định hướng phát triển cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, thực thi các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất chè để phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ để tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành chè tỉnh Thái Nguyên.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, sự phát triển bền vững, ngành chè, tỉnh Thái Nguyên

1. Đặt vấn đề

Chè là loại cây lâu năm, được trồng phổ biến ở khu vực trung du miền núi phía Bắc. Trong số các tỉnh tại khu vực này, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu về diện tích và sản lượng với hơn 22,2 nghìn ha chè, cho sản lượng khoảng 260,9 nghìn tấn2. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước, chè Thái Nguyên với thương hiệu nổi tiếng là chè Tân Cương luôn được đánh giá cao về chất lượng. Đây cũng là loại cây công nghiệp đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện chủ trương phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực của Đảng và Nhà nước, trong đó có cây chè với sản lượng từ 1,2 đến 1,4 triệu tấn chè búp tươi vào năm 20303, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực4, trong đó tập trung chủ yếu vào cây chè làm cơ sở cho việc thực thi các giải pháp phát triển bền vững ngành chè. 

2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với ngành chè tỉnh Thái Nguyên 

Để phát triển bền vững ngành chè, tỉnh xác định nội dung đầu tiên là trồng mới cây giống và kiểm soát tiêu chuẩn các giống chè mới. Các cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh việc khuyến khích và trợ giúp một phần các giống chè mới có chất lượng và năng suất tốt hơn cho người nông dân. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có diện tích trồng mới, trồng lại chè đạt 1.298 ha nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao lên 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã kiểm định 19,76 triệu cây chè và chứng nhận giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn để phục vụ cho trồng mới; chứng nhận 22,61 triệu hom giống đạt tiêu chuẩn (giống chè LDP1 đạt 21,05 triệu hom; giống TRI777 đạt 1,56 triệu hom) để cung cấp cho vườn ươm chè giống phục vụ công tác trồng chè5.

Để quản lý tốt quá trình canh tác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích người dân bỏ thói quen sử dụng các nguyên liệu hóa học đầu vào như phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… có tác động tiêu cực lâu dài đến các đặc tính của đất, gây ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng của các thành phẩm từ cây chè thông qua các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm bón cây chè, các cuộc hội thảo về lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong canh tác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành vận động, tuyên truyền các cơ sở sản xuất đăng ký tiêu chuẩn VietGap. Kết quả làtoàn tỉnh có khoảng 70% tổng diện tích trồng chè đăng ký áp dụng tiêu chuẩn Vietgap nhưng chỉ có 5.148 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hữu cơ chiếm gần 23 % diện tích chè toàn tỉnh6. Tuy nhiên, một số hộ trồng chè ở nhiều khu vực, như: huyện Đại Từ, huyện Phú Lương đã từ bỏ áp dụng tiêu chuẩn này do không đáp ứng được những yêu cầu gắt gao của tiêu chuẩn. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã, 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đạt sản lượng trên 53,5 nghìn tấn/năm6. Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng thiết lập mã vùng trồng chè trong tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 20 mã nội tiêu) được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định7.

Để giúp ngành chè tỉnh nhà phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều các hoạt động hỗ trợ trong khâu xúc tiến thương mại, như: năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên và tổng Công ty hàng không Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 – 2027, mở ra cơ hội hai bên phát triển xúc tiến du lịch, đầu tư thương mại và hàng không. UBND tỉnh cũng thúc đẩy các cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn OCOP, đến hết năm 2023 toàn tỉnh đã có 151 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao. Bên cạnh đó, cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh đã giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trà trên sàn thương mại điện tử của C-ThaiNguyen, Vỏ Sò (voso.vn), PostMart (postmart.vn). Để mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh phía Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và văn hóa trà Thái Nguyên tại Không gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 20238.

Những nỗ lực không ngừng của cả cơ quan quản lý nhà nước và người trồng chè trong sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu đã giúp giá trà Thái Nguyên luôn cao hơn so với các vùng chè khác trong cả nước. Sản phẩm trà cũng đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, như: trà “Móc câu” trung bình từ 300.000 đồng/kg – 500.000 đồng/kg; trà “Tôm nõn” giá 600.000 – 1.000.000 đồng/kg tùy theo vụ và theo vùng. Ở những vùng chè đặc sản của tỉnh, như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh… giá sản phẩm cao cấp ” trà Đinh” có giá trị cao từ 2,5 triệu đồng – 5 triệu đồng/kg, trong đó đã có nơi sản phẩm  “Chè Đinh”  được bán với giá rất cao từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/kg thành phẩm. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất còn đa dạng hóa các sản phẩm với nhiều loại, như: trà sen, trà nhài… và các sản phẩm làm từ chè, như: ống hút trà xanh, bột trà xanh, kẹo trà xanh, cá kho trà xanh…

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chè, tỉnh Thái Nguyên còn phải đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể:

Một là, diện tích chè thực tế không tăng và phần lớn diện tích trồng chè còn lại của các hộ nông dân vẫn chưa đạt bất cứ một tiêu chuẩn nào về an toàn vệ sinh môi trường. Mặc dù trong những năm vừa qua, mỗi năm đã trồng mới gần 100 ha nhưng diện tích chè của tỉnh cơ bản cũng không tăng, nhiều diện tích chè bị thu hẹp để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị nên việc thực hiện mục tiêu về tổng diện tích chè đạt 23.500 ha vào năm 2025 sẽ khó hoàn thành9. Qua tìm hiểu thực tế tại các hộ trồng chè, người nông dân phản ánh việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn như VietGap còn nhiều thủ tục rườm rà, quy trình khắt khe khiến các hộ sản xuất nhỏ lẻ không áp dụng được, cộng với tư duy sản xuất manh mún, thời vụ, nhằm cung cấp số lượng lớn chè thô cho thương lái khi vào vụ nên người nông dân đang dần làm giảm chất lượng, uy tín đối với sản phẩm chè Thái Nguyên. Đặc biệt, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu khiến đất đai bị chua hóa, ô nhiễm môi trường.

Hai là, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nên khó quản lý về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thành chuỗi giá trị. Nhiều vùng trồng chè có quy mô nhỏ lẻ, số lượng hộ tham gia hợp tác xã đạt thấp nên không có sự liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng, dẫn đến khó kiểm soát về quy trình sản xuất, chế biến và chất lượng thành phẩm và khó đáp ứng các đơn hàng lớn, có giá trị cao trong xuất khẩu. Các kênh phân phối chưa rộng khắp và hầu hết mang tính tự phát nên quy mô thị trường chưa thực sự mở rộng, các sản phẩm chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Các sản phẩm trà hữu cơ còn ít nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng xanh- sạch của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, để phát triển bền vững ngành chè của tỉnh, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ.

3. Một số giải pháp 

Để phát triển bền vững ngành chè, các cơ quan quản lý nhà nước phải ưu tiên thúc đẩy thực hiện các giải pháp vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo dựng những hướng đi bền vững cho sự phát triển ngành chè trong tương lai.

Thứ nhất, tổ chức quy hoạch các vùng trồng chè theo hướng bảo tồn các vùng chè. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại diện tích trồng chè truyền thống, bổ sung thêm quỹ đất trồng chè từ diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả, tránh việc quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp trên đất trồng chè. Việc quản lý tốt quỹ đất trồng chè còn giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý quy trình sản xuất chế biếnđối với các vùng trồng và chế biến chè trên toàn tỉnh. 

Thứ hai, quản lý quy trình sản xuất và chế biến các vùng trồng và chế biến chè theo hướng hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, chất lượng đất và chất lượng môi trường hiện đang được quan tâm để nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng đất, tránh việc sử dụng các loại phân bón hóa học trên đất nông nghiệp gây tác hại xấu đến môi trường. 

Để phát triển bền vững ngành chè, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến vấn đề quản lý quy trình sản xuất và chế biến theo hướng đưa các hộ cá thể vào các hợp tác xã, xây dựng lộ trình để các doanh nghiệp, các hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn VietGap, tập trung phát triển mạnh ứng dụng quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học; thâm canh chè ứng dụng công nghệ tưới nước chủ động, tiết kiệm. Giúp các cơ sở sản xuất và chế biến khắc phục khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là một giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, áp dụng phương pháp tưới chủ động trong sản xuất chè đã góp phần cải tạo đất, môi trường, hướng tới sản xuất xanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và uy tín đối với thương hiệu chè Thái Nguyên. 

Thứ ba, tổ chức xây dựng lộ trình để các cơ sở sản xuất liên kết với nhau, thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, gắn với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn. Đây cũng là giải pháp bắt buộc để sản phẩm trà đáp ứng được các thông lệ quốc tế và bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hộ sản xuất riêng lẻ cần được tham gia vào hợp tác xã và cùng thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chung của vùng chè. Điều đó, giúp liên kết các vùng trồng chè nhỏ lẻ, nhằm tăng khả năng đáp ứng các đơn hàng có giá trị lớn.

Thứ tư, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các cơ sở sản xuất đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ra các tỉnh, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, kết nối các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tham gia bán sản phẩm trà trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục về sở hữu trí tuệ; ghi, gắn nhãn hàng hoá sản phẩm chè, tạo dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, quản lý và hướng dẫn sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” cho các sản phẩm chè trên thị trường, tránh tình trạng các cơ sở sản xuất tự phát trong tạo dựng thương hiệu và gắn nhãn đối với các sản phẩm trà không đạt tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của chỉ dẫn địa lý đối với vùng chè Thái Nguyên.

Thứ năm, tích cực tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa trà. Xây dựng mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà giúp tăng thu nhập cho người dân và khiến người trồng chè tích cực hơn trong xây dựng các làng nghề trồng và chế biến chè, áp dụng các tiêu chuẩn để tạo ra các sản phẩm trà hữu cơ có chất lượng và giá bán cao.

4. Kết luận

Phát triển bền vững ngành chè tại tỉnh Thái Nguyên là mục tiêu quan trọng nhằm bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh trong dài hạn. Qua đó, giải quyết bài toán công ăn việc làm cho người lao động, tạo lập môi trường sinh thái xanh – sạch cho các vùng trồng chè. Trong tương lai gần, sản phẩm trà của tỉnh cần gắn với uy tín, chất lượng và được truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm bảo các sản phẩm đa dạng phong phú, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với sự phát triển bền vững ngành chè tỉnh Thái Nguyên bao gồm từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm trà hữu cơ, an toàn, bảo đảm môi trường xanh – sạch, có sự gắn kết giữa các cơ sở sản xuất nhằm tạo dựng một thương hiệu uy tín cho vùng trồng chè lớn nhất cả nước.

Chú thích:
1. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phát huy lợi thế, xây dựng chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia. https://thainguyen.gov.vn, ngày 15/10/2023. 
3. Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
4. Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
5, 6, 7, 8, 9. Báo cáo số 956/BC-SNN ngày 15/3/2024 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ Trà tỉnh Thái Nguyên.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 24/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm Trà Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2020.
3. Digital marketing góp phần nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 18/01/2024.