Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

ThS. Phạm Thị Minh Thuỷ
Học viện Chính trị Khu vực I

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng hiện nay đã trở thành phong trào và là một xu hướng không thể đảo ngược “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Tham ô, tham nhũng là “sự tha hoá” của quyền lực. Hành vi này là của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi hành vi đó là “ăn cắp của công” gây tổn hại cho xã hội, làm mất niềm tin của Nhân dân, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Người khẳng định: lãnh đạo là phải kiểm tra không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Bài viết góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị trí công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo tư tưởng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng; tiêu cực.

1. Những nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Trong quá trình ra đời và phát triển, công tác kiểm tra của Đảng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm đặc biệt, được vận dụng trung thành và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện mới, thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, công tác kiểm tra của Đảng là một phương thức lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi kiểm tra, kiểm soát là hoạt động tất yếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là khâu không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo và trở thành phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Một mặt, kiểm tra sẽ góp phần uốn nắm những lệch lạc, thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mặt khác, kiểm tra là vũ khí rất quan trọng chống lại tệ quan liêu, chống lại nguy cơ mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và với chính quyền. “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”1.

Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát nhằm giúp phát hiện các kẽ hở, những sai sót trong các cơ chế, chính sách, các quy định, pháp luật để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm xử lý kịp thời các biểu hiện và ngăn ngừa nguy cơ mầm mống phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 xác định: kiểm tra, giám sát nhằm “phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”2. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công cụ quan trọng, hữu hiệu để kiểm soát việc thực thi quyền lực có hiệu quả.

Hai là, về phương pháp kiểm tra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên nên phải được thực hiện nghiêm túc, có kế hoạch. (1) Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn. (2) Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo mà phải đi đến tận nơi. (3) Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”3.

Đảng viên là thành tố cấu thành nên tổ chức Đảng. Đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc đảng viên, bảo đảm cho tổ chức Đảng là một tổ chức thống nhất, chặt chẽ nhất và có kỷ luật nghiêm minh nhất. Bằng phương pháp kiểm tra, giám sát thông qua tổ chức đảng và đảng viên được tiến hành một cách thường xuyên, đồng bộ, toàn diện để tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Đồng thời, đánh giá đúng ưu điểm để phát huy và chỉ ra những hạn chế để sửa chữa khắc phục, kịp thời biểu dương khen thưởng hoặc thi hành kỷ luật công bằng, nghiêm minh.

Ba là, về phối hợp có hiệu quả giữa tổ chức đảng và các cơ quan Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổ chức đảng các cấp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình “Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”4. Vì vậy, “Mỗi cấp uỷ phải quy định nhiệm vụ cho mỗi chi bộ, mỗi đảng viên. Có như vậy mỗi người mới có một trách nhiệm nhất định”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô. Phát hiện ra những việc lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra được những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô”6. Chống quan liêu để giúp các cơ quan Nhà nước đổi mới công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần củng cố bộ máy nhà nước.

Việc phối hợp có hiệu quả với các tổ chức trong Hệ thống chính trị (nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật) là một trong những phương pháp hữu hiệu trong  công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Hoạt động kiểm tra không chỉ đơn thuần là biện pháp phát hiện mà còn là biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, các tổ chức, đơn vị trong khu vực công bao gồm giám sát quyền lực và giám sát xã hội. Theo đó, giám sát quyền lực do cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thực hiện, giám sát xã hội do các tổ chức, cá nhân trong xã hội, trong đó được thể chế thành chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thanh tra Nhân dân trong các cơ quan Nhà nước thực hiện.

Bốn là, về cán bộ làm công tác kiểm tra.

Người thẳng thắn phê phán: “hiện nay còn có một số cấp ủy đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của địa phương mình,… Đó là thành kiến sai lầm, cần phải sửa chữa”7.

Để tinh thông nghiệp vụ kiểm tra, các cán bộ kiểm tra đảng phải tích cực học tập. “các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt, phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến”8.

Cán bộ kiểm tra đảng phải là người chuẩn mực, liêm khiết, không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Người cán bộ thanh tra phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, tự mình phải gương mẫu cho người khác. Người chỉ thị rõ ràng: “phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được, phái người lười đi thanh tra công việc người khác cũng không được”9.

Người cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra phải tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng khi thực hiện nhiệm vụ được giao; không dao động, ngả nghiêng trước những tác động tiêu cực hoặc những cám dỗ đời thường, kiên quyết khắc phục khó khăn và không lùi bước trước trở ngại trong công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ động cơ trong sáng, trung thực, khách quan, công tâm, trong sạch chống lại những lực cản là mặt trái của nền kinh tế thị trường đang hàng ngày, hàng gíờ tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ kiểm tra. Do đó, cán bộ kiểm tra phải biết giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, không vì lợi ích cá nhân mà làm điều sai trái, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ kiểm tra, hạn chế đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, làm tổn hại đến lợi ích và thanh danh của Đảng.

2. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã và đang đề ra nhiệm vụ, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quánlà “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”10.

Về tổ chức, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 01/02/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo. Hơn 10 năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và “trở thành xu thế không thể đảo ngược”. Với kinh nghiệm đó, Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh” góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, toàn diện, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hiện nay.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một hoạt động cấp thiết, quan trọng, Hơn nữa mức độ và hành vi còn có diễn biến phức tạp tinh như Đảng ta đã đánh giá: “Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp”11.

Tính đến ngày 31/12/2020 có 51.988 tổ chức cơ sở đảng và có 5,2 triệu đảng viên. Đây là nguồn lực mạnh mẽ để đảng đủ sức mạnh lãnh đạo đất nước và toàn xã hội đi đến thắng lợi. Đòi hỏi lực lượng này phải thực sự tinh nhuệ. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng12.

Đáp ứng yêu cầu và thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, đủ năng lực lẵnh đạo, năng lực cầm quyền cần xiết chặt kỷ cương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng qua việc thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ đảng viên đặc biệt là người đứng đầu phải luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi hành động. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra cần công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc sai phạm tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục, răn đe và cảnh báo chung. Điều này cũng góp phần ngăn chặn sự tha hoá, trực lợi từ sư chưa đồng bộ hay hoàn thiện cơ chế chính sách. Hơn nữa, việc công khai này còn tạo ra sự đồng thuận và hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. để chất lượng kiểm tra, giám sát đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ trung ương đến cơ sở nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khoa học và khả thi. Trong đó, tập trung vào các thiết chế, biện pháp chủ động tăng cường phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên có thể xảy ra từ lúc mới manh nha. Xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thu hồi tài sản và khắc phục những hạn chế và hậu quả do tham nhũng, tiêu cực gây ra, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp xử lý nghiêm và thay thế để tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn kết chặt chẽ với cơ chế kiểm soát quyền lực. Mục tiêu là tạo ra sự đồng bộ và thống nhất trong việc thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với kỷ luật đảng và “không có vùng cấm”.

Xây dựng các chuẩn mực đạo đức và các tiêu chí để đánh giá bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất mà lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát để. Thiết lập cơ chế đãi ngộ, cơ chế quản lý để lực lượng này “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không cần tham nhũng”.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

Tập trung kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, các cán bộ chủ chốt và người đứng đầu trong những lĩnh vực và vị trí công tác có nguy cơ xảy ra các hành vi tiêu cực để theo dõi, bám sát, nhắc nhở, cảnh tỉnh, ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra.

Trước hết công tác kiểm tra, giám sát thực hiện ở các chi bộ. Trên cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, phát huy tính tự nguyện, tự giác và vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Tập trung thường xuyên tự kiểm tra đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy quản lý chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để sửa chữa, khắc phục và điều chỉnh một cách chủ động.triệt để, tránh tình trạng khuyết điểm kéo dài, từ những khuyết điểm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm của cá nhân lan sang thành của tập thể.

Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chủ động tham mưu, ban hành các văn bản của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thể chế hóa ngay chủ trương, quan điểm của Đảng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát; hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế phát hiện việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Thứ , xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ năng lực và uy tín, thành thạo nghiệp vụ, tư duy logic, tác phong làm việc khoa học, cán bộ kiểm tra rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, ý chí vững vàng, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tham nhũng. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát., gắn với thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra phải được chú trọng quan tâm về nội dung, phương pháp, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chức danh và ngạch bậc của từng cá nhân. Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo bầu không khí dân chủ; xây dựng văn hóa kiểm tra, mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong công tác kiểm tra theo đúng theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các cấp ủy, tổ chức đảng; giữa cơ quan ủy ban kiểm tra với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan báo chí, truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân

Xây dựng quy chế phối họp với các cấp ủy, tổ chức đảng; giữa cơ quan ủy ban kiểm tra với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan báo chí, truyền thông. Từng bước nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát cơ bản đã đề ra, đồng thời tích cực tham mưu giúp cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo điểm 2, Điều 30, Điều lệ Đảng; thực tiện tốt nhiệm vụ cấp ủy giao và chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ theo Điều 32 Điều lệ Đảng. Xây dựng mối quan hệ công tác giữa các cơ quan trong phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và từng địa phương.

Bổ sung và hoàn thiện cơ chế phối hợp giám sát giữa giám sát của Đảng với giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân nhằm tránh sự chồng lấn, trùng lặp trong quá trình triển khai hoạt động giám sát của mỗi tổ chức. Đặc biệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức này đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng à nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Chú thích:
1, 3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 327, 636, 637.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr.144 – 145.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 638.
6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 504.
7, 8. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 362, 363 – 364.
9. Thanh tra Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thanh tra. tr.73
10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 250 – 251, tr 223 – 224.
12.105 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. https://plo.vn, ngày 01/02/2024.