Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

ThS. Lê Thị Tố Nga,
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam
Hồ Khánh Linh,
Nguyễn Thanh Thảo
Sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung đánh giá sự tác động của các nhân tố: kiến thức của sinh viên về nghiên cứu khoa học; thái độ của sinh viên đối với nghiên cứu khoa học; động cơ của sinh viên về nghiên cứu khoa học, môi trường nghiên cứu khoa học đến việc hình thành và phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Qua kết quả khảo sát ý kiến của hơn 200 sinh viên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm định mô hình nghiên cứu thông qua phần mềm SPSS 25.0 và rút ra những kết luận, có những đề xuất giải pháp phù hợp nhằm phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

Từ khoá: Nghiên cứu khoa học, kỹ năng nghiên cứu khoa học, sinh viên, Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

1. Đặt vấn đề

Babbie (2011)1 cho rằng, nghiên cứu khoa học là việc mà con người tìm hiểu về khoa học một cách có hệ thống và quá trình áp dụng được các ý tưởng, nguyên lý để tìm ra những kiến thức mới nhằm giải thích về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.

Lê Thị Vân Anh (2017)2 cho rằng, nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Thông qua quá trình phát hiện, tìm hiểu những vấn đề mới có liên quan đến chuyên ngành đào tạo, sinh viên có thể để nâng cao kiến thức lý luận, phát triển năng lực nghề nghiệp cũng như bồi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Để liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam đã luôn quan tâm và tạo điều kiện phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Lãnh đạo Phân hiệu đã có những chính sách khuyến khích cũng như tạo môi trường để sinh viên phát huy năng lực và niềm yêu thích đối với nghiên cứu khoa học. Minh chứng thực tiễn cho thấy số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cũng như số lượng đề tài thực hiện qua các năm đều chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, tổng số sinh viên tham gia là 150 sinh viên, số đề tài thực hiện là 51. Chất lượng các đề tài qua các năm đã được khẳng định thông qua kết quả nghiệm thu cũng như được đánh giá cao tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Cụ thể là, năm 2020 – 2021, có 3 đề tài chất lượng cao được đề cử tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường lần thứ VII (gồm 01 đề tài đạt giải 3; 1 đề tài đạt giải khuyến khích và giải Khuyến khích toàn đoàn). Năm 2021 – 2022, Phân hiệu có 2 đề tài được lựa chọn tham gia hội nghị trong đó có 1 đề tài đạt giải Nhất. Năm học 2022 – 2023, trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn trường, có 1 đề tài đạt giải 3 cấp Học viện; 1 đề tài đạt giải Khuyến khích. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu vẫn còn có những hạn chế, đặc biệt là vấn đề năng lực và kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Trên cơ sở vận dụng một số lý thuyết nền tảng về hành vi của con người và kế thừa kết quả nghiên cứu của một số công trình đi trước, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng các thang đo, khảo sát thực tế và đo lường tác động của các nhân tố đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học  tại Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

(1) Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở vận dụng các lý thuyết:

– Lý thuyết về hành vi có hoạch định của Ajzen (1991)3. Nhóm nhiên cứu cho rằng ý định thực hiện hành vi sẽ chịu ảnh hưởng bởi 3 nhân tố, như: thái độ đối với hành vi, tiêu chuẩn chủ quan và nhận thức về kiểm soát hành vi. Theo đó, 3 yếu tố quyết định cơ bản trong lý thuyết hành vi hoạch định, bao gồm: (1) Yếu tố cá nhân là thái độ cá nhân đối với hành vi về việc tích cực hay tiêu cực của việc thực hiện hành vi. (2) Về ý định nhận thức áp lực xã hội của người đó, để đối phó với áp lực hay sự bắt buộc có tính quy tắc nên được gọi là chuẩn chủ quan. (3) Sự tự nhận thức (self-efficacy) hoặc khả năng thực hiện hành vi được gọi là kiểm soát nhận thức hành vi (Ajzen, 2005). Lý thuyết cho thấy tầm quan trọng của thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và kiểm soát nhận thức hành vi dẫn đến sự hình thành của một ý định hành vi.

thuyết về tính tự quyết4. Đây là lý thuyết về động cơ của con người được xây dựng và phát triển bởi các nhà tâm lý học người Mỹ E. Deci và R. Ryan vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Lý thuyết này cho rằng có 3 loại động cơ: động cơ bên ngoài, động cơ bên trong và không có động cơ. Trong đó chỉ có động cơ bên ngoài và động cơ bên trong là những loại động cơ mang tính tự quyết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, động cơ mang tính tự quyết có tác động tích cực đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên, trong đó, những học sinh có động cơ học tập mang tính tự quyết thường áp dụng các phương pháp học tập có hiệu quả, có thái độ, tình cảm tích cực đối với học đường và kết quả học tập tốt.

Ngoài ra, đề tài cũng kế thừa kết quả của một số công trình nghiên cứu đi trước về cùng chủ đề. Cụ thể, như: Lê Thị Vân Anh và cộng sự (2020)5 cho rằng, có 5 nhóm giải pháp nhằm phát triển năng lực nghiên cứu khoa học  của sinh viên, bao gồm: nâng cao nhận thức cho sinh viên về tầm quan trọng của năng lực nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập và rèn luyện; hỗ trợ, thúc đẩy sinh viên học tập, nâng cao kiến thức chuyên ngành và năng lực nghiên cứu khoa học; giảng viên tích cực, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao trách nhiệm, năng lực hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chế độ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học.

Phạm Thị Thu Hoa (2008)6 trong công bố một số yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên, tiến hành nghiên cứu trên 576 sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và tổng hợp thành 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhóm yếu tố bên trong bao gồm: kiến thức của sinh viên về nghiên cứu khoa học, thái độ của sinh viên đối với nghiên cứu khoa học, động cơ nghiên cứu khoa học và nhu cầu được nghiên cứu khoa học thông qua phương thức thoả mãn. Nhóm các yếu tố bên ngoài bao gồm: các chủ trương, chính sách về nghiên cứu khoa học của sinh viên; năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên; điều kiện bảo đảm cho việc hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên và ảnh hưởng của nhóm bạn sinh viên.

Từ kết quả nghiên cứu cơ sở lý thuyết và công trình nghiên cứu đi trước, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

(2) Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Trong đó, phương pháp định tính được sử dụng nhằm thu thập các thông tin và dữ liệu về đối tượng  nghiên cứu thông qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện các thang đo nghiên cứu. Phương pháp định lượng được sử dụng để đo lường tác động của các nhân tố đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

Dựa vào việc vận dụng các lý thuyết và kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu đi trước, nhóm tác giả tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu với các nhóm nhân tố ảnh hưởng sau:

Theo Green W.H. (1991), Tabachnick & Fidell (2007) cỡ mẫu dùng cho phân tích hồi quy được xác định n >= 50 + 5p (p là số biến độc lập), trong nghiên cứu này mẫu được lấy là 201. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện, phi xác suất.

Công cụ thu thập dữ liệu: dữ liệu được thu thập bằng bảng hỏi thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ từ 1- hoàn toàn không đồng ý đến 5 – hoàn toàn đồng ý, chia làm 2 phần: phần 1 bao gồm các câu hỏi đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên và phần 2 là thông tin cá nhân về người được khảo sát. Số bảng hỏi được phát ra tổng cộng là 201, được gửi đến cho các sinh viên đang học tập từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 tại Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Tỷ lệ bảng hỏi hợp lệ được thu hồi là 201 đạt tỉ lệ 100%. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS phiên bản 25.0.

3. Kết quả nghiên cứu

(1) Kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

+ Kiểm định Cronbach’s Alpha đối với 4 biến độc lập.

Nghiên cứu kiểm tra độ tin cậy của thang đo bởi giá trị Cronbach’s Alpha qua phần mềm chuyên ngành thống kê SPSS 25.0 để tìm ra các biến quan sát cần thiết và loại bỏ các biến không phù hợp trong một nhân tố.

Nghiên cứu sẽ loại các biến với tương quan biến – tổng hiệu chỉnh (Corrected Item – Total Correlation) < 0.3. Tiêu chuẩn để chọn thang đo khi nó có độ tin cậy của giá trị Cronbach’s Alpha ≥ 0.7. Theo phương diện lý thuyết, giá trị Cronbach’s Alpha càng cao thì độ tin cậy của thang đo càng lớn. Kết quả kiểm định đối với các biến độc lập trong mô hình như sau:

Biến Kiến thức về nghiên cứu khoa học:

 Gồm có 6 biến quan sát được mã hoá từ KT1 đến KT6. Sau khi kiểm định lần thứ nhất cho kết quả giá trị Cronbach’s Alpha là 0.900 > 0,7, hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh (Corrected Item – Total Correlation) của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết luận, các biến quan sát đạt tiêu chuẩn và bảo đảm độ tin cậy.

Biến Thái độ nghiên cứu khoa học:

Gồm có 6 biến quan sát được mã hoá từ TĐ1 đến TĐ6. Sau khi kiểm định lần thứ nhất cho kết quả giá trị Cronbach’s Alpha là 0.899 > 0,7, hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh (Corrected Item – Total Correlation) của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết luận, các biến quan sát đạt tiêu chuẩn và bảo đảm độ tin cậy.

Biến Động cơ nghiên cứu khoa học:

Gồm có 7 biến quan sát được mã hoá từ ĐC1 đến ĐC7. Sau khi kiểm định lần thứ nhất cho kết quả giá trị Cronbach’s Alpha là 0.899 > 0,7, hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh (Corrected Item – Total Correlation) của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết luận, các biến quan sát đạt tiêu chuẩn và bảo đảm độ tin cậy.

Biến Môi trường nghiên cứu khoa học:

Gồm có 7 biến quan sát được mã hoá từ MT1 đến MT7. Sau khi kiểm định lần thứ nhất cho kết quả giá trị Cronbach’s Alpha là 0.829 > 0,7, hệ số Tương quan biến – tổng hiệu chỉnh (Corrected Item – Total Correlation) của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết luận, các biến quan sát đạt tiêu chuẩn và bảo đảm độ tin cậy.

+ Kiểm định EFA

– Kết quả kiểm định EFA cho các biến độc lập

Khi phân tích nhân tố khám phá của các biến độc lập, kết quả khảo sát cho thấy KMO = 0.890 thỏa mãn điều kiện để xem xét sự thích hợp của phân tích nhân tố (05 < KMO < 1) và Sig. = 0.000 < 0.05. Như vậy, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu thực tế và sau khi phân tích EFA, các nhân tố gộp thành 5 nhóm. Các yếu tố đánh giá được thống kê:

KMO = 0,84 nên phân tích nhân tố là phù hợp.

Sig. (Bartlett’s Test) = 0.000 (sig. < 0.05) chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể.

Eigenvalues = 1.197 > 1 đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi nhân tố, thì nhân tố rút ra có ý ghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất.

Tổng phương sai trích: Rotation Sums of Squared Loadings (Cumulative %) = 65,308% > 50 %. Điều này chứng tỏ 65,308% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 5 nhân tố mới.

Hệ số Factor Loading của các biến B7, B5, B6, E1 có giá trị bé hơn 0,5. Thêm vào đó, biến A7 giải thích cùng lúc cho 2 nhân tố thứ 7 và thứ 10, hệ số tải Factor Loading của biến A7 trong 2 nhân tố lại có độ chênh lệch bé hơn 0,3 nên không xác định nó giải thích cho nhân tố nào. Do đó, tiếp tục thực hiện phân tích nhân tố lần 2. Sau khi phân tích lần 2 cho kết quả hội tụ thành 5 nhóm biến mới: Kiến thức, thái độ, động cơ, môi trường và hỗ trợ.

– Kết quả kiểm định EFA cho biến phụ thuộc:

Kết quả kiểm định cho thấy, các hệ số KMO, Sig, Eigenvalues đều bảo đảm yêu cầu, chỉ có một nhân tố được trích, nghĩa là thang đo bảo đảm được tính đơn hướng, các biến quan sát của biến phụ thuộc hội tụ tốt.

(2) Mô hình nghiên cứu mới:

Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được thông qua các bước phân tích nhân tố và phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha, mô hình nghiên cứu được điều chỉnh gồm 5 biến độc lập để đo lường biến phụ thuộc là kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung. Mô hình được khái quát như sau:

+ Phân tích hệ số tương quan Pearson

Trong bảng kết quả, sig kiểm định t tương quan Pearson các giữa 5 biến độc lập F_KT, F_TĐ, F_ĐC, F_MT, F_HT với biến phụ thuộc F_HL đều nhỏ hơn 0.05. Như vậy, có mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập này với biến phụ thuộc.

Trong bảng kết quả, sig kiểm định của các cặp biến độc lập đều cho kết quả < 0,05 cho thấy khả năng đa cộng tuyến giữa các biến này là khá cao (Ký hiệu ** cho biết rằng cặp biến này có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99% (tương ứng mức ý nghĩa 1% = 0.01). Do đó, cần kết hợp với chỉ số VIF trong phân tích hồi quy tuyến tính để có thể đưa ra kết luận một cách chính xác nhất.

 + Phân tích hồi quy tuyến tính

Chúng ta cần đánh giá độ phù hợp mô hình một cách chính xác qua kiểm định giả thuyết. Để kiểm định độ phù hợp mô hình hồi quy, chúng ta đặt giả thuyết H0: R2 = 0. Phép kiểm định F được sử dụng để kiểm định giả thuyết này. Kết quả kiểm định:

Sig < 0.05: Bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là R2 ≠ 0 một cách có ý nghĩa thống kê, mô hình hồi quy là phù hợp.

Sig > 0.05: Chấp nhận giả thuyết H0, nghĩa là R2 = 0 một cách có ý nghĩa thống kê, mô hình hồi quy không phù hợp.

Trong SPSS, các số liệu của kiểm định F được lấy từ bảng phân tích phương sai ANOVA.

Bảng ANOVA cho chúng ta kết quả kiểm định F để đánh giá giả thuyết sự phù hợp của mô hình hồi quy. Giá trị sig kiểm định F bằng 0.000 < 0.05, do đó, mô hình hồi quy là phù hợp.

R2 hay R2 hiệu chỉnh đều có mức dao động trong đoạn từ 0 đến 1. Nếu R2 càng tiến về 1, các biến độc lập giải thích càng nhiều cho biến phụ thuộc, và ngược lại, R2 càng tiến về 0, các biến độc lập giải thích càng ít cho biến phụ thuộc. 

Bảng Model Summary cho chúng ta kết quả R bình phương (R Square) và R bình phương hiệu chỉnh (Adjusted R Square) để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình. Giá trị R bình phương hiệu chỉnh bằng 0.591 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 59,1% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 40,9% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. 

Kết quả bảng này cũng đưa ra giá trị DurbinWatson để đánh giá hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc nhất. Giá trị DW = 1,730 trong khoảng 1.5 đến 2.5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất (Yahua Qiao, 2011).

Bảng Coefficients trên cho chúng ta kết quả kiểm định t để đánh giá giả thuyết ý nghĩa hệ số hồi quy, chỉ số VIF đánh giá đa cộng tuyến và các hệ số hồi quy. 

Tất cả các giá trị sig kiểm định t đều < 0,05, do đó các biến này đều có ý nghĩa thống kê, đều tác động lên biến phụ thuộc F_KN. Hệ số hồi quy các biến độc lập này đều mang dấu dương, như vậy các biến độc lập có tác động thuận chiều lên biến phụ thuộc.

Sau khi thực hiện kiểm định hồi quy tuyến tính, nhóm tác giả đi đến kết luận:

Chấp nhận giả thuyết:

H1: Kiến thức có tác động thuận chiều đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

H2: Thái độ có tác động thuận chiều đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

H3: Động cơ có tác động thuận chiều đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

H4: Môi trường có tác động thuận chiều đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

H5: Hỗ trợ có tác động thuận chiều đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Từ các hệ số hồi quy, xây dựng được hai phương trình hồi quy chuẩn hóa và chưa chuẩn hóa theo thứ tự như sau:

Y = 0,247*F_KT + 0.346*F_ĐC + 0,186*F_MT + 0,203*F_HT

Y = 0.649 + 0,204* F_KT + 0.307*F_ĐC + 0,155*F_MT + 0,140*F_HT

Từ phương trình hồi quy, cho thấy các hệ số Beta chuẩn hóa đều lớn hơn 0 cho thấy các biến độc lập tác động thuận chiều với kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Có nghĩa là, khi những biến này (kiến thức về nghiên cứu khoa học, động cơ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và môi trường nghiên cứu khoa học) phát triển theo hướng tích cực thì kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ tăng lên theo chiều thuận. Yếu tố “động cơ nghiên cứu khoa học” tác động đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên mạnh nhất (hệ số Beta chuẩn hóa là 0,346); thứ hai là yếu tố “kiến thức về nghiên cứu khoa học” (hệ số Beta chuẩn hóa là 0,247); thứ ba là yếu tố “hỗ trợ nghiên cứu khoa học” (hệ số Beta chuẩn hóa là 0,203) và yếu tố tác động ít nhất là “môi trường nghiên cứu khoa học” (hệ số Beta chuẩn hóa là 0,186).

Đối chiếu với các câu hỏi từ phiếu khảo sát, cho thấy:

Về động cơ: sinh viên làm nghiên cứu khoa học chủ yếu vì muốn được cộng điểm rèn luyện và vì được bạn bè rủ làm cùng. Các động cơ khác như được sự động viên của Khoa hoặc nghiên cứu khoa học để khẳng định mình không được sinh viên đánh giá cao.

Về kiến thức: theo kết quả khảo sát cho thấy, đa số sinh viên hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với học tập và biết lựa chọn phương pháp phù hợp với nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, các sinh viên chưa nắm vững quy trình thực hiện một nghiên cứu khoa học cũng như chưa biết cách thực hiện các phương pháp thu thập thông tin định tính.

Về các hỗ trợ: đa số các sinh viên cho rằng, các giảng viên tận tình hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, tuy nhiên cũng phản ánh việc Phân hiệu không có nhiều các hoạt động hỗ trợ, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học như hội thảo, seminar, tập huấn phương pháp nghiên cứu cho sinh viên.

Về môi trường nghiên cứu khoa học: nội dung phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của Phân viện sôi nổi, được nhiều sinh viên đồng tình. Bên cạnh đó, từ kết quả khảo sát có thể thấy, Phân viện không có nhiều tài liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên). Hai biến sinh viên được học bài bản môn phương pháp nghiên cứu khoa học và sinh viên có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học được sinh viên lựa chọn trung bình.

4. Một số đề xuất nhằm nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

Một là, Phân hiệu cần quan tâm cung cấp hệ thống tài liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hiện nay, thư viện Phân hiệu đã được trang bị các tài liệu cơ bản phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên, tuy nhiên, số lượng và loại hình của các tài liệu còn hạn chế. Trong thời gian tới, Phân hiệu cần quan tâm hơn nữa đến công tác bổ sung các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu, các tạp chí khoa học cũng như đăng ký các kênh tài khoản trực tuyến như vista.gov.vn… để sinh viên có cơ hội được tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới nhất và tốt nhất.

Hai là, Phân hiệu cần tổ chức nhiều hoạt động để bồi dưỡng kiến thức nghiên cứu khoa học cho sinh viên như tổ chức hội thảo, seminar, tập huấn… như một nhiệm vụ định kỳ và thường xuyên trong suốt quá trình học tập của sinh viên tại trường. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên cần được tham gia các buổi trao đổi, chia sẻ về phương pháp học tập nghiên cứu khoa học và tiếp tục được duy trì các năm sau đó, đặc biệt là đối với sinh viên năm thứ 3, thứ 4 là những đối tượng cần thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học như làm báo cáo kiến tập, thực tập cũng như khoá luận tốt nghiệp. Sinh viên cũng cần được hướng dẫn để tiếp cận, làm quen và thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập như đề tài khoa học, công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học chuyên ngành. Nội dung của các buổi tập huấn, bồi dưỡng cần chú trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng về quy trình tiến hành một đề tài khoa học, vận dụng và sử dụng các phương pháp nghiên cứu có hiệu quả phù hợp với từng nội dung, lĩnh vực và vấn đề nghiên cứu.

Ba là, hiện nay, hầu hết sinh viên được khảo sát đều cho rằng, làm nghiên cứu khoa học xuất phát từ những động cơ bên ngoài như để được cộng điểm rèn luyện mà không xuất phát từ động cơ tự thân của sinh viên như đam mê nghiên cứu, bổ trợ thêm kiến thức ở lớp hay để tự khẳng định mình. Do đó, Phân hiệu có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và năng lực nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập và rèn luyện; tiếp tục khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, như: duy trì và tạo điều kiện để sinh viên tham gia Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học; tổ chức thêm nhiều hoạt động như các cuộc thi nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học.

Xây dựng môi trường cho sinh viên được giao lưu nghiên cứu giữa các khoa, các ngành trong nội bộ Phân hiệu cũng như giao lưu với các cơ sở giáo dục đại học bên ngoài để sinh viên nhận thức được điểm mạnh và hạn chế của bản thân, trong đó có năng lực nghiên cứu khoa học, từ đó có định hướng điều chỉnh và phát triển tốt hơn nhằm khuyến khích tinh thần yêu thích và đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Ngoài ra, trong các giờ học trên lớp, các giảng viên cũng cần có những gợi mở các hướng nghiên cứu, có các hoạt động gắn kiến thức lý thuyết với vấn đề thực tiễn, khuyến khích sinh viên tìm tòi, sáng tạo để khơi gợi niềm yêu thích nghiên cứu khoa học của sinh viên.          

Bốn là, Phân hiệu quan tâm tăng cường cơ sở vật chất một cách đồng bộ và hiện đại cho các trang thiết bị dạy học, thư viện của trường song song với việc chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị hiện có; đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế hợp lý nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, như: có chế độ tính giờ hoặc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, giảng viên hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí và tính điểm học phần cho sinh viên, cấp giấy chứng nhận cho sinh viên đạt thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học…

5. Kết luận

Thông qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã cung cấp một góc nhìn khách quan về thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu theo mức độ và phạm vi khác nhau, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó, tác động của các yếu tố chủ quan có thể thấy được là lớn hơn. Kết hợp với phân tích thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại Phân hiệu từ năm 2020 đến nay, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp khả thi và phù hợp nhằm phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên, từ đó hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Earl R. Babbie (2012). The Practice of Social Research. Wadsworth Publishing, UK.
2. Lê Thị Vân Anh. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Tạp chí Khoa học Nội vụ, 2017, tr. 42 – 47.
3. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, Vol. 50 No. 2, pp. 179 – 211. https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-T.
4. Nguyễn Thị Thanh Tùng. Lý thuyết tự quyết (SDT): Quan niệm, phân loại và ý nghĩa đối với vấn đề tạo động lực học tập cho sinh viên Việt Nam. Tạp chí Giáo dục số 23 (10), 2023, tr. 33 – 38.
5. Lê Thị Vân Anh & Vũ Thị Châm. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay. Tạp chí Quản lý giáo dục số 12, 2020, tr. 129 – 135.
6. Phạm Thị Thu Hoa. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển Kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tạp chí Nghiên cứu con người số 3 (36), 2008, tr. 37 – 45.
Tài liệu tham khảo:
1. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học công lập tại Hà Nội. https://Congthuong.vn, truy cập ngày 23/4/2024.
2. Nguyễn Hồng Nga & Nguyễn Thị Tứ. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên khối kinh tế tại Việt Nam. Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 4 (82), 2016, tr. 122 – 131.
3. Nguyễn Xuân Thức. Kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tạp chí Tâm lý học số 5 (158), 2012, tr. 17 – 25.
4. Nguyễn Thu Tuấn. Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tạp chí khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 63, 2018, tr.188 – 195, DOI: 10.18173/2354 – 1075. 2018 – 0018.