Vai trò và vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực hiện chiến lược marketing giáo dục 

ThS. Vũ Thị Bích Ngọc
Học viện Phụ nữ Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một công nghệ đột phá trong nhiều lĩnh vực và đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực marketing, tiếp thị giáo dục. Bài viết nghiên cứu và trình bày về vai trò và áp dụng AI trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược marketing giáo dục hiệu quả tại Việt Nam. 

Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo (AI); chiến lược marketing giáo dục; công nghệ số và giáo dục; tiếp thị giáo dục; thực thi; vận dụng.

1. Tổng quan về trí tuệ nhân tạo (AI)

“Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence  – AI) là công nghệ cho phép máy móc và hệ thống thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh của con người, như học tập, suy luận và giải quyết vấn đề. AI có khả năng phân tích dữ liệu lớn, nhận diện mẫu và ra quyết định tự động. Các ứng dụng của AI bao gồm chatbot, nhận dạng giọng nói và hệ thống tự động hóa,…”1. Đến nay, AI đã vượt qua rào cản của hệ thống máy tính thông thường và trở thành một công nghệ đột phá trong nhiều lĩnh vực. 

Với lĩnh vực giáo dục, AI đang ngày càng được nhìn nhận là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện chất lượng dạy và học cũng như tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa cho học sinh.  Theo Kai-Fu Lee AI đang làm biến đổi bộ mặt thế giới một cách nhanh chóng, như cách Mỹ và Trung Quốc – 2 quốc gia lớn về công nghệ đang tiến hành một cuộc cách mạng E-learning và mô tả về việc AI làm của con người phát triển thế nào bằng cách khai thác sự sáng tạo. AI ra đời để giải phóng con người khỏi những công việc thường ngày, và nhắc nhớ ta về điều khiến ta làm người”2.

AI bao gồm nhiều nhánh chính, mỗi nhánh tập trung vào một khía cạnh cụ thể của trí thông minh nhân tạo: 

(1) Học máy (Machine Learning): là quá trình mà các hệ thống máy tính cải thiện hiệu suất của chúng dựa trên kinh nghiệm và dữ liệu. Các thuật toán học máy có thể phân loại, dự đoán và phát hiện mẫu từ dữ liệu.

(2) Học sâu (Deep Learning): là một nhánh của học máy sử dụng các mạng nơ-ron nhân tạo sâu để mô phỏng cấu trúc và chức năng của não người. Học sâu đặc biệt hiệu quả trong các nhiệm vụ như nhận diện hình ảnh và giọng nói.

(3) Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP): là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các hệ thống có khả năng hiểu, phân tích và tạo ra ngôn ngữ của con người. NLP được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng như dịch thuật tự động, chatbot và phân tích văn bản.

(4) Thị giác máy tính (Computer Vision): là nhánh của AI tập trung vào việc cho phép máy tính hiểu và tương tác với hình ảnh và video. Thị giác máy tính được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ y tế đến tự động hóa.

2. Tầm quan trọng của chiến lược marketing giáo dục và vai trò của AI trong giáo dục 

Marketing giáo dục được hiểu đầy đủ “là quá trình phân tích, định hướng, lên kế hoạch nhằm giúp các trường học tiếp cận khách hàng mục tiêu (người học, liên quan đến người học hay nhà tuyển dụng,…) của họ thông qua các công cụ marketing để có thể nhận biết được nhu cầu mong muốn của khách hàng trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai và đáp ứng được các nhu cầu mong muốn đó”3. Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng AI trong chiến lược marketing giáo dục đang trở thành một xu hướng quan trọng để thu hút và tương tác với học sinh, phụ huynh và cộng đồng giáo dục. 

Sự phát triển của thời đại công nghệ số, các tổ chức giáo dục không chỉ cần đáp ứng nhu cầu học tập mà còn phải xây dựng các chiến lược marketing giáo dục hiệu quả để tạo ra sự nhận diện thương hiệu, thu hút học sinh và tăng cường sự tương tác với cộng đồng. Chiến lược marketing giáo dục giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức giáo dục, đồng thời tạo ra cơ hội để tạo dựng một môi trường học tập đa dạng và phù hợp với nhu cầu của từng học sinh.

AI đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức tiếp cận và thực hiện chiến lược marketing giáo dục. Bằng cách này, các tổ chức giáo dục có thể thu thập và phân tích dữ liệu về học sinh, giáo viên và phụ huynh, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và hành vi của từng đối tượng. AI có thể giúp sáng tạo nội dung thông minh để tạo ra nội dung giáo dục tự động và tùy chỉnh, nhằm đáp ứng các yêu cầu riêng biệt trong tiếp cận học sinh, phụ huynh. Thông qua việc phân tích dữ liệu, nền tảng AI có khả năng cung cấp thông tin chi tiết và chuyên sâu, từ đó tạo ra tài liệu giáo dục được cá nhân hóa và hấp dẫn với từng đối tượng riêng nên có khả năng thu hút người xem.

Những ứng dụng giáo dục AI thành công tại Việt Nam

STTNền tảng giáo dục AIƯu việt
1Edumall.vnEdumall là một nền tảng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp nhiều khóa học trực tuyến từ các chuyên gia, giảng viên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả marketing giáo dục. Nền tảng này cung cấp nhiều tài liệu học, bài giảng và khóa học chất lượng.
2Topica NativeTopica Native là một nền tảng giáo dục trực tuyến chuyên về tiếng Anh, kỹ năng mềm. Nền tảng này có đội ngũ giảng viên chất lượng và phương pháp học tương tác, giúp học viên áp dụng kiến thức vào thực tế.
3YolaYola cung cấp các khóa học trực tuyến về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả marketing giáo dục. Nền tảng này có nhiều khóa học tự học và khóa học có giảng viên hướng dẫn, giúp người học tùy chọn phương thức học phù hợp với nhu cầu và thời gian của mình.
4CourseraCoursera là một nền tảng giáo dục trực tuyến quốc tế, cung cấp hàng ngàn khóa học từ các trường đại học và tổ chức hàng đầu trên thế giới.
5UdemyUdemy là một nền tảng giáo dục trực tuyến cung cấp hàng ngàn khóa học về nhiều lĩnh vực giúp người học lựa chọn phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của mình.
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, năm 2024.

3. Vận dụng AI trong chiến lược marketing giáo dục

AI  đang cách mạng hóa marketing giáo dục bằng cách phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn để hiểu rõ nhu cầu của học sinh và phụ huynh, từ đó tạo ra các chiến lược marketing cá nhân hóa và hiệu quả hơn. AI tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo bằng cách phân tích và điều chỉnh theo thời gian thực, giúp tiếp cận đúng đối tượng và giảm chi phí. AI cũng cung cấp các công cụ để đánh giá và dự báo hiệu suất học tập, hỗ trợ quản lý quan hệ khách hàng, nâng cao trải nghiệm học tập và xây dựng uy tín cho tổ chức giáo dục.

Tại Việt Nam, việc áp dụng AI trong marketing giáo dục đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều trường học và trung tâm giáo dục đã sử dụng AI để cải thiện quá trình tuyển sinh, tăng cường sự tương tác với học sinh và phụ huynh và tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo. Các nền tảng học tập trực tuyến như VioEdu hay Monkey Junior đã tích hợp AI để cá nhân hóa quá trình học tập, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Nhờ việc ứng dụng AI, các tổ chức giáo dục tại Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn xây dựng được niềm tin và uy tín trong cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều học sinh và phụ huynh tin tưởng lựa chọn. 

Các trường đại học tại Việt Nam cũng đang tận dụng AI trong các chiến lược marketing. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT,… đã áp dụng AI để tối ưu hóa quy trình tuyển sinh, từ việc phân tích dữ liệu hồ sơ ứng viên đến dự đoán khả năng trúng tuyển. AI giúp các trường đại học này nắm bắt được xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh, từ đó, điều chỉnh chiến dịch quảng bá phù hợp. Hơn nữa, AI còn được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho sinh viên, từ việc gợi ý môn học phù hợp đến hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp. Kết quả cho thấy, các trường đại học này không chỉ cải thiện được hiệu suất tuyển sinh mà còn nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài lòng của sinh viên.

(1) Thu thập và phân tích dữ liệu: AI có thể tự động thu thập và phân tích dữ liệu về học sinh, khách hàng để hiểu hơn về nhu cầu, sở thích và hành vi của họ. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc sử dụng AI trong chiến lược marketing giáo dục là khả năng phân tích dữ liệu một cách tự động và hiệu quả. Công nghệ AI có thể phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau như hành vi trực tuyến, phản hồi từ học sinh và phụ huynh, và dữ liệu về hiệu suất học tập để hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của học sinh. Điều này giúp các tổ chức giáo dục hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu của họ và tạo ra các chiến lược marketing được cá nhân hóa hơn.

(2) Tương tác với khách hàng: AI có thể tạo ra trải nghiệm tương tác cá nhân hóa với người quan tâm, giúp cung cấp thông tin và hỗ trợ theo nhu cầu cụ thể của từng cá nhân. AI cũng có thể được sử dụng để tăng cường tương tác và giao tiếp giữa tổ chức giáo dục và cộng đồng. Các chatbot dựa trên AI có thể cung cấp thông tin tức thì và hỗ trợ cho học sinh và phụ huynh 24/7, giúp giải đáp các câu hỏi và cung cấp hỗ trợ khi cần thiết. Điều này tạo ra một kênh giao tiếp hiệu quả và tiện lợi, giúp tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức giáo dục và cộng đồng.

(3) Ai tạo ra các chiến dịch quảng cáo: các chiến dịch quảng cáo hiệu quả được AI tạo ra bằng cách phân tích dữ liệu khách hàng, phân khúc đối tượng, tạo nội dung phù hợp, tối ưu hóa theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, và phân tích hiệu suất. Điều này giúp các tổ chức giáo dục tiếp cận đúng đối tượng, tăng cường tương tác, và tối ưu hóa chi phí quảng cáo, từ đó đạt được kết quả marketing tốt hơn. Ngoài ra, AI còn gợi ý các nội dung trong ấn phẩm truyền thông, brochure, tờ rơi quảng cáo và gợi ý cách thức triển khai hiệu quả. 

4. Kết luận

Trong tổng thể, sức mạnh của AI đã mở ra một loạt các cơ hội mới trong việc tối ưu hóa chiến lược marketing của ngành Giáo dục. Bằng cách tận dụng các công nghệ tiên tiến này, các tổ chức giáo dục không chỉ thu hút được nhiều học sinh hơn mà còn cung cấp một trải nghiệm học tập tốt hơn và tăng cường mối quan hệ với cộng đồng. Trong tương lai, việc sử dụng AI trong chiến lược marketing giáo dục có thể trở thành một yếu tố không thể thiếu để bảo đảm sự thành công và phát triển của các tổ chức giáo dục. 

Sức mạnh của AI trong chiến lược marketing giáo dục là không thể phủ nhận, tuy nhiên, việc áp dụng AIcần được thực hiện cẩn thận và nhạy bén để bảo đảm tạo ra những trải nghiệm học tập tốt nhất cho học sinh và tăng cường hiệu quả marketing trong lĩnh vực giáo dục. Mặc dù trí AI mang lại nhiều lợi ích trong marketing giáo dục nhưng đồng thời đặt ra một số thách thức và mặt trái, như các vấn đề về quyền riêng tư, đạo đức và trách nhiệm của việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Ngoài ra sự phụ thuộc vào AI có thể khiến các tổ chức giáo dục mất đi tính linh hoạt và khả năng đưa ra quyết định sáng tạo dựa trên yếu tố con người cũng như đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ, hạ tầng và nhân lực để phát triển và duy trì hệ thống.

Chú thích:
1. Peter Gentsch, Dr. Sebastian Wieczorek. (2018). “AI in Marketing, Sales and Service: How Marketers without a Data Science Degree can use AI, Big Data and Bots”.
2. Kai-Fu Lee. (2018) .“AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order”. 
3. Lê Quang. Ứng dụng Marketing giáo dục trong các trường đại học của Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số159 (tháng 8/2015).
Tài liệu tham khảo:
1.  Đinh Thị Mỹ Hạnh, Trần Văn Hưng. Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: cơ hội và thách thức đến tương lai của việc dạy và học ở trường đại học, Tạp chí khoa học Việt Nam năm 2020
2. Lê Thị Thanh. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong marketing giáo dục. Nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2022.
3. Nguyễn Tất Thắng, Đặng Thị Thu Hà, Lã Đăng Hiệp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Tạp chí Thiết bị giáo dục 2019.số 245 (tháng 7/2021). 
4. Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 05/5/2020.
5. Đào tạo và phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 02/01/2024.