Nâng cao hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình 

ThS. Huỳnh Thị Kim Dung
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bài viết nghiên cứu thực trạng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đánh giá kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Từ khóa: Tỉnh Hòa Bình; sắp xếp hiệu quả; đơn vị hành chính cấp xã.

1. Khái quát về các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo Nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là Tỉnh Mường. Qua các thời kỳ lịch sử phát triển của đất nước, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính các cấp; thời điểm năm 1986, đơn vị hành chính cấp xã có 207 đơn vị, gồm: 194 xã, 6 phường và 7 thị trấn.

Từ năm 1986 đến nay, quá trình thành lập, nhập, chia, giải thể, điều chỉnh địa giới cũng khiến cho đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hòa Bình có nhiều biến động, trong đó thành lập một số thị trấn huyện lỵ và giải thể một số xã, chia tách, thành lập một số xã (một số thị trấn, như: Lương Sơn, Mường Khến, Đà Bắc, Chi Nê,…; một số xã, như: Tân Sơn, Hạ Bì, Trung Bì, Thượng Bì…) làm tăng số đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2001 lên tới 214 đơn vị.

Năm 2008, điều chỉnh 4 xã thuộc huyện Lương Sơn về thành phố Hà Nội (tại Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan); số đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình còn 210 đơn vị, gồm: 191 xã, 8 phường và 11 thị trấn.

Năm 2009, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp xã giữa các đơn vị hành chính cấp huyện trong tỉnh (tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 14/7/2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); số đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình không thay đổi so với năm 20081.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 210 đơn vị, gồm: 191 xã, 8 phường và 11 thị trấn. Đối chiếu với tiêu chuẩn theo quy định hiện hành về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính cấp xã: có 31 đơn vị chưa đạt 50 % cả hai tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên, bằng 14,76 %; 6 đơn vị chưa đạt 30% tiêu chuẩn về quy mô dân số, bằng 2,86 % (ngoài các đơn vị đã tính chưa đạt 50 % cả 2 tiêu chuẩn); 18 đơn vị chưa đạt 20% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, bằng 8,57 % (ngoài các đơn vị đã tính chưa đạt 50 % cả 2 tiêu chuẩn và đơn vị chưa đạt 30 % tiêu chuẩn về quy mô dân số)2. Do đó, các xã không đạt các tiêu chí về diện tích và dân số theo quy định thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

2. Thực trạng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian qua

Hòa Bình đã thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) nhằm tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc; tạo động lực cho các đơn vị phường, xã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của địa phương.

a. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp3

Đến nay, gồm có 106 đơn vị: số lượng và danh sách các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50 % theo quy định là 57 đơn vị (gồm: 51 xã, 1 phường và 5 thị trấn) thuộc 9 huyện, thành phố, trong đó: 31 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 26 đơn vị liên quan. 

b. Số lượng các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hòa Bình sau khi thực hiện sắp xếp4

Trước khi sắp xếp, Hòa Bình có 210 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 191 xã, 8 phường và 11 thị trấn. Sau khi sắp xếp, Tỉnh còn 151 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 131 xã, 9 phường và 11 thị trấn(giảm tổng số 59 đơn vị, trong đó giảm 60 xã, tăng 1 phường).

Bảng 1. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh sau sắp xếp

TTTên đơn vị hành chínhSố đơn vị hành chính sau sắp xếpSố đơn vị hành chính cấp xã giảm
TổngPhườngThị trấn
1Thành phố Hòa Bình199916
2Huyện Cao Phong10913
3Huyện Đà Bắc171613
4Huyện Kim Bôi1716111
5Huyện Lạc Sơn242315
6Huyện Lạc Thủy10825
7Huyện Lương Sơn111019
8Huyện Mai Châu161517
9Huyện Tân Lạc161518
10Huyện Yên Thủy111012
 Tổng số15113191159
(Nguồn: Báo cáo số 150/BC-UBND ngày 23/5/2022 của UBND tỉnh Hòa Bình)

Về diện tích và dân số của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp: 131 đơn vị hành chính cấp xã có diện tích trung bình 32,76 km2 (tăng 9,26 km2), dân số trung bình 5.079 người (tăng 1.311 người)/xã; 9 đơn vị hành chính phường có diện tích trung bình 7,55 km2 (tăng 3,39 km2), dân số trung bình 9.157 người (giảm 74 người)/phường; 11 đơn vị hành chính thị trấn có diện tích trung bình 20,97 km2 (tăng 14,84 km2), dân số trung bình 9.665 người (tăng 4.168 người)/thị trấn.

Những kết quả đạt được:

Một là, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ích trong việc thực sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Có sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, hướng dẫn giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh được triển khai, thực hiện kịp thời tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Hai là, hoạt động này được tỉnh coi là một khâu đột phá của nội dung cải cách hành chính trên địa bàn. Qua đó, đã thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn dựa trên chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đã bảo đảm hoạt động thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau sắp xếp, kiện toàn lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn.

Ba là, địa phương kịp thời tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; ban hành các văn bản đề xuất với các bộ, ngành trung ương xem xét, cho ý kiến theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của các cơ quan, đơn vị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Có biện pháp giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đúng quy định và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức.

3. Một số hạn chế, bất cập

Thứ nhất, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy là rất lớn; đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội ở cấp xã; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Thứ hai, công tác quản lý tài sản công, kinh phí cải tạo, xây dựng mới; bố trí địa điểm, qũy đất xây dựng trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành để phù hợp với số lượng cán bộ, công chức tăng lên và phạm vi địa giới đơn vị hành chính rộng hơn trước khi sắp xếp.

Thứ ba, một số ít đơn vị có tỷ lệ cử tri tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa cao; có 2 đơn vị phải tổ chức lấy ý kiến cử tri lần 2 mới đạt trên 50 % tổng số cử tri trên địa bàn tán thành phương án sắp xếp.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do:

(1) Một số địa phương chưa làm tốt công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền nội dung các văn bản của Đảng, Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đến toàn thể cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn.

(2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra vẫn còn có một số ít địa phương chưa làm tốt. 

(3) Các bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ, tiêu chuẩn, định mức các khoản chi liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; chế độ, chính sách của người dân do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Thứ nhất, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện. Trước hết là thống nhất về quan điểm, mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW. Lãnh đạo địa phương và đội ngũ công chức tham mưu phải quán triệt sâu sắc và hiểu rõ mục tiêu của Nghị quyết, mục đích của việc sắp xếp các đơn vị hành chính không phải là giảm bớt đơn vị hành chính mà là tinh gọn bộ máy phù hợp để phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, mục đích của việc sáp nhập. Ổn định tư tưởng, tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức các xã thuộc diện sắp xếp. Trên các kênh thông tin truyền thông của trung ương và địa phương cần thường xuyên có những bài viết chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn để phân tích, đánh giá, nhận định, các ý kiến đóng góp giải pháp cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.

Thứ hai, cần thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa phương để đưa bộ máy công quyền tại những đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Công việc trọng tâm là phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, tổ chức; cơ chế, chính sách, pháp luật cho chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cấp xã mới sáp nhập nhanh chóng hoạt động ổn định.

Thứ ba, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan tới sáp nhập các đơn vị hành chính. Trước mắt, tập trung hoàn thiện sớm việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới tổ chức bộ máy: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức; các chính sách liên quan tới chế độ, chính sách của cán bộ, công chức; các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, liên kết địa phương…

Thứ tư, chính quyền địa phương và bộ, ngành trung ương sớm xây dựng phương án nhân sự và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức các xã thuộc diện sáp nhập. Đối với phương án nhân sự, nên áp dụng phương thức thi tuyển công chức đối với vị trí chuyên môn, phương thức bầu cử có số dư đối với cán bộ để vừa bảo đảm chọn lựa được người có năng lực, vừa bảo đảm tính khách quan, công bằng, vừa bảo đảm đúng các quy định pháp luật về định biên nhân sự. 

Công tác nhân sự phải đặc biệt lưu ý tới xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách cho cả người ở lại, người chuyển đi, người thôi việc theo nguyên tắc phải bằng hoặc tốt hơn chính sách đã được hưởng khi còn đảm nhiệm công việc ở đơn vị hành chính cấp xã trước khi sáp nhập. Cốt yếu của công tác nhân sự, chính sách đối với cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính được sắp xếp là bảo đảm cán bộ, công chứcyên tâm và hài lòng khi chuyển đổi công việc.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục làm việc ở các đơn vị hành chính cấp xã mới, sau sắp xếp cần thực hiện ngay công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ để phù hợp với vị trí mới có khối lượng công việc lớn hơn, phạm vi địa bàn rộng hơn, nhanh chóng thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. 

Chú thích:
1. Hòa Bình. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/4/2024.
2. Kết luận số 236 – KL/TU ngày 28/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
3. Đề án số 152/ĐA-UBND ngày 26/8/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hòa Bình.
4. Báo cáo số 150/BC-UBND ngày 23/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
2. Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
3. Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
4. Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
5. Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hòa Bình.
6. Một số vấn đề đặt ra qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/8/2022.
7. Sử dụng công chức gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 05/12/2023.