Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên

TS. Đỗ Quỳnh Hoa
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Mục tiêu bao trùm của các chính sách xã hội, trong đó nòng cốt là chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mang lại hạnh phúc, bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể và truyền thống văn hóa của dân tộc. Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, tuy nhiên, kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra. Bài viết nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên.

Từ khóa: Chính sách an sinh xã hội; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỉnh Thái Nguyên; nâng cao hiệu quả thực hiện.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, hình thành hệ thống chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ về phát triển kinh tế – xã hội theo vùng, theo từng lĩnh vực. Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, hiện có gần 1,3 triệu người với 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó số hộ dân tộc thiểu số là 130.917 hộ với tổng dân số là 384.348 người chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ1.

Trong nhiều năm, Thái Nguyên luôn được quan tâm với nhiều chính sách, như: Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Mặc dù kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh, tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đề ra thì cần những biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

2. Thành tựu và thách thức trong thực hiện chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”2. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì chính sách giáo dục là một trong những chính sách quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thái nguyên đã triển khai thực hiện tốt tốt Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Những chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở cho học sinh có thể nói là một trong những chính sách nhân văn giúp học sinh ở vùng khó khăn không phải bỏ học. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm học hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được thụ hưởng, tiếp thêm động lực cho các em đến trường, trong năm học  2022 – 2023, tổng số gạo cấp cho các em học sinh là 411.345kg. Năm học 2023 – 2024, trong học kỳ 1, toàn tỉnh có 3.023 học sinh được hỗ trợ, trong đó bậc tiểu học và THCS có 2.028 em, THPT có 995 em. Các trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, sửa chữa thiết bị với mức 100 nghìn đồng/học sinh/năm học3, 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú4. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Hội đồng nhân dân tỉnh đã giám sát tất cả các chương trình, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi, qua đánh giá đã đáp ứng được yêu cầu chung của địa phương. 

Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên là Chương trình số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc…5

Bên cạnh những thanh tựu, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang gặp phải nhiều thách thức:

Thứ nhất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn là nơi khó khăn nhất, kinh tế chậm phát triển nhất, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế những năm vừa qua đã được quan tâm đầu tư, phát triển nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội ở các vùng này vẫn thấp nhất; nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn và thấp hơn so với những vùng khác. 

Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nếu không làm tốt thì hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số chủ yếu lao động giản đơn, canh tác chủ yếu là vùng nông nghiệp, nông thôn miền núi, vùng này rất hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Do đó, một bộ phận người dân tộc thiểu số, một bộ phận cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn muốn được thụ hưởng các chính sách, chưa muốn thoát nghèo, chưa muốn thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, việc đầu tư, hỗ trợ đến với người dân theo từng nội dung, chương trình thì lại chưa đồng bộ, cụ thể, như: kinh phí giải phóng mặt bằng của từng chương trình có khác nhau; mức lãi suất khi vay vốn cũng không đồng bộ; nguồn vốn thực hiện có lúc không kịp thời; sự phối hợp giữa cấp và ngành cũng chưa thực sự đồng bộ; việc lồng ghép giữa các nguồn vốn khi triển khai thực hiện cũng còn bất cập. Ví dụ như: Chương trình trong đầu tư hạ tầng có lồng ghép hỗ trợ xi măng từ các nguồn ngân sách, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ vùng ATK, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc đối ứng nguồn vốn nên gặp khó khăn trong triển khai.

Thứ ba, việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn những hạn chế nhất định. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc của các địa phương trong tỉnh chưa đồng đều; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn chưa thực sự chặt chẽ, liên tục; một số mô hình, dự án triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như mong đợi; công tác tuyên truyền có thời điểm thiếu thường xuyên, số ít đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng ỷ lại, chưa thực sự nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất…

Thứ tư, các bộ, ban, ngành còn chậm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ hoặc ban hành nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời dẫn đến việc triển khai thực hiện tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Bộ Y tế chưa hướng dẫn về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có thông tư hướng dẫn đối với nội dung Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh trật tự thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10. Ủy ban Dân tộc chưa có hướng dẫn cụ thể quy định, định mức hỗ trợ đất sản xuất của đối với dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa phương để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện,…

Thứ năm, nhiều nội dung cơ chế, chính sách trong các thông tư do các bộ, ngành trung ương ban hành hướng dẫn còn chưa rõ hoặc giao về cho các địa phương quyết định cơ chế, chính sách nên cần nhiều thời gian để xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự quy định nên cũng ảnh hướng đến tiến độ triển khai các nội dung dự án, tiểu dự án tại địa phương.

Thứ sáu, các vùng sâu, xa của Thái Nguyên thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình và dịch vụ an sinh xã hội do hạ tầng giao thông kém phát triển và địa hình đồi núi hiểm trở. Đối với một số dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống có thể làm cho họ khó khăn trong việc chấp nhận và tham gia vào các chính sách và chương trình an sinh xã hội do sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Đa số dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên vẫn đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói, do đó, họ cần sự hỗ trợ tài chính để tiếp cận các dịch vụ và chương trình an sinh xã hội.

3. Những cơ hội để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách cho vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ nhấtđối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai một loạt dự án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo đó, sẽ có thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng, 6 lớp học xóa mù chữ được mở mới, khoảng 860 người được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số, 3.000 người hỗ trợ đào tạo nghề6. Trong quá trình tới đây, các ngành tổ chức triển khai thực hiện các chính sách của trung ương cũng như tham mưu cho tỉnh để thực hiện chính sách của địa phương gắn với chính sách của trung ương về giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng giao thông. Trong hai năm (2022 và 2023), tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng 268 công trình hạ tầng ở các xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, trong đó đã có 176 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, hiện nay đang khẩn trương triển khai thi công 92 công trình7. Việc cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp cho việc tiếp cận với các vùng sâu, xa trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các chương trình an sinh xã hội.

Thứ ba, quyết tâm của đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: đặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn… Để thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp mà tỉnh đưa ra là: thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Giai đoạn 2021 – 2025, Nhà nước đầu tư 1.984 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân8. Theo đó, các dự án thành phần sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp hơn hai lần so với năm 2020; mỗi năm giảm bình quân 2% số hộ nghèo, giảm 50% số xã, số xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%, duy trì tỷ lệ ít nhất 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, 98% số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế9.

Ngoài ra, công tác y tế sẽ được tăng cường để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%10

Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh Thái Nguyên tập trung 6 giải pháp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Đồng thời, giải pháp của tỉnh Thái Nguyên đưa ra là khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên

Một là, mọi chính sách do trung ương hay địa phương ban hành đều nhằm đến mục tiêu tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo một cách bền vững. Để làm được như vậy đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề khó khăn nhất là tạo sinh kế bền vững. Định hướng chính sách trong giai đoạn tới là “giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện”, điều này rất quan trọng, trong đó tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội là một kênh huy động vốn quan trọng nhất. Khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số, nỗ lực cùng với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội để góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương cũng như mỗi gia đình, thì công cuộc giảm nghèo mới bền vững và các vùng miền đặc biệt khó khăn mới thoát khỏi khó khăn.

Hai là, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành một số chính sách mới, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, có hướng dẫn cụ thể đối với việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư, bảo đảm mục tiêu đề ra, tránh trùng lặp chính sách. Việc quyết định định mức đầu tư của một số dự án cần có sự phù hợp với các chương trình, chính sách khác để bảo đảm tính thống nhất. Đối với vùng dân tộc rất ít người cần xây dựng các chính sách phát triển phù hợp với từng dân tộc đồng thời gắn với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư, vốn vay ưu tiên hạ tầng từ thôn, bản; đồng thời quan tâm đến việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số ít người.

Ba là, trong giai đoạn tới cần tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh để tạo sinh kế mới cho người dân. Muốn vậy, phải tạo xung lực mới theo hướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm… để phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng lợi thế về văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Bốn là, đi đôi với phát triển kinh tế cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, thông qua đó làm thay đổi nhận thức và hành vi để người dân phát huy nội lực, vượt qua chính mình để hội nhập và phát triển. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội cần có kế hoạch, những giải pháp thiết thực bằng cách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, đưa trí thức, sử dụng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cho hiệu quả nhất để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đồng thời giải quyết tốt những vấn đề khó, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nảy sinh trong quá trình phát triển.

Năm là, tập trung giải quyết các vấn đề an sinh cấp thiết của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện các dự án, tiểu dự án có khả năng giải ngân nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng cần đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia một cách đồng bộ, kịp thời để địa phương triển khai thực hiện không làm chậm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm có hướng dẫn đối với các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi sáp nhập (không có tên theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc)  về việc thực hiện các chính sách dân tộc nói riêng và các chính sách khác nói chung để địa phương có căn cứ thực hiện phân bổ vốn và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ.

5. Kết luận

Thông qua nghiên cứu, tìm hiểu về kinh nghiệm của Thái Nguyên trong thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số là kinh nghiệm giá trị cho các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống tham khảo và có những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là cơ hội để tạo ra sự công bằng và phát triển bền vững cho cả cộng đồng. 

Chú thích:
1, 5, 10. Thái Nguyên nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. https://dangcongsan.vn, ngày 12/12/2022.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc Sự thật, 2021, tr. 170.
3. Nâng bước học sinh nghèo đến trường. https://baothainguyen.vn, ngày 07/12/2023.
4. Tài liệu Hỏi – Đáp Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (P2). https://baothainguyen.vn, ngày 08/12/2015.
6. Nhiều dự án hướng về đồng bào dân tộc thiểu số. https://baothainguyen.vn, ngày 17/5/2024.
7. Thái Nguyên đầu tư hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. https://baochinhphu.vn, ngày 22/11/2023.
8. Thái Nguyên: Dành gần 2.000 tỷ đồng cho Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. https://thainguyen.gov.vn, ngày 13/9/2022.
9. Động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi Thái Nguyên. https://thainguyen.gov.vn, ngày 13/7/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 26/3/2024.
2. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc – thực trạng và những vấn đề đặt ra. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 14/11/2023.
3. Chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân tộc thiểu số ở TP. Hồ Chí Minh.https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/3/2023.