Tác động hai mặt của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên ở thành phố Đà Nẵng hiện nay

NCS. Hoàng Thị Kim Liên
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

(Quanlynhanuoc.vn) – Mạng xã hội đã và đang thu hút sự tham gia của đông đảo thanh, thiếu niên nói chung và sinh viên nói riêng. Với vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước ở thời đại mới, việc định hướng sinh viên khai thác những mặt lợi và hạn chế những tác hại do mạng xã hội là vô cùng quan trọng. Thông qua khảo sát quan điểm của sinh viên các trường đại học ở thành phố Đà Nẵng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giáo dục lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội.

Từ khóa: Mạng xã hội; lối sống; biểu hiện; sinh viên; thành phố Đà Nẵng.

1. Đặt vấn đề

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Sinh viên Việt Nam (năm 1998), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Sinh viên là bộ phận trí tuệ và ưu tú trong các thể hệ thanh niên, là nơi kết tinh nhiều tài năng sáng tạo, là nguồn lao động có học vấn cao, có chuyên sâu và đại bộ phận sinh viên sẽ trở thành người trí thức của đất nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân vô cùng tin cậy lớp sinh viên ngày nay là lực lượng kế tục và phát huy nguồn lực trí tuệ vô cùng quý giá của dân tộc ta”. Tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò của thanh niên, tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước”1.

Trong giai đoạn hiện nay, ở nước ta cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập, đặc biệt là những thành tựu khoa học – công nghệ, trong đó sự phát triển của mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng của nguồn lực con người nói chung và sinh viên nói riêng, nhất là về lối sống. Sinh viên thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài sự tác động đó, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, sinh viên ở thành phố Đà Nẵng vừa có những đặc điểm thuận lợi cho việc tiếp thu những yếu tố tích cực, vừa có đặc điểm dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực từ mạng xã hội.

2. Thực trạng tác động hai mặt của mạng xã hội đến lối sống sinh viên của thành phố Đà Nẵng

(1) Nhằm nắm bắt chính xác, khách quan tác động hai mặt của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực trạng lối sống sinh viên thành phố Đà Nẵng.

– Mục đích khảo sát: nhằm đánh giá khách quan về tác động của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên ở thành phố Đà Nẵng hiện nay.

– Nội dung khảo sát: nội dung gồm 6 câu hỏi đánh giá nhận thức về tác động của mạng xã hội đến lối sống sinh viên trên các hoạt động chủ đạo: học tập, nghiên cứu khoa học, thực tiễn hoạt động chính trị – xã hội, hoạt động giao tiếp ứng xử và quan hệ xã hội.

– Phương pháp khảo sát: phương pháp điều tra xã hội học được tiến hành bằng bảng hỏi thiết kế dựa trên nền tảng Google From, được gửi đến sinh viên thông qua các ứng dụng của mạng xã hội: Gmail, Facebook, Zalo.

Phạm vi khảo sát: khảo sát với 500 phiếu được gửi tới sinh viên thuộc 5 trường Đại học ở thành phố Đà Nẵng (Trường Đại học Kinh tế; Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật) trực thuộc Đại học Đà Nẵng.

Thời gian khảo sát: tháng 02/2024 – 4/2024.

Số phiếu thu về sau khảo sát: 482/500 phiếu

Bảng 1: Tổng hợp kết quả khảo sát

STTNội dung khảo sátĐáp án lựa chọn
ABCD 
1Theo bạn, mạng xã hội tác động tích cực như thế nào đến học tập, nghiên cứu khoa học?Nâng cao nhận thức, năng lực tự họcRèn luyện tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu khoa họcHọc tập được nhiều kỹ năng mềmKhác
390 (80,9%)388 (80,5%)402 (88,4%)0 
2Theo bạn, mạng xã hội tác động tiêu cực như thế nào đến học tập, nghiên cứu khoa học?Nguy cơ bị lệ thuộc kiến thức dẫn đến lười tư duy, sáng tạoNguy cơ “nghiện” mạng xã hội dẫn đến chất hượng học tập giảm sútNguy cơ dẫn đến lối sống khép kín, khó hòa nhập đời sống hiện thựcKhác 
380 (78,8%)385 (79,9%)311 (64,5%)0 
3Theo bạn, mạng xã hội tác động tích cực như thế nào đến hoạt động chính trị – xã hội?Là diễn đàn để thể hiện chính kiếnTìm hiểu, nắm bắt những vấn đề chính trị – xã hộiLan tỏa  tấm gương tốt, những việc làm có ý nghĩaKhác 
352 (73%)362 (75%)391 (81,1%)0 
4Theo bạn, mạng xã hội tác động tiêu cực như thế nào đến hoạt động chính trị – xã hội?Nguy cơ phai nhạt lý tưởngNguy cơ suy giảm niềm tinGia tăng lối sống thờ ơ, vô cảmKhác 
394 (81,7%)397 (82,4%)383 (79,5%)0 
5Theo bạn, mạng xã hội tác động tích cực như thế nào đến hoạt động giao tiếp ứng xử và quan hệ xã hộiTạo điều kiện để thích ứng và làm việc trong môi trường đa văn hóaMở rộng các quan hệ xã hộiCơ hội để tham gia nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩaKhác 
341 (71%)407 (85%)379 (79%)  
6Theo bạn, mạng xã hội tác động tiêu cực như thế nào đến hoạt động giao tiếp ứng xửNguy cơ gia tăng  lối sống thực dụng, ngoại laiNguy cơ giảm sự tương tác trực triếpNguy cơ bị lôi kéo bởi những việc làm vi phạm pháp luậtKhác
386 (80%)369 (76,6%)362 (75,1%)  

(2) Đánh giá kết quả khảo sát.

a. Tác động tích cực

Một là, mạng xã hội góp phần quan trọng nâng cao trình độ nhận thức và rèn luyện tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên. Kết quả khảo sát tại bảng 1, với câu hỏi 1: có 80,9% sinh viên cho rằng, mạng xã hội giúp nâng cao trình độ nhận thức; 80,5% sinh viên cho rằng, mạng xã hội giúp sinh viên rèn luyện tính chủ động, tích cực trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và 88,4% sinh viên trả lời mạng xã hội giúp họ học tập được nhiều kỹ năng mềm.

Có ý kiến đã cho rằng, mạng xã hội giúp: “sinh viên thành lập và duy trì các “group” học tập, tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tài liệu, kinh nghiệm trong học tập cũng như trong công việc, mở ra cơ hội học hỏi kiến thức và trau dồi kỹ năng cho người sử dụng, qua đó trở thành nguồn lực cá nhân giúp phát triển tư duy nhận thức, nâng cao giá trị bản thân trong bối cảnh xã hội hiện đại”6. Tận dụng mạng xã hội, sinh viên tìm kiếm tài liệu, phục vụ cho nghiên cứu, học thêm được các kỹ năng, như: tiếng Anh, thuyết trình, giao tiếp, khởi nghiệp,… mà không mất nhiều thời gian và chi phí.

Hai là, mạng xã hội là một diễn đàn lý tưởng để sinh viên thể hiện chính kiến của mình về các vấn đề chính trị – xã hội. Thông qua kết quả khảo sát cho thấy, có 73% sinh viên trả lời mạng xã hội là diễn đàn để thể hiện chính kiến, 75% sinh viên cho rằng mạng xã hội là nơi để tìm hiểu, nắm bắt những vấn đề chính trị – xã hội. Chính trên môi trường mạng xã hội, sinh viên có cơ hội thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, bày tỏ chính kiến, kêu gọi và cỗ vũ, cùng đồng sức, đồng lòng thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc.

Ba là, mạng xã hội giúp lan tỏa những tấm gương tốt, việc tốt, qua đó có ảnh hưởng tích cực đến lối sống của sinh viên. Thông qua khảo sát, 81,1% sinh viên đã khẳng định, mạng xã hội là không gian lý tưởng để truyền tải những thông tin, những phong trào thiện nguyện, những tấm gương tiêu biểu rất nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả và ít tốn chi phí nhưng lại có sức lan tỏa rộng lớn. Vì vậy, nhiều phong trào, nhiều tấm gương tốt thông qua mạng xã hội đã nhanh chóng tập hợp được các nguồn lực (nhân lực, vật lực), tạo được sự hưởng ứng, sức mạnh của cộng đồng đã làm nên những việc có ý nghĩa tích cực đến lối sống sinh viên.

b. Về tác động tiêu cực.

Thứ nhất, mạng xã hội làm tăng nguy cơ sinh viên bị lệ thuộc vào “thế giới ảo” làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, rèn luyện của sinh viên. Từ kết quả khảo sát cho thấy, có 78,8% cho rằng, mạng xã hội dễ dẫn đến nguy cơ bị lệ thuộc kiến thức, lười tư duy, sáng tạo, 79,9% cho rằng, nghiện mạng xã hội dẫn đến chất lượng lượng học tập giảm sút và 64,5% sinh viên cho rằng, mạng xã hội tăng nguy cơ dẫn đến lối sống khép kín, khó hòa nhập đời sống hiện thực. Việc chia sẻ tài liệu học tập trên mạng xã hội hiện nay rất phổ biến và công khai, dẫn đến nguy cơ sinh viên quá lệ thuộc vào những kiến thức, tri thức có sẵn trên mạng xã hội khiến họ có xu hướng lười tư duy, lười trong văn hóa đọc nên kiến thức tiếp thu sẽ hời hợt, thiếu chiều sâu.

Thứ hai, mạng xã hội dễ dẫn đến thái độ thờ ơ với những vấn đề chính trị – xã hội của đất nước, làm tăng nguy cơ lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, thái độ, hành vi do ảnh hưởng xấu bởi các biểu hiện tiêu cực trên môi trường mạng. Hiện nay, mạng xã hội trở thành là môi trường bị “các thể lực thù địch, phản động với dã tâm là muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nên đã không từ âm mưu thủ đoạn nào. Hiện nay, chúng triệt để lợi dụng không gian mạng làm “mặt trận chính” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam”7.

Theo kết quả khảo sát, có 81,7% sinh viên cho rằng mạng xã hội dẫn đến nguy cơ phai nhạt lý tưởng, có 82,4% sinh viên trả lời mạng xã hội dẫn đến nguy cơ suy giảm niềm tin và 79,5% sinh viên cho rằng, mạng xã hội làm gia tăng lối sống thờ ơ, vô cảm. Đây là một trong những nguy cơ dẫn đến lối sống thiếu ý thức, trách nhiệm đối với đất nước, nguy hại hơn, có thể dẫn đến phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, mạng xã hội dẫn đến nguy cơ sinh viên bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai, từ đó có thái độ và hành vi giao tiếp, ứng xử không phù hợp. Theo kết quả khảo sát, có 80% trả lời mạng xã hội dẫn đến nguy cơ gia tăng lối sống thực dụng, ngoại lai; có 76,6% sinh viên cho rằng, mạng xã hội dẫn đến nguy cơ giảm sự tương tác trực tiếp và 75,1% cho rằng, mạng xã hội có nguy cơ sinh viên bị lôi kéo bởi những việc làm vi phạm pháp luật. Sinh viên là lứa tuổi đang trong giai đoạn định hình về mặt lối sống, cho nên nếu tiếp thu lối sống thiếu chuẩn mực một cách thiếu định hướng dẫn đến nguy cơ xa rời chuẩn mực đạo đức của dân tộc.

3. Một số giải pháp nhằm phát huy tính tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống sinh viên ở thành phố Đà Nẵng

Một là, xác định tầm quan trọng và định hướng sử dụng mạng xã hội cho sinh viên.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần coi môi trường mạng xã hội có tầm quan trọng tương đương thậm chí quan trọng hơn môi trường nhà trường, xã hội. Do mạng xã hội có khả năng chia sẻ nhanh chóng mọi thông tin mà mức độ tin cậy những thông tin này không phải ai cũng có thể kiểm chứng được. Do đó, sinh viên cần được định hướng để tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng xã hội tích cực, chủ động và không lan truyền những thông tin sai sự thật, thất thiệt, gây dư luận xấu.

Hai là, nâng cao vai trò của các chủ thể giáo dục trong nhà trường trong phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống sinh viên.

Giáo dục lý tưởng, đạo lý, lối sống, nhất là trước tác động của mạng xã hội hiện nay là nội dung quan trọng hàng đầu trong các nhà trường. Môi trường giáo dục trong nhà trường là môi trường gần, tác động trực tiếp đến sự định hình lối sống sinh viên, trong đó các tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường giữ vai trò quyết định trực tiếp. Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là sự lãnh đạo, định hướng từ các cấp ủy đảng, ban giám hiệu đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên, các hoạt động phong trào của đoàn, hội… trong xây dựng lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội thực chất là cần có sự quan tâm hơn nữa, sâu sát hơn nữa của các chủ thể giáo dục đến mọi hoạt động của sinh viên trong rèn luyện lối sống để từ đó có phương hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh liên quan đến rèn luyện lối sống của sinh viên hiện nay trước tác động của mạng xã hội.

Ba là, phát huy vai trò của các chủ thể giáo dục trong việc đa dạng hóa phương thức xây dựng lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội.

Phát huy vai trò của giảng viên trong đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng tính định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống thông qua nội dung bài học, bám sát hơi thở cuộc sống trong từng chương, từng chuyên đề giảng, trong giảng dạy kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”, sử dụng các phương pháp linh hoạt, mềm dẻo, căn cứ vào đối tượng sinh viên ở từng trường, từng ngành.

Bên cạnh đó, trong giáo dục, các chủ thể cần có sự phối hợp nhất là giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để sinh viên rèn luyện lối sống trước tác động của mạng xã hội. Quá trình giáo dục cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, hội sinh viên trong bồi dưỡng kỹ năng nhận diện, đánh giá những hành vi lệch chuẩn trong lối sống của sinh viên hiện nay trước tác động của mạng xã hội bằng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của sinh viên trong khai thác các yếu tố tích cực, đấu tranh ngăn chặn những yếu tố tiêu cực của mạng xã hội.

Hiệu quả của việc định hướng giáo dục của các chủ thể đối với phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên phụ thuộc nhiều vào vai trò chủ động, tích cực của sinh viên. Để rèn luyện được tính chủ động, tích cực của sinh viên cần có khích lệ, hướng dẫn từ phía nhà trường, giảng viên, các chủ thể giáo dục, đồng thời tăng cường cỗ vũ, biểu dương, khen thưởng, bảo vệ sinh viên trong chủ động phản ánh, tố giác, đấu tranh với những biểu hiện, những hiện tượng tiêu cực trên môi trường mạng xã hội.

Năm là, tạo môi trường văn hóa lành mạnh – tiền đề để phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống sinh viên.

Để tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh trong sinh viên, phát huy vai trò của công tác quản lý hành chính, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả quy chế giáo dục – đào tạo, nội quy, quy chế của nhà trường. Bên cạnh đó, trước tác động của mạng xã hội đến lối sống, các nhà trường cần căn cứ vào đặc điểm hoạt động, học tập của sinh viên trong từng nhà trường để xây dựng cơ chế, quản lý phù hợp nhất là đối với văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội.

Cần phải tạo được dư luận xã hội mãnh mẽ đối với những biểu hiện sai trái, vi phạm đạo đức, lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội. Ví dụ, như: sử dụng mạng xã hội không đúng lúc, đúng chỗ, sai mục đích, ảnh hưởng chất lượng học tập,… dư luận xã hội phải biểu hiện bằng thái độ khen, chê rõ ràng, nhất là đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện do tác động tiêu cực của mạng xã hội mang lại, đặc biệt là lối sống lệch chuẩn của một bộ phận sinh viên hiện nay, như: đua đòi, chạy theo vật chất, lối sống “ảo”, “sống thử”, “vô cảm”, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

4. Kết luận

Lối sống của sinh viên là toàn bộ những hoạt động sống mang tính ổn định của sinh viên phù hợp và đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường và những giá trị, chuẩn mực xã hội. Qua nghiên cứu thực trạng một số biểu hiện lối sống sinh viên trước tác động của mạng xã hội cho thấy, mạng xã hội đã có tác động tích cực và tiêu cực đến lối sống sinh viên thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động học tập, rèn luyện; hoạt động chính trị – xã hội thực tiễn; hoạt động giao tiếp ứng xử và quan hệ xã hội. Để phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống sinh viên hiện nay, trước hết, cần phát huy vai trò của các chủ thể nhất là các nhà trường trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những cách làm đổi mới, sáng tạo cả trong nội dung và hình thức, từ đó giúp cho sinh viên nâng cao nhận thức và phát huy vai trò chủ thể của mình trong tự giáo dục, tự rèn luyện lối sống của bản thân trước tác động của mạng xã hội.

Chú thích:
1. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2022, tr. 307.
2. Trần Hậu Tân. Xây dựng lối sống tích cực của sinh viên trước tác động của mạng xã hội hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020, tr. 33.
3. Đào Thị Trang. Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2018, tr. 53.
4. Hoàng Thị Kim Liên. Ảnh hưởng của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên hiện nay (nghiên cứu sinh viên ở thành phố Đà Nẵng). Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng, Vol 22, No.2, 2024.
5. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
6. Nguyễn Thị Lan Hương, Mạng xã đối với lối sống của thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay. H. NXB Khoa học xã hội, 2019, tr. 212.
7. Quản lý thông tin trên mạng xã hội góp phần ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. https://hcma3.hcma.vn, ngày 11/01/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Giải pháp phát huy tính tích cực học tập của sinh viên trong thời đại số hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 28/5/2024.
2. Phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong quản trị truyền thông tại các trường đại học. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 27/4/2023.