TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số với mục tiêu “Đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”1. Để thực hiện mục tiêu đảng bộ và chính quyền Thành phố đã quan tâm, thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, xây dựng chính quyền số nói riêng và đã đạt được nhiều kết quả. Từ các kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Từ khóa: TP. Hồ Chí Minh; xây dựng chính quyền số; chuyển đổi số; hạ tầng số; dữ liệu số.
1. Đặt vấn đề
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch của cả nước; là địa phương đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số. Ngày 23/11/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 6179/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025, xác định mục tiêu quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo. Cụ thể, Đề án xác định: “Việc quản trị đô thị dần dần chuyển từ trạng thái “bị động” sang trạng thái “chủ động”. Thay vì, chỉ phản ứng khi xảy ra các sự cố, bức xúc của người dân, chính quyền có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn xã hội, các hệ thống Internet vạn vật (IoT)…, các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Bigdata) với những tính năng phân tích thông minh để chắt lọc thông tin, dự báo xu hướng, tiên lượng được các vấn đề có thể xảy ra. Đồng thời, Đề án cũng xác định mục tiêu tăng cường sự tham gia quản lý của người dân thông qua các kênh kết nối phù hợp và thông qua việc cung cấp dữ liệu mở rộng rãi. TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình chuyển đổi số tại Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020, xác định tầm nhìn trong chuyển đổi số đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Trên cơ sở đó, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính quyền số và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, khi thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: ngân sách đầu tư hạ tầng số còn hạn chế; nhân sự phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hệ thống dữ liệu chưa đầy đủ, đồng bộ; đồng thời, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có thói quan làm việc trên môi trường số… Vì vậy, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn trong tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng ngày một hoàn thiện hơn.
2. Một số kết quả trong xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh
Sau 4 năm thực hiện chương trình chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm, xây dựng và triển khai chính quyền số từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và khai thác hệ thống các cơ sở dữ liệu (hộ tịch, dân cư, nền thông tin địa lý, bảo hiểm), kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở… Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, nhiều ngành đã tăng tốc trong việc xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ hiệu quả quản trị, điều hành và cung cấp dịch vụ công điển hình, như: dữ liệu hộ tịch, giáo dục, thông tin địa lý.
Về xây dựng chính quyền số, đã thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, kế hoạch; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chuyển đổi số các hoạt động quản trị của chính quyền, bảo đảm các điều kiện xây dựng chính quyền số.
Tính đến hết năm 2023, Thành phố đã ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số và kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quản trị dữ liệu; đồng thời, thành lập Trung tâm chuyển đổi số của Thành phố. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông cho hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn năm 2024 và những năm tiếp theo; cử 1.500 nhân sự phụ trách chuyển đổi số tham gia bồi dưỡng qua nền tảng trực tuyến mở của Bộ Thông tin và Truyền Thông… Thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức số cho người dân; thành lập 2.620 tổ công nghệ số cộng đồng với 11.059 thành viên… (UBND Thành phố, 2023)2.
Về xây dựng dữ liệu số, đã hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch, bao gồm: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Thực hiện đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, như: cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ kho dữ liệu dùng chung của Thành phố cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.
Thành phố đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính. Đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trường, lớp, học sinh, giáo viên, nhân viên; đồng thời, đang tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu tốt nghiệp trung học phổ thông và cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, Thành phố cũng đã thực hiện số hóa và vận hành nhiều dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu người dân, như: dữ liệu lao động thương binh xã hội, y tế, văn hóa, cán bộ, công chức, viên chức… Bên cạnh đó, đã triển khai hoàn tất việc tích hợp và chia sẽ dữ liệu đăng ký doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và đang thực hiện phối hợp kết nối với Cục Thuế để chuẩn bị tích hợp và chia sẽ dữ liệu tổng hợp về thuế của Thành phố.
Thành phố đã triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, hạ tầng giao thông và các dự liệu, như: điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố để đưa vào chia sẻ và khai thác; đồng thời, vận hành chính thức nền tảng bản đồ số dùng chung để làm cơ sở nền tảng cho các hệ thống thông tin địa lý (GIS) của chính quyền điện tử.
Tính đến hết quý I/2024, Thành phố đã cung cấp 29.248 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức phục vụ trao đổi công tác. Triển khai liên thông kết nối hơn 1.140 đơn vị trên địa bàn Thành phố, trong đó 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức, xã, phường, thị trấn tham gia; các văn bản khi phát hành đều đã ứng dụng ký số và vận hành trên môi trường mạng3. Thư mời họp, lịch công tác giữa các cơ quan nhà nước đã thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: việc liên thông các nền tảng số giữa Thành phố và các bộ, ngành đang trong quá trình hoàn thiện nên dữ liệu vận hành còn có độ vênh. Nguồn nhân lực thực hiện mảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm để triển khai, thực hiện (UBND Thành phố, 2024)3.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số cũng đặt ra nhiều vần đề cần được giải quyết: (1) Bảo đảm tính ưu tiên trong xây dựng chính quyền số trong các mục tiêu quan trọng, cấp bách của Thành phố; (2) Nguồn lực đầu tư cho xây dựng chính quyền số; (3) Xây dựng hạ tầng số; (4) Xây dựng và đảm bảo an toàn hệ thống dữ liệu của Thành phố; (5) Thu hút các chuyên gia và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thành phố cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn trong xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số nói riêng và quản lý phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển mới.
3. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh
Một là, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chính sách: (1) Tuyên truyền về sự cần thiết, lợi ích của chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế – xã hội; (2) Phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và quan điểm, định hướng của Đảng bộ Thành phố; (3) Xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chính quyền số.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình chuyển đổi số của Thành phố; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2025; hoàn thiện Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 và các quy định, hướng dẫn có liên quan. Trong đó, chú ý rà soát, tích hợp các giải pháp để tiết kiệm thời gian, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.
Nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị các phương án hỗ trợ các nhóm yếu thế trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là xác định nhu cầu hỗ trợ của từng nhóm về nhận thức, tiếp cận công nghệ, phương tiện và giải pháp công nghệ. Tiếp tục đa dạng hóa các lại hình tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho các nhóm yếu thế, bảo đảm bình đẳng cho mọi người dân, doanh nghiệp. Xây dựng diễn đàn, kết nối hợp tác công – tư trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ các nhóm yếu thế trong chuyển đổi số.
Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, triển khai mạng 5G để bảo đảm điều kiện cơ bản để thúc đẩy, tăng tốc chuyển đổi số cũng như xây dựng chính quyền số.
Tăng cường các giải pháp hiệu quả để bảo vệ dữ liệu số của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo lập niềm tin, chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tiến trình chuyển đổi số. Mặt khác, chuẩn bị các phương án xử lý các tình huống rủi ro về an toàn dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân trên môi trường số.
Hai là, xác lập vị trí ưu tiên xây dựng chính quyền số của Thành phố.
Rà soát, hoàn thiện chiến lược xây dựng chính quyền số của Thành phố trên cơ sở tích hợp các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, trong đó thể hiện rõ vị trí, tầm quan trọng của chiến lược, mục tiêu và các giải pháp “mạnh” bảo đảm hiệu quả thực thi trong thực tiễn.
Thực hiện nhất quán quan điểm, mục tiêu ưu tiên của nhiệm vụ xây dựng chính quyền số trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và các cấp chính quyền. Tính nhất quán này còn thể hiện trong các kế hoạch công tác, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, chú ý gắn kết và bảo đảm tính đồng bộ, hướng tới phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Xác lập vai trò của cơ quan chuyên trách trong chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn xây dựng chính quyền số toàn Thành phố; phát huy vai trò của cơ quan này trong dự báo, xây dựng các phương án, kịch bản, lộ trình và nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền số. Xây dựng cơ chế ưu tiên để kịp thời hóa giải các vướng mắc, mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên môi trường số.
Ba là, ưu tiên ngân sách cho xây dựng chính quyền số của Thành phố.
Cần cân đối nguồn lực tài chính – ngân sách của Thành phố để ưu tiên bố trí ngân sách hợp lý đầu tư xây dựng trong dự toán ngân sách hằng năm và trong các chu kỳ ngân sách. Nghiên cứu thực hiện cơ chế hợp tác đối tác công – tư và vận dụng các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng chính quyền số. Nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh trong xây dựng, triển khai chính quyền số theo cơ chế đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình, phương thức khai thác, thương mại hóa các dữ liệu Thành phố đang quản lý, sử dụng để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, sản xuất – kinh doanh một cách hiệu quả và bảo đảm tính bảo mật các dữ liệu quản lý của các cơ quan nhà nước, bảo mật an ninh quốc gia theo quy định. Đổi mới quy trình, thủ tục ngân sách để bảo đảm tính kịp thời trong chi đầu tư xây dựng chính quyền số.
Bốn là, xây dựng hạ tầng số hiện đại, đồng bộ.
Xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, trong đó chú trọng dữ liệu các yêu cầu, điều kiện phát triển hạ tầng số băng rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững đáp ứng phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ưu tiên triển khai mạng 5G toàn Thành phố và xử lý dữ liệu ở quy mô lớn, bảo đảm các điều kiện an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng số với hạ tầng giao thông, điện, chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm và các hạ tầng kỹ thuật khác trên trong toàn Thành phố. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng số theo 6 nhóm tiêu chí với 24 tiêu chí thành phần theo Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Tuyền thông về đánh giá, phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghiên cứu, đặt hàng các tập đoàn công nghệ phát triển các công nghệ số, giải pháp thông minh cho chính quyền số của Thành phố. Đưa các yêu cầu mang tính pháp lý, chính sách về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu vào các yêu cầu đặt hàng. Tập trung vào các hệ thống lõi của đô thị thông minh và chính quyền số, như: ứng dụng quản lý, điều hành; cung cấp dịch vụ công số; hệ thống nhận diện và công nghệ cảm biến; hệ thống hỗ trợ thanh toán…
Năm là, xây dựng hệ thống dữ liệu an toàn cùng các phương án khả thi để phòng ngừa, xử lý các sự cố trong vận hành chính quyền số.
Lập kế hoạch để xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu của Thành phố, trong đó chú ý xây dựng các phương án, kịch bản phát triển dữ liệu của Thành phố trong hiện tại và tương lai.
Triển khai xây dựng quản lý tập trung thống nhất dữ liệu, kết nối đồng bộ toàn Thành phố và với Trung ương, hướng tới các mục tiêu: tối đa hóa dữ liệu, bảo đảm an toàn và sử dụng hiệu quả dữ liệu.
Cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ban hành quy chế về xây dựng, quản lý khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của Thành phố, trong đó xác lập chức năng, nhiệm vụ và chế tài trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Có chiến lược phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu. Đồng thời, dự liệu các phương án để xử lý các tình huống trong quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu để bảo đảm tính chủ động trong quản lý, điều hành của chính quyền và ứng phó với các sự cố.
Xây dựng cẩm nang tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng trong bảo mật dữ liệu và quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng và quản trị dữ liệu trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.
Sáu là, xây dựng nguồn nhân lực số.
Thành phố nên ban hành chiến lược xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý thời đại số cùng đội ngũ chuyên gia (bao gồm các chuyên gia về công nghệ số, AI…), đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành chính quyền số nói riêng, phát triển Thành phố nói chung để hội tụ nhân tài phát triển Thành phố trong kỷ nguyên số.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Thay đổi phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền và văn hóa tác nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu lộ trình xây dựng và vận hành chính quyền số.
Nghiên cứu, vận dụng thực hiện cơ chế, chính sách thí điểm trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 thu hút các chuyên gia về công nghệ số, công nghệ thông tin làm chuyên gia, cố vấn hay làm việc theo chế độ phù hợp để tham gia quản lý quá trình xây dựng và vận hành chính quyền số của Thành phố.
Học hỏi kinh nghiệm của Estonia, Đan Mạch và một số quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực số, phổ cập kỹ thuật số cho người dân khi đưa giáo dục lập trình số, kỹ năng số vào chương trình học từ bậc tiểu học.
Nuôi dưỡng các tài năng công nghệ số trong các cơ quan, tổ chức và trong cộng đồng. Giữ chân nhân tài kỹ thuật số quan trọng thông qua văn hóa nơi làm việc hiện đại bao gồm tính linh hoạt, đổi mới, khả năng lãnh đạo kỹ thuật số mạnh mẽ và sự phát triển nghề nghiệp (Australian Government, 2021)4.
Thúc đẩy hòa nhập số và tiếp cận các nền tảng số, bảo đảm cơ hội cho mọi cá nhân trong kỷ nguyên số; đồng thời, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.
Bảy là, rà soát, hoàn thiện cơ chế trong xây dựng chính quyền số.
Xây dựng cơ chế thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng chính quyền số, trong đó xác định: (1) Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách và vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cấp chính quyền, từng cơ quan, đơn vị trong xây dựng chính quyền số; (2) Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng chính quyền số; (3) Đánh giá, phân loại các nhóm cơ quan, đơn vị, địa phương có mức độ xây dựng chính quyền số.
Rà soát, tích hợp các chỉ tiêu xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, cải cách hành chính thành bộ tiêu chí chung để đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị hằng năm.
Hướng dẫn đồng bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng cơ chế về vận hành chính quyền số, trong đó xác định: (1) Vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; (2) Bộ phận hay nhân sự chuyên trách; (3) Mối quan hệ và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình vận hành; (4) Trách nhiệm và cơ chế giải quyết khi xảy ra sự cố…
Xây dựng chuẩn mực văn hóa tác nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường số, trong đó xây dựng các giải thưởng trao tặng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (1) Có nhiều ý tưởng sáng tạo về phát triển các nội dung số trong cung cấp dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị; (2) thực hiện tốt các chuẩn mực văn hóa tác nghiệp trên môi trường số. Đồng thời, hằng năm, rà soát, đánh giá kết quả triển khai xây dựng chính quyền số của từng cơ quan, đơn vị, địa phương của Thành phố, xếp hạng cơ quan, đơn vị, địa phương về mức độ triển khai và kết quả xây dựng chính quyền số. Kết quả này có thể được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
5. Kết luận
Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Vì vậy, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền số nhanh, hiệu quả, bảo đảm là trụ cột trung tâm trong chuyển đổi số của Thành phố. Đồng thời, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển mới.
Chú thích:
1. Đức Thiện (2023). TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng dữ liệu người dân, phát triển đột phá kinh tế. https://tuoitre.vn/tp-hcm-dang-xay-dung-du-lieu-nguoi-dan-phat-trien-dot-pha-kinh-te-so-20231004115732573.htm, ngày 04/10/2023.
2. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo số 388/BC-UBND ngày 20/12/2023 về công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
3. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2024). Báo cáo số 71/BC-UBND ngày 19/3/2024 về công tác cải cách hành chính quý I/2024 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
4. Australian Government (2021). Digital government strategy.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 ban hành bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
4. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2017). Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23 /11 /2017 về phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
5. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2020). Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 /7 /2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh.
6. TS. Lê Thị Hạnh. Một số nguyên tắc xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội thành công. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/25/mot-so-nguyen-tac-xay-dung-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-thanh-pho-ha-noi-thanh-cong/, ngày 25/4/2024.
7. TS. Bùi Ngọc Hiền. Về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/08/16/ve-co-che-chinh-sach-phat-trien-tp-ho-chi-minh-trong-thoi-gian-toi/, ngày 16/8/2022.
8. Bùi Ngọc Hiền (chủ nhiệm) (2023). Xây dựng chính quyền số cấp huyện tại TP. Hồ Chí Minh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023 mã số (B22-33).
9. Nguyễn Đặng Phương Truyền. Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/25/chuyen-doi-so-trong-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-tai-tp-ho-chi-minh/, ngày 25/4//2024.
10. Dương Thị Lan Chi. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/07/29/thanh-pho-ho-chi-minh-trien-khai-thuc-day-chinh-quyen-so-kinh-te-so/, ngày 29/7/2021.
11. Nguyễn Thế Vinh. Xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 334 (11/2023), tr. 42 – 47.