Bùi Xuân Tùng
NCS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi chuyển sang giai đoạn phục hồi, nhiều cơ hội được mở ra, đồng thời, cũng đặt ra những thách thức cho ngành Du lịch. Cũng như các địa phương khác, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp để kích cầu và vực dậy ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Từ khóa: Du lịch; dịch bệnh Covid-19; tỉnh Ninh Bình; năng lực cạnh tranh.
1. Khái quát chung về tình hình du lịch của tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế – thương mại – du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc. Ninh Bình có địa hình đa dạng: có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ. Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, như: danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… mà còn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng. Là vùng đất ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như: khu di tích, lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú… Đặc biệt, năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Di sản hỗn hợp thứ 39 của thế giới và là di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á), tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, góp phần tạo động lực quan trọng, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của cả nước.
Tỉnh Ninh Bình có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy tương đối phát triển, thuận lợi để liên kết vùng, kết nối các điểm du lịch trong tỉnh. Bên cạnh đó, các hạ tầng cơ sở khác phục vụ du lịch được bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động du lịch, khách du lịch. Hạ tầng du lịch được tỉnh chú trọng đầu tư bằng ngân sách nhà nước, với nhiều dự án lớn, như: Dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Tam Cốc – Bích Động, Công viên động vật hoang dã Quốc gia… Cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch, như: khách sạn, nhà hàng, homestay, hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, các dịch vụ mua sắm, quán bar, thể thao… đa dạng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Tình hình hoạt động du lịch, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch, kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình trong các năm như sau:
Từ năm 2018 – 2019: với những chủ trương, định hướng ưu tiên phát triển du lịch của tỉnh, hoạt động kinh doanh du lịch ở Ninh Bình có bước phát triển vượt bậc. Địa bàn du lịch được mở rộng; các điểm danh thắng được tôn tạo, nâng cấp; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt. Năm 2018, toàn tỉnh đón gần 7,4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 6,5 triệu lượt khách, khách quốc tế là 876.000 lượt khách. Doanh thu du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng1.
Ngành Du lịch Ninh Bình phát triển bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; góp phần tích cực đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình thân thiện, an toàn và mến khách đến với cộng đồng và du khách; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.
Từ năm 2020 – 2021: do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Lượng khách giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Năm 2021, toàn tỉnh đón 1.325.000 lượt khách, đạt 50,47% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách nội địa là 1.305.500 lượt khách; khách quốc tế là 19.500 lượt khách. Doanh thu đạt gần 935 tỷ đồng, đạt 59,05% so với cùng kỳ năm 20202.
Từ năm 2022 – 2023: năm 2022 toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 263,9% so với năm 2021, khách du lịch quốc tế đạt 60.400 lượt, tăng 348% so với năm 2021. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón gần 6,6 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022 và đạt 123,33% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, lượng khách đến cơ sở lưu trú đạt trên 1,3 triệu lượt, gấp hơn 1,5 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1,8 triệu ngày, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu cả năm ước đạt trên 6.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,5% so với kế hoạch năm3.
2. Kết quả đạt được của ngành Du lịch Ninh Bình thời gian qua
Thứ nhất, về nguồn lực cốt lõi và yếu tố thu hút. Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình với trung tâm là Tràng An đã nổi lên như một điểm du lịch nổi bật ở Việt Nam. Năm 2014, Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO đã đánh dấu vị trí lên bản đồ du lịch toàn cầu. Ngoài ra, còn có các điểm đến nổi bật, như: khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; vườn quốc gia Cúc Phương; khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư… Với vai trò, vị trí đặc biệt trong lịch sử nên vùng đất Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia4. Tại Ninh Bình, một số sự kiện lớn đáng chú ý nhất là Festival Ninh Bình – Tràng An, Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Cố đô Hoa Lư… Những sự kiện này nêu bật di sản văn hóa và nghệ thuật đa dạng của tỉnh Ninh Bình, mỗi sự kiện mang đến những trải nghiệm độc đáo thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Thứ hai, các nhân tố và nguồn lực hỗ trợ. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 811 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 10.339 phòng nghỉ, trong đó: 146 khách sạn, chiếm 18% tổng số cơ sở lưu trú; 332 nhà nghỉ chiếm 40,9% tổng số cơ sở lưu trú; 333 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), chiếm 41% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh…5. Cơ sở hạ tầng giao thông ở tỉnh Ninh Bình đã có những thay đổi, điều này gián tiếp hỗ trợ ngành Du lịch bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ và điểm đến.
Thứ ba, quản lý điểm đến. Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung. Các đơn vị trong tỉnh thường xuyên thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường nội địa, quốc tế; giới thiệu du lịch thông qua các chương trình xúc tiến thị trường nội địa; xúc tiến tại chỗ; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, bloggers, youtuber, titokker… để kết nối, xúc tiến quảng bá đến các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS); tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp. Phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Tổng cục Du lịch, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp được giao quản lý khu, điểm du lịch mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự đối với khách du lịch cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Công tác phát triển nhân lực được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch, tuyên truyền các quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho người lao động du lịch trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, đã bồi dưỡng cho gần 2.000 lao động du lịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch.
Thứ tư, chính sách, quy hoạch, phát triển điểm đến. Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế về du lịch, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Nhiều văn bản của tỉnh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045; Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045… Theo đó, Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Ngành Du lịch của tỉnh đã tích cực triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phát triển du lịch trong kế hoạch chung của toàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, xúc tiến quảng bá du lịch trên môi trường mạng, hỗ trợ thông tin, xây dựng bản đồ số. Đồng thời, tích cực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng hệ thống thông tin số du lịch, hệ thống wifi và kiosk miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính, hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo để nhằm mục đích hỗ trợ cho du khách.
Thứ năm, các yếu tố chất lượng và khuếch đại. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch. Tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn.
Giá dịch vụ du lịch tại Ninh Bình cũng có mức trung bình so thấp với những địa phương lân cận. Việc nhấn mạnh vào trải nghiệm chất lượng với chi phí hợp lý không chỉ nâng cao sự hài lòng của khách du lịch mà còn thúc đẩy mối quan hệ bền vững hơn giữa điểm đến và du khách.
Mặc dù, ngành Du lịch Ninh Bình đã bảo đảm các yếu tố trên, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế sau:
Một là, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương có số lượng lễ hội được tổ chức trong năm với hơn 200 lễ hội và thường tổ chức vào đầu năm, điều này dẫn đến tình trạng quá tải của điểm đến ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… Mặt khác, nhiều di tích lịch sử văn hóa chưa được đưa vào chương trình tour tham quan của các du khách và chưa được quảng bá, xúc tiến, rộng rãi.
Hai là, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch còn thấp so với các địa phương trong vùng và trên cả nước. Sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống. Chưa có các khu vui chơi giải trí quy mô và cao cấp để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế, do vậy, du khách quốc tế không kéo dài thời gian lưu trú tại Ninh Bình.
Ba là, công tác phối hợp giữa ngành Du lịch với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện quản lý nhà nước về du lịch chưa cao; còn hạn chế trong việc huy động các nguồn lực cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Bốn là, việc ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
3. Một số giải pháp trong quá trình phục hồi, phát triển du lịch
Thứ nhất, tạo điều kiện, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu, điểm du lịch, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đối với quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra đối với hoạt động du lịch. Xây dựng đề án chuyển đổi mô hình quản lý và giải pháp quản lý, khai thác các khu du lịch.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong các hoạt động du lịch và hướng dẫn, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch. Vận động, giáo dục ý thức của doanh nghiệp, người dân tham gia vào hoạt động du lịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Thứ ba, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế ở các thành phố lớn. Tăng cường hợp tác, liên kết du lịch với các địa phương để thu hút đầu tư, khách du lịch. Thực hiện xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là quảng bá trên các đài truyền hình, các tạp chí du lịch có uy tín trong nước và quốc tế.
Thường xuyên tổ chức chương trình mời các hãng lữ hành, phóng viên, các cơ quan báo chí có uy tín đến Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các chương trình du lịch và quảng bá du lịch. Tạo điều kiện cho các hãng phim nổi tiếng trong và ngoài nước về quay tại Ninh Bình để góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng cách đẩy mạnh hoạt động liên kết, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, nhân viên và người lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.
Thứ năm, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, kinh doanh và quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ du lịch góp phần thu hút khách du lịch đến Ninh Bình.
Chú thích:
1, 2, 3. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình. Báo cáo tình hình hoạt động ngành Du lịch tỉnh Ninh Bìnhcác năm từ 2018 – 2023.
4. Thùy Vân (2023). Ninh Bình bảo tồn và phát huy nguồn lực di sản. https://nbtv.vn/ninh-binh-bao-ton-va-phat-huy-nguon-luc-di-san-64997.html
5. Hải Hà (2023). Ninh Bình thu hút du lịch MICE. https://tttt.ninhbinh.gov.vn/du-lich/ninh-binh-thu-hut-du-lich-mice-4236.html
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.