Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh

ThS. Nguyễn Văn Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đào tạo, bồi dưỡng là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Muốn đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng thì cần có những tiêu chí cụ thể. Bài viết đưa ra những tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh.
Từ khóa: Đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, tiêu chí đánh giá, quản lý nhà nước về kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay, một số chương trình bồi dưỡng chưa đáp ứng được thực tiễn đặt ra, còn nặng về lý luận, thiếu thực tế, có sự trùng lặp về nội dung giữa một số chương trình học, gây lãng phí về thời gian và kinh phí đào tạo. Một số giáo trình, nội dung chưa được cập nhật thường xuyên, chưa sát với chính sách mới và nhu cầu thực tiễn ở cơ sở; nội dung bài giảng của một số giảng viên chưa sát với từng đối tượng cụ thể, chưa đi sâu vào việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ… Do vậy, cần xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, hướng tới một nền công vụ tiên tiến của dân, do dân, vì dân.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là quá trình thu thập và xử lý thông tin về quá trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm xác định mức độ đạt được các mục tiêu đã đề ra. Để đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không thể chung chung, cảm tính mà cần dựa trên các tiêu chí cụ thể được xây dựng bảo đảm tính toàn diện, bao quát đầy đủ các yếu tố, nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đánh giá được chính xác những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt mạnh, điểm hạn chế trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Hải (2008)1 cho rằng, sau mỗi khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải hình thành được những năng lực, phẩm chất giúp ích cho quá trình thực thi công vụ, như: có kiến thức quản lý nhà nước; có khả năng đặt vấn đề và kỹ năng giải quyết vấn đề; có thái độ tích cực trong thực thi công vụ (có phẩm chất chính trị, có đạo đức công xã hội, có đạo đức nghề nghiệp, có tầm nhìn chung). Tác giả Nguyễn Thị Hồng Hải (năm 2016)2 đưa ra quan điểm: xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng dựa trên các nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: đánh giá thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; việc thiết kế chương trình, nội dung tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, phương pháp và mức độ đáp ứng kỳ vọng của người học; về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng; quy trình đào tạo, bồi dưỡng; kinh phí đầu tư. Theo tác giả Nguyễn Văn Mạnh (năm 2017)3, cho rằng, các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gồm: kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ trong mỗi khóa đào tạo, bồi dưỡng, tỷ lệ học viên đạt xuất sắc, giỏi, khá trong từng khóa đào tạo, bồi dưỡng và hiệu quả công tác sau đào tạo, bồi dưỡng (kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng; thái độ, trách nhiệm, đạo đức; hiệu quả thực hiện công việc được giao).

Ngày 30/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BNV của quy định các tiêu chí đánh chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như sau:

Về chương trình, tài liệu: (1) Mục tiêu của chương trình được xác định rõ ràng; (2) Chuẩn đầu ra của chương trình được xác định rõ ràng, đáp ứng được các yêu cầu mà học viên cần đạt sau khi hoàn thành chương trình; (3) Nội dung tài liệu không trùng lặp với nội dung của các tài liệu khác; (4) Nội dung tài liệu bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; (5) Tài liệu được biên soạn bảo đảm cân đối giữa lý thuyết, câu hỏi thảo luận, thực hành và bài tập tình huống thực tiễn; (6) Tài liệu có cấu trúc, trình tự logic; ngôn ngữ, chính tả và thể thức đúng quy định; (7) Đóng góp của mỗi phần, mỗi chuyên đề trong tài liệu đối với việc đạt chuẩn đầu ra là rõ ràng; (8) Tài liệu được thiết kế, biên soạn dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình.

Yêu cầu đối với học viên: (1) Tích cực trao đổi, thảo luận nội dung các chuyên đề của khóa bồi dưỡng; (2) Tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tình huống thực tế trong thời gian học tập; (3) Thực hiện tốt các hướng dẫn học tập của giảng viên; (4) Thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Yêu cầu đối với giảng viên: (1) Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của giảng viên phù hợp với nội dung giảng dạy; (2) Giảng viên hướng dẫn, khuyến khích và phát huy kinh nghiệm thực tế của học viên trong quá trình học tập; (3) Giảng viên thực hiện đúng quy định của chương trình, tài liệu về thời gian giảng lý thuyết, thảo luận, thực hành và hướng dẫn giải quyết bài tập tình huống thực tiễn; (4) Giảng viên có biểu hiện tốt về tư tưởng chính trị; Giảng viên đối xử hòa nhã và có thái độ văn minh, lịch sự trong giao tiếp với học viên; (5) Giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra của chương trình.

Cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ: (1) Phòng học và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; (2) Tài liệu và đồ dùng giảng dạy, học tập đáp ứng yêu cầu của khóa học; (3) Các dịch vụ hậu cần phục vụ khóa học được cung ứng kịp thời, bảo đảm chất lượng; (4) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có tinh thần, thái độ và trách nhiệm phù hợp; (5) Các quy định về giảng dạy và học tập của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu bảo đảm đúng quy định của pháp luật được thông báo kịp thời, đầy đủ cho giảng viên, học viên; (6) Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập phù hợp, bảo đảm khách quan, chính xác.

Khóa bồi dưỡng: (1) Nội dung khoá bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của học viên; (b2 Khoá học mang lại sự thiết thực, hữu ích cho học viên; (3) Học viên chủ động, tích cực tham gia các hoạt động học tập của khóa bồi dưỡng; (4) Công tác giảng dạy của giảng viên được chuẩn bị tốt. đ) Khóa bồi dưỡng được tổ chức bài bản, khoa học; (5) Các điều kiện phục vụ cho khóa bồi dưỡng được Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu đáp ứng tốt.

Hiệu quả bồi dưỡng: (1) Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, hiểu biết của học viên đối với lĩnh vực đã học tập được nâng cao; (2) Học viên sử dụng kỹ năng được bồi dưỡng vào trong công việc đạt được tiến bộ; (3) Thái độ của học viên (đối với công việc, đồng nghiệp, cấp trên) có chuyển biến tích cực; (4) Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của học viên được nâng lên sau khi bồi dưỡng.

3. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức góp phần chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn của cán bộ, công chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế được đặt trong tổng thể công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, gần đây là Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 04/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước… Ngoài ra, còn được bồi dưỡng, trang bị các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số toàn diện; về phát triển dịch vụ, du lịch bền vững; xây dựng nông thôn mới; quản lý Logistics và Cảng biển; xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tỉnh luôn quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Giảng viên được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 737-QĐ/TU ngày 13/11/2017 về phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên để nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1048-QĐ/TU ngày 11/6/2018 về việc phân công các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành tham gia báo cáo viên kiêm chức, thỉnh giảng.

Đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh, trong nước, nước ngoài. Đối với các lớp mở tại tỉnh, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh được xem là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh; ngoài ra, còn có các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Trường Đại học Hạ Long…

Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đang ngày càng được nâng cao. Các cơ sở đào tạo áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong học tập, hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên theo quy định…

Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập được đầu tư ngày càng hiện đại, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp mở lớp hoặc cử công chức tham gia các lớp tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong và ngoài nước, như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cán bộ, công chức, sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao được kiến thức, kỹ năng, khẳng định, phát huy được trình độ, năng lực, đóng góp vào hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị và của tỉnh góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như: một số nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, thiếu thực tế, trùng lặp về nội dung, chưa được cập nhật thường xuyên; một số lớp đào tạo, bồi dưỡng tiến độ thực hiện chậm so với thời gian dự kiến trong kế hoạch (chủ yếu là các lớp nước ngoài); một số giảng viên chưa áp dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực, vẫn còn giảng một chiều, giảng viên kiêm chức phần lớn chưa được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ sư phạm, thường xuyên bận rộn vì công việc chuyên môn; vẫn còn tình trạng công chức sau khi đi học về kiến thức, kỹ năng không được cải thiện nhiều, hiệu quả công việc chưa tương xứng với bằng cấp, chứng chỉ được đào tạo; có trường hợp công chức được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, có năng lực nhưng sau đó lại xin nghỉ việc.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững. Nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh nhằm định hướng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng phát triển độỉ ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào giải quyết các tình huống thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; huy động tốt các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo; đổi mới, bổ sung nội dung, chương trình, tài liệu cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tác phong làm việc chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức, các nội dung về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học gắn với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ theo quy định đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có chuyên môn sâu.

Ba là, tăng cường đánh giá, kiểm tra kiến thức, kỹ năng, thái độ và hiệu quả làm việc của công chức sau khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng để tránh tình trạng học không hiệu quả hoặc học đối phó. Bên cạnh đó, cần bố trí, sử dụng công chức phù hợp với chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng để phát huy được hiệu quả làm việc, tạo cơ hội để công chức được thể hiện mình được thăng tiến, phát triển trong công việc.

5. Kết luận

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, thực hiện lâu dài, cần có sự phối kết hợp của các cơ sở đào tạo, các địa phương, đơn vị trong tỉnh; do vậy, để đạt được kết quả, các cơ quan tham mưu cần phải tổ chức tốt công tác phối hợp và phát huy ý thức trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục sự thiếu hụt các kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; cán bộ, công chức tự tin hơn trong công việc. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Chú thích:
1. Nguyễn Hữu Hải (2008). “Về tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo cán bộ, công chức”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, (số 9).
2. Nguyễn Thị Hồng Hải (2016). Hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay
. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 5/2016.
3. Nguyễn Văn Mạnh (2017). Tiêu chí đánh giá và điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tạp chí Lý luận chính trị, số 7/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ (2023). Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
2. Chính phủ (2017). Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.