Công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Bình Phước 

ThS. Lê Minh Phụng
Trường Đại học Khoa học sức khỏe 
CN. Thân Văn Hào
Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước 

(Quanlynhanuoc.vn) – Tin lành là một tôn giáo lớn trên thế giới và có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Trong quá trình tồn tại và phát triển ở Việt Nam, Tin lành đã chọn lựa các hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lý và lễ nghi được đơn giản hóa, quần chúng hóa. Ở nhiều nơi, đạo Tin lành đã thích nghi dễ dàng với phong tục tập quán của người địa phương, số lượng tín đồ đạo Tin lành ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nơi còn có những mâu thuẫn, bất cập cần có những giải pháp quản lý phug hợp. 

Từ khóa: Đạo Tin lành; giáo lý và lễ nghi; tâm lý, lối sống; phong tục tập quán; tỉnh Bình Phước.

1. Đặt vấn đề

Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Diện tích tự nhiên 6.857,35 km2, dân số khoảng hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20% với 41 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn, thuộc 7 huyện, 3 thị xã, 1 thành phố1.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và đạo Baha’I, với tổng số 357 cơ sở tôn giáo, 362 chức sắc, 2.160 chức việc và 243.203 tín đồ (chiếm khoảng 23% dân số của tỉnh)2. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thời gian qua, cơ bản diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từ thiện nhân đạo,… do trung ương và địa phương phát động.

2. Hoạt động của đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Bình Phước

a. Về số lượng tổ chức, hội viên đạo Tin lành

Đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay có 33 hệ phái (trong đó có 11 hệ phái được công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động); 87 chức sắc được công nhận; 646 chức việc; 64 tổ chức tôn giáo trực thuộc (Chi hội, Hội thánh). Trong đó có: 60 Chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam); 2 Hội thánh thuộc Giáo hội Báp-tít Việt Nam; 1 Chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam; 1 Hội thánh thuộc Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; 378 điểm nhóm đã đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; khoảng 66.330 tín đồ; 12 tổ chức tôn giáo trực thuộc đã có nhà thờ; 35 tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất; 11/11 huyện, thị xã, thành phố có đạo Tin lành, 82/111 xã, phường, thị trấn có đạo Tin lành3.

b. Về hoạt động của đạo Tin lành  

Thời gian qua, tình hình hoạt động của Đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh theo từng nhóm với những mục đính, tôn chỉ và quá trình hoạt động khác nhau. Cụ thể:

(1) Nhóm 1: gồm 11 hệ phái Tin lành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động.

Hoạt động của nhóm này chủ yếu là củng cố tổ chức; thành lập các đơn vị tôn giáo cơ sở; xin giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở thờ tự; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; thông báo phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc; đăng ký bổ nhiệm chức việc; đăng ký mở các lớp bồi dưỡng linh vụ, hiệp nguyện Bồi linh, thánh kinh căn bản; thông báo chức sắc, tín đồ đi đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo do các Tổng hội tổ chức; tăng cường hoạt động từ thiện xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đăng ký hoạt động từ thiện có yếu tố người nước ngoài; chia tách điểm nhóm thành lập nhóm mới…

Tình hình hoạt động của nhóm cơ bản ổn định, chức sắc, chức việc, trưởng nhóm, tín đồ chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về tôn giáo do các cấp tổ chức. Tình hình hoạt động của nhóm trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì theo hướng ổn định, các tổng hội sẽ tăng cường củng cố tổ chức, tích cực thu hút tín đồ tin theo bằng nhiều hình thức khác nhau. Một số tổng hội đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp; các hoạt động từ thiện tiếp tục được thực hiện với quy mô lớn và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thánh tại địa phương.

(2) Nhóm 2: gồm 22 hệ phái Tin lành chưa được Nhà nước công nhận.

Hoạt động của các hệ phái này không ổn định, hoạt động chủ yếu tuyên truyền lôi kéo tín đồ tham gia. Hệ phái tham gia công tác từ thiện xã hội tại những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các buổi thông công, giảng đạo tại các điểm nhóm, xây dựng, sửa chữa nhà nhóm… Đặc biệt, có mâu thuẫn nội bộ giữa các trưởng nhóm, tín đồ với người đứng đầu các hệ phái, có tình trạng chuyển sinh hoạt tôn giáo từ hệ phái này sang hệ phái khác. Một số hệ phái Tin lành thời gian qua ít hoạt động do khó khăn về tài chính, thiếu quan tâm đến đời sống và sinh hoạt tôn giáo của bà con tín đồ, qua đó cho thấy uy tín, sức ảnh hưởng đến các trưởng điểm nhóm, tín đồ một số hệ phái có phần mờ nhạt. Hiện tại, các hoạt động thời gian qua tạm ổn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

(3) Nhóm 3: các nhóm có hoạt động liên quan đến các hệ phái Tin lành mang màu sắc chính trị cực đoan (Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, Hội thánh Lutheran Việt Nam, Đấng Christ,…); một số đối tượng có tham gia lực lượng Fulrô và một bộ phận đồng bào theo đạo Tin lành từng bị ảnh hưởng của Tin lành Đề ga.

Đối với hoạt động của (Hội thánh Lutheran Việt Nam, Đấng Christ…), trong thời gian trước đây rất phức tạp, các trưởng nhóm vẫn lén lút liên lạc, móc nối với các thế lực bên ngoài để vận động tài chính cho nhóm tiếp tục sinh hoạt, xuất cảnh qua Campuchia để gặp gỡ hoạt động tôn giáo, không thông báo với chính quyền địa phương; số đối tượng tham gia Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ mới chỉ dừng ở mức độ tin theo và có hiện tượng móc nối với các điểm nhóm ở các tỉnh, thành phố khác để sinh hoạt. 

Số đối tượng có tham gia lực lượng Fulrô và một bộ phận đồng bào theo đạo Tin lành từng bị ảnh hưởng của Tin lành Đề ga, sau khi cơ quan chức năng phá vỡ và đưa các đối tượng ra giáo dục trước dân; các đối tượng đã nhận thức được sai phạm của mình, viết cam kết không tái phạm. Hiện nay, họ sống bình thường và sinh hoạt tôn giáo thuần túy như mọi công dân, tín đồ khác trong thôn, ấp. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương nơi cư trú. 

c. Những khó khăn, bất cập

Công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Tôn giáo Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể: 

(1) Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều thành phần dân tộc và dân cư cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số và có đạo cao. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, văn hóa đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo truyền đạo, lôi kéo bà con theo đạo ngày càng đông. 

(2) Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không được thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Điều đó dẫn đến việc một số chức sắc, tín đồ chưa hiểu rõ, thậm chí hiểu sai về chính sách tôn giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, do đó, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo thường bị động, lúng túng.

(3) Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác đối với đạo Tin lành. Công tác trao đổi thông tin, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để giải quyết các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng còn chưa chặt chẽ. Công tác nắm tình hình của chính quyền cơ sở có lúc thiếu nhạy bén, chưa kịp thời.

(4) Việc xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà nhóm của các điểm nhóm trong các hệ phái không xin phép diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng nhưng chưa có biện pháp xử lý.

(5) Các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề đạo Tin lành để kích động, xúi giục chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

(6) Nhận thức về lĩnh vực tôn giáo nói chung và công tác đối với đạo Tin lành nói riêng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có sự khác biệt, dẫn đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề tôn giáo có lúc chưa thống nhất.

3. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới

Trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới nhiều hình thức, lợi dụng việc thực hiện các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc để kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số chống lại các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”.

Với đặc thù là tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia, tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên và đồng bào theo đạo Tin lành đông, do đó, trong thời gian tới, hoạt động của các hệ phái Tin lành trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hệ phái Tin lành chưa được công nhận tư cách pháp nhân sẽ tăng cường các hoạt động phô trương thanh thế, phát triển tín đồ, củng cố vai trò, vị trí và mở rộng ảnh hưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hướng truyền giáo đến các tầng lớp thanh niên, sinh viên, tri thức và công nhân trong các khu công nghiệp. Tác động của đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh sẽ rộng thêm, số lượng người tin theo đạo sẽ tăng so với các tôn giáo khác. Chính vì vậy, giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo nói chung, đạo Tin lành nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian tới là vấn đề cần thiết, cấp bách. Cần tập trung vào một số nội dung sau: 

Thứ nhất, hằng năm xây dựng kế hoạch làm việc với các Tổng hội (Hội thánh) đạo Tin lành đã được công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động yêu cầu các tổ chức này củng cố tổ chức, hướng dẫn chức sắc, chức việc, trưởng nhóm, tín đồ chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương.

Thứ hai, nghiên cứu hướng dẫn chung về việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài được sinh hoạt tôn giáo thuần túy nhưng cần phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình hoạt động của đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chỉ ra được những kết quả tích cực cần phát huy và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Thứ tư, xây dựng kênh thông tin trong quản lý nhà nước để có những trao đổi thường xuyên với những cán bộ làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện để trao đổi những kinh nghiệm trong công tác, trao đổi thông tin về tình hình đạo Tin lành tại các địa phương. Cùng với đó, kết nối thông tin hai chiều với các đơn vị vũ trang tại tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cụm Điệp báo – Quân Khu 7) để cùng phối hợp trong công tác.

Thứ năm, tích cực tranh thủ các chức sắc, chức việc có uy tín của các Chi hội (Hội thánh) trên địa bàn tỉnh (là thành viên Ban lãnh đạo Chi hội; chức sắc, chức việc trong Ban Đại diện Tin lành tỉnh; chức sắc, chức việc có uy tín, ảnh hưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số) thường xuyên gặp gỡ trao đổi trực tiếp hoặc qua các kênh thông tin khác để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động và sinh hoạt tôn giáo của chi hội, chức việc, tín đồ trên địa bàn tỉnh. Thăm, tặng quà, gửi quà cho các chức sắc, chức việc có uy tín vào các dịp lễ Tết, lễ trọng. 

Thứ sáu, quan tâm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ đạo bộ phận tham mưu trực tiếp liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, nắm chắc địa bàn phụ trách về số lượng các hệ phái, chức sắc, chức việc, điểm nhóm (điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung), trưởng điểm nhóm, tín đồ; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý. 

Chú thích:
1. Bình Phước. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/6/2024.
2. Ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước (2023). Báo cáo số 214/BC-BTG ngày 24/9/2023 về tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2024). Báo cáo số 01/BC-UBND ngày 03/01/2024 về kết quả triển khai thực hiện công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2024). Công văn số 101/TGCP-TL ngày 26/02/2024 về việc triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về nghiên cứu xu hướng phức tạp mới trong dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành.
2. Bộ Nội vụ (2020). Kế hoạch số 659/KH-BNV ngày 10/12/2020 về công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2021 – 2030.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2021). Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 01/02/2021 về việc triển khai thực hiện công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2024). Công văn số 296/UBND-NC ngày 13/6/2023 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các điểm nhóm thuộc các hệ phái Tin lành được công nhận trên địa bàn tỉnh.
5. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/02/27/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-hoat-dong-xa-hoi-tu-thien-cua-cac-ton-giao-tren-dia-ban-tinh-thua-thien-hue.
6. Quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo và quản lý hoạt động tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/03/13/quan-diem-cua-dang-ve-cong-tac-ton-giao-va-quan-ly-hoat-dong-ton-giao-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc.