Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước 

Vũ Đức Hoan
Viện Chiến lược và Khoa học thanh traThanh tra Chính phủ

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết khái quát về tình hình tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; từ đánh giá thực trạng việc thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, qua đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Từ khóa: Doanh nghiệp; tổ chức; khu vực ngoài nhà nước; người đứng đầu doanh nghiệp; quản lý; phụ trách; trách nhiệm; tham nhũng.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, tình trạng tham nhũng ở các doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực ngoài nhà nước diễn biến khá phức tạp, tác động tiêu cực đến bản thân hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp và ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực công. Công tác phòng, chống tham nhũng doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực ngoài nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. 

Việc nhận thức rõ về doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; tình hình tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; qua đánh giá thực trạng và nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

2. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

2.1. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Khu vực ngoài nhà nước (còn gọi là khu vực tư) nhằm phân biệt với khu vực công (khu vực nhà nước). Trên thế giới có nhiều cách xác định, phân biệt, quan niệm về khu vực ngoài nhà nước nhưng tựu trung ở một điểm, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không thuộc quyền sở hữu hoặc điều hành của Chính phủ hay nói cách khác khu vực tư nhân được sở hữu, kiểm soát và quản lý bởi các cá nhân hoặc doanh nghiệp. 

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài tổ chức chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam và 6 tổ chức chính trị – xã hội (theo Hiến pháp năm 2013, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) thuộc khu vực công thì có hàng loạt các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức nhân đạo… dù không thực hiện bất cứ một quyền lực nhà nước nào (quyền lập pháp, quyền tư pháp, quyền hành pháp), bản chất là các tổ chức quần chúng, thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự đóng góp kinh phí hoạt động cũng như phục vụ nhu cầu của chính cộng đồng mình nhưng lại thuộc khu vực công bởi các tổ chức xã hội này vẫn sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo quy định khoản 9, 10 Điều 3  Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc các trường hợp sau: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội

Các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước mà Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 muốn tập trung hướng đến điều chỉnh chủ yếu tập trung vào các công ty đại chúng (khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019), tổ chức tín dụng (khoản 38 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024) và tổ chức xã hội (Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Báo cáo năm 2020 của Thanh tra Chính phủ, ở Việt Nam có 54.500 doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, trong đó thành lập mới 16 hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; 19 công ty đại chúng được đăng ký; 1 ngân hàng thương mại được cấp phép1

2.2. Người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Thông tư số 08/2007/TT-BNV ngày 01/10/2007 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ đã liệt kê rõ những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đối với khu vực doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì pháp luật Việt Nam chưa có một quy định cụ thể để xác định đâu là người đứng đầu. 

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đưa ra khái niệm người quản lý doanh nghiệp (tại khoản 24 Điều 4). Trong số những chức danh được quy định, có nhiều vị trí quan trọng có tính chất như người đứng đầu, gồm: chủ tịch Hội đồng thanh viên, chủ tịch công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra khái niệm: Người đại diện theo pháp luật của danh nghiệp”, đó là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Có thể thấy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp nhưng không phải tất cả những người quản lý doanh nghiệp đều là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chỉ những chức danh quản lý được điều lệ quy định mới là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Như vậy, việc xác định ai là người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức vẫn chưa chắc chắn.

Trong doanh nghiệp tư nhânngười quản lý là chủ doanh nghiệp tư nhân, giám đốc quản lý doanh nghiệp và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trong công ty hợp danh: gồm thành viên hợp danh, chủ tịch Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: bao gồm chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trong công ty cổ phần: chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Đối với với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện: người đứng đầu có thể xác định gồm: người Đại diện theo pháp luật của quỹ; chủ tịch, phó chủ tịch của Hội đồng quản lý quỹ; giám đốc và phó giám đốc quỹ và các chức vụ lãnh đạo khác (Điều 16, 26, 27, 28 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Tình hình tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Tham nhũng là một dạng tha hóa điển hình nhất của sự tha hóa quyền lực, do vậy cần phải kiểm soát quyền lực. Quyền lực không chỉ có trong khu vực nhà nước, gắn liền với hoạt động công vụ mà còn xuất hiện tại các doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước. 

Tình trạng một số cá nhân nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tài chính, tài sản của doanh nghiệp đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tiền, tài sản đó; sự thiếu minh bạch và giải trình trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân… ngày càng phổ biến. Họ có thể tham nhũng dưới các hình thức như: đòi hoa hồng; gửi giá; lại quả; đòi nhận lợi ích bất chính từ đối tác; gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư; gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào; gian lận giá bán đầu ra… Đặc biệt, đã xuất hiện loại tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng như tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán – giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…). Điển hình như vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (nay là Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương – OceanBank) năm 2016 hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) năm 2023 đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngân hàng, Nhà nước và các cổ đông. Đây là các vụ đại án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo xử lý quyết liệt. Vào năm 2020, tại Kiên Giang, qua thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước2. Mới nhất là vào ngày 30/9/2022,Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đã tuyên án tử hình đối với một kế toán trưởng một công ty nước ngoài về tội tham ô tài sản3.

Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa bổi, bổ sung năm 2017) đã quy định chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thu lợi bất chính về cho mình mà không phân biệt khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng xác định rõ 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và 3 hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước (tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi). Theo đó, các hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cũng được thực hiện bởi các chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện.

4. Quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là việc xem xét, áp dụng các hình thức trách nhiệm đối với người đứng đầu trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người đứng đầu. Trách nhiệm này không chỉ chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật của Nhà nước mà còn chịu sự điều chỉnh bởi chính các quy định của doanh nghiệp, tổ chức. Chế tài căn bản được áp dụng là sự bãi miễn, miễn nhiệm các chức danh mà người đứng đầu đang nắm giữ do sự bất tín nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức và áp lực từ phía cổ đông, nhân viên, người lao động, xã hội.

Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm: (1) Bảo đảm cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia; (2) Góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong hoạt động phòng, chống tham nhũng; (3) Góp phần hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Quy định của pháp luật xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra hành vi tham nhũng được đề cập ở Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, trong mọi người hợp, người đứng đầu luôn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức của mình.

Những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm thực hiện theo quy định pháp luật. Thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện; thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh; thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện và doanh nghiệp, tổ chức khi được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc khi có căn cứ theo quy định mà các cơ quan thanh tra bộ, tỉnh không tiến hành thanh tra (Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP). Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều sai phạm được phát hiện và kịp thời xử lý.

Điển hình, năm 2020, Bộ Nội vụ ban hành “Kế hoạch kiểm tra tổ chức, hoạt động của hội, quỹ” và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 49 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng… Qua thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25.560 triệu đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4.679 triệu đồng. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định, đã phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Kiên Giang (vụ Tổ trưởng Tổ tiếp tân khách sạn Vinnoas – Phú Quốc: tham nhũng 114 triệu đồng; vụ xảy ra tại siêu thị Nguyễn Kim: tham nhũng 6,6 tỷ đồng)4.

Năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết; việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Nhờ có sự triển khai kịp thời, đã góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước5. Điểm hạn chế ở đây là, mặc dù xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nhưng đến nay chưa ghi nhận một trường hợp người đứng đầu nào bị xử lý theo yêu cầu của pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về góc độ doanh nghiệp, công ty khu vực ngoài nhà nước, nghiên cứu thực tiễn quy định về việc trách nhiệm của người đứng đầu một số doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Vingroup, Techcombank…) cho thấy: Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị của các công ty, doanh nghiệp không có bất kỳ nội dung nào có thể làm cơ sở để xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Hầu hết các Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị cũng chỉ dừng lại ở những quy định chung chung như nếu vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ, các quy định của hợp đồng, các quy định nội bộ khác thì người đứng đầu sẽ bị xem xét kỷ luật theo điều lệ, quy định của doanh nghiệp bằng cách hình thức như bãi nhiệm, miễn nhiệm. 

5Giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước 

Việc đẩy lùi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ bổ sung các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Các văn bản pháp luật này cần quy định rõ về thẩm quyền xử lý đối với người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng; trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng (khi doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước xảy ra tham nhũng đã được tòa án ban hành bản án và có hiệu lực pháp luật thì cơ quan nào sẽ là người làm việc với người đứng đầu doanh nghiệp đó? Trình tự, thủ tục ra sao? Mức độ nào thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý, mức độ nào thì có tính chất nhắc nhở, cảnh cáo để doanh nghiệp tự xử lý? Hình thức xử lý như nào?). 

Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định nhằm động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tự hoàn thiện các quy định nội bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và trong xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nói riêng. Nên coi đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tổ chức và Nhà nước cần hạn chế tối đa ban hành các quy định có tính chất can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các doanh nghiệp, tổ chức này.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước. Định kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng kết quả kiểm tra, thanh tra tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức phát huy vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng; biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện tốt và cảnh báo công luận về các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chưa tốt hay không thực hiện. 

Ba là, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức. Khi doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người đứng đầu của họ nhận thức rõ được tác hại của tham nhũng cũng như trách nhiệm của mình khi để xảy ra tham nhũng họ sẽ tích cực và chủ động hơn trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng và xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan bao gồm cả đội ngũ lãnh đạo.

Bốn là, đưa vào danh sách hạn chế tiếp cận các dự án của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước để xảy ra tham nhũng. Các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng có thể sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận các dự án có sử dụng vốn đầu tư công. Thời hạn hạn chế nhiều hay ít (1 năm, 3 năm, 5 năm hay cấm vĩnh viễn) tùy thuộc mức độ tình hình tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức. Đây là “hình thức xử lý trách nhiệm” của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng một cách mềm dẻo nhưng vẫn phát huy hiệu quả và có sức răn re mạnh trong thực tiễn thay vì sử dụng các hình thức khác như hình sự, phạt tiền… Đối với những vụ tham nhũng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và hiệu quả quản lý nhà nước cần xử lý nghiêm theo pháp luật những người có trách nhiệm trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

6Kết luận

Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và trong nội quy, đeiều lệ hoạt động của các doanh nghiệp, công ty khu vực ngoài nhà nước cũng phải có những quy định nhằm phòng, chống tham nhũng. 

Chú thích:
1. Bích Lan, Bùi Hùng (2020). Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=48283
2. UBND tỉnh Kiên Giang (2020). Báo cáo số 279/BC-UBND ngày 06/8/2020 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
3. Vĩnh Kỳ (2022). Tuyên án tử hình kế toán trưởng tham ô tiền tỉ để đánh bạc. https://nld.com.vn/phap-luat/tuyen-an-tu-hinh-ke-toan-truong-tham-o-tien-ti-de-danh-bac-20220930174613754.htm
4. Chính phủ (2020). Báo cáo số 395/BC-CP ngày 03/9/2020 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
5. Chính phủ (2022). Báo cáo số 301/BC-CP ngày 06/9/2022 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019). Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Quốc hội (2015, 2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa bổi, bổ sung năm 2017).
3. Quốc hội (2024). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
4. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán năm 2019.
5. Quốc hội (2018). Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.