TS. Đoàn Thị Hòa
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Tiến trình chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà là một tiến trình tất yếu, đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng ở các lĩnh vực, từ khu vực công tới khu vực tư và toàn xã hội. Bài viết giới thiệu các giai đoạn phát triển của chính quyền điện tử, phân tích và đánh giá kết quả việc thực hiện các hình thức hoạt động, mô hình giao dịch trong chính quyền địa phương điện tử ở Việt Nam trong những năm qua.
Từ khóa: Hình thức hoạt động; mô hình giao dịch; chính quyền địa phương điện tử; chuyển đổi số.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam đã và đang thực hiện chiến lược hoàn thiện chính phủ điện tử nói chung và chính quyền địa phương điện tử nói riêng. Trong đó, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp chính quyền địa phương điện tử tăng tính công khai, minh bạch, cung cấp cho người dân và xã hội những dịch vụ tốt nhất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và cả nước.
2. Các giai đoạn phát triển của chính quyền địa phương điện tử
Việc phát triển chính quyền địa phương điện tử trải qua một số giai đoạn khác nhau. Qua từng giai đoạn (thực hiện và duy trì), tính phức tạp ngày càng tăng thêm nhưng giá trị mà chính quyền địa phương điện tử mang lại cho người dân và doanh nghiệp được tăng lên.
Các giai đoạn của chính quyền điện tử theo mô hình của Gartner xây dựng được sử dụng rộng rãi đã chỉ ra bốn giai đoạn của quá trình phát triển chính phủ điện tử.
Nhìn từ biểu đồ trên cho thấy, các giai đoạn thực hiện của chính quyền địa phương điện tử theo mức độ tăng lên, cụ thể như sau:
(1) Giai đoạn 1: Thông tin.
Trong giai đoạn đầu, các hoạt động của chính quyền địa phương điện tử được hiện diện trên trang web và cung cấp cho người dân, tổ chức các thông tin (thích hợp). Giá trị mang đến cho người dân, tổ chức có thể tiếp cận được thông tin của chính quyền, các quy trình minh bạch hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Với G2G (Nhà nước đến Nhà nước), các cơ quan chính quyền cũng có thể trao đổi thông tin với nhau bằng các phương tiện điện tử, như internet hoặc trong mạng nội bộ.
(2) Giai đoạn 2: Tương tác.
Ở giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C – Nhà nước đến người dân), giữa chính quyền và doanh nghiệp (G2B – Nhà nước đến doanh nghiệp) được thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Người dân có thể hỏi qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian. Thực tế, việc tiếp nhận đơn từ có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ trong ngày. Về mặt nội bộ (G2G; G2E – Nhà nước đến công chức), các tổ chức của chính quyền sử dụng mạng LAN, internet và thư điện tử để liên lạc và trao đổi dữ liệu. Giai đoạn này được triển khai theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
(3) Giai đoạn 3: Giao dịch.
Giai đoạn giao dịch này cho thấy tính phức tạp của công nghệ có tăng lên nhưng giá trị của khách hàng (trong G2C và G2B) cũng tăng. Các giao dịch hoàn chỉnh có thể thực hiện mà không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính. Chẳng hạn như các dịch vụ trực tuyến đăng ký thuế thu nhập, đăng ký thuế tài sản, gia hạn/cấp mới giấy phép, thị thực và hộ chiếu… , bên cạnh đó cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề an ninh và cá thể hóa, như chữ ký số (chữ ký điện tử) là cần thiết để cho phép thực hiện việc chuyển giao các dịch vụ một cách hợp pháp. Các quy trình nội bộ (G2G) phải được thiết kế lại để cung cấp dịch vụ được tốt. Chính quyền cũng cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn và quy chế mới cho phép thực hiện các giao dịch không sử dụng tài liệu bằng giấy.
(4) Giai đoạn 4: Chuyển hóa.
Đây là giai đoạn khi mọi hệ thống thông tin được tích hợp lại hoàn toàn, các dịch vụ điện tử không còn bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính. Giai đoạn này giúp công chúng có thể hưởng các dịch vụ G2C và G2B tại một bàn giao dịch (điểm giao dịch ảo). Điều này cũng chứng minh cho sự tiết kiệm chi phí, thời gian và đáp ứng nhu cầu khách hàng đã đạt được các mức cao nhất có thể được.
3. Các giai đoạn đến hình thức hoạt động, mô hình giao dịch trong chính quyền địa phương điện tử
Thứ nhất, hình thức hoạt động của chính quyền địa phương điện tử, gồm:
(1) Thư điện tử (email): việc sử dụng email giúp tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian và công sức trong quá trình làm việc của Chính phủ. Từ đó, Chính phủ có thể dễ dàng thông báo đến người dân trong nước một cách nhanh chóng và kịp thời. Điều này cũng yêu cầu mỗi cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước phải có địa chỉ email để cùng nhau trao đổi thông tin qua mạng.
(2) Mua sắm công: việc mua sắm trong Chính phủ điện tử được thực hiện thông qua các dịch vụ trực tuyến, qua đó bảo đảm tính minh bạch hơn trong việc sử dụng chi phí của Chính phủ, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí so với quá trình mua sắm trước đây.
(3) Trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange – EDI): là truyền tải dữ liệu từ máy tính gửi sang máy tính nhận thông qua các phương tiện truyền thông điện tử. Với EDI, hầu hết các quy trình phức tạp trước đây sẽ được xử lý nhanh chóng từ máy tính: đơn đặt hàng, vận đơn, yêu cầu báo giá, báo cáo nhận hàng và các tài liệu kinh doanh điện tử,… Từ đó, giúp Chính phủ tiết kiệm nhiều thời gian chi phí và tránh được những sai sót. Bên cạnh đó, EDI còn mang ưu điểm vượt bậc là có tính bảo mật cao.
(4) Tra cứu, cập nhật thông tin qua mạng: thông qua Internet và dịch vụ trực tuyến chính phủ có thể kịp thời và nhanh chóng cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp trong cả nước: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hướng dẫn thủ tục hành chính.
Thứ hai, mô hình giao dịch trong chính quyền địa phương điện tử, bao gồm 4 dạng dịch vụ Chính phủ, đó là:
(1) Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho người dân (G2C- Government to Citizen).
G2C được hiểu như khả năng giao dịch và cung cấp dịch vụ của Chính phủ trực tiếp cho người dân, như: tổ chức bầu cử của công dân, thăm dò dư luận, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, tư vấn, khiếu nại, giám sát và thanh toán thuế, hóa đơn của các ngành với người thuê bao, dịch vụ thông tin trực tiếp 24/7, phục vụ công cộng cũng như hỗ trợ người dân đối với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế, thông tin bệnh viện, thư viện và các dạng dịch vụ khác. Qua G2C sẽ giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công, bảo đảm sự liên lạc tốt hơn giữa Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp với người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tải xuống các biểu mẫu trực tuyến, truy cập vào các dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi.
(2) Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho doanh nghiệp (G2B- Government to Business).
Dịch vụ này bao gồm: dịch vụ mua sắm, thanh tra, giám sát doanh nghiệp (về đóng thuế, tuân thủ luật pháp,…); thông tin về quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, đấu thầu, xây dựng; cung cấp thông tin dạng văn bản, hướng dẫn sử dụng, quy định, thi hành chính sách nhà nước,… cho các doanh nghiệp. Đây là thành phần quan hệ cơ bản trong mô hình nhà nước là chủ thể quản lý vĩ mô nền kinh tế – xã hội thông qua chính sách, cơ chế và luật pháp, còn doanh nghiệp như là khách thể đại diện cho lực lượng sản xuất trực tiếp của cải vật chất của nền kinh tế.
Dịch vụ này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh doanh, làm tăng tính công bằng và minh bạch của các dự án, hợp đồng; giúp đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, hỗ trợ trong quá trình phê duyệt đối với các yêu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một dịch vụ cấp cao liên quan đến G2B, đó là mua sắm điện tử. Các nhà cung cấp trao đổi trực tuyến với Chính phủ để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ, như: các website mở và đấu thầu. Việc mua sắm điện tử bảo đảm cho quá trình đấu thầu trở nên minh bạch và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu đối với các dự án mua sắm lớn của Chính phủ. Hệ thống này giúp cho Chính phủ cắt giảm chi phí cho môi giới trung gian, chi phí hành chính cũng như các hoạt động trung gian khác.
(3) Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho cán bộ, công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp (G2E- Government to Employee).
Đây là dịch vụ chỉ các giao dịch trong mối quan hệ giữa Chính phủ đối với công chức, viên chức bảo hiểm, dịch vụ việc làm, trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe, nhà ở… Cho phép các công chức, viên chức có thể truy cập thông tin liên quan về chính sách lương thưởng và lợi ích, cơ hội đào tạo và học tập và kiểm tra số dư nghỉ phép và xem xét hồ sơ thanh toán tiền lương một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Ngoài ra, G2E giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với những lĩnh vực đầy thách thức và sự thay đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ thông tin và truyền thông.
(4) Dịch vụ chính phủ điện tử trao đổi giữa cơ quan trong Chính phủ với nhau và giữa các Chính phủ (G2G- Government to Government).
Thể hiện khả năng phối hợp, chuyển giao và cung cấp các dịch vụ một cách có hiệu quả giữa các cấp, ngành, tổ chức, bộ máy nhà nước trong việc điều hành và quản lý nhà nước, trong đó bản thân bộ máy của Chính phủ vừa đóng vai trò là chủ thể và khách thể trong mối quan hệ này.
G2G cấp nội bộ là các giao dịch giữa Chính phủ với các chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan. G2G cấp quốc tế là các giao dịch giữa các chính phủ các quốc gia bằng cách giao tiếp và hợp tác trực tuyến. Các cơ quan chính phủ có thể làm việc cùng nhau, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài nguyên chung cho tất cả các quốc gia thành viên. Mục đích quan trọng của phát triển G2G là tăng cường và cải thiện quy trình tổ chức liên chính phủ. Việc sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ khác nhau để chia sẻ hoặc tập trung hóa thông tin, hợp lý hóa các quy trình kinh doanh liên chính phủ có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Toàn bộ hệ thống quan hệ, giao dịch đều phải được đặt trên một hạ tầng vững chắc của hệ thống: độ tin cậy (trust), khả năng bảo đảm tính riêng tư (privacy) và bảo mật – an toàn (security) và cuối cùng tất cả đều dựa trên hạ tầng công nghệ và truyền thông với các quy mô khác nhau: mạng máy tính, mạng Intranet, Extranet và Internet.
4. Ứng dụng thực tiễn trong hoạt động quản lý, chỉ đạo của chính quyền địa phương điện tử
Để vận hành hiệu quả các ứng dụng, các nền tảng, các cơ sở dữ liệu, chính quyền địa phương điện tử được vận hành trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật tương thích được bảo đảm an toàn thông tin, cùng với đó là các hoạt động quản lý, chỉ đạo của chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương điện tử.
(1) Hạ tầng kỹ thuật:
– Cung cấp máy tính, mạng, thiết bị, an toàn thông tin, cơ sở vật chất để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: thiết bị phần cứng/phần mềm và cơ sở hạ tầng mạng (mạng diện rộng của tỉnh (WAN, MAN); mạng cục bộ (LAN); mạng riêng ảo (VPN); kết nối Internet).
– Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ, gồm: các máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, cáp mạng, nguồn điện, thiết bị làm mát, quản lý (môi trường, an ninh, vận hành).
– An toàn thông tin: là thành phần xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai các thành phần của chính phủ điện tử cần được triển khai đồng bộ ở các cấp.. Việc triển khai chữ ký số trong hệ thống chính trị phục vụ công tác an toàn, an ninh thông tin do Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức thực hiện.
– Quản lý và giám sát dịch vụ: thành phần này giúp cho các dịch vụ hoạt động trơn tru, hiệu quả và cũng giúp tăng tính sẵn sàng của toàn bộ hệ thống.
(2) Quản lý chỉ đạo:
Công tác chỉ đạo, tổ chức, xây dựng các chính sách, các chuẩn, hướng dẫn, đào tạo, truyền thông để triển khai kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trong thực hiện hoạt động chuyển đổi số, mô hình giao dịch điện tử của chính quyền địa phương điện tử, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong nội tại, cần có biện pháp cải thiện, cụ thể là:
Thứ nhất, hiện chưa có sự đồng bộ về kiến trúc, công nghệ, tiêu chuẩn cho các hệ thống ứng dụng, dữ liệu và hạ tầng nền tảng do yếu tố lịch sử để lại. Các hệ thống thông tin rời rạc này đã và đang phát sinh nhiều dữ liệu “thô”. Nguồn dữ liệu này tuy phong phú nhưng thiếu nhất quán, thiếu lưu trữ lịch sử, khó khăn truy cập và khó tích hợp nên chưa chuyển đổi được thành thông tin hữu dụng để chia sẻ, hỗ trợ công tác quản lý và điều hành. Do vậy, các sở, ban, ngành và đơn vị trực thuộc tỉnh, thành phố cần triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành một cách đồng bộ, nhịp nhàng, thông suốt nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tác nghiệp cấp bách cho đơn vị.
Thứ hai, các ứng dụng công nghệ thông tin theo ngành dọc chưa có sự phối hợp và kế hoạch phân công triển khai một cách chặt chẽ giữa các bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Một số ứng dụng do các sở,ban, ngành tỉnh tự phát triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ cấp bách không phát huy được hiệu quả, trong khi các chức năng ứng dụng theo ngành dọc của các bộ, ngành lại không đủ chức năng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và báo cáo đặc thù của tỉnh, thành phố. Do đó, để đáp ứng tốt yêu cầu về liên thông, kết nối giữa các ứng dụng, các tỉnh, thành phố cần triển khai các trục liên thông kết nối giữa các hệ thống ứng dụng làm nền tảng cho việc chuẩn hóa, tự động hóa quy trình và đơn giản thủ tục hành chính cho người dân.
Thứ ba, do chưa đáp ứng tốt yêu cầu về chia sẻ, dùng chung dữ liệu nên các dữ liệu chưa được chuẩn hóa và chưa có sự chia sẻ rộng rãi giữa các đơn vị, làm cơ sở cho việc liên thông về nghiệp vụ và đơn giản thủ tục hành chính cho người dân; nhiều dữ liệu còn nằm trên giấy tờ…, vì vậy, bên cạnh việc tăng cường đầu tư trang thiết bị máy tính của một số UBND cấp xã, phường, thị trấn để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản trị, điều hành, ra quyết định.
Thứ tư, hệ thống an ninh thông tin đang được đầu tư nhỏ lẻ ở mức các hệ thống cơ bản như tường lửa, phần mềm diệt virus. Do đó, cần xây dựng các quy trình chặt chẽ về an ninh thông tin để triển khai thực hiện.
Thứ năm, số lượng cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố khá lớn song trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng tiếp nhận, sử dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính của đội ngũ thực thi công vụ chính quyền địa phương trong thời gian qua chưa tạo ra được đồng bộ và chuyển biến rõ nét trên toàn tỉnh. Năng lực phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác quản trị, ra quyết định chưa được hình thành. Công tác báo cáo số liệu còn mang tính thủ công, một phần hỗ trợ qua hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, thành phố. Do vậy, cần có sự báo cáo đầy đủ, kịp thời các số liệu mang tính tổng hợp cao về tình hình hiện tại hoặc dự báo xu hướng của các vấn đề có phạm vi toàn tỉnh, thành phố và toàn ngành.
(6) Số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là số lượng người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhiều, một phần do các dịch vụ công chưa được thuận tiện cho người sử dụng, chưa được cung cấp trên nền tảng thiết bị di động, một phần vì nhiều dịch vụ công vẫn chưa hoàn toàn liên thông, người dân và doanh nghiệp vẫn phải tới cơ quan nhà nước để được đối chiếu với hồ sơ chứng từ gốc, do đó, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố cần ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại địa phương. Một số địa phương, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai đã có những thành công bước đầu trong triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng nhờ vào việc xây dựng và ban hành các quy chế thực hiện gửi nhận văn bản trên mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Một phần là do có sự đồng thuận giữa các sở, ban, ngành trong việc thực hiện các quy trình hành chính điện tử và qua đó, bảo đảm tính pháp lý và là nền tảng cho việc xây dựng các ứng dụng của chính quyền điện tử tại địa phương.
Ngoài ra, việc liên thông, kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành chưa được thực hiện, đặc biệt các ngành có nhiều hồ sơ, như: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Bảo hiểm…, do các cơ quan này sử dụng phần mềm riêng, chưa sẵn sàng tích hợp, liên thông với hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh, thành phố, dẫn tới một công việc phải nhập liệu nhiều lần để thực hiện thống kê, báo cáo và theo dõi. Chính vì vậy, bên cạnh việc bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc.
5. Kết luận
Việt Nam đã và đang thực hiện chiến lược vừa hoàn thiện chính phủ điện tử, đồng thời xây dựng chính phủ số gắn liền với xây dựng thành phố thông minh, trong đó có chú trọng các hình thức hoạt động, mô hình giao dịch của chính quyền địa phương điện tử nói riêng để bảo đảm vận hành tổng thể các giá trị của tiến trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực của chính quyền địa phương các cấp, từ đó góp phần thành công của chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2020 (ICT Vietnam Index 2020). H. NXB Thông tin và truyền thông.
2. Chính phủ (2019). Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
3. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 03/6/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử năm 2023
5. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
7. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.