ThS. Phan Nguyễn Cẩm Tú
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng thương hiệu là vấn đề đã và đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng về vai trò của thương hiệu, còn lúng túng trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số đã tác động đến phương thức hoạt động kinh tế mà các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều phải có định hướng phát triển mới. Vì vậy, tạo dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp trong nền kinh tế số được xem là quá trình đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và sự đầu tư thích đáng của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số bùng nổ hiện nay.
Từ khóa: Thương hiệu; kinh tế số; chuyển đổi số; doanh nghiệp; hội nhập.
1. Đặt vấn đề
Việc Việt Nam chưa có thương hiệu đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài ngay trên thị trường nội địa, một phần là do đa số doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ về thương hiệu và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Ở tầm quốc gia cũng chưa có một chương trình tổng thể nhằm tăng cường hình thức và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển các thương hiệu tại Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 2020 – 2022, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến cuộc sống hằng ngày của người dân cũng như hoạt động sản xuất – kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã đẩy nhanh giao dịch trong mọi mặt của đời sống bằng công nghệ, trong đó có công nghệ số để phát triển kinh tế số. Một trong những xu hướng nổi bật trong giai đoạn này là sự phổ biến của hoạt động mua bán trực tuyến.
Theo Bộ Công Thương, năm 2020, có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng gần 51% so với năm 2014. Con số này tiếp tục tăng lên 54,6 triệu người vào năm 2021 và đạt khoảng 57 – 60 triệu người vào năm 2022. Báo cáo của Bộ Công Thương năm 2021, tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEDx cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Từ năm 2020 – 2022, thương mại điện tử là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hoạt động kinh tế số cũng như gắn kết thương hiệu quốc gia1.
2. Những vấn đề cơ bản về thương hiệu
Một là, hiểu về thương hiệu.
Về cơ bản, có 2 cách tiếp cận với định nghĩa thương hiệu, đó là thương hiệu sản phẩm và thương hiệu tổ chức.
(1) Thương hiệu sản phẩm.
Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ định nghĩa: “Thương hiệu là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ hay tổng thể các yếu tố kể trên nhằm phân biệt sản phẩm, dịch vụ của người bán này với sản phẩm và dịch vụ của người bán khác. Một thương hiệu có thể xác định một sản phẩm, một chuỗi các sản phẩm hoặc tất cả các mặt hàng của người bán”2.
(2) Thương hiệu tổ chức.
Souiden, Kassim, và Heung-Ja (2006) định nghĩa thương hiệu tổ chức là những gì nổi bật nhất, tạo dấu ấn sâu đậm nhất của tổ chức đó đối với khách hàng, đối tác và công chúng; thương hiệu tổ chức bao gồm: tên tổ chức, hình ảnh tổ chức, danh tiếng tổ chức và sự cam kết/lòng trung thành của tổ chức đối với khách hàng, nhân viên và mục tiêu phát triển thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm3.
Các nghiên cứu về cơ bản đều thống nhất một số nội dung khi đề cập đến thương hiệu, đó là: (1) Dấu hiệu nhận biết và phân biệt (có thể là bất kỳ dấu hiệu gì, thậm chí vượt ra ngoài tiếp cận của các nguồn lực về sở hữu trí tuệ); (2) Hình ảnh được tạo dựng thông qua nỗ lực của doanh nghiệp để cho thấy vị thế nhất định của họ và những vượt trội của sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng ra thị trường; (3) Uy tín trong quá trình cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp; (4) Tài sản quan trọng, quý giá nhất của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của các tác giả D.A. Aker và K.L. Keller (1990) thì thương hiệu cần phải hiểu là bất kỳ dấu hiệu gì để phân biệt một cách rõ ràng nhất sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác và tạo dựng ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp về sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Vì thế, các tác giả này khi nói về thương hiệu luôn đề cập đến vấn đề tạo ra sự khác biệt và những giá trị cảm nhận khác biệt cho sản phẩm của mình nhằm cố định một hình ảnh trong tâm trí khách hàng quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp4.
Các công trình nêu trên cũng đưa ra những khác biệt giữa thuật ngữ nhãn hiệu (Trademark) và thương hiệu (Brand), theo đó nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng chủ yếu trong môi trường pháp lý, được quy định trong các quy định pháp luật, trong khi thuật ngữ thương hiệu lại chủ yếu được sử dụng trong môi trường kinh tế, đặc biệt là marketing và quản trị kinh doanh, có nghĩa rộng và “thoáng”, ít bị “gò bó” hơn nhiều so với nhãn hiệu. Thương hiệu được nhắc đến và gắn liền với quá trình tạo dựng hình ảnh cho sản phẩm và doanh nghiệp, trong khi nhãn hiệu được quản lý theo quy định pháp luật.
Trong ấn phẩm của tác giả Richard More, với cách tiếp cận doanh nghiệp muốn đạt được danh tiếng và lợi nhuận phải xuất phát từ việc tạo dựng và quản trị thương hiệu, không phải đơn thuần là đặt cho sản phẩm một cái tên dễ đọc, dễ nhớ mà doanh nghiệp bằng công sức, tiền của, trí tuệ, tài năng để xây dựng, gìn giữ, bảo vệ và phát triển thương hiệu5.
Hai là, giá trị của thương hiệu.
Giá trị của thương hiệu tập trung vào giá trị tài chính của một thương hiệu và thường được tính bằng cách định giá thương hiệu như một tài sản. Đây là số tiền mà một thương hiệu có thể được bán hoặc giá trị ròng mà nó mang lại cho doanh nghiệp. Brand value thường được xác định bằng cách so sánh thương hiệu với các đối thủ cạnh tranh và đo lường tầm quan trọng của nó trên thị trường. Giá trị của thương hiệu gồm các yếu tố: giá trị thị trường, giá trị tài sản, giá trị thu nhập6.
Thực tế cho thấy, đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, tài sản đáng giá nhất của không phải là tài sản hữu hình, như: nhà xưởng, thiết bị và bất động sản mà là tài sản vô hình, như: kỹ năng quản lý, nhân lực, chuyên môn về tài chính, khả năng điều hành và quan trọng nhất chính là thương hiệu. Như vậy, thương hiệu là một tài sản vô hình có giá trị cần được quan tâm và đầu tư thích đáng.
Những đầu tư về thương hiệu có thể mang lại cho sản phẩm những đặc điểm và thuộc tính riêng có nhằm phân biệt nó với những sản phẩm khác trên thị trường. Thương hiệu có thể cam kết tiêu chuẩn hay đẳng cấp chất lượng của sản phẩm và đáp ứng mong muốn của khách hàng, giúp họ tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm một cách dễ dàng và thuận tiện. Lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng cho phép công ty dự báo cũng như kiểm soát thị trường tốt hơn. Hơn nữa, nó tạo nên một rào cản, gây khó khăn cho các công ty khác muốn xâm nhập thị trường. Mặc dù các quy trình sản xuất và các thiết kế sản phẩm có thể dễ dàng bị sao chép lại, nhưng những ấn tượng của người tiêu dùng với từng sản phẩm đã có thương hiệu vững chắc trên thị trường qua nhiều năm thì không thể dễ dàng sao chép lại như vậy.
3. Những tác động của nền kinh tế số đối với việc phát triển thương hiệu ở Việt Nam hiện nay
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại nhiều thay đổi mạnh mẽ trên toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các quốc gia trong việc tiếp cận và thực hiện công cuộc chuyển đổi số, tạo ra không gian phát triển, bao gồm: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc nhận diện vai trò của kinh tế số đối với nền kinh tế để thấy được tác động đến việc phát triển thương hiệu hiện nay:
(1) Áp lực mở rộng thị trường từ tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng năng lực sản xuất dưới sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.
Kinh tế số tạo ra tiềm năng tăng trưởng cao thông qua việc khai thác các ứng dụng công nghệ mới và sáng tạo trong kinh doanh. Cung cấp cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu và tạo ra các ngành công nghiệp mới. Từ đó, đòi hỏi việc phát triển thương hiệu chính là cầu nối cho việc mở rộng thị trường.
Kinh tế số cho phép sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tổ chức và quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh. Các công nghệ như: trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…, có thể nâng cao năng suất lao động và nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất. Năng lực sản xuất gia tăng có nghĩa doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, việc cung ứng sản phẩm thuận lợi hơn. Đây chính là nền tảng để các doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng định vị và nâng tầm thương hiệu của mình.
(2) Những yêu cầu ngày càng khắt khe dưới góc độ quyền của người tiêu dùng.
Kinh tế số cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn và tăng cường quyền đàm phán của họ. Người tiêu dùng có khả năng so sánh giá cả, tìm kiếm thông tin sản phẩm/dịch vụ và mua hàng trực tuyến dễ dàng thông qua nhận diện thương hiệu. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể khẳng định vị trí của họ trong lòng khách hàng thông qua một thương hiệu uy tín và chất lượng.
(3) Đòi hỏi sự đổi mới và tính sáng tạo trong khởi nghiệp từ nền tảng một thương hiệu cố định.
Kinh tế số tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới và khởi nghiệp. Với sự phát triển của các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và truyền thông xã hội, việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn và người sáng tạo có thể tiếp cận tài nguyên, thị trường một cách nhanh chóng. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tính đổi mới, sáng tạo trong việc tạo dựng thương hiệu chỉ có thể thành công khi được vận hành trên một nền tảng công nghệ số ổn định và bền vững.
(4) Hoàn thiện nhanh hơn hoạt động phát triển chính phủ điện tử góp phần chuẩn hóa quy trình xây dựng thương hiệu.
Kinh tế số thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử, trong đó các dịch vụ công cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của chính quyền trong cung ứng dịch vụ công. Qua đó, việc đăng ký và sử dụng thương hiệu được thuận lợi và hiệu quả hơn.
(5) Tác động của quá trình mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Kinh tế số giúp doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tiếp cận với khách hàng, nhà cung cấp trên toàn cầu. Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, thâm nhập vào các thị trường mới, nâng cao giá trị thương hiệu của mình.
Kinh tế số cũng giúp doanh nghiệp, tổ chức đổi mới, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác dưới góc độ xây dựng giá trị thương hiệu.
4. Chiến lược phát triển thương hiệu trong nền kinh tế số
(1) Ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các bản sắc trực quan.
Bản sắc riêng bằng màu sắc, biểu tượng hoặc những câu biểu ngữ, hoặc những thứ khác phù hợp với dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, là những vấn đề các doanh nghiệp cần ưu tiên khi triển khai chiến lược thương hiệu cho tổ chức mình. Bộ nhận diện thương hiệu, như: logo, slogan, banner,website…, là những phương tiện để khách hàng nhận biết, từ đó tạo sự hứng thú và quan tâm của khách hàng đến doanh nghiệp. Nhờ ưu thế vượt trội của công nghệ số, thay đổi bộ nhân diện thương hiệu theo hướng này để phản ánh sự phát triển của doanh nghiệp.
(2) Tạo các cảm xúc phù hợp.
Tạo các cảm xúc phù hợp có thể ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng ghi nhớ thương hiệu sản phẩm. Cách các doanh nghiệp, tổ chức khơi gợi cảm xúc ở khách hàng mục tiêu có thể ảnh hưởng đến nhận thức của họ đối với thương hiệu, điều này có thể giúp ích nhiều hơn cho nỗ lực xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Dưới góc độ tâm lý học, một số nghiên cứu cho rằng, khách hàng sẽ sử dụng cảm xúc nhiều hơn là thông tin khi đánh giá một thương hiệu.
(3) Mạng xã hội – công cụ đắc lực trong truyền thông thương hiệu.
Mạng xã hội là một công cụ không cần phải bàn luận nhiều về tính hiệu quả về tốc độ lan truyền thông tin. Việc xây dựng thương hiệu trên các nền tảng số này sẽ giúp dễ dàng thu hút khách hàng có liên quan vào kênh bán hàng bằng cách khiến họ tin tưởng vào thương hiệu của doanh nghiệp đó. Các nền tảng truyền thông xã hội giúp người tiêu dùng chia sẻ quan điểm, ý kiến của họ về thương hiệu dẫn đến quá trình tương tác lành mạnh và hữu ích với tổ chức.
(4) Thanh toán và ưu đãi với quy trình đơn giản.
Thanh toán không tiền mặt bằng các công cụ số không chỉ giúp các doanh nghiệp quản lý nguồn tiền một cách đơn giản, hiệu quả hơn mà còn đa dạng hóa việc tiếp cận các đối tượng khách hàng. Việc ứng dụng các hệ thống thanh toán di dộng đơn giản, linh hoạt, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tạo dựng uy tín trong việc cung ứng dịch vụ của mình. Ngoài ra, việc áp dụng các chiến lược chăm sóc khách hàng bằng các chương trình thẻ thành viên, tích lũy điểm để nhận ưu đãi vào lần mua tiếp theo bằng các hệ thống trực tuyến cũng sẽ giúp thương hiệu của doanh nghiệp đó ngày càng phát triển.
(5) Nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng các cải tiến về giao diện ứng dụng số.
Trong các chiến lược phát triển thương hiệu thì đây là chiến lược mạo hiểm nhưng mang lại thành công vượt bậc nếu doanh nghiệp sở hữu một đội ngũ giàu năng lực chuyên môn, cập nhật công nghệ hiện đại vào website hay các ứng dụng số của doanh nghiệp. Các ứng dụng số hay website phải bảo đảm tính nhất quán, cập nhật thông tin thường xuyên và rõ ràng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tối ưu hóa dung lượng các ứng dụng này nhằm giảm tối đa thời gian tải các ứng dụng, xây dựng luồng hành vi khách hàng rõ ràng, hợp lý và sắp xếp bố cục trang web dựa theo những phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu. Các cải tiến về giao diện ứng dụng số có tác động tạo đà, quyết định khách hàng có thanh toán cho quá trình mua hàng trên các nền tảng số của doanh nghiệp hay không.
(6) Xây dựng văn hóa thương hiệu.
Xây dựng văn hóa thương hiệu bắt đầu từ việc tích cực liên kết và tài trợ cho những sự kiện truyền bá văn hóa, như: thể thao, nghệ thuật, âm nhạc…, để quảng cáo sản phẩm. Điều quan trọng nhất doanh nghiệp nên làm là tạo sự độc đáo để nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh.
Xây dựng thương hiệu là một quá trình liên tục và có thể mất nhiều thời gian để cho thấy kết quả phù hợp. Nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, tăng doanh số bán hàng ổn định và tạo điều kiện quảng bá dịch vụ của doanh nghiệp tới những khách hàng tiềm năng mới.
5. Một số khuyến nghị đối với việc phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính phủ điện tử, tạo điều kiện để việc đăng ký và quản lý thương hiệu một cách căn bản, hiệu quả.
Cần sớm hoàn thiện Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Có như vậy, quy trình đăng ký, sử dụng, mở rộng thương hiệu của các doanh nghiệp thuận lợi và dễ dàng hơn. Một khi dữ liệu mở được quản lý chặt chẽ, bài bản trong nền kinh tế ứng dụng công nghệ cao thì việc phát triển sản phẩm, phát triển thương hiệu mới đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế tri thức sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng, bởi việc quản lý thương hiệu xuất phát từ một cơ sở dữ liệu bền vững.
Cần tập trung hoàn thiện việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai… Đây là cơ sở doanh nghiệp tham khảo khi thu thập thông tin về khách hàng và phân khúc thị trường phù hợp. Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các cơ sở dữ liệu quốc gia cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; cổng thanh toán quốc gia…, để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp.
Thứ ba, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ khi đăng ký và sử dụng thương hiệu.
Song song với giải quyết vấn đề về nhận thức, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với việc giải quyết các vấn đề cấp thiết đến lợi ích của doanh nghiệp, cụ thể: đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một cách nhanh chóng nhất; tăng cường cơ chế thực thi pháp luật, xử lý nghiêm mọi vi phạm về sở hữu thương hiệu (hàng giả, hàng nhái…); hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về xây dựng quảng bá thương hiệu.
Thứ tư, Chính phủ cần tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia (nhãn sản phẩm quốc gia) tại thị trường trong nước và thị trường ngoài nước. Ý tưởng của chương trình thương hiệu quốc gia là Nhà nước sẽ đứng ra bảo trợ cho thương hiệu có chất lượng và uy tín kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình vươn tầm thế giới.
6. Kết luận
Có thể nói, việc tạo dựng và phát triển thương hiệu trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, trước hết phải làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về thương hiệu, giúp doanh nghiệp ý thức được rằng việc cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, cạnh tranh bằng giá cả là chưa đủ mà còn phải có một chiến lược hoàn chỉnh để xây dựng một chỗ đứng thương hiệu của riêng mình. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiến thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp, đưa thương hiệu thành một phần của nền văn hóa kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần tránh những quan niệm sai lầm, như: chi tiêu quá mức vào thương hiệu trong khi bỏ qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tránh những ngộ nhận rằng cứ tạo ra nhãn hiệu là tạo được giá trị gia tăng mà phải giải quyết được mọi vấn đề của doanh nghiệp, như khả năng cạnh tranh, uy tín và vị thế trên thị trường mới là điều quan trọng.
Chú thích:
1. Duy Vũ (2021). 49,3 triệu người Việt mua sắm trực tuyến. https://vietnamnet.vn/493-trieu-nguoi-viet-mua-sam-truc-tuyen-i290303.html
2. Philip Kotler (1994). Marketing Management. Prentice – Hall International INC.
3. Souiden, N., Kassim, M. N., & Heung-Ja, H. (2006). The effect of corporate branding dimensions on consumers’ product evaluation: A cross-cultural analysis. European Journal of Marketing, 40(7/8), 825 – 845.
4. D. Aaker, Keller, K.L. (1990). Consumer evaluations of brand ex–tensions. Journal of Marketing, 45.
5. Richard Moore Associates (2023). Kiến tạo chiến lược hình ảnh thương hiệu. NXB Dân trí.
6. Trinh Đặng (2023). Brand Equity vs Brand Value: Giá trị thương hiệu và giá trị của thương hiệu. https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/333117-Brand-Equity-vs-Brand-Value-Gia-tri-thuong-hieu-va-gia-tri-cua-thuong-hieu
7. Đặng Thị Việt Đức (2020). Kinh tế số – Thực trạng và hướng phát triển tại Việt Nam ( Sách chuyên khảo). NXB Sách Đại học – Dạy nghề.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Anh Cường (2003). Tạo dựng và quản trị thương hiệu, danh tiếng và lợi nhuận. H. NXB Lao động – Xã hội.
2. Trần Giang Sơn (2019) (Biên dịch). Thời đại công nghệ 4.0. NXB Hồng Đức.
3. Phạm Quang Sỹ (2015). Giáo trình Tổng quan về thương hiệu và liên kết thương hiệu. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Trần Cao Tùng (2023). Thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/06/thuong-hieu-viet-nam-tren-ban-do-the-gioi/