TS. Phạm Thị Giang
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong quản trị nhà nước đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết khái quát về quản trị nhà nước hiện đại từ góc độ tiếp cận của quản trị nhà nước, vai trò của chuyển đổi số, thách thức và một số giải pháp của chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại.
Từ khóa: Chuyển đổi số; vai trò; thách thức; quản trị nhà nước; quản trị nhà nước hiện đại.
1. Khái quát về quản trị nhà nước hiện đại
Quản trị nhà nước truyền thống luôn nhấn mạnh đến vai trò quản trị nhà nước thông qua việc ban hành, thực thi các quy tắc quản trị bằng bộ máy chức nghiệp và mối quan hệ nội bộ trong nhà nước hoặc liên quan đến nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức của toàn cầu hóa đã tác động trực tiếp, đa diện, liên kết với nhau trên các mặt của đời sống xã hội buộc vai trò của nhà nước phải có những thay đổi nhất định để ứng phó với những biến đổi của xã hội. Sự thay đổi nhận thấy rõ nhất là các tổ chức liên nhà nước, các bên liên quan và chính quyền địa phương tham gia vào quá trình quản trị toàn cầu. Đây là biểu hiện của sự dịch chuyển trong quản trị nhà nước, trở thành xu hướng tất yếu và là thành tố cơ bản cho việc thiết kế thể chế và hoạt động của nhà nước hiện đại.
Với sự dịch chuyển trên, có thể hiểu, quản trị hiện đại là sự thiết lập các quy tắc cho việc ra quyết định tập thể, bao gồm: các chủ thể độc lập, tổ chức, không có những hệ thống kiểm soát chính thức sắp đặt, tính bắt buộc cho mối quan hệ giữa các chủ thể độc lập và tổ chức đó1. Trong thực tế, quản trị diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau về quyền lực và việc ra quyết định, từ thể chế quốc tế thông qua mối quan hệ công – tư tới các mạng lưới cụ thể. Với cách tiếp cận về quản trị hiện đại này, quyền lực nhà nước không chỉ được thực hiện thông qua cưỡng chế, mệnh lệnh, kế hoạch mà còn được thể hiện thông qua quan hệ đối tác, mạng lưới và đoàn kết2.
Xu hướng của quản trị nhà nước hiện đại thể hiện: (1) Phi quy chế hóa nhà nước (chuyển đổi hình thức quản lý lãnh thổ và dân cư sang hình thức kết hợp mối quan hệ công – tư hợp tác trong hoạch định thực thi chính sách); (2) Đa dạng hóa các mô hình quản trị nhằm bảo đảm hiệu quả trong điều kiện môi trường ngày càng phức tạp; (3) Chuyển đổi dần từ hệ thống quản trị nhà nước truyền thống sang mô hình quản trị mạng lưới, bao gồm hệ thống thể chế được sắp đặt, kết nối theo chiều dọc, chiều ngang nhằm đa dạng hóa nguồn lực; (4) Quyền lực được phi chính trị hóa hoặc được tách bạch giữa thể chế, chính trị và chính sách, nhà nước mở rộng sự tham gia của các chủ thể khác nhau vào việc ra quyết định; (5) Đa dạng các hình thức, phương pháp quản trị từ trực tiếp, mệnh lệnh sang quản trị gián tiếp.
Do đó, quản trị nhà nước hiện đại là sự điều tiết quá trình xây dựng và thiết lập các quy tắc quản trị với sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội nhằm điều chỉnh hành vi (hoạt động) của con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, do cơ quan nhà nước thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của người dân và duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội.
Từ 5 xu hướng quản trị nhà nước hiện đại, có thể nhận rõ các đặc trưng cơ bản sau3:
Một là, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quản trị nhà nước để thu hẹp khoảng cách giữa công dân và chính quyền; hệ thống quản trị nhà nước giảm tầng nấc trong hoạt động để hiệu quả hơn; việc ra quyết định, phối hợp, hợp tác trong thực thi hành pháp có căn cứ khoa học hơn do được cung cấp thông tin một cách toàn diện.
Hai là, trong điều kiện môi trường luôn biến động, quản trị nhà nước hiện đại luôn thay đổi và thích nghi, đặc biệt trong tái cấu trúc bộ máy.
Ba là, phân chia chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định rõ ràng gắn với trách nhiệm của các chủ thể; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ nhưng không giảm dịch vụ.
Bốn là, luôn tái tạo (thiết kế) lại tổ chức bộ máy phù hợp với mạng lưới và ứng dụng công nghệ.
2. Vai trò của chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong đó công nghệ số là: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và chuỗi khối (Cloud Computing)4. Quản trị nhà nước hiện đại là sự dịch chuyển từ phương thức quản trị nhà nước truyền thống sang quản trị hiện đại, do đó, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước, từ việc lấy nhà nước làm trung tâm sang lấy công dân làm trung tâm, đề cao vai trò phục vụ và là nền tảng của quản trị nhà nước hiện đại nên rất cần có sự hỗ trợ từ các thành tựu khoa học – kỹ thuật để thay thế quy trình làm việc thủ công. Hay nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4,0 có tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có quản trị nhà nước.
Quản trị nhà nước hiện đại dựa trên các quan điểm và sử dụng các phương pháp, thành tựu mới nhất của khoa học – công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số vào thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của quản trị nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, lợi thế cạnh tranh cho kinh tế – xã hội của đất nước phát triển nhanh, bền vững và phục vụ người dân tốt hơn. Với cách tiếp cận mới về quản trị nhà nước hiện đại này sẽ đề cao việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy sự phát triển ứng dụng các thành tựu công nghệ vào quản trị, nhất là chuyển đổi số nhằm tạo dựng môi trường quản trị hiện đại hiệu lực, hiệu quả, như:
(1) Chính phủ sẽ ứng dụng các công nghệ số vào để hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp được công khai, minh bạch hơn.
(2) Thông qua chuyển đổi số, nhà nước sẽ có hệ thống dữ liệu mở trên cở sở đó tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của nhà nước.
(3) Chuyển đổi số là cơ sở thúc đẩy nền quản trị có sự tham gia, hợp tác giữa nhà nước và nhân dân, ủng hộ người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng phối hợp để ban hành và thực thi chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Đồng thời, tạo cơ hội để người dân được tham gia vào việc quyết định quản trị của nhà nước, điều này thể hiện sức mạnh tập thể để quản trị nhà nước đạt được hiệu quả hơn5.
3. Một số thách thức của chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam hiện nay
Bên cạnh vai trò của chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại, đem lại môi trường hiệu quả, hiệu lực hơn thì quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức sau:
Thứ nhất, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số mà còn là sự thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen, dám chấp nhận cái mới. Quá trình này đòi hỏi quản trị quốc gia phải có bước chuyển kịp thời, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của nền quản trị hiện đại nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực truyền thống và các nguồn lực mới do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Do vậy, việc thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước và đặc biệt là bộ máy hành chính nhà nước luôn là vấn đề rất khó khăn với tất cả các quốc gia trong môi trường luôn thay đổi6.
Thứ hai, trong bối cảnh chuyển đổi số, với việc ứng dụng công nghệ số, việc xử lý thông tin chủ yếu do Al nên nhiều thiết chế nhà nước trở nên thừa, Nhà nước cần có sự điều chỉnh, chuyển đổi từ “người chèo lái thuyền”, sang “người hoa tiêu”. Bên cạnh đó, quan hệ lao động có sự thay đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện, đi liền với đó mô hình kinh doanh cũ mất đi và robot hóa nhiều vị trí việc làm, đặt ra thách thức trong bố trí và đào tạo lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Thứ ba, tính thứ bậc và mệnh lệnh hành chính là một chuẩn mực mang tính đặc trưng riêng có của bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Tính thứ bậc là chuẩn mực quan trọng để bảo đảm cho bộ máy hành chính vận hành một cách thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng chính là một trong những rào cản đối với những yêu cầu, đặc trưng mới của công cuộc chuyển đổi số, đó là tính đột phá, tốc độ, sáng tạo, điện tử… Đây là trở ngại đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có năng lực ứng dụng công nghệ mới; đổi mới lề lối, tác phong làm việc hiện đại, năng động để phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ tư, việc ứng dụng AI cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bảo đảm tính minh bạch, chính xác, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, độ tin cậy của hệ thống vận hành; việc đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
Thứ năm, vấn đề bảo đảm an ninh đang đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với chính phủ các nước trong thời đại chuyển đổi số. Trước những biến đổi của công nghệ, các vấn đề về an ninh tư tưởng, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị như “không gian mạng”, “chiến tranh mạng”, “chủ quyền không gian mạng”, “tội phạm công nghệ cao”, “truyền bá tư tưởng”… Đây là mặt trái của sự phát triển công nghệ số đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước.
4. Giải pháp thực hiện chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại
Một là, đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch; đồng thời, thu hút sự tham gia của người dân vào quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đây là một trong những cách tiếp cận tư duy mới về quản trị nhà nước (sự dịch chuyển từ cai trị sang phục vụ) phục vụ cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Quản trị nhà nước hiện đại với chuyển đổi số được coi là một trong những nền tảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là định hướng cho nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác.
Hai là, quản trị nhà nước theo hướng hiện đại đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với những đặc trưng, chuẩn mực của quản trị nhà nước hiện đại. Trong đó, việc xây dựng khung năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ dựa trên bằng cấp được đào tạo, bồi dưỡng mà phải kết hợp với việc rèn luyện, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công tác. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ này phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, luôn sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới, hiện đại, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.
Bốn là, cần có những đột phá về quản lý phát triển công nghệ và phát triển thị trường khoa học – công nghệ. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tư nhân tham gia phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, chuyển từ nhập khẩu sang sáng tạo và làm chủ công nghệ nguồn, nhất là công nghệ thông tin, đưa khoa học – công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng.
Chú thích:
1, 4. Vasudha Chotray and Gerry Stoker (2009). Governance Theory and Practice: A Cross-Disciplinary Approach, Palgrave Macmillan.
2. Bob Jessop: The State Past, Present, Future, Polity, 2016, tr. 166 – 169.
3. Global Agenda Council on the Future of Government – World Economic Forum (2011). The Future of Government Lessons Learned From Around The World.
5. Open Data and Improving Governance: Isses of Measurement, Open Data Research Network. http://www.opendatareserch.org/content/2013/546/.
6. Đặng Minh Tuấn, Vũ Thị Linh (2019). Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị công: những thuận lợi và thách thức từ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng trên thế giới và Việt Nam”. H. NXB Tư pháp, tr. 34.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2017). Quản trị tốt lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Chuyển đổi số và thách thức đối với thực thi quyền lực nhà nước. https://tcnn.vn/news/detail/60790/Chuyen-doi-so-va-thach-thuc-doi-voi-thuc-thi-quyen-luc-nha-nuoc.html, ngày 24/8/2023.
3. Quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số. http://vjst.vn/vn/tin-tuc/4490/quan-tri-quoc-gia-trong-boi-canh-chuyen-doi-so.aspx, ngày 19/4/2021.