ThS. Kiều Văn Nam
Trường Đại học FPT
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một kho tàng lý luận cách mạng vô cùng phong phú, đặc biệt là tư tưởng về phòng, chống tham nhũng. Bài viết trình bày những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tham nhũng và vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể tăng cường phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phòng, chống tham nhũng hiện nay là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “cần, kiệm, liêm, chính” là những phẩm chất cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Người cho rằng, tham nhũng không chỉ là lực cản đối với nền kinh tế, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện tại, khi tham nhũng trở thành một vấn nạn nhức nhối, việc áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh giúp nhấn mạnh tính gương mẫu, trong sạch, liêm khiết của lãnh đạo và cán bộ, từ đó nâng cao đạo đức công vụ và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích việc giáo dục ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và đấu tranh chống lại các hành vi tiêu cực, không chỉ giúp xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng
2.1. Đặc điểm và đối tượng tham nhũng
Vấn đề tham nhũng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được nhìn nhận là một trong những tệ nạn lớn nhất, có sức tàn phá mạnh mẽ đối với sự phát triển của quốc gia và mỗi dân tộc. Người nhấn mạnh rằng tham nhũng thường xuất hiện ở những người có quyền lực, những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và chỉ rõ đặc điểm và đối tượng của nó bằng cách tiếp cận tham nhũng ở góc độ nghiên cứu chủ thể của nó. Một loạt những bài báo của Người nhằm lên án những kẻ làm quan, những kẻ có chức có quyền với những hành vi bỉ ổi, lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để “ăn hối lộ”, “nhận hối lộ”, để mua danh, mua chức, điển hình như: “Ông Buđinô là một nhà khai hoá điển hình; một quan cai trị chuyên ăn hối lộ”1. Cũng có nghĩa là đặc điểm của tham nhũng chỉ có thể là những người có chức vụ và quyền hạn, lợi dụng chức vụ và quyền hạn để làm lợi cho bản thân. Tai hại hơn nữa, những kẻ này còn mặc kệ Nhân dân đói khổ mà không chịu chống “cường hào ác bá”.
Nhận thức được đối tượng tham nhũng là những kẻ có chức có quyền, Người đã căn dặn cán bộ phải biết tiết kiệm, quý trọng của công, chống tham ô và đề cao vai trò của một người cán bộ tốt như vị tướng ngoài trận mạc: “Cán bộ là tướng của đoàn thể. Cán bộ làm đúng kế hoạch của đoàn thể, có mưu trí, được quần chúng tin yêu kiên quyết, gan góc, giữ đúng kỷ luật, biết làm cho dân chúng cùng đoàn thể sống chết mà không sợ nguy hiểm như thế mới là tướng giỏi của đoàn thể”2. Người coi cán bộ là dây chuyền của bộ máy, vì vậy “nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”3. Cán bộ cũng là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được, đây là một nhận thức vô cùng sâu sắc và toàn diện về tham nhũng, cũng là biện pháp hiệu quả để xây dựng một xã hội công bằng và trong sạch.
2.2. Các biểu hiện của tham nhũng
Tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những biểu hiệu hết sức rõ ràng, đó là: tham nhũng tiền bạc, của cải vật chất; tham nhũng thời gian; tham nhũng danh và quyền lực.
Về tham nhũng tiền bạc, của cải, vật chất. Người nhấn mạnh, cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách, nêu gương “cần kiệm liêm chính”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của Nhân dân; phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí”4. Không được tư lợi, không được xâm phạm tới một chút đồng xu, hạt thóc,… hay những tài sản của quốc gia, của Nhân dân để làm lợi riêng, những tài sản này phải phục vụ Nhân dân và cán bộ phải có “cần kiệm liêm chính” để tự soi sáng, tự chỉnh đốn, không được tư lợi bản thân.
Khi đề cập tới góc độ coi tham nhũng là tham nhũng thời gian, chiếm đoạt thời gian của Nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “trong mọi công việc, phải tính toán cân nhắc cẩn thận. “Thì giờ là vàng bạc”. Phải kiên quyết chống thói hội họp lu bù, mất thì giờ, hại sức khỏe mà không kết quả thiết thực”5. Người căn dặn cán bộ phải cân nhắc cẩn thận, tránh mất thời gian chung, việc gì không tìm ra hướng khắc phục thì phải họp, phải đưa lên để tìm giải pháp, không họp nhiều mà mất thời gian, tiền bạc, của cải của Nhân dân mà ngay cả những người tham gia hội họp sức khỏe cũng tổn hại. Không được kéo dài thời gian xử lý công việc, làm được việc gì phải làm ngay, không cho phép cán bộ kéo dài thời gian, “việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày”6. Đây là hành vi có tội với Nhân dân và làm tổn hại đến Chính phủ.
Trong tất cả dấu hiệu của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rất nghiêm trọng về “tham nhũng quyền lực”. Theo Người, tham nhũng quyền lực chính là “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”7. Đây là căn bệnh có lẽ là nguy hiểm nhất, bởi không những ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống mà còn rất tai hại cho Đảng, còn làm hại đến sự thống nhất trong Đảng, làm Đảng bớt mất nhân tài, trù diệt nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí và gây ra những mối nghi kỵ lẫn nhau. Tham nhũng quyền lực tạo ra những bè cánh vụ lợi, những lợi ích nhóm của một số người và xâm phạm đến lợi ích của quốc gia dân tộc. “Chính phủ là gia đình trị, tham nhũng, độc đoán và đã gian lận trong bầu cử…”8. Trong Chính phủ có “cả nhà, cả gia đình đều làm quan” khiến cho người tài thực sự không được trọng dụng; việc che chắn cho nhau làm lũng loạn nền chính trị, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, đánh giá, thực hiện công bằng xã hội.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dấu hiệu tham nhũng thể hiện sự nhạy bén và sâu sắc trong nhận diện và phòng chống tệ nạn này, từ việc chỉ rõ những hành vi, như: lãng phí của công, tham ô tiền bạc, vật chất đến lợi dụng chức quyền, thiếu minh bạch và ưu ái người thân, đây là những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực và đạo đức. Quan điểm này không chỉ nhấn mạnh vào các hành vi cụ thể mà còn phản ánh tầm nhìn toàn diện về sự liên kết giữa quyền lực và đạo đức. Sự nhận diện chính xác và chi tiết đó đã giúp đặt nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn thể Nhân dân trong giám sát và phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ cấp bách và liên tục để bảo vệ sự trong sạch của bộ máy nhà nước.
2.3. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân của tham nhũng từ ngay trong bản thân của mỗi người: “Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra”9.Vì vậy, chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính thì chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ. Phải phát huy tinh thần phụ trách, nêu gương “cần kiệm liêm chính”, “không xâm phạm, tư lợi một đồng xu, hạt thóc của Nhân dân; “phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí”10. Cần chống lại cái tôi cá nhân, đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, chống lại “con người bên trong” của mỗi người; hay nói cách khác thì chống tham nhũng là cuộc chiến “ta chống lại chính ta”.
Nguyên nhân của tham nhũng xuất phát từ sự suy thoái đạo đức và tha hóa quyền lực của một số cán bộ, đảng viên. Khi có quyền lực trong tay, những người này dễ bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, dẫn đến lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, tham nhũng còn bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch, thiếu giám sát chặt chẽ trong quản lý nhà nước và những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về nguyên nhân của tham nhũng thể hiện sự phân tích sâu sắc và toàn diện cội nguồn từ sự suy thoái đạo đức, tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.Những người này khi có quyền lực trong tay sẽ dễ dàng bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, dẫn đến hành vi lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, tham nhũng còn còn bắt nguồn từ những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và quản lý.
Tư tưởng Hồ Chí Minh nhìn nhận sâu sắc về nguyên nhân của tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những yếu tố cá nhân, như: sự suy thoái đạo đức và tha hóa quyền lực mà còn nhấn mạnh đến những lỗ hổng trong hệ thống quản lý và pháp luật. Người kêu gọi một cuộc đấu tranh toàn diện và bền bỉ, kết hợp giữa việc xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, chặt chẽ và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
2.4. Vai trò, tác dụng của phòng, chống tham nhũng
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tham nhũng là một trong những yếu tố gây hại nặng nề nhất đối với sự phát triển của một quốc gia, là hiểm họa của những vấn đề kinh tế – xã hội khác. Người đã sớm nhìn thấy được tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.Đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn là nhân tố chính quyết định đến sự công bằng, minh bạch và phát triển bền vững. Phải tẩy sạch vấn nạn tham nhũng để trả lại cho chúng ta một môi trường liêm chính, chỉ còn những người cán bộ nhiệt huyết, tận lực, tận tâm với Nhân dân. Triệt để xóa bỏ nạn tham nhũng thì mới bảo vệ được uy tín và sự vững mạnh của Đảng và Nhà nước. Người nói: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi”11.
Phòng, chống tham nhũng là yếu tố then chốt để duy trì sự uy tín và vững mạnh của Đảng, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân, mục tiêu xây dựng một xã hội không tham nhũng, trong đó mọi người đều có cơ hội bình đẳng, quyền lợi được bảo đảm và pháp luật được thực thi công bằng. Đây là nền tảng để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, tạo ra tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của Nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tiến tới hội nhập quốc tế. Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng không chỉ mang tính thời sự mà còn là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.5. Biện pháp phòng, chống tham nhũng
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, Người đề ra những biện pháp cụ thể trên từng mặt trận khác nhau:
Trên mặt trận chính trị: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chính phủ là người đày tớ trung thành của Nhân dân”12, làm cán bộ không phải làm quan cách mạng mà phải là người phục vụ Nhân dân, hết lòng hết sức vì sự nghiệp cách mạng. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là thực hiện dân chủ. Để làm tốt dân chủ thì mỗi người dù ở bất cứ cương vị nào đều phải làm tốt nhiệm vụ và công việc của mình, “Bộ đội không ngại hy sinh xương máu để kháng chiến cứu nước. Đồng bào không ngại hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến cứu nước. Chiến sĩ gửi tính mệnh mình, đồng bào gửi công, gửi của mình trong tay Chính phủ và Đoàn thể, để kháng chiến kiến quốc”13. Phải dựa vào lực lượng quần chúng để làm cách mạng thì mới thành công, đồng thời phải nếu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, làm sạch mình từ trong tư tưởng, “tự mình chống tham ô, lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy đó là tội ác xấu xa, ai cũng gớm cũng ghét. Cần phải đấu tranh trừ bỏ tội ác đó”14.
Trên mặt trận kinh tế: Chủ tịch Hồ Chỉ Minh cho rằng, để có được thành quả cách mạng, xây dựng đất nước thì Nhân dân phải lao động, làm lụng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để góp phần xây dựng của công. Đây là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của Nhân dân ta. Trong việc phòng, chống tham nhũng trên mặt trận kinh tế, có ba phương diệnquan trọng: nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt công tác này quan hệ mật thiết với nhau, “Thương nghiệp là cái khâu trung gian gắn bó mật thiết nông nghiệp với công nghiệp”15… và “phải chống tham ô lãng phí cũng như cảnh giác chống địch phá hoại…”16.
Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào phòng, chống tham nhũng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đầu tiên là “đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc khắp mọi ngành và mọi nơi”17. Mỗi ngành, nghề đều phải giữ cái tâm trong sạch. Người căn dặn một đồng chí trong ngành xuất bản sách: “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”5. Người cũng đề ra phong trào “thi đua giết giặc, chiến sĩ đánh giặc phải tiếc hạt gạo, chiến sĩ công nhân phải tiết kiệm nguyên vật liệu chớ hoang phí. Chính phủ và Đoàn thể hết sức chống bệnh quan liêu, chống tham ô”18. Trên Báo Cứu quốc số 1986, ngày 05/01/1952 đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
4. Một số giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng là một vấn đề xã hội phức tạp và nhức nhối mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam, vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng, chống tham nhũng là vô cùng cấp bách. Theo đó, có thể vận dụng một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó các quy định pháp luật cần rõ ràng, minh bạch và có hiệu lực cao để xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không để lọt tội phạm, không có vùng cấm.
Thứ hai, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu, trung thực và liêm khiết. Vì vậy, công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn được chú trọng. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ Nhân dân.
Thứ ba, tăng cường sự giám sát của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Người cho rằng, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”19. Do đó, cần tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát, phản ánh và tố cáo các hành vi tham nhũng. Đồng thời, có cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin từ người dân một cách kịp thời, minh bạch và hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong Đảng và các cơ quan nhà nước cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra phải hoạt động độc lập, khách quan và có đủ quyền hạn để phát hiện, xử lý các trường hợp tham nhũng.
Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội, đoàn thể, như: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ,… đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những tổ chức này cần tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Sự kết hợp giữa hệ thống pháp luật nghiêm minh, ý thức trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên, sự giám sát của Nhân dân và các tổ chức xã hội sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam đấu tranh hiệu quả với tham nhũng, xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch và phát triển bền vững.
5. Kết luận
Cùng với những biến chuyển của dòng chảy lịch sử, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng vẫn có sức sống mãnh liệt, là tài sản tinh thần vô cùng giá trị cả về cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết vấn nạn tham nhũng vốn là một thách thức lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho nhận thức và hành động để toàn Đảng, toàn dân xây dựng một nền tảng chính trị vững chắc cho sự công bằng, minh bạch và phát triển của đất nước. Vận dụng tư tưởng của Người không chỉ là áp đặt một triết lý mà còn là việc thấu hiểu, thay đổi cách suy nghĩ và hành động hằng ngày của mỗi người trong việc phòng, chống tham nhũng, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với tương lai tươi sáng của đất nước mà Người hằng mơ ước.
Chú thích:
1, 12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 170, XX.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 559.
3, 7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 68, 297.
4, 5, 10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.70.
6, 9, 11, 13, 14, 17, 18. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 356, 36, 355, 362, 343, 476, 553.
8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 664.
15,16. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. XIII, 294.
19. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 280.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Phần I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/26/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-giai-doan-hien-nay/
4. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giặc ở trong lòng” – vận dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/25/quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-giac-o-trong-long-van-dung-trong-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-quan-lieu-hien-nay/